Chuyên đề

Cà-phê Hoài cổ

07:45, 13/12/2014 (GMT+7)

Phía trước Ga Đà Nẵng có một chiếc đầu máy xe lửa cũ kỹ trông như một tượng đài của ngành đường sắt, đối diện với đó qua đường Hải Phòng là một quán cà-phê trưng bày toàn đồ cũ. Khách chờ tàu ghé vào, vừa “giết thời gian” vừa có thể quay về ngày hôm qua với những hoài niệm đáng yêu.

Một góc trưng bày đồ dùng Kinh, Thượng, Á, Âu ở cà-phê Hoài cổ. Ảnh: V.T.L
Một góc trưng bày đồ dùng Kinh, Thượng, Á, Âu ở cà-phê Hoài cổ. Ảnh: V.T.L

Anh Nguyễn Mạnh Cường nguyên là nhân viên tàu Thống Nhất, bán cà-phê gần 20 năm, nhưng chỉ mới đặt tên quán là “Hoài cổ” hơn 3 năm nay, khi trưng bày những đồ cũ mà anh sưu tầm được để tạo một nét riêng như một số địa chỉ khác trên đất Đà thành như: cà-phê sách, cà-phê hoa, cà-phê chim...

Nhất máy may, nhì xe máy

Lúc bé thơ, Cường thường hay ngắm nghía, “nghiên cứu” cách vận hành của chiếc máy may hiệu Singer do ba anh mua tặng chị mình. Chị cắt mẫu, Cường 8 tuổi đã biết mày mò ráp các loại áo quần. Cái máu “mê” máy may ăn vào người từ bé nên lớn lên đi đâu cũng để ý đến chân máy may và quyết tâm lùng sục chúng. Trên gác của quán, anh hiện có gần 20 chân máy may cũ, trong đó hơn một nửa làm chân bàn. Ngoài chân máy hiệu Singer nổi tiếng của Pháp, có chân máy hiệu Nicchi của Ý rất hiếm, loại này nếu bán ve chai cao tay cũng chỉ 300 nghìn đồng, nhưng thấy anh cần, họ hét lên trên 1 triệu, cò kè bớt một thêm hai, cuối cùng anh mang về với giá 1,2 triệu. Khách cà-phê nghe anh kể cũng khiếp.

Ai cũng cần đến áo quần nhưng có mấy người được đạp bàn đạp máy may để cảm nhận cái vòng quay đôi lúc kêu cọc cạch ấy tạo động lực để làm nên những đường kim mũi chỉ trên trang phục mình mặc. Đến quán, khách vừa uống cà-phê vừa... đạp máy may. Rất “độc”!

Xe máy cũng là đam mê khó bỏ của anh. Độc đáo có loại chạy dây cua-roa như Mobylette, loại máy treo phía trước vừa là xe đạp vừa là xe máy như Velo Solex... Có loại Velo Solex “cổ chai” rất độc đáo, gọi thế là do cái yên ngồi thắt lại như cổ chai bia. Vì quá “ghiền” mà 3 năm trước anh mua chiếc Velo Solex “chưa cắt chỉ” ở Hà Nội giá 35 triệu đồng. Chạy chiếc xe được mệnh danh là “chuyên gia làm mòn lốp” này trên đường phố rất “oách”. Mỗi lần dừng lại đèn đỏ, người đi đường thấy anh cưỡi “con ngựa sắt” này cứ tưởng là xe đạp điện. Đến khi nghe tiếng tưng tưng của động cơ hai thì vang lên cùng với mịt mù khói trắng thì họ lại tưởng có cái gì cháy!

Độc đáo nhất là chiếc Xít-đờ-ca với tiếng máy “bành bạch” êm tai rất đặc trưng. Xít-đờ-ca (sidecar, tiếng Anh, có nghĩa là xe ba bánh có thuyền) chủ yếu được sử dụng trong các lực lượng vũ trang, trông rất “ngầu”. Anh “tậu” chiếc Xít-đờ-ca Nga năm rưỡi nay. Hàng thanh lý, mua về phải cải tạo lại mới chạy được, trước sau mất gần 90 triệu đồng. Chưa hết, để có thể đàng hoàng “vi vu” trên đường phố mà không sợ Công an giao thông thổi còi, anh đã phải nhờ anh em trong hội chơi xe Hà thành giới thiệu ra Hưng Yên thi lấy giấy phép. Mấy lần ra vô, tốn kém thêm gần 10 triệu đồng nữa anh mới có được giấy phép lái xe 3 bánh và thẻ vận động viên mô-tô của Liên đoàn Xe đạp - mô-tô thể thao Việt Nam.

Chủ quán cà-phê Hoài cổ Nguyễn Mạnh Cường: Mong Đà Nẵng có một CLB sưu tầm đồ cũ.
Chủ quán cà-phê Hoài cổ Nguyễn Mạnh Cường: Mong Đà Nẵng có một CLB sưu tầm đồ cũ.

Đam mê trên từng cây số

Chơi đồ cũ, mê món nào rồi là tối về ngủ không được, trằn trọc, trăn trở như nhớ người yêu, cố nghĩ ra cách để sở hữu cho bằng được. Anh Cường kể, mấy lần lên Tây Giang, Đông Giang, bạn bè thỏa sức đi chơi, nhưng anh thì cứ chằm hăm “lăn” vào bếp đồng bào người dân tộc thiểu số xem có cái gùi, cái cung, cái nỏ hay dụng cụ sản xuất nông nghiệp nào thì năn nỉ hỏi mua. Đang đi trên đường mà thấy có người gùi lá cây là cũng đón lại hỏi mua, được giá là họ đổ lá cây ra đưa gùi cho anh mang về.

Gần 300 hiện vật anh trưng bày ở quán, trong đó có một số thứ do khách mang đến, không hẳn tặng mà cũng chẳng mua bán. Như cái máy ảnh trước 1975 của Mỹ, nếu mua cũng trên 1,5 triệu đồng, nhưng một người khách bán chỉ 200 nghìn đồng, nói là để lẻ loi một mình ở nhà thấy tội quá, mang đến “đoàn tụ” cùng các loại máy ảnh khác cho đủ bộ. Cái ti-vi trắng đen của một ông khách cũng thế, để ở nhà thì phí quá, mang đến quán trưng bày cho “hoành tráng” hơn. Thỉnh thoảng ông này đến uống cà-phê, khoe với bạn cái ti-vi đó là của tau. Vậy là “sướng” rồi.

Nói về máu đam mê đồ cũ, đồ cổ thì già trẻ đều có. Khách thường quan tâm đến các đồ gia dụng hằng ngày trong đời sống gia đình. Nhiều khách trung niên có tâm hồn hoài cổ ghé quán, lân la hỏi thăm cách sưu tầm, góp nhặt rồi đi tìm đồ cũ giúp anh. Sinh viên đến quán nhiều người “ngồi đồng” mãi, cứ bảo rằng quán có quá nhiều đồ vật mà mình không biết, không được dùng tới.

Những chiếc bình, chén của bộ tách trà xưa treo lủng lẳng trên trần nhà, thoạt nhìn cứ tưởng những quả bầu, quả bí tí hon hay những cái camera gắn lên để theo dõi... khách uống cà-phê. Các loại đĩa hát vẽ những vòng tròn lên tường bên cạnh những chiếc máy quay đĩa cũ kỹ hay những bộ âm-ly của những năm 70 thế kỷ trước, giàn máy Teac với băng cối khét tiếng một thời. Chúng đã thôi chạy từ lâu, rất lâu rồi, nhưng trong gian phòng chưa đến 50m2 ấy, những người có lòng hoài cổ về một thời thiết bị nghe nhìn còn lạc hậu, vẫn cảm nhận những giai điệu của ngày hôm qua chừng như âm vang đâu đó.

Trên các mảng tường là loạt ảnh đen trắng thời Pháp thuộc chụp ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn,… Chỉ đơn giản hai màu vậy thôi nhưng gợi lại biết bao ký ức của khung trời ngày xưa, dù cho người xem chưa từng sống qua thời gian đó. Chiếc đèn cũ hắt một chút ánh sáng vô hình trên cái bầu đèn đã xám màu thời gian.

Những xe đạp, xe máy với lỉnh kỉnh các phụ kiện chiếm diện tích không nhỏ trong căn phòng vốn chẳng to lớn gì, nhưng cả chủ lẫn khách đều không quan tâm. Chủ chấp nhận ít đi mấy bàn để những hiện vật mình ưa thích không phải nằm im lìm trong kho và khách thì không phiền lòng khi ngồi chật lại một tí.

Chơi đồ cũ ngoài tâm huyết còn phải có tiền. Vợ anh lúc đầu cũng “xót” lắm, nhưng rồi thấy anh đam mê cái này thì không sa vào những cái còn tốn tiền và tốn nhiều thứ khác hơn nên ủng hộ cả hai tay. Có thế, quán Hoài cổ mới “sống” được tới hôm nay và góp phần làm nên một mảng riêng cho đời sống văn hóa tinh thần của người Đà Nẵng.

“Trước Tết Giáp Ngọ vừa qua, 10 anh em trong nhóm chơi xe Xít-đờ-ca Đà Nẵng tổ chức buổi đấu giá tại quán bi-a Sao trên đường Triệu Nữ Vương, có mời bạn bè của anh em trong nhóm. Từ số tiền thu được 100 triệu đồng (trong đó có 15 triệu đồng bán gần 20 món tôi mang xuống), chúng tôi tặng 50 suất quà cho bà con Cơ-tu xã Hòa Bắc và 150 suất ở các huyện Đông Giang, Tây Giang.

Nếu Đà Nẵng hình thành được CLB sưu tầm đồ cũ như hai đầu đất nước thì tôi nghĩ sẽ có rất nhiều đồ cũ giá trị không bị người mua/bán ve chai phá hỏng và các hoạt động xã hội như công tác thiện nguyện nói trên sẽ được tổ chức nhiều hơn và quy mô hơn”.

VĂN THÀNH LÊ

.