Chuyên đề

Muôn nẻo mưu sinh

07:36, 27/06/2015 (GMT+7)

Trên những cung đường từ chợ Phước Mỹ đến chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà, thỉnh thoảng sẽ bắt gặp một bà lão, chân đi không vững, chống gậy, len lỏi giữa dòng người đông đúc, đôi tay gầy guộc xòe bán từng tờ vé số.

Đó là cụ bà Trần Thị Anh, 80 tuổi, quê xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bà đi thật chậm, từng đoạn, lại dừng để nghỉ chân. Như thể bà quên mất phải đi bán cho kịp xấp vé số trên tay, cuối giờ chiều còn kịp trả lại những tờ vé ế.

Bà Trần Thị Anh với xấp vé số trên tay, bình thản mưu sinh giữa cuộc đời. Ảnh: Q.T
Bà Trần Thị Anh với xấp vé số trên tay, bình thản mưu sinh giữa cuộc đời. Ảnh: Q.T

Ước mơ dung dị bên một mái ấm gia đình, nghe được tiếng cười con trẻ hay pha bình trà nóng cho chồng mỗi sáng đã mãi mãi rời xa, khi bà chưa qua tuổi 30. Đã 20 năm qua, kể từ ngày chồng, con lần lượt qua đời, bà rời quê, ra phố, gắn với nghề bán vé số ở đất Đà Nẵng. Mỗi ngày, bà kiếm được chừng 50.000 đồng, thì dành hẳn 20.000 đồng cho việc đi xe ôm - để chiều về trả vé cho đại lý.

Lúc trước, khi không đi xe ôm, mỗi khi sắp đến giờ xổ số mà xấp vé trên tay còn nặng là lòng bà như lửa đốt, chân bước nhanh hơn, mặc cho các khớp xương già giòn rụm như xô vào nhau mà vẫn không kịp giờ trả vé. Cách đây 7 năm, trong một lần bị 2 thanh niên chạy xe máy tông vào rồi bỏ chạy, sức khỏe của bà yếu đi trông thấy. Mỗi bước đi, phải gắn chặt với cây gậy trên tay. Và con đường đi bộ trở về đại lý càng xa hun hút, dù cố, bà vẫn chẳng thể nào bước kịp.

Bà đưa tay chấm những giọt nước hiếm hoi từ hốc mắt đã chai khô theo thời gian và buột miệng: “Ngoại về quê, rau cháo qua ngày cũng được, nhưng ở không đến lúc thèm uống chai nước lấy tiền mô mà uống?”.

Số tiền bán được hằng ngày chỉ đủ cho bà lo cái ăn qua ngày, những ngày bán dư ra được một ít thì bà để dành trả tiền thuê nhà. Những người bán vé số khác thì không phải mất tiền nhà vì đại lý sẽ cho họ ở nhưng riêng bà, thì có lẽ do già yếu, đại lý không dám cho bà ở…

Dù cuộc sống neo đơn, khổ cực và có cả sự bất nhẫn - khi có những lần bà bị những người giả vờ đến mua vé số rồi giật hết vé - nhưng trái tim bà vẫn ấm áp một niềm tin. Đi bán vé số, bà tự xem mình như là “ông thần tài nghèo” của mọi người. Nếu biết vé mình bán mà khách trúng là bà mừng lắm, như chính bà đã đem đến niềm vui, tài lộc cho khách. Vui hơn nữa khi khách trúng số gặp bà báo tin: “Bà ơi, vé bà bán cho con hôm qua trúng rồi”.

Bà nói về cuộc đời, về gánh nặng mưu sinh, nhưng gương mặt của bà đầy bình thản, nhẹ nhàng, không chút than vãn. Bởi bà hiểu rằng, trên cuộc đời này, còn biết bao người đương vất vả sớm khuya. Bà chỉ mong có chút tiền dành dụm, khi nào về quê mua chút quà cho mấy đứa cháu gọi mình là bà nội cô. Bà nói, chỉ có chúng nó là người thân duy nhất của bà trên cuộc đời này. Rồi bà bần thần, cũng lâu rồi không về thăm quê, không biết còn bao nhiêu lần được về quê nữa..

Sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được em N.T.M.H (16 tuổi, trú tại đường An Cư 7, quận Sơn Trà). Cô bé có khuôn mặt hiền lành, nụ cười vẫn còn hằn những nét thơ ngây nhưng đã ra dáng người chị đảm đang, chững chạc.

H. mới bỏ học từ đầu năm nay. Suốt những năm đi học, H. là học sinh giỏi, luôn là tấm gương để những đứa em noi theo. Gia đình khó khăn, chuyển chỗ ở liên miên là nguyên nhân khiến H. bỏ học vì nản lòng khi cứ phải làm quen với bạn bè, trường lớp mới. Nhưng nguyên nhân chính là em muốn phụ giúp cho mẹ, vì  ba H. đã bỏ nhà đi hơn một năm nay.

Hằng ngày, công việc của H. là rút chỉ và bóc vỏ tôm ở Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước. “Bóc vỏ tôm không khó. Một khi đã quen rồi thì làm rất nhanh. Mới đầu, vỏ tôm đâm vào tay và luôn phải ngâm tay trong nước đá, nên dù đã đeo bao tay rồi mà 10 đầu ngón tay vẫn nhăn nhúm vì nước lạnh. May là có mẹ chỉ dẫn, nên giờ em có thể bóc được nhiều rồi, nếu có nhiều hơn nữa em cũng làm được”, H. hồn nhiên nói.

Một ngày làm miệt mài 8 tiếng, H. được trả công 120.000 đồng. Một tháng nếu làm liên tục không nghỉ ngày nào thì được thưởng thêm tiền năng suất chuyên cần 500.000 đồng nữa. Số tiền “hấp dẫn” này khiến em hầu như không dám nghỉ. Vì chưa đủ tuổi lao động nên em chỉ có thể làm việc theo diện hợp đồng ngoài giờ (không bảo hiểm, không chế độ đãi ngộ).

Không như bạn bè chỉ làm công việc này vào mỗi dịp hè để có tiền trang trải học phí khi năm học mới đến, H. đi làm luôn và không quay trở lại trường học nữa. H. tâm sự, em ráng làm ở đây thêm 3 năm, khi đủ 18 tuổi em sẽ đi học nấu ăn để trở thành đầu bếp. Đó là ước mơ từ nhỏ của em.

Khi cuộc sống còn chưa thể rải đầy hoa thơm và trái ngọt, thì có lẽ H. không phải là trường hợp hiếm phải bỏ dở ước mơ đèn sách mà cả những người bên kia dốc của cuộc đời như bà Anh vẫn chưa thể rời khỏi cuộc mưu sinh. Chỉ có điều chắc chắn rằng, mỗi ngày, bằng sức lao động của mình, họ đã khiến cho mỗi chúng ta không phải chạnh lòng thương xót, mà càng thêm yêu quý hình ảnh mà họ đang hằng ngày vun vén cho cuộc sống của mình được tốt đẹp hơn.

QUỲNH TRANG

.