Chuyên đề
Đứng mũi chịu sào
Trong khi nhiều HTX đã “khuỵu ngã” trước “cơn bão” cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường giữa tình hình kinh tế ảm đạm thì có không ít HTX vẫn trụ vững và ăn nên làm ra.
Ông Trần Bá Tượng (trái) kiểm tra chất lượng sợi mây trên máy chà bóng sợi mây do ông và đội ngũ kỹ thuật cải tiến. |
Vỏ bọc bên ngoài không quan trọng
Năm 1985, sau một năm ra quân với tư cách bệnh binh 2/3, ông Trần Bá Tượng vào làm việc ở HTX Mây tre An Khê. Năm sau ông được bầu làm phó chủ nhiệm, rồi 2 năm sau nữa trở thành chủ nhiệm HTX cho đến nay. Sự cầu toàn, chỉn chu ông có được trong thời gian làm kế toán tài vụ ở trung đoàn đã giúp ông biết “kê” biết “tính” khi làm cán bộ chủ chốt của HTX.
Trong 3 cơ sở được tách ra từ Xí nghiệp Thủ công mỹ nghệ Quận Nhì vào tháng 10-1978, chỉ còn một cơ sở tồn tại mãi đến nay với thương hiệu HTX Mây tre An Khê. Lý giải vì sao mà cơ sở “sống lâu” đến thế, ông Tượng không ngần ngại “bật mí”: Năm 1986 HTX thành lập chi bộ Đảng trực thuộc Đảng bộ phường An Khê, quận Thanh Khê; vì thế, dù lắm lúc trải qua những khó khăn nhất thời, HTX cũng kiên quyết trụ lại chứ không giải thể để “chia của” cho xã viên như một số HTX khác.
Đi nhiều nơi, ông để ý thấy làm thủ công mỹ nghệ mà năng suất thấp và chất lượng sản phẩm kém thì suốt đời chỉ lẹt đẹt ở tỉnh lẻ chứ không thể vươn lên tầm cỡ quốc gia chứ chưa nói đến ra nước ngoài. Để “làm mới” nghề mình, phải tập trung cải tiến kỹ thuật. Năm 2003 ông và đội ngũ kỹ thuật HTX cải tiến ngàm định vị chẻ mây, nối dài trục nhông để tăng công suất, giúp máy có thể chẻ được từ 5 đến 8 cỡ mây, thay thế cho 3 máy chẻ mây nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là một trong những cải tiến nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế cao: vừa tiết kiệm nguyên liệu, công lao động, vừa góp phần làm cho sản phẩm bền đẹp hơn, đủ sức vươn ra thị trường thế giới.
Bằng cả tâm và lực của mình, HTX đã ngày một ăn nên làm ra với những con số đáng mơ ước đối với mô hình HTX. Năm 2014, HTX ước đạt doanh thu đến 14,5 tỷ đồng, nộp ngân sách 750 triệu đồng; so với năm 2013 tăng 1,2 tỷ đồng doanh thu, tăng 100 triệu đồng nộp ngân sách. Mỗi xã viên có thu nhập bình quân 3,8 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được chia cổ tức 20%/năm.
Gần 30 năm gắn bó với HTX, nếu quay lại thời điểm 1985 thì ông vẫn chọn cái “nghề” HTX. Mọi xã viên xem nhau như người nhà. Trong những lúc khó khăn nhất, ông “hô” một tiếng là mọi người gác lại việc nhà, bất kể đêm hôm khuya khoắt hay mưa gió bão bùng, cùng kéo nhau đến HTX làm cho xong sản phẩm để kịp giao hàng.
Đến với xã viên bằng sự tận tâm, ông bí thư - chủ nhiệm - bệnh binh mất sức lao động đến 71% này mỗi khi bầu bán đều được mọi người dồn phiếu 100%. Có người khuyên ông nên chuyển từ HTX lên công ty cổ phần để mở rộng tầm vóc hơn, nhưng ông cứ bảo: HTX hay công ty chẳng qua là cái vỏ bọc bên ngoài thôi, điều quan trọng là mình đã làm gì có lợi cho người lao động, đóng góp được gì cho xã hội và có tạo được uy tín nhất định nào đó không.
Cửa hàng tự chọn của HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ An Hải Đông như một siêu thị mi-ni. Ảnh: V.T.L |
Mô hình chợ thu nhỏ
HTX Mua bán An Hải Đông (nay thuộc quận Sơn Trà) ra đời từ năm 1976, sau khi mô hình này không còn thích nghi với đời sống xã hội, đã chuyển thành HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ An Hải Đông và tồn tại đến bây giờ.
Ông Nguyễn Sinh vào HTX nằm bên cạnh chợ An Hải Đông này năm 1981, sau 8 năm làm kế toán đã được bầu làm chủ nhiệm và giữ chức vụ này từ đó đến nay. Theo ông, HTX muốn phát triển phải cạnh tranh với hàng trăm tiểu thương. Ngoài việc phục vụ đời sống dân sinh, HTX còn cấp lương thực, thực phẩm cho các bếp ăn tập thể ở các trường học, khách sạn trên địa bàn. Vì thế, vấn đề an toàn - vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu.
HTX đưa ra mô hình chuyên doanh thực phẩm an toàn. Rau quả - mua từ HTX Rau an toàn La Hường quận Cẩm Lệ, mua sỉ từ siêu thị Metro. Thịt gia súc gia cầm – mua ở các cơ sở giết mổ lớn đã qua kiểm dịch. Tiểu thương trong chợ nhập nhiều nguồn hàng và bán nhiều giá. HTX không cho phép vậy, nguồn hàng phải rõ ràng và giá cả minh bạch, có thể bằng hoặc cao hơn giá chợ chút ít nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng vì ngày nay họ đã hiểu thế nào là “tiền nào của đó”.
Tuy nhiên, điều để cho người tiêu dùng biết đến HTX là mô hình Cửa hàng tự chọn triển khai từ năm 2008. Ông Sinh nhớ lại: Lúc đó Đà Nẵng đã có một số siêu thị, ai từng đi mua sắm ở đó về, khi bước vào Cửa hàng tự chọn của HTX An Hải Đông, thấy cái máy tính tiền bằng mã vạch quá hiện đại là trầm trồ sao nó giống như ở siêu thị vậy. Hàng hóa bày biện ngăn nắp, bắt mắt, giá cả rõ ràng, có hóa đơn tính tiền, nhân viên nhiệt tình, lịch sự,… tuy kinh doanh theo mô hình siêu thị nhưng rất gần gũi với người tiêu dùng.
HTX như một mô hình chợ thu nhỏ, chỉ cần đi một vòng là có thể mua đầy đủ các thức cần thiết hằng ngày. Với những người có quỹ thời gian eo hẹp như giáo viên, công chức… chỉ cần mua thức ăn sơ chế sẵn là về nhà có thể cho lên bếp ngay. Từ hiệu quả này, ông Sinh cho biết, sang năm 2015, HTX sẽ đầu tư xây dựng thêm một cửa hàng tự chọn tại số 5 Nguyễn Duy Hiệu.
Giữ cho mô hình HTX tồn tại
Sau năm 1975, Đà Nẵng có 3 HTX ô-tô vận tải nhẹ nhưng “sống” được đến tận giờ chỉ có mỗi HTX Ô-tô vận tải số 1 Đà Nẵng, trụ sở ở phía sau Bến xe Trung tâm Đà Nẵng. Chị Huỳnh Thị Thanh Huyền, phó chủ nhiệm HTX cho biết, để “cắt” cái đuôi “nhẹ” trong tên gọi HTX là cả một quá trình.
Lúc đầu, HTX toàn là xe Lam và xe Daihatsu, sau thêm một số xe Jeep cải tiến, chuyên chạy trong nội thành Đà Nẵng, xa nhất là vô Miếu Bông hay lên Kim Liên. Đến năm 1994, có chủ trương xe tải tư nhân đều phải vào HTX, từ đó phát triển thành 20 tuyến trên cả nước và tên gọi HTX cũng mất hẳn từ “nhẹ”. Lúc đó HTX có đến 500 đầu xe, đến nay tuy chỉ còn 100 xe nhưng giá trị tài sản lớn hơn rất nhiều. Khách bây giờ rất kén chọn, không chịu lên xe cũ nên anh nào không tiền cũng cố vay mượn để “lên” xe đời mới. HTX không đủ vốn mua xe nên chủ yếu làm một số dịch vụ hỗ trợ cho lái xe như xin tuyến đường, cấp phép vận tải, làm “đối trọng” để chủ xe có tư cách pháp nhân vay tiền ngân hàng…
Chủ nhiệm hiện nay là ông Trần Lâm, nguyên là lái xe Lam trước năm 1975. Năm 2000 HTX cấp kinh phí cho 5 cán bộ dự nguồn đi học trung cấp giao thông – vận tải, ông Lâm đi học về được bầu làm chủ nhiệm. Ông còn là hội thẩm nhân dân Tòa án Nhân dân quận Thanh Khê, nắm vững luật nên điều hành HTX rất tốt.
Chị Huyền năm 1981 vào HTX sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán, nối nghiệp cha chị, người đã gắn bó lâu dài với HTX. Người bằng cấp cao nhất HTX hiện nay là kế toán trưởng Đinh Trọng Minh, đại học tài chính – kế toán. Nhìn chung, lãnh đạo HTX được đào tạo bài bản, đều tay nên vận hành bộ máy của cơ sở chạy tốt. Năm nay ước doanh thu trên 25 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 1,1 tỷ đồng.
HTX có “tuổi đời” trên 30 năm ở Đà Nẵng không nhiều. Những khen thưởng, tuyên dương trong thời gian qua đã minh chứng cho những đóng góp của các tập thể, cá nhân trong việc phát triển HTX, đem lại lợi ích cho xã viên. Theo Luật HTX năm 2012, chức danh chủ nhiệm được đổi thành giám đốc. Tuy nhiên với rất nhiều người, tên gọi “chủ nhiệm” dường như đã mặc nhiên đi vào trong tâm tư, tình cảm của mình từ những năm còn gian lao, vất vả. Gọi “giám đốc” nghe vẫn hay, nhưng đằng sau tên gọi hiện đại, thời thế đó, vẫn thấy thấp thoáng cái tâm, cái tầm một chủ nhiệm sống chết, trở trăn với xã viên để giữ cho mô hình HTX tồn tại đến giờ.
Đà Nẵng hiện có 112 HTX, tăng 7 HTX so với năm 2013, trong đó có 27 HTX ngưng hoạt động. Tổng số vốn điều lệ của các HTX là 106,5 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2013, giải quyết việc làm cho 39.456 lao động. Doanh thu năm 2014 khu vực HTX ước đạt 275 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2013. Về trình độ cán bộ quản lý HTX (gồm: chủ nhiệm, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng), tính đến đầu năm 2012, có 50 người tốt nghiệp sơ cấp, 93 người tốt nghiệp trung cấp, 67 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Nguồn: Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ