.

Dạ, thưa thầy...

.

1. Thầy tôi rất ít khi giận trò, nhưng có lần thầy giận vì một cậu học trò trả lời thầy mà không thưa gửi. Cậu ấy đứng dậy trả lời một câu hỏi với thái độ mặt hất lên cao, nói năng cụt lủn, không thèm thưa gửi.

Thầy nói, lỗi của bố mẹ đã không dạy dỗ, nhắc nhở các em điều này từ khi còn bé. Lỗi của trò có thể vì đã từng học nhưng không ghi nhớ. Các em có thuộc câu “Tiên học lễ, hậu học văn” mà ở mái trường nào cũng ghi không? Nếu thầy không dạy lại bài học của tuổi lên ba này, thầy là người có lỗi với cuộc đời các em. Các em cần phải biết tôn trọng tất cả những người mà mình gặp trong cuộc sống mới có thể thành công. Nếu người dạy dỗ mình, mình không tôn kính thì làm sao thấu hiểu mà làm được điều đó?

Và tôi cũng như nhiều bè bạn khác nhớ như in điều đó. Không chỉ trong một ngày học thầy, một năm học mà cả chặng đường dài mình đi.

Chúng tôi nói “Dạ, thưa thầy”, “Dạ, con cảm ơn thầy”…

Chúng tôi đã học được từ thầy những bài học nhỏ mà ý nghĩa lớn để mang theo suốt cuộc đời. Đúng như ngày xưa thầy nói, bất cứ ai ta gặp trong cuộc đời này, người đó đều có thể là thầy ta. Và khi nhún mình xuống để tôn trọng người khác, không hề hạ thấp mình mà ngược lại, làm người đối diện tôn trọng mình hơn. Người đối diện sẽ đắn đo điều sai, sẽ không còn giận dữ, sẽ bớt nóng nảy… khi gặp một tiếng “Dạ, thưa…”.

Đã lâu rồi tôi ít gọi điện thoại chỉ để nói “Dạ, thưa thầy”. Tôi không còn được nghe thầy đáp lại: “Thầy nghe đây”… Và thầy trò sẽ nói với nhau những điều cùng tâm đắc. Thầy đã qua hai lần tai biến, gặp được thầy, dẫu chỉ là một cuộc gọi, đôi khi rất ngại ảnh hưởng sức khỏe của thầy.

2. Cô bạn tôi kể, bạn vẫn nhớ như in trong buổi học ôn thi văn đội tuyển Quốc gia dạo bé, thầy đùng đùng nổi giận vì phát hiện ra đám học trò gọi mình là thầy H. “lùn”. Bởi thầy là người vui tính, hay đùa nên đám học trò hùa nhau gọi như thế vì bông đùa mà không hề nghĩ tới “hậu quả”. Và thầy đã nghiêm khắc răn dạy cô nhỏ (là trò cưng của thầy) trước cả lớp vì “tội” đầu têu.

Cô nhỏ ấy giận thầy tới vài bữa vì nhỏ chưa bao giờ bị thầy mắng, vì nhỏ cũng chỉ nghĩ như thế là vui đùa chứ không phải là “vô lễ”. Thời đi học, mấy ai không thêm bớt “nickname” vào tên thầy, cô. Tới khi cơn giận qua đi, cô nhỏ nghĩ lại và thấy mình quá sai. Muốn mở lời xin lỗi thầy mà sao câu mở lời “Dạ, thưa thầy” quá khó… Cô nhỏ ngồi viết truyện ngắn về câu chuyện của mình, gửi báo, chờ báo ra để tặng thầy, thay một lời xin lỗi. Báo ra thì khóa ôn thi đã kết thúc, thầy chuyển công tác một thời gian rồi cùng gia đình ra nước ngoài. Tờ báo chẳng thể được gửi tới thầy.

Cô nhỏ ngày ấy - bạn tôi, bây giờ là nhà báo, vẫn nhớ về thầy mình mỗi khi viết bài về ngày nhà giáo. Học thật nhiều bài học hay từ thầy nhưng khắc cốt ghi tâm nhất lại vẫn là bài học chữ Lễ mà mình vẫn còn nợ thầy câu xin lỗi. Chỉ là một lời thưa gửi, xin lỗi thôi mà nặng nợ.

“Dạ, thưa thầy”… Trong tâm tưởng mỗi cô cậu học trò, ba chữ thương yêu ấy chưa bao giờ giản đơn khi chất chứa biết bao kỷ niệm…

VÕ THU HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.