Chuyên đề

Hợp tác xã kinh doanh… chợ

14:21, 05/12/2014 (GMT+7)

Từ một HTX nông nghiệp không còn đất sản xuất, HTX Hòa Cường đã tự thay đổi, thích nghi để tiến hành quản lý và khai thác chợ. Chợ Hòa Cường là chợ đầu tiên và duy nhất của cả miền Trung – Tây Nguyên hoạt động theo mô hình HTX kinh doanh chợ.

Hơn 70 tuổi, bà Huỳnh Thị Tức vẫn gắn bó với chợ Hòa Cường, gắn với những ký ức nghèo khó nhưng đẹp đẽ. Ảnh: M.T
Hơn 70 tuổi, bà Huỳnh Thị Tức vẫn gắn bó với chợ Hòa Cường, gắn với những ký ức nghèo khó nhưng đẹp đẽ. Ảnh: M.T

Đồng lòng góp vốn

Hơn 70 tuổi, bà Huỳnh Thị Tức vẫn gắn bó với chợ Hòa Cường (27 Lê Thanh Nghị, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) bằng sạp rau củ. Bà mưu sinh không đơn thuần chỉ vì nỗi lo cơm áo gạo tiền mà để được: “Ngày ngày đến chợ và nhìn ngắm tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ “HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Cường” – nơi trước đây từng là cánh đồng bát ngát, là sân phơi lúa, là nơi bà gắn bó hơn nửa đời người.

“HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Cường” tiền thân là HTX thuần nông được thành lập vào ngày 10-5-1978. Trên diện tích rộng cò bay mỏi cánh ngày ấy, hơn một ngàn xã viên cần mẫn trồng lúa, nuôi bò sữa, nuôi tôm, trồng bạc hà, bạch đàn, sú... cho đến ngày thành phố Đà Nẵng tiến hành quy hoạch, chỉnh trang đô thị.

Năm 2008, HTX đứng trước bờ vực giải thể. Khoản tiền thu về từ việc bán đất, tài sản bảo đảm lượng cổ phần đáng kể để chia đều cho từng xã viên hầu hết đã qua bên kia dốc cuộc đời. Thế nhưng, không chịu được nỗi buồn khi nhìn ngôi nhà chung của mình tan rã, các xã viên đồng lòng đóng góp thêm vốn để đầu tư, xây dựng và tiến hành quản lý kinh doanh chợ theo mô hình HTX đầu tiên của Đà Nẵng – Chợ Hòa Cường.

Những xã viên ngày ấy, giờ đây đa phần đã khuất núi. Chỉ còn lại 173 xã viên, hầu hết ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng cùng chung nỗi nhớ. Họ nhớ bức tranh đồng quê với màu xanh ngút ngàn của lúa đang thì con gái, màu hanh vàng khi lúa vừa trổ hạt, màu vàng ruộm của cánh đồng vào ngày thu hoạch hay cả khi cánh đồng chỉ còn trơ trọi gốc rạ. Họ nhớ tiếng kẻng gọi đi làm, nhớ những ngày mưa bão, phải dùng dây buộc ngang lưng để chiếc áo tơi trên vai không bay chấp chới, nhớ mùi thơm rơm rạ ngọt ngào và cả mùi tanh ngái phả lên từ hồ tôm…

Chính nỗi nhớ này đã khiến bà Huỳnh Thị Tức - người nông dân quanh năm với ruộng đồng - chấp nhận làm quen với những phép toán nhân chia, với nỗi vất vả khi dùng đôi mắt ở tuổi 70 để soi nhịp quay của chiếc cân nhỏ, với lỗ - lãi trong mỗi ngày chợ. Cũng nỗi nhớ này đã giúp ông  Trần Văn Bánh (80 tuổi), bà Nguyễn Thị Thìn (75 tuổi) và rất nhiều xã viên lớn tuổi khác ngày ngày vẫn đến thăm, ôn lại ký ức dù nghèo nhưng đẹp ngày trước và nhìn ngôi nhà chung của mình đang ngày càng lớn mạnh.

Mô hình hiệu quả

HTX chợ Hòa Cường hoạt động như một doanh nghiệp độc lập, tự đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác, tổ chức, quản lý cũng như chịu trách nhiệm hoàn toàn về mặt lợi nhuận. Nhà nước không chịu trách nhiệm tài chính đối với những rủi ro diễn ra trong quá trình hoạt động kinh doanh chợ.

Sự độc lập tuyệt đối này buộc các xã viên, đặc biệt Ban giám đốc chợ phải “chai mặt” để kiên trì thuyết phục những tiểu thương tại chợ tạm Nam Sơn - trên dốc ngã ba Tiểu La ngày ấy chấp nhận từ bỏ cảnh bán hàng gắn với mưa lầy, nắng bụi, với sự truy đuổi của đội quy tắc đô thị để về ổn định trong lồng chợ Hòa Cường.

“Chai mặt” để Ban giám đốc vẫn vui vẻ trước những cái vẫy tay từ chối hay thậm chí nhận cả chậu nước cá tanh ngòm từ phía tiểu thương khi “làm phiền” họ bởi lời nhỏ to nhắc nhở về tình trạng nói thách, cân thiếu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ…

Mưa dầm thấm lâu, bằng sự kiên trì thuyết phục và các lớp tập huấn về văn minh thương mại, nhãn mác hàng hóa, Ban giám đốc HTX đã giúp tất cả tiểu thương nhận ra một thực tế rằng, lối đi nhỏ hẹp, lầy lội, nhếch nhác, sự lừa lọc và chao chát thường thấy nơi cửa chợ là cách nhanh nhất để đẩy khách hàng của mình vào những siêu thị, cửa hàng tiện lợi khang trang, sạch đẹp đang mở ra ở hầu hết các cung đường.

“Để lôi kéo khách hàng quay lại với chợ truyền thống, vì lợi ích tự thân của mình, tiểu thương buộc phải có thái độ tận tình, hòa nhã với khách hàng, phải văn minh, lịch sự trong kinh doanh, niêm yết giá công khai, thuận mua vừa bán, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường và chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm”, tiểu thương đồng thời là xã viên HTX Võ Thị Thảo nói.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng để đối phó “bà Hỏa”, với ông Nguyễn Đức, Giám đốc HTX dịch vụ, sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Cường, điều đáng sợ nhất vẫn là tiếng còi hú của xe phòng cháy chữa cháy. Khi nghe hồi chuông dài báo cháy hướng về phía lồng chợ thì dù đêm hôm khuya khoắt, dù ở bất kỳ địa điểm nào của thành phố, ông cũng cố gắng có mặt tại chợ trong thời gian ngắn nhất có thể và chỉ thở phào nhẹ nhõm khi thấy chợ - tài sản của toàn bộ HTX cùng các tiểu thương vẫn an toàn.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh doanh, ngoài sự vui vẻ, lịch thiệp và văn minh trong hoạt động bán hàng, Ban Giám đốc HTX Hòa Cường còn lên kế hoạch thay toàn bộ mái tôn bằng hệ thống năng lượng mặt trời, góp phần tiết kiệm điện, giảm nguy cơ cháy nổ, sự hấp nóng vào mùa hè và tiếng ồn khi các cơn mưa lớn của miền Trung xả xuống.

Chợ Hòa Cường đang tiến tới thu mua hàng nông sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng để phân phối lại cho tiểu thương trong chợ, từ đó cung cấp những sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng. Tiểu thương nơi đây tin rằng, bằng những biện pháp tổng hợp này chợ Hòa Cường sẽ luôn có cái rộn ràng, tấp nập thường thấy của một chợ truyền thống.

Nhiều ý kiến nói về ưu điểm của mô hình HTX này. Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu nhấn mạnh đến việc “giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước khi không phải trả lương cho cán bộ quản lý, không phải bổ sung vốn để xây dựng và nâng cấp chợ”. Ông Tôn Thất Uyên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng đề cao “bộ máy quản lý HTX luôn được thực hiện tinh gọn, luôn có ý thức trau dồi kiến thức về quản lý thương mại, tâm lý người tiêu dùng. Nhu cầu, nguyện vọng của các tiểu thương luôn được lắng nghe và đáp ứng kịp thời”.

Từ một HTX nông nghiệp không còn đất sản xuất, HTX Hòa Cường đã tự thay đổi, thích nghi để tiến hành quản lý và khai thác chợ. Từ ngày đi vào hoạt động đến nay (năm 2010), HTX Hòa Cường không chỉ tự cân đối thu chi, bảo đảm nộp ngân sách và có lãi để tự trang trải các chi phí, tái đầu tư sửa chữa chợ, mà còn giải quyết triệt để nạn chợ cóc, chợ tạm. Hiệu quả qua 4 năm hoạt động đã khẳng định sức sống, tính ưu việc của mô hình quản lý chợ HTX trong các vấn đề xã hội như tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển cộng đồng.

Ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng:

Một tổ chức độc lập, được chủ động hoàn toàn về mặt tài chính đứng ra kinh doanh chợ chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn mô hình quản lý theo kiểu bao cấp. Bởi, khi tự bỏ vốn, tự cân đối bài toán thu - chi, họ buộc phải khai thác triệt để các nguồn thu, tìm ra phương án kinh doanh tốt nhất, chuyên nghiệp hóa cao nhất để thu được lợi nhuận. Nếu không, họ sẽ bị phá sản.

MAI TRANG

.