Sáng tác

Những đứa trẻ thành phố

16:19, 17/10/2014 (GMT+7)

Mười giờ sáng, tôi uể oải bước ra khỏi phòng ngủ, vừa bước những bước chân nặng trĩu mệt mỏi tôi vừa đưa tay sờ lên trán mình. Cơn sốt đêm qua giờ đã đỡ nhưng sự mệt mỏi vẫn còn đeo bám lấy tôi. Tôi định ra ngoài ban-công ngồi hít thở khí trời một chút trong thời gian chờ bác sĩ đến khám, ban nãy chị giúp việc nói nửa tiếng nữa bác sĩ sẽ đến. Sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, tôi không phải xếp hàng đợi hay nằm chen chúc khi gặp sự cố về sức khỏe nữa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đi ra ban-công tôi vẫn bận rộn suy nghĩ. Đảm nhiệm cương vị quản lý, dù có ốm tôi cũng không thể bỏ mặc công việc, huống hồ tổ chức sự kiện lại là cái nghề làm dâu trăm họ, chẳng dễ gì mà được nghỉ ngơi. Đang chìm trong suy nghĩ, tôi bỗng giật mình bởi tiếng quát:

“Ăn nhanh không tau cạy mồm ra bây giờ”.

Là chị giúp việc quát đứa con gái chưa đầy hai tuổi của tôi. Con gái tôi mặt mũi dính đầy thức ăn, tóc tai bù xù đang khóc thảm thiết. Tôi vội lao đến ôm con gái:

“Này chị cho nó ăn kiểu gì thế hả?”.

Chị giúp việc phân bua:

“Tôi phải dọa vậy chứ không nó cứ ngậm cháo trong miệng hoài không chịu nuốt”.

Tôi quát lớn:

“Cái gì? Dọa gì? Tôi thấy chị đè nó ra đổ cả thìa cháo to đùng. Con tôi mới hai tuổi, chị không sợ nó chết sặc sao?”.

Tiếng quát của tôi làm con tôi thêm sợ, gào khóc to hơn.

“À thôi, Su ngoan nào. Mẹ xin lỗi. Mẹ thương Su. Su nín đi nhé”.

Tôi vừa dỗ vừa lau sạch những vết thức ăn dây trên khuôn mặt con gái. Nước mắt tôi cũng chực trào ra, ba tháng rồi tôi mới ôm con thế này. Thường ngày tôi đi làm về con gái đã ngủ say, tôi tỉnh dậy thì con gái đã được đưa đi gửi trẻ.

Ngoài ba mươi tuổi tôi mới sinh được bé Su nên vợ chồng tôi rất cưng chiều, không tiếc tiền đầu tư cho con. Cho con học tại trường mẫu giáo quốc tế, uống những loại sữa ngoại đắt tiền để tăng chiều cao và chỉ số thông minh, thậm chí chồng tôi còn cẩn thận gửi thực phẩm từ Mỹ về để nấu đồ ăn cho con.

Cuộc sống của con tôi không thiếu thứ gì nhưng lại thiếu hẳn sự chăm sóc của ba mẹ, hai chúng tôi đều quá bận, mọi sinh hoạt của con chúng tôi phó mặc cho chị giúp việc. Có hôm đi làm về khuya muốn ngủ cùng con nhưng chị giúp việc lại bảo:

“Cô về phòng ngủ đi, nó ngủ với tôi quen rồi, giờ lạ hơi nó không chịu ngủ lại khóc suốt đêm đó”.

Hôm nay cũng vậy, đang khóc là thế nhưng chỉ lát sau con tôi lại lẫm chẫm chạy theo chị giúp việc, quên cả việc vừa bị chị ta quát.

Tôi như rơi xuống vực thẳm, từ khi nào con gái tôi đã bám theo ô-sin như một cái đuôi? Từ khi nào con tôi xa lạ và sợ hãi tôi thế này?

“Cô đang sốt nên đi nghỉ đi cô ạ. Cô bế Su nhỡ lây bệnh cho nó thì khổ”.

Chị giúp việc tỉnh bơ còn tôi đứng như trời trồng. Lúc trước mẹ chồng đã cảnh báo tôi điều này nhưng tôi cứ nghĩ do bà cổ hủ chứ con mình lúc nào chả là con mình. Đến hôm nay tôi đã thấy con tôi nhìn tôi như người xa lạ. Thậm chí, tôi càng lại gần thì nó càng chạy nhanh khỏi tôi. Chợt nhớ có lần cô bạn thân than thở: “Giờ mình đi công tác cả tuần thằng bé cũng không nhớ, chứ hễ chị giúp việc về quê ba hôm là nó bỏ ăn, bỏ uống. Ai dỗ cũng không chịu. Riết mình không biết mình có phải là mẹ nó không nữa?”.

Tôi nặng nề bước về phòng nằm bẹp xuống giường, tôi thấy đứa cháu mười tuổi ở quê bảo với tôi:

“Dì ơi, con thấy bọn trẻ con trên thành phố toàn bị mồ côi cha mẹ hết”.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

“Ủa sao cháu lại nói như vậy?”.

“Vì cháu có thấy ba mẹ chúng đâu, chỉ toàn thấy người giúp việc. Vậy không phải mồ côi thì là gì ạ?”.

Phút chốc tôi giật mình tỉnh dậy thở phào hóa ra đó chỉ là một giấc mơ. Ngoài phòng khách có tiếng nói vọng vào:

“Xin chào, tôi là bác sĩ đến từ tổ chức chăm sóc sức khỏe tại nhà HELP đây ạ!”.

Chỉ vừa kịp nghe đến đó tôi đã nhìn thấy cô con gái chưa đầy hai tuổi mở cửa phòng dẫn bác sĩ vào khám cho mẹ.

 “Những đứa trẻ thành phố không có cha
Những đứa trẻ thành phố không có mẹ
Khi cha mẹ chúng mải mê với công việc
Những đứa trẻ thành phố chỉ có người giúp việc
Và họ chỉ chăm lo theo bổn phận kiếm tiền”.

TRẦN TRÀ MY

.