Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Mùa hoa tam giác mạch (Phần 2)

16:02, 31/10/2014 (GMT+7)
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Phần 2:

Mọi việc lướt qua ông như một cuốn phim quay chậm, không lời thoại, trong khi ông vẫn chăm chú nhìn xuống dòng sông, nhìn con thuyền đứng yên, nhìn rặng cây thấp xanh tươi chạy dọc đôi bờ sông vắng lặng. Ông không ngờ, chính cuốn phim quay chậm đó đã làm thức dậy nỗi khao khát bị chôn vùi nhiều ngày tháng. Tự nhiên ông thấy lòng dạ cồn cào như sắp sửa một cơn đau bao tử, thấy thèm cầm chiếc máy trong tay, thèm được đưa máy lên ngắm nhìn, thèm được nheo mắt, được ấn nhẹ ngón tay vào contac trong khoảnh khắc này.

Linh cảm cho ông biết ông sẽ có một bức phong cảnh tuyệt vời. Ông đứng dậy, đẩy lồng sắt tới trước chiếc tủ tài liệu. Tim đập loạn xạ, tay ông run rẩy khi mở cánh cửa nhỏ. Trong lúc ông với tay lấy máy, chiếc quai da vướng vào một chồng báo được ràng rịt cẩn thận. Chồng báo rơi xuống mặt sàn, sợi dây buộc ngoài, có lẽ quá cũ, đứt tung ra. Ông mở tập báo, nhìn ngày tháng trên những tờ báo, những tờ tạp chí khác nhau, lật dở từng trang một để tìm ra lý do của sự lưu giữ. Chỉ đến khi nhìn thấy bức ảnh phong cảnh chùa Thầy trên trang giữa của một tờ báo, ông mới chợt nhớ ra cơ sự.

Hồi đó, không hiểu vì cớ gì, khi bức ảnh của ông vừa được trao giải trong cuộc thi hằng năm, một nhiếp ảnh gia lên báo cho rằng ông đạo ảnh của ông ta. Trong lúc ông chưa kịp phản ứng thì hàng loạt tờ báo đã vội vã vào cuộc. Người thì cho rằng lời tố cáo là đúng sự thật. Kẻ thì cho rằng ông bị oan. Ai cũng muốn nói lời sau cùng, ai cũng muốn mình đúng. Ông nghe lời thầy, đợi mọi người nói xong phần của họ rồi mới lên tiếng. Lại ầm ầm thêm một thời gian nữa mọi việc mới yên ắng. Ít lâu sau, ông gặp lại tay nhiếp ảnh nọ ở một cuộc triển lãm mỹ thuật, hắn chạy tới bắt tay, cười nói hi hô như chưa từng xảy chuyện. Hết biết. Ông nói với VH đang đứng bên cạnh.

Thầy cười, chưa hết đâu. Rồi cậu còn thấy khối chuyện lạ trong cái mảnh sân bé nhỏ này. Quả nhiên, gần như ngay sau đó, lại đến lượt thầy gặp nạn. Có ba bốn bài báo đồng loạt lên tiếng phê phán VH, cho rằng thầy là người duy mỹ, các tác phẩm không phản ánh hiện thực đời sống, không theo đúng các chức năng này chức năng nọ…

Ông đã toan lên tiếng bênh vực thầy nhưng thầy bảo, vào lúc này, anh không “địch” nổi với họ đâu. Thầy vừa rít thuốc lào vừa lơ đãng nhìn khói, nói dấm dẳng, chỉ cần họ không tước máy của mình là được. Rồi lại vác máy ra đi hàng tháng trời. Rồi lại đem về những bức ảnh đẹp tuyệt vời. Hồi đó, ông thấy mọi việc nghiêm trọng lắm, quyết giữ lại các chứng từ để phòng khi cần dùng đến, mà cũng muốn cho con cháu về sau biết rõ hư thực.

Ông thở dài, đứng ngẩn ra một lúc rồi thu dọn chồng báo, đem đặt vào chỗ báo cũ ông vẫn để dành cho người giúp việc. Người phụ nữ gầy nhỏ này giúp việc theo giờ cho 5 nhà trong chung cư, nhà thì 2 tiếng, nhà thì 3 tiếng, cộng lại thành 12 tiếng trong một ngày. Ông chọn quãng thời gian 9 đến 11 giờ để tiện việc chợ búa, cơm nước. Gia đình bà vốn là những diêm dân ở miền Trung nhưng vì chồng đau ốm, con lại đang theo học trường cao đẳng nghề ở thành phố nên bà đưa cả nhà vào theo, thuê một căn phòng nhỏ để tá túc. Bà làm việc chăm chỉ, cẩn thận, rất ít lời.

Lần duy nhất bà hỏi ông về gia cảnh là khi ông bị cảm, phải ăn cháo mấy ngày liền. Bà bưng cháo lên, ái ngại, tôi hỏi không phải, xin ông thứ lỗi, bà nhà và các anh chị ở đâu mà ông sống một mình thế này. Ông cười nhẹ, nhà tôi mất sớm, có một cô con gái thì lại lấy chồng cách xa đây hàng vạn cây số. Ông nghe bà thở dài khi quay đi. Đó cũng là lần duy nhất ông nói với người khác tình cảnh của mình.

Trừ số tiền lương được thỏa thuận ra, ông cũng chẳng có gì nhiều để cho bà, ngoài mấy tờ báo cũ, mà nghe đâu bây giờ cũng chẳng đáng gì. Hôm nay bà xin phép nghỉ để đưa chồng đi tái khám sau đận mổ ruột thừa. Ông mở tủ lạnh. Các thức ăn đã sắp sẵn cho một ngày, chỉ cần đặt vào lò vi sóng hâm nóng lại. Thật tội nghiệp, ông nói nên lời, nước mắt chợt ứa nhòa đôi mắt. Cái cuộc đời tàn khốc, đau đớn này rút cục bao giờ cũng dành cho ta một niềm thương cảm, một nỗi xót xa, để sống.

Ông quàng chiếc dây da qua cổ. Một cảm giác gần như cơn ớn lạnh chợt chạy khắp cơ thể, giống như lần đầu tiên ông cầm chiếc Leica, ngắm nhìn Hồ Tây trong một ban mai mùa hạ. Mọi thứ cứ lặp đi lặp lại như thế, làm cho cuộc đời mình như dày dặn thêm lên, thầy từng có lần nói câu này, có lẽ là câu nói dài nhất, văn vẻ nhất của thầy, trong lúc xem bức phong cảnh cũ nhưng được chụp ở một thời khắc khác.

Ông đẩy chiếc khung sắt về phía ô cửa. Loay hoay mà đã đến nửa buổi rồi, ông lẩm bẩm. Lựa một tư thế ngồi thích hợp, ông cúi nhìn xuống dòng sông, chuẩn bị cho việc bấm máy. Thế nhưng, trong ánh sáng rỡ ràng của ngày, con thuyền đã biến mất. Ông bỏ máy xuống, nhướn mắt nhìn thật kỹ một lần nữa. Rặng cây thấp ven bờ vẫn xanh thắm. Dòng nước dưới xa kia vẫn êm đềm như chẳng hề trôi chảy. Chỉ có con thuyền là không còn nữa. Cái cảnh vật mà ông muốn có đã vỡ ra. Khoảnh khắc đã vuột mất.

Dù biết vậy, ông vẫn không sao có thể rời khỏi ô cửa. Ông cứ ngồi như thế, chốc chốc lại đưa mắt tìm kiếm, hy vọng lại nhìn thấy con thuyền neo đậu giữa dòng sông, cái hình ảnh đã tạo nên cảm giác yên bình kỳ lạ trong tâm khảm ông từ bấy lâu nay. Nếu không có tiếng chuông cửa của người đưa báo, không biết ông sẽ còn chờ đợi đến bao giờ. Ông kêu to, tôi ra đây, tôi ra ngay đây như kẻ ngủ mê chợt tỉnh dậy, nói mà không biết mình đang nói gì.

Khi ông ra đến nơi thì người đưa báo đã đi rồi. Mấy tờ báo được đẩy qua khe cửa. Thường thì cậu ta nán lại vài phút để trò chuyện với ông. Không hiểu do đâu mà cậu ta biết nghề nghiệp của ông. Cậu ta thích chụp ảnh, thích bàn luận về nghệ thuật này và không ngớt tán dương ưu thế của máy ảnh kỹ thuật số.

Cậu ta bảo đang theo học tại một trường nghệ thuật nào đó, đưa báo là việc làm thêm để chi dùng hằng ngày. Biết vậy, những hôm bận, cậu đưa báo trễ, thậm chí quên đưa báo, ông cũng không phàn nàn. Ông bảo, cậu đừng ngại, đọc báo chỉ là thói quen thôi, tin tức có là bao. Hằng ngày, ông vẫn có ý đợi chàng trai này để… nói dăm điều, ba chuyện, cho đỡ buồn. Đã vài ba lần cậu ta bảo, để lúc nào rỗi, cháu đến chơi với bác cả buổi. Nhưng chắc chẳng khi nào cậu ta (và bọn trẻ nói chung) có thể có đủ một buổi để nói chuyện với một ông già, ông nghĩ.

Ấy vậy mà, một ngày nọ, chàng trai tìm đến thăm ông. Nghe tiếng chuông, nghĩ là người giúp việc đến dọn dẹp, không ngờ là cậu đưa báo. Câu ta đến giữa phòng rồi mà ông vẫn còn đứng vịn vào cánh cửa, vẻ bần thần. Cậu ta quay lại, cháu có làm phiền bác không ạ. Ông giật mình, đỏ mặt, không, không, chẳng là tôi ở một mình lâu quá nên bất ngờ một chút thôi. Ông đã không nói với cậu ta rằng, chính cậu, chàng trai có mái tóc cắt ngắn, mặc chiếc sơ-mi kẻ sọc xanh biển, khoác hờ hững chiếc balô màu đen bên vai, đã mang theo một luồng khí ấm nóng, tràn trề nhựa sống ùa vào căn phòng nhỏ bé, lạnh lẽo của ông, đã khiến ông nghẹn ngào vì xúc động. Chỉ đến lúc này ông mới hiểu vì sao ngày trước thầy VH lại yêu quý ông đến vậy. Tuổi trẻ làm cho ta hoài nhớ tuổi trẻ của chính mình, làm sống dậy trong ta những khát vọng, những ao ước, những tiếc nuối, day dứt, để sống.

Vẫn đứng giữa phòng, chàng trai nói to, giọng trầm vang, cháu vừa đi thực tập ở Tây Bắc về. Đẹp không thể tả được bác ạ. Chỉ có 3 ngày mà cháu chụp không biết bao nhiêu là ảnh. Bác đừng cười cháu nhé. Cháu không thể cưỡng lại cái ý muốn thâu tóm tất cả cảnh trí vào ống kính của mình. Đêm nằm không sao ngủ được, cháu cứ lục đà lục đục khiến cậu bạn mất ngủ, càu nhàu cấm cảu như một bà già khó tính. Vừa tờ mờ sáng cháu đã vác máy đi, đúng là quên ăn, quên ngủ. Cháu mang ảnh đến trình bác đây ạ. Chàng trai chợt dừng lại, lo lắng nhìn ông già đang ngồi im lặng, một tay chống cằm, vẻ lơ đãng, bác ơi, bác có khỏe không ạ.

Ông già ngẩng lên, mỉm cười, giọng run run, tôi khỏe mà. Anh cho tôi xem ảnh đi. Ông  đã thay đổi cách xưng hô. Nhận thấy vẻ bối rối của chàng trai, ông đưa tay kéo cậu ngồi xuống bên cạnh, chỉ riêng tình yêu với thứ nghề này của anh đã đủ để chúng ta thành bạn bè rồi.

Chàng trai ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc máy tính cũ trên bàn làm việc, bác dùng máy tính ư. Thật tuyệt quá. Cháu đã in ra đây rồi nhưng xem trên máy sẽ rõ ràng hơn, thú vị hơn, sinh động hơn. Ông húng hắng ho, máy của tôi chỉ để gửi thư, nhận thư của con cháu, không biết anh có dùng được không. Chàng trai ngó nghiêng chiếc máy một chút, giúp ông đến ngồi trước màn hình, rồi đặt CD vào ổ máy. Lập tức, trên màn hình hiện ra những triền núi, những cánh đồng, những thửa ruộng bậc thang phủ đầy một màu hoa hồng thắm.

Chàng trai vừa di chuột cho những bức ảnh liên tục hiện ra vừa giải thích, đây là hoa Tam giác mạch, cháu may mắn đến vào đúng mùa hoa. Thoạt tiên cháu cũng hơi ngạc nhiên vì tên của hoa. Người bạn ở địa phương nói với cháu, sở dĩ có tên lạ lùng như vậy là bởi hoa có 3 mặt hình tam giác, lại là thứ hoa được nảy mầm từ mày lúa, mày ngô, có thể lấy hạt làm bánh, nấu rượu như các loại cây lương thực khác. Tam giác là vẻ ngoài, còn mạch là thuộc tính căn bản của hoa.  Có người gọi chúng là loài Lương thảo, có người lại gọi là Thảo hoa. Cháu thấy tên nào cũng hay vì chúng đẹp quá, mỏng manh quá, hoang dại quá. Một cô gái đẹp đâu phải nhờ cái tên bác nhỉ. Tam giác mạch có nhiều ở Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang…

Ông vừa nhìn hoa vừa nghe chàng trai vừa nhớ lại những loài hoa ông từng biết, những vùng đất ông từng qua. Simacai, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Sủng Là, Lũng Cú, Hoàng Su Phì, Phó Bảng, Đồng Văn, Xín Mậu… Ông đã trở đi trở lại những vùng đất này biết bao lần. Ông đã chụp hàng trăm bức ảnh hoa Ban, hoa Đào phai, hoa Mận, hoa Táo, hoa Sim, hoa Mua, hoa Cải, hoa Lan rừng… Có mùa đông ông còn lặn lội vào từng nhà của vùng núi này để tìm mật ong, hoa Bạc hà về làm thuốc trị bệnh cho vợ. Vậy mà ông chưa khi nào biết đến một loài hoa có tên là Tam giác mạch quyến rũ, huyền hoặc, thắm thiết nhường kia.

Ông nhắm mắt lại, ngả đầu tựa vào thành ghế, im lặng hồi lâu rồi bất thần hỏi chàng trai, Tam giác mạch nở vào lúc nào. Dạ, vào cuối thu, khoảng tháng 10, tháng 11 bác ạ. Thế nào cháu cũng sẽ quay lại vào năm tới. Chàng trai hào hứng trả lời, trong khi ông già đã thiếp đi trong ý nghĩ, sao ngày xưa ta lại không đến Tây Bắc vào độ cuối thu.

Ý NHI

.