Sáng tác
Nhẫn
Trần Trà My (sinh năm 1986, quê ở Quảng Trị) là một tấm gương về nghị lực sống. Sau một trận ốm từ nhỏ, đôi chân Trà My bị teo ngắn lại không thể tự di chuyển, bàn tay co quắp, không nói được tròn vành rõ chữ, không thể đến trường cùng bè bạn. Bằng sự tự học và nghị lực phi thường, cô bé biết đọc, biết viết, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, biết sử dụng máy tính và biết làm thơ, viết văn. Những tác phẩm của cô được gõ trên bàn phím chỉ bằng một ngón tay trỏ. Cô viết như để nói ra những ước mơ không thể ngân lên thành tiếng, như thể hiện khát vọng yêu đời, yêu cuộc sống; muốn bứt phá chính bản thân mình, để cảm nhận hạnh phúc, cảm nhận tình yêu lứa đôi thực sự, chân chính. Hiện tại, cô quyết tự lập với cuộc sống một mình giữa TP. Hồ Chí Minh và làm cái nghề mà một người bình thường cũng còn vất vả: PR và tổ chức sự kiện. Tác phẩm đã xuất bản: Truyện ngắn Giấc mơ đôi chân thiên thần, Yêu trên từng ngón tay; tản văn Chúng ta chính là mùa xuân. Nhân ngày 20-10, ĐNCT giới thiệu đến bạn đọc hai tác phẩm của Trần Trà My. |
Đứng ngắm cô con gái ngủ mê mệt trên giường một hồi, người phụ nữ lắc đầu tiếp tục quét nhà. Cây chổi đưa qua đưa lại rất nhẹ để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của cô gái. Lần nào cũng vậy, cứ hai vợ chồng cãi nhau là cô gái lại bỏ về nhà mẹ, lại khóc tức tưởi và lại thề: “Con chịu hết nổi rồi. Con nhất định sẽ ly hôn!”.
Ly hôn, giờ đây người ta nói ra hai từ này thật dễ dàng. Có người chỉ mới hôm qua còn ngập tràn hạnh phúc trong đám cưới xa hoa, hôm sau đã đùng đùng dắt nhau ra tòa ly dị. Hay là thời đại tên lửa, nay yêu mai bỏ là lẽ thường tình. Người phụ nữ vừa quét nhà vừa tự hỏi như vậy. Cây chổi vẫn cứ nhẹ nhàng lướt trên nền nhà, quét đi mọi bụi bặm, bất chợt nó dừng lại ở chân bàn làm việc, nơi đó có thứ gì đang lấp lánh.
Người phụ nữ vội cúi xuống, nhặt lên. Chiếc nhẫn cưới gắn kim cương tinh xảo. Bà nhẹ nhàng đặt chiếc nhẫn lên trên tờ đơn ly dị, bước ra khỏi phòng rất khẽ.
Ngăn kéo nhỏ dưới bàn thờ người chồng là nơi cất giữ những kỷ vật gia đình và cũng là nơi bà đã để ba tờ đơn ly dị của cô con gái. Bà vẫn nhớ như in ngày ấy, sau hơn một tuần đi chọn nhẫn, vợ chồng cô con gái hào hứng khoe với mẹ cặp nhẫn kim cương giá tới cả trăm triệu. Nghĩ cũng phải thôi, con gái, con rể bà đều là doanh nhân thành đạt, chúng đâu thể chọn một cặp nhẫn tầm thường được.
Thời đại thay đổi, giờ đây một tháng lương của cô con gái cũng bằng cả năm trời bà làm khi trước. Thời bà cưới, cuộc sống nghèo đến mức đám cưới cũng chỉ mời dăm ba người bạn, họ hàng đến ăn bánh kẹo chia vui, thậm chí cô dâu cũng chẳng có áo cưới mà mặc trong ngày lễ trọng đại ấy. Không như bây giờ người ta tổ chức tiệc cưới ở khách sạn năm sao hay resort. Đôi khi bà thấy mình lẩn thẩn khi suốt ngày đi so sánh cuộc sống bây giờ với ngày xưa.
Dòng suy nghĩ dẫn bà nhớ về ngày đám cưới của mình, nhà trai nghèo đến rước dâu chỉ đem theo một cặp rượu trắng dán chữ song hỷ, một ít trà, thuốc, cau trầu cùng một cái hộp gỗ nhỏ bên trong đựng một cặp nhẫn làm bằng sắt mà thôi. Thế nhưng chồng bà đã phải mất cả tháng trời cật lực, kỳ công gò hàn rất tỉ mỉ mới làm được cặp nhẫn khắc tên hai vợ chồng ấy.
Cưới nhau về, cuộc sống chung gặp bao khó khăn, khó khăn dẫn đến va chạm, nhẹ thì giận dỗi, nặng thì cãi lộn. Có lần bà cũng quyết bỏ về nhà cha mẹ đẻ, tuy nhiên chuyện ấy bị bố chồng phát hiện. Lập tức ông gọi hai vợ chồng lên, không hề quát mắng, chỉ nói:
“Các con à, từ giờ mỗi lần giận nhau nhớ nhìn xuống cái nhẫn mình đang đeo. Bởi chiếc nhẫn cưới ngoài biểu trưng cho việc có gia đình còn mang hàm ý vợ chồng phải biết nhẫn nhịn nhau để sống cho hòa thuận”.
Sau lần đó, hai người gần như không bao giờ cãi nhau, thậm chí người chồng mất rồi người vợ vẫn đeo chiếc nhẫn cưới đã méo mó. Còn bây giờ dường như chẳng còn ai thấy cần nhẫn nhịn nữa. Con gái bà thường bảo:
“Lương con mấy nghìn đô một tháng, con cũng có hai bằng đại học, một bằng thạc sĩ ở Mỹ về, vậy cớ gì con phải nấu cơm cho chồng con”.
Bà biết xã hội bây giờ nam nữ bình đẳng, nhưng đôi khi người ta bình đẳng quá mà quên đi nếp nhẫn nhịn. Những vụ ly hôn xanh (*) đang ngày càng nhiều. Bà thắp một nén nhang cho chồng, mắt ngấn lệ:
“Ông à, giá mà vợ chồng con gái cũng biết nhẫn nhịn nhau như tôi với ông thì hay biết mấy. Ngày xưa mình thiếu thốn đến mức ngay cả chiếc nhẫn cưới cũng không mua nổi nhưng vẫn sống hạnh phúc, còn giờ tụi nó thì…”.
Bà nghẹn ngào không nói hết câu. Cô con gái đứng sau lưng mẹ, bần thần cúi nhìn ngón tay gầy guộc của mẹ đeo chiếc nhẫn méo mó. Cô đã mua cho mẹ rất nhiều trang sức đắt tiền nhưng mẹ cô không thay chiếc nhẫn cưới. Bất chợt nhìn xuống đôi bàn tay thon thả trống không của mình, đêm qua cô đã ném đi chiếc nhẫn cưới.
Nhớ tới ngày trước cô đã từng hỏi mẹ vì sao người ta phải đeo nhẫn cưới. Mẹ bảo: “Đeo nhẫn là để báo hiệu mình đã có gia đình, ngoài ra nó còn nhắc nhở hai người nhẫn nhịn nhau nữa con à”. Lúc đó cô thật sự không hiểu, chỉ thấy mẹ nói rất hay.
Giờ phút này cô mới thấy chữ nhẫn thật cần thiết. Quay lại phòng, cô thấy chiếc nhẫn đặt ngay ngắn trên tờ đơn. Nhẹ đeo nó vào tay, cô biết đến lúc mình về nhà.
TRẦN TRÀ MY
(*) Ly hôn xanh: Chỉ những trường hợp ly hôn trong 5 năm đầu chung sống.