Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Tàu xuyên Việt

15:36, 10/10/2014 (GMT+7)

Nhà văn Ma Văn Kháng, sinh ngày 1-12-1936 tại làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ủy viên BCH Hội Nhà văn khóa 5 và khóa 6. Đã  xuất bản 16 tiểu thuyết và hơn 200 truyện ngắn, nay đã nghỉ hưu. Giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986 cho tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn (1985); Giải thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam 1995 cho tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ (1994); Giải thưởng Văn học ASEAN; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt 1 năm 2001; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật đợt 4 năm 2012 cho các tác phẩm  Truyện ngắn chọn lọc, Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn.

ĐNCT xin giới thiệu truyện ngắn mới nhất của nhà văn Ma Văn Kháng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Nhanh tay lên, cho tao một suất cơm đi, mày!

- Đây là anh ăn vì người đẹp đấy nhé.

- Ừ thì xới cho anh một đĩa đầy. Nhưng mà này, đĩa của em có sạch không đấy! Hé hé...

Ngọc mở nắp nồi cơm, cầm chiếc khăn, mặt đỏ rừ. Đám thực khách trong toa ăn ngồi ngả ngớn trên mấy hàng ghế liên tục giục giã lại nói năng đến là cợt nhả, thô lỗ. Nhưng mà họ là khách. Mà khách là thượng đế. Thượng đế là đấng tối cao, muốn gì được nấy.  Họ có quyền vậy và mình phải chiều họ.

Mười chị trong tổ phục vụ đều hiểu vậy. Ngọc, mười tám  tuổi bé nhất, mới gia nhập hội, cũng hiểu vậy.  Chị Lương, to béo phục phịch một khối lực sĩ Sumô, tổ trưởng giảng bài nhập môn đầu tiên cho Ngọc  cũng với nội dung ấy. Nhưng bài học nọ nhập trí mà không nhập tâm. Bố bị bệnh, nằm liệt đã  ba năm nên cực chẳng đã Ngọc phải bỏ học để đi làm, kiếm thêm tiền phụ giúp mẹ thuốc thang cho bố. Thấy con gái sau một tuần theo chuyến tàu  xuyên Việt Bắc - Nam trở về mà mặt buồn rười rượi, bố  liền hỏi, và Ngọc đáp rằng: “Con thấy  công việc nó thế nào ấy!”, rồi  nói tiếp trong tiếng thở dài: “Không phải là con ngại vất vả. Vì bố, vì gia đình, vất vả nữa con cũng không quản”. Bố quay mặt đi rồi  chép miệng buồn rầu  và ho một  hồi dài: Khổ thân con gái. Nhà tàu là nơi chạ người, dân tứ xứ qua lại. Rồi buông lửng câu nói, chừng như bố hiểu hoàn cảnh của con gái mà nghẹn lời không thể nói ra.

Quả nhiên là công việc phục vụ ăn uống cho hành khách trên chuyến tàu xuyên Việt  có đâu nhàn nhã. Liên tục sáu ngày liền. Ngày nào cũng bật dậy từ bốn giờ để khơi lò, nhóm bếp, rồi mua bán, vận chuyển, chế biến, bưng bê, và thu dọn. Quần quật từ tinh mơ cho tới nửa đêm mới mong đáp ứng được nhu cầu ăn uống cho cả ngàn khách đường xa và có chút lãi để nộp thuế, để chi trả lương cho chị em. Ngày hè thì nóng nôi. Hai cái bếp lò rừng rực. Người đầm đìa mồ hôi. Chân  tóc  lúc nào cũng ướt đầm. Và  tiếng rít của bánh xe tàu hòa trong tiếng gió cuốn lúc nào  cũng ù ù trong đầu.

Vậy mà công việc vẫn phải đạt đến mức hoàn hảo. Đĩa cơm trắng phau nở như cánh hoa đại thơm  phức. Bát nước sốt cà chua sánh đỏ. Miếng thịt rán cháy cạnh sem sém. Thấu canh chua nổi váng mỡ vàng sao.  Nghĩa là suất cơm  đặt lên bàn cho khách đầy đặn  ngon lành đến mức trông đã thấy muốn ăn. Chưa kể  lại  thêm  gương mặt trắng hồng  tươi sáng của Ngọc và đôi tay Ngọc  mềm mại đưa mời.

Suất cơm đầu là của bà buôn xoài, người ộ ệ, bàn tay trái nổi u bốn cái nhẫn mặt ngọc. Suất cơm thứ hai là của  gã đàn ông mặc áo da cừu, mặt mũi hầm hố, dữ dằn. Suất thứ ba là của gã gầy choắt, mặc áo dạ nâu, đeo kính đen. Cả hai ra dáng ra dàng công tử con nhà giàu, thạo ăn chơi, nhưng điệu bộ thật trai lơ, cùng hau háu nhìn Ngọc như thú dữ nhìn mồi. Mấy đĩa cơm tiếp theo là của đám trai trẻ, mặc áo bò quần bò, tóc tai bù xù, hôi hám, bẩn thỉu; họ mới đi đào vàng về. Bốn suất tiếp là của bốn  người trung tuổi đang vừa  uống rượu  màu vừa chơi bài  ăn tiền.

Đưa tay dứt đôi miếng thịt đang cắn ở mấy chiếc răng cửa, bà chủ xoài nhìn gã mặc áo da cừu, cười khành khạch:

- Ghen là hèn! Chết ngay tao cũng đ. thèm rên rỉ nhé!

Gã mặc áo da cừu  nhoai cổ nuốt miếng cơm, trợn mắt:

- Bà chị nói thế là chỉ đúng có một nửa. Ghen là yêu. Đ. ghen là đ. yêu.  Đơn giản có vậy thôi.

- Đơn giản có vậy thôi! Nói đ. nghe được. Lộc trời không giữ được, kêu chó ai!

 Gã mặc áo da cừu đặt đĩa cơm xuống mặt bàn, lướt đuôi con mắt qua gương mặt tròn đầy có hai con mắt lá dăm rất lẳng của người đàn bà buôn xoài, cười hị một tiếng cụt ngủn:

- Lửa tình nung má em  bừng cháy. Trông cũng biết Hoạn Thư phải gọi bằng... chị rồi.

Tít mắt, bà chủ xoài đắc chí:

- Nó là thằng đàn ông. Nó quèn quẹt ở đâu, mặc nó. Tao chỉ cần mỗi ngày nó ị cho tao vài tạ xi-măng là được. Nói thật chứ, thời buổi hiện đại, kéo quần lên một cái là xong, chứng cớ ở đâu mà ghen cho nó mệt.

Gã đeo kính râm ngồi cạnh gã mặc áo da cừu từ nãy vẫn im, giờ bật một tiếng cười, rồi gật đầu: Ngôn ngữ của bà chị đàn em  đuổi theo còn là mệt mà! Rồi quay sang mấy ông đang chơi bài:

- Có quý vị  nào tịt thì để thằng em thế một chân lào!

- Đ. mẹ, đã ăn nhằm gì!

- Này, cẩn thận, khéo Gioóc ló đi qua ló thấy là mệt nghỉ đấy. Cất tiền đi!

- Sợ đ. gì công an!

    Bà chủ xoài nhón miếng thịt đút tủm vào mồm, nhồm nhoàm:

- Tao là chính phủ, tao cho tự do mở nhà chứa! Sợ cái đ. gì! Tay không bắt giặc mới tài chứ. Các nước văn minh nó cho công khai làm đĩ đấy. Này, con bé!

Nghe thấy lần thứ hai tiếng người đàn bà, Ngọc mới quay lại. Cứ tưởng mụ gọi ai.

- Tao gọi mày đấy, em ạ. Này, sao chúng bay không làm bún riêu cua mà bán có phải đắt hàng không?

- Vâng. Chúng cháu cũng đang tính ạ.

Bà chủ xoài đặt cái đĩa cơm đã  trống trơn xuống mặt bàn, móc túi áo trong, miệng nhọp nhẹp:

- Này! Cơm chúng mày bán hai mươi lăm ngàn một suất. Nhưng cả cơm và thức ăn chỉ đáng cho chó ăn. Tao chỉ trả mười lăm ngàn thôi!

-  Thế nà không được, bà chị ơi!

Gã đeo kính râm ngoác miệng kêu. Bà chủ xoài dẩu mỏ:

- Việc của tao với bọn nhân viên toa ăn. Can đ. gì đến mày, thằng mặt mẹt!

- Cảnh giả, khoái khẩu thì về nhà. Còn đây là giá nhà lước. Xin bà chị hiểu cho. Và cũng thông cảm cho cô iem xinh đẹp của tôi, có phải không em?

- Dạ.

Ngọc khe khẽ đáp và né người, tránh bàn tay phải của gã đeo kính râm nói ngọng vừa thình lình vươn ra để vuốt má mình. Bà chủ xoài nhó nháy hai con mắt, vứt  năm tờ bạc mệnh giá 5.000 lên mặt cái thúng cơm  trước mặt Ngọc, nguýt dài qua mặt gã đeo kính râm:

- Lại định xí xớn với con bé hả? Được đấy, tuy mày khí già, mặt mẹt ạ! Này cô bé! Đây, tao thí cho đủ hai mươi lăm ngàn. Nhưng, mày phải hiểu, tao đâu có phải là người keo kiệt. Mai tao đi Sài Gòn làm chuyến xoài đầu mùa, thế mà đêm hôm đó một con bạn hàng đến gõ cửa xin vay năm mươi triệu. Năm mươi chứ  một trăm triệu tao cũng thừa. Nhưng không phải là lúc này. Lúc này là nó ngắt ngọn lộc trời của tao rồi!

Tai ù ù ào ào như có gió thổi. Ngọc bê thúng cơm đi. Vừa  lúc chị Lương tổ trưởng phục phịch dáng lực sĩ Sumô đi tới. Mắt quăng quắc chị lia cái nhìn vào bà chủ xoài. Mụ này đưa tay quệt mồm quay đi.

- Bà lái thương và mấy anh đàn ông! Chị Lương hất hàm: Nơi công cộng càng phải nói năng lịch sự cẩn trọng nhé.

- Ồ, bà chị hơi bị quá lời đấy!

- Đừng tưởng tôi không biết gì. Tôi đâu có điếc. Tôi nghe thấy hết cả rồi. Nhà tàu là nơi bộn người. Nhưng không có nghĩa là muốn ăn nói quàng xiên càn rỡ thế nào cũng được. Xin các vị nhớ cho, đừng có làm uế tạp môi trường công cộng!

- Bà chị làm gì mà dữ dằn vậy!

- Tôi là tôi nói thật. Hai chục năm làm hàng cơm nhà tàu rồi. Dằn mặt đủ hạng rồi. Tam khoanh tứ đốm biết cả rồi. Sứt đầu mẻ trán có lần rồi. Loại long đà gấy ngõng, đây cũng không ngán đâu. Cũng tay bo đối mặt được. Không biết đến hai chữ sợ hãi đâu. Nhưng em Ngọc chúng tôi nó còn nhỏ. Nếu không nêu gương  được cho nó thì cũng đừng giở trò với nó! Xấu xa lắm!

Một chiến sĩ cảnh sát đi từ đầu toa tới. Bà chủ xoài và  mấy gã đàn ông ngậm miệng. Anh cảnh sát nhìn mấy ông trung tuổi với những lá bài còn tung tóe trên mặt bàn cùng mấy đĩa cơm và bát đựng thức ăn, nghiêm giọng:

- Này mấy ông chơi bài ăn tiền. Tôi nhắc lại lần thứ hai. Tôi quay lại lần nữa thì đừng trách tôi là tại sao lại lập biên bản và bắt nộp tiền phạt nhé!

Đầu tàu hú một hồi còi dài. Dàn bánh thép dồn, xiết như dao liếc trên một đoạn đường cong. Quay lại, chị Lương bảo Ngọc: Sắp đến ga Phú Trạch rồi đấy. Ngọc đáp: Em nhớ rồi. Ga Phú Trạch, thịt bò  rẻ, chỉ có chín chục ngàn một cân. Chị Lương đã phân công Ngọc và chị Nghị xuống mua. Ga Thuận Lý thì cũng Ngọc và chị Nghi xuống mua trứng vịt. Cứ thế! Ga Đà Nẵng thì mua cá thu. Ga Tuy Hòa, Quảng Ngãi thì mua gà và đường. Còn tàu tới ga Nha Trang thì không thể quên xuống mua cà-phê và hoa quả... Kiếm sống là cả một công cuộc nhọc nhằn, công phu, tỉ mỉ, chịu thương chịu khó và  cả nhẫn nhịn.

Vác một bao tải nặng rau quả, bánh trái ở ga Huế lên toa ăn, Ngọc đặt phịch xuống sàn tàu và vội lấy khăn lau hai con mắt ướt nhoèn. Chị Lương đỡ cái bao tải, nhìn Ngọc:

- Sao thế em?

Ngọc lắc đầu, lí nhí:

- Có lẽ là bụi than tàu rơi vào mắt em.

- Nói thật đi! Có chuyện gì hả Ngọc?

- Không thật mà chị.

- Có gì thì bảo chị để chị táng cho cái bọn ba que càn rỡ ấy một trận.

- Không có gì thật mà.

- Nếu không thì để chị mách mấy anh công an. Mà em à. Nghe chị nói nhé!

-  Dạ!

-  Sống là gì, em có biết không? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát rất hay: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Chị thêm một ý: Sống trong đời sống là không biết sợ hãi bất cứ một cái gì. Là phải can đảm! Một khi mình là người lao động lương thiện thì  không được sợ hãi một cái gì xấu xa, hãy can đảm lên em à!

Ngọc ngẩng lên, hai con mắt đang long lanh lệ bỗng mở to hết cỡ nhìn chị Lương đầy vẻ khâm phục. Bố nói, nhà tàu là nơi chạ người, tứ xứ lại qua, là bố hiểu hoàn cảnh sống của Ngọc, là thương Ngọc, bố ái ngại cho Ngọc. Nhưng bố đâu có biết và có lẽ  cũng chẳng ai biết chuyện gì đã xảy ra ở cái ga tàu dừng ba mươi phút vừa rồi để tác nghiệp kỹ thuật. Chả ai biết là hai gã trai, một  mặc áo da cừu, một đeo kính râm đã xuống ga này vây lấy Ngọc, dở trò tán tỉnh sàm sỡ với Ngọc, rủ Ngọc vào nhà trọ và hứa sẽ cho tiền Ngọc.

Và Ngọc đã  lập tức té tát quát mắng bọn họ một trận, quát mắng họ thật gay gắt để rồi bọn họ đã phải ngượng ngùng xin lỗi Ngọc. Xin lỗi Ngọc thật sự! Chuyện xảy ra chỉ có mình Ngọc biết. Chỉ có Ngọc một mình mình hay và  bây giờ  thì Ngọc vừa ứa nước mắt vừa sung sướng bật cười. Trời ạ, sống  trong đời sống là không biết sợ hãi bất cứ một cái gì! Một khi mình là người lao động lương thiện là không được sợ hãi một cái gì xấu xa! Hãy can đảm lên! Sao chị nói hay thế, và thế là em đã bắt chước chị mà em không biết, chị Lương à.

MA VĂN KHÁNG

.