Đây là câu khẩu hiệu của Bệnh viện (BV) Đa khoa Hòa Vang. Theo đó, BV tập trung xây dựng y đức cho đội ngũ y, bác sĩ - lĩnh vực không cần kinh phí để thực hiện. Chỉ sau một năm đi vào hoạt động, BV đã nâng số lượng bệnh nhân đến khám trong ngày từ vài chục lên hơn 300 bệnh. Không chỉ vậy, xây dựng y đức còn giúp BV thực hiện hiệu quả các tiêu chí của cuộc vận động “5 xây”, “3 chống”.
Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang mới đi vào hoạt động khám, chữa bệnh được 1 năm; lực lượng y, bác sĩ đa phần trẻ, năng động nhưng non về tuổi nghề; còn nhiều thiếu hụt về mặt nhân lực lẫn trang thiết bị. Tuy nhiên, những khó khăn này không ngăn các thầy thuốc nơi đây nỗ lực nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh với phương châm “Gieo yêu thương, gặt hạnh phúc”, dùng y đức, sự ân cần, hòa nhã để chăm sóc bệnh nhân và phát triển bền vững BV.
Để xây dựng y đức, bên cạnh việc tổ chức thường xuyên những buổi trò chuyện tâm lý với đội ngũ y, bác sĩ, BV Đa khoa Hòa Vang còn phát động cuộc thi “Tôi nói về y đức”. Kỹ thuật viên Khoa X-quang Huỳnh Tấn Đa cho biết, những lần trò chuyện thân mật, những mẩu chuyện xúc động, chân tình được chia sẻ với nhau đã giúp các thầy thuốc nơi đây thường xuyên suy nghĩ về việc rèn luyện và gìn giữ y đức. Để rồi tự nhắc nhở nhau rằng: Đừng để người bệnh khi vào BV Đa khoa Hòa Vang phải chịu đựng 2 nỗi đau: nỗi đau do bệnh tật và nỗi đau do lời ăn tiếng nói, thái độ phục vụ của nhân viên y tế gây nên.
Được y tá dìu vào tận phòng khám và tận tình đưa đi nhận thuốc, bà Nguyễn Thị Liêm (86 tuổi, xã Hòa Nhơn) nói: “Tuổi già gắn với sự cô độc và bệnh tật. Một lời hỏi thăm, một cử chỉ ân cần cũng đủ để tôi cảm thấy mình được an ủi, bệnh tật nhờ rứa cũng thuyên giảm hơn. Vì lý do này mà tôi lựa chọn BV Đa khoa Hòa Vang - nơi tôi không chỉ nhận quy trình khám, chữa bệnh chất lượng mà trên hết là sự quan tâm, chia sẻ thực sự”.
Không nề hà khi ngày ngày phải tiếp xúc với các bệnh nhân mang bệnh dễ lây nhiễm, chị Trần Thị Quỳnh Trâm (25 tuổi) luôn cho mình là người may mắn khi được trở thành nhân viên xét nghiệm Khoa Lao và “khởi nghiệp” tại BV Đa khoa Hòa Vang. Lao là bệnh của người nghèo. Do nghèo, không có điều kiện ăn uống đầy đủ lại làm việc nặng nhọc nên dẫn đến lao lực.
Quỳnh Trâm chia sẻ: “Bệnh nhân lao đến đây đa phần đã có tuổi và rất nghèo. Người bệnh nghèo đến mức không có tiền để mua bảo hiểm y tế, càng không có tiền tẩm bổ sức khỏe bằng thực phẩm tốt… Chúng tôi hiểu được rằng, y đức không phải là điều cao siêu, nó đơn giản là xem sự đau đớn của bệnh nhân như nỗi đau của chính mình. Là niềm vui khi được chăm sóc, động viên, an ủi để người bệnh lạc quan điều trị hay được thấy người bệnh tăng cân, khỏe mạnh rời bệnh viện”.
Huỳnh Tấn Đa cho biết, khi có y đức, khi thực sự là “từ mẫu”, người thầy thuốc sẽ tránh được những thói xấu như cầu lợi, phân biệt đối xử giữa người có phong bì và người không có phong bì, tránh được sự vô cảm lạnh lùng với bệnh nhân. Mỗi cử chỉ lời nói thân thiện của người thầy thuốc cũng được xem là liều thuốc chữa trị bệnh tật vô giá.
Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc BV Đa khoa Hòa Vang, nghề y đồng nghĩa với việc giữ sức khỏe, sinh mạng của bệnh nhân trong tay. Người thầy thuốc chân chính không chỉ cần đến trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững mà còn phải có đạo đức nghề nghiệp. Nếu có thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm, thiếu thiện cảm với bệnh nhân thì sớm muộn bác sĩ đó cũng sẽ tự đào thải khỏi ngành. Lời thề Hippocrates và 12 điều y đức Việt Nam phải được ghi nhớ, thấu hiểu bằng cả trái tim và tấm lòng yêu thương người bệnh, chứ không phải là những dòng lý thuyết suông được học thuộc lòng một cách lý trí.
“Không để độ dày mỏng của chiếc phong bì ảnh hưởng đến sự quan tâm dành cho người bệnh. Không để sự so đo đó, tính toán thiệt hơn len vào giữa bác sĩ và bệnh nhân, làm méo mó hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc. Để tấm áo blouse thực sự mang màu trắng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng… là tất cả những gì mà BV Đa khoa Hòa Vang hướng đến”, bác sĩ Vĩnh khẳng định.
MAI TRANG