Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Chuyện xưa - sau

17:23, 29/05/2016 (GMT+7)

Mẹ lấy sợi lạt xâu ngang mang con cá mè hoa, nói khẽ: “Con mang sang nhà Trọng nhớ!”. Bao giờ muốn sai tôi mang cái gì sang cho thím Bưởi, mẹ cũng nói tránh đi như thế, chứ Trọng thì có dây mơ rễ má gì với nhà tôi đâu. Trọng là con thím Bưởi mà thím thì đã bỏ chú Phúng tôi từ đời nào rồi còn gì.

Bỏ xong một thời gian, thím mới có mang rồi đẻ Trọng, chả biết dòng giống nhà nào mà nom cũng không đến nỗi. Người ta “chị em dâu nấu thịt trâu thủng nồi”, đằng này mẹ tôi cứ như người đời. Tôi chả ghét bỏ Trọng nhưng mà nghĩ tới những lời người ta xì xào về thói ăn ở bạc bẽo của thím Bưởi với chú Phúng, tôi lại ấm ức.

Điều quan trọng nhất khiến tôi không thể ghét Trọng là vì từ bé đến lớn, dù không ra mặt nhưng Trọng luôn tỏ ý dè chừng, nhường nhịn, ưu tiên tôi trong các cuộc chơi con trẻ. Những trưa hè, đêm trăng trẻ con trong làng thường trốn bố mẹ tụ tập gần bãi sông, dưới gốc hoa gạo bày ra đủ thứ trò chơi. Như một quy ước, mỗi đứa mang theo một món đồ có thể nhấm nháp được để phá cỗ cùng.

Đất nhà tôi có một mẩu, chỉ đào ao, thả cá, thả sen, cấy sào lúa. Tôi thích ra chơi cùng bọn trẻ làng nhưng thường chẳng có gì để góp phần. Kết thúc trò chơi, tôi thường chẳng nhận được chút gì bỏ bụng trong rổ ổi, na, xoài, mận gom phần.

Mỗi lần như thế, Trọng (thủ lĩnh, cũng là người hầu hết dành phần chiến thắng) đều lặng lẽ chia cho tôi phần quà ngon ngọt mà nó có được. Tôi ngoài mặt lạnh tanh nhưng trong bụng lấy làm hãnh diện khi mấy đứa con gái đanh đá liếc xéo rỉ nhiếc: “Cậy ta đây xinh phỏng? Báu gì cái đồ mặt trắng như ma”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trọng và tôi bước sang tuổi 17, từ lâu rồi, chúng tôi chẳng còn chơi trò nhóm hội ở bãi sông. Chúng tôi 17 tuổi, nghĩa là thời gian chú Phúng và thím Bưởi đã bỏ nhau còn hơn thế nữa. Vậy mà thi thoảng có gì ngon, mẹ vẫn đùm túm khẽ sai tôi sang biếu thím Bưởi.

Và như thường lệ, khi trở về, tôi thường tay xách nách mang đủ thứ lặt vặt mùa nào thức nấy trong khu vườn rộng nhà Trọng. Dường như thím Bưởi chỉ chờ tôi sang là chất lên tay đủ thứ đồ ăn thức uống. Chẳng bù cho thím Hiện, người vợ hiện tại của chú Phúng tôi.

Quanh năm thím Hiện đứng bán phản thịt lợn to nhất chợ Gạo, nổi tiếng đanh đá cá cày, ai cũng phải nép sợ. Làng Dừa, làng Dong cạnh nhau, cùng đi lễ một chùa nhưng chỉ những ngày giỗ ông bà nội, chắc nể chồng lắm hoặc nghĩ ngợi thế nào đấy, thím mới theo chú Phúng quá bộ sang nhà tôi để lo sắp mâm cỗ cúng cùng mẹ.

Nếu so về nhan sắc, thím Hiện thua xa thím Bưởi. Thân hình phốp pháp rất ra dáng dân buôn bán được ghép một cách vụng về vào một gương mặt thiếu cân xứng, như quả táo héo với chiếc đầu méo có đám tóc lơ thơ. May thay đứa con gái không thừa hưởng nhan sắc của mẹ. Mùng một ngày rằm đi chùa về hay giỗ cụ kỵ có xôi, thịt, mẹ đều đùm nắm sai tôi mang sang cho con bé Thảnh. Rõ là “lo bò trắng răng”, hay vì mẹ tôi từng làm y tá nên vẫn giữ được tấm lòng “lương y như từ mẫu” nhỉ, tôi thầm nghĩ.

Ai chả biết thím Hiện là người cúng dường có máu mặt cho chùa làng. Chưa kể những ngày lễ lạt, hai mâm cỗ thím sắp tú ụ bát đĩa, chú Phúng tôi gò lưng gánh tới chùa đến đỏ mặt tía tai. Nghe nói chú chỉ nhất nhất nghe lời thím chuyện thành tâm lễ Phật còn lại thì thây kệ. Chỉ cần biết phản thịt lợn của thím đủ nuôi dài những canh bạc của mình. Từ bé đến lớn, chẳng bao giờ tôi thấy chú ra đồng hay bươn chải làm lụng như người ta. Mỗi khi có ai nhắc đến chú, bố tôi lại buông nhõn câu: “Cái thằng…”, nghe cũng chẳng ra trách móc, bực giận.

Chú Phúng bén duyên với thím Bưởi năm người vừa mười chín, kẻ đôi mươi. Ông bà nội tôi mất sớm, bố tôi ngày ấy mới cưới vợ ít lâu, chưa vướng bận con cái, hãy còn đang linh đinh khói lửa ở chiến trường Campuchia, một tay mẹ tôi dấm người, sắp đặt, định đoạt chuyện cưới hỏi cho em chồng. Tình hình chiến sự căng thẳng, tin người bỏ mạng bên chiến trường nước bạn ngày càng nhiều, nhớ lời dặn dò của bố, cũng là di nguyện của ông bà ngày ra đi, mẹ cố gắng chu toàn chuyện hôn nhân cho chú Phúng, âu cũng là làm tròn trách nhiệm của người chị dâu nhằm duy trì dòng giống nhà chồng. Ngày cưới, ai cũng nức nở khen cô dâu chú rể xứng đôi.

Theo lời kể của mẹ thì thím Bưởi vẫn giữ được thanh sắc của ngày xưa. Mà theo quan sát thầm lén của tôi những dịp qua nhà thì mặt mũi thím cân phân, thanh thoát, da dẻ mịn màng, dáng người gọn gàng, chắc lẳn. Còn chú Phúng, những canh bạc thâu đêm suốt sáng có làm phai lạt đi sức vóc nhưng nếu không trông kỹ quá thì chú cũng ra dáng tráng niên.

Vậy mà sau ngày cưới đâu chưa tới nửa năm, chưa kịp có nghé để xẻ thì đùng một cái chú thím tan đàn. Mảnh đất hai vợ chồng và mẹ tôi cất công khai hoang, dự tính ra riêng khi bố tôi về, không biết chú bỏ rẻ hay cho không, thím Bưởi ở lại dựng căn nhà cấp bốn ở một mình còn chú bỏ đi làm ăn xa ngót mấy năm trời, lúc về dắt theo thím Hiện và đứa con gái còn ẵm ngửa.

Sẵn tiền, chú mua đất, cất nhà, thím Hiện bỏ vốn ra chợ buôn bán. Cũng lạ một điều là chẳng biết giận hờn gì mà từ ngày ấy chú dù thi thoảng lai vãng nhà tôi nhưng chẳng bao giờ ngồi xuống hàn huyên chuyện trò cùng người chị dâu là mẹ tôi một lần nào. Tôi đoán chú vẫn giận mẹ ngày xưa không mở lời khuyên bảo thím Bưởi khiến chú thím ly tan nhưng vì lễ nghĩa mà không nói ra. Bố tôi thì quanh năm ù ù cạc cạc, chi chú làm ăn, lành hiền như bụt, nhất cử nhất động của mẹ, chẳng bao giờ bố có ý kiến gì.

17 tuổi, Trọng cao ráo, rắn rỏi, học khá, lại được nết siêng năng, nhanh nhẹn, hiền hòa. Ông già bà cả trong làng tấm tắc khen ngợi, lấy Trọng làm gương cho con cháu. Chẳng người mẹ nào lại không thầm tự hào. Chắc thím Bưởi cũng vậy.

Nhưng dù sao Trọng vẫn là đứa con đặc biệt, thím khéo giấu niềm hạnh phúc của người mẹ bằng thái độ khiêm nhường. Dù vậy, mỗi khi gặp mẹ tôi, thím đều trải lòng không giấu giếm gì. Mới mấy hôm trước thôi, khi mang sang biếu mẹ mớ cá xuân Trọng kích đêm được ở mương Quấn, thím khoe: “Năm cuối cấp, bài vở bù đầu nhưng mà á, nhãng ra là nó quăng mình vào làm, đất vườn trồng rau một tay nó cuốc, cây ăn quả nó bón phân, nó đánh xe bò lên tít thung Mây đánh chuối rừng về làm thức ăn cho ngan, gà, đêm hôm xong xuôi bài vở, nó còn mang kích đi kiếm cá.

Chịu khó hệt bố nó ngày xưa, chị nhỉ?”. Nghe thím Bưởi kể về Trọng hào sảng như kể chuyện Thánh Gióng khiến mẹ như lây lan cả niềm tự hào hết “ồ, à” lại chép miệng như thể thèm thuồng. Tôi thì chẳng lấy làm lạ. Lần nào trên thung Mây về, Trọng chẳng mang cho tôi những chùm quả mây chua chua chát chát lạ miệng, mớ cá mương con nào con nấy chằn chặn, bị kích điện qua, vẫn tươi roi rói hẳn là một tay Trọng nhặt ra để thím Bưởi mang sang nhà tôi.

Trọng biết thừa là tôi thích ăn cá mương nấu chua mà. Hay là tôi cứ tưởng ra như vậy nhỉ? Đứa con gái 17 tuổi nào mà chẳng thích được quan tâm, để ý chứ, nhưng mà không hiểu vì sao, với Trọng, không chỉ đơn thuần là niềm kiêu hãnh của một đứa con gái được bạn khác giới chiều chuộng mà tôi còn cảm thấy sự ấm áp, quen thuộc của tình thân, rất khó giải thích.

Mối băn khoăn của tôi được cởi bỏ vào ngày người ta mang chú Phúng tôi, chỉ còn thở thoi thóp từ trạm y tế về nhà tôi. Chẳng biết ai thông báo mà chỉ một chốc người ta đã quây tròn xôn xao quanh giường gian ngoài, vốn là chỗ tôi thường tụ tập ăn quà vặt, buôn chuyện với đám bạn gái cùng lứa, nay chú Phúng nằm đó, máu thấm đỏ cuộn băng trắng quấn quanh đầu, mặt tái dại đi. Bố tôi quỵ xuống sàn nhà, đầu ngang tầm giường, nắm chặt lấy cổ tay chú Phúng, lắc lắc.

Thím Hiện với con bé Thảnh phủ phục bên cạnh, khóc lóc hu huơ phân bua về con bạc khát nước hùa nhau đánh chú vỡ đầu. Bỗng đám người dạt hẳn ra, mẹ tôi dắt tay thím Bưởi và Trọng lật đật bước vào, nghẹn ngào phân bua: “Các chú các bác ơi, thím Bưởi với thằng cháu tôi vào với bố nó đây. Chú Phúng ơi, chú đừng oán thím Bưởi nữa, nào ai muốn đang tay chia loan rẽ thúy, chẳng qua xưa kia tôi với thím bao lần đi xóc quẻ, xem tuổi, mệnh, cung phu thê của chú thím đều phạm tuyệt mệnh. Thím ấy vì quá lo sợ cho tính mạng của chú, đường cùng mới cắn răng đoạn tuyệt, phân ly. Nhưng mà chú Phúng ơi, dù sao thằng Trọng nó cũng là máu mủ của chú.

Cái đận chú mất dạng rồi bỗng dưng ngật ngưỡng về giữa đêm hạch tiền thím ấy. Chú mê man nào biết, tôi là người cùng thím Bưởi cấp cứu cho chú khi bị hạ mã phong. Lúc chú tỉnh rượu và qua cơn nguy hiểm thì đã ở trạm xá rồi. Rồi chưa kịp vân vi thì chú đã lại đi, lúc về dắt theo thím Hiện với con bé, nhiều lần tôi đã định mở lời nhưng thím Bưởi bắt thề sống thề chết sống để bụng chết mang theo, mà có khi chú không biết lại hay, không còn dính dáng gì mẹ con thím ấy nữa, trời sẽ không nỡ đoạt mạng chú. Vậy mà chú Phúng ơi, giờ lại ra nông nỗi này…”.

Những lời của mẹ tôi, chú Phúng nghe đến đâu, gương mặt dần dần chuyển từ tái dại sang bừng lên sắc hồng. Chú cố nhướng đôi mắt hum húp lên nhìn Trọng, nhìn thím Bưởi, lúc này đã quỳ sụp xuống bên cạnh, nước mắt lưng tròng, khóe môi trễ nãi tưởng đã phát phiền như cánh bướm rỡn hoa rồi vụt mất nhưng bất thần sự sống khẽ chấp chới, vỡ òa trong tiếng gọi:

“Con ơi!”.

MỘC ANH

.