Chính trị
Nhớ mãi bác An
Lứa chúng tôi quen gọi bác Nguyễn Đình An bằng anh, dẫu bác đã ngoài 90. Hình như tính cách sôi nổi và nhất là cái tình với lớp hậu sinh từ mấy chục năm, cho phép chúng tôi gọi con người ân tình này mãi mãi bằng anh như vậy mà không sợ mang tiếng bất kính. Tuổi tác khiến anh phải nằm một chỗ từ hơn năm nay, nhưng đôi mắt ấy bao giờ cũng giữ một vẻ tinh anh hiếm có.
Ông Nguyễn Đình An (thứ hai, bên phải sang) cùng đại diện lãnh đạo Báo Đà Nẵng viếng hương nhà báo liệt sĩ Trần Văn Anh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) năm 2015. Ảnh: PV |
Mỗi người nhớ về anh theo nhiều cách khác nhau, nhưng điều lớn nhất dễ nhận ra ở con người này là một nhân cách, một chiều sâu văn hóa. Quê quán Điện Quang (Điện Bàn) nhưng sinh ra ở Hội An, hình như những tảo tần tuổi nhỏ, nhất là chất văn hóa xứ Bắc đã ươm mầm tính cách, 3 tuổi theo cha và trên những chặng đường nhọc nhằn học chữ khi ở Sơn La, khi về châu thổ sông Hồng đã hun đúc nên con người mẫn tiệp và sắc sảo. Ra Bắc từ khi rất nhỏ (1937) và có lẽ đó là lý do vì sao anh người Quảng Nam nhưng lại có giọng Bắc chính hiệu.
Đất Gò Nổi địa linh nhân kiệt với những Hoàng Diệu, Hoàng Tụy… đã truyền trao trong anh lòng căm ghét bất công, căm thù xâm lược và khát vọng học tập. Tốt nghiệp Sư phạm, gần mười ba năm đi dạy (có ba năm dạy học ở Khu học xá Nam Ninh - TQ), về sau phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi Văn của Sở Giáo dục Hà Nội, ngày ấy là một trọng trách. Thời gian “chuyên Văn” ngắn nhưng đáng nhớ, dấu ấn của thầy giáo Nguyễn Đình An góp phần ươm mầm văn chương cho những tài hoa đất Thăng Long, trong đó có những người là niềm tự hào chung cho đất nước.
Tháng 3-1965, Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, tháng 11 anh vào Nam, để lại người bạn gái vừa ăn hỏi ở Hà Nội. Tháng 2-1966 anh về tới Khu 5, nơi chiến trường ác liệt nhất và được bố trí về Báo Cờ Giải phóng Khu 5, sau năm 1967 anh là cán bộ Ban Tuyên huấn (Đặc khu ủy Quảng Đà phụ trách tuyên truyền, báo chí). Tháng 3-1975 anh về làm Phó trưởng ty Giáo dục Quảng Nam-Đà Nẵng, năm 1978 anh làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, năm 1986 làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm 1995 làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng (đến 2004).
Gần trọn trăm năm một cuộc đời phong phú, có mười ba năm đi dạy, mười năm gian khổ và kiên cường chiến khu, hòa bình là những ngày sôi nổi thực hiện xây dựng con người mới của một địa phương đất rộng dân đông, trải qua nhiều công việc và trọng trách khác nhau, nhưng có lẽ ấn tượng nhất nơi con người nhỏ nhắn ấy là chất văn hóa, bản lĩnh văn hóa.
“Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/Hơn ngàn trang giấy luận văn chương”, gần mười năm chiến trường ác liệt, công việc chính của anh là làm báo, dĩ nhiên không chỉ luận văn chương. Ngày ấy, chẳng hiểu vì sao những người như anh thường được gọi là “phóng viên nhà báo”. Nhà báo nhưng làm tất cả: văn phòng, hậu cần, gùi hàng… và hơn tất cả là một chiến sĩ, một cán bộ tuyên huấn đặc khu… Cuộc sống có những tình huống khó quên, câu chuyện anh kể một lần năm 1972, trong khi gùi thùng mắm cái, ngồi nghỉ ven suối, trong đoàn quân đang vào Nam, bỗng có người lính chạy ào tới ôm chầm lấy anh “Thầy An, thầy nhớ em không? Em là… học sinh lớp 10B…”. Khó ai có được niềm vui dạy học như trong giây phút ngắn ngủi thầy trò giữa núi rừng chiến khu như vậy.
“Làm báo” nghĩa là đảm đương cả hai việc viết bài và lo in ấn, dĩ nhiên là trong điều kiện ác liệt của chiến tranh. Anh viết không nhiều nhưng ở mỗi bài đều toát lên sự vững chắc nghề nghiệp và có sức lôi cuốn, thôi thúc. Mỗi bài của anh là chông, là tiếng súng góp phần vào chiến thắng 1975.
Sau thống nhất anh về công tác tại Ty Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng, tuy thời gian ngắn, người ta thấy anh xông xáo khắp nơi từ đồng bằng Núi Thành đến Trà My gian khó, anh chỉ đạo ổn định trường lớp nhưng ấn tượng là sự tâm huyết với phong trào bổ túc văn hóa, đêm đêm anh đến từng lớp, tôi tin rằng trong rất nhiều người thoát mù chữ ngày ấy có công của anh.
Sức đọc, nền tảng văn hóa và nhất là sự nhạy bén trong tiếp cận cái mới là sự chuẩn bị chu đáo để anh làm công tác quản lý ngành văn hóa, và ngành văn hóa trong bộn bề của những năm sau 1975 may mắn có một người như anh lãnh đạo.
16 năm làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin và Phó Chủ tịch UBND tỉnh (phụ trách văn xã), anh am hiểu lĩnh vực mình phụ trách một cách sâu sắc, không những biết trái bóng có mấy “múi” mà chính là làm sao để phong trào thể dục- thể thao tỉnh nhà phát triển, anh đón và tổ chức một buổi biểu diễn của một danh cầm bằng tất cả sự trọng thị, anh là người quyết định và bảo vệ chí tình việc đặt tên trường Junko, tên một sinh viên Nhật yêu quý Việt Nam chẳng may gặp nạn. Anh am hiểu tôn giáo không những biết sự khác nhau giữa Tân ước và Cựu ước mà chính là làm sao để xã hội lan tỏa sự hiền lành, bác ái. Anh hiểu sâu sắc “Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng/ Thương cha, nhớ mẹ quá chừng bậu ơi” bởi anh không chỉ đến những địa danh đó, mà quan trọng hơn là anh muốn lan tỏa cái tình, cái nghĩa.
Bài viết “Trước hết hãy là người con hiếu thảo” không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn là của xã hội, của nhà trường. Đằng sau những thành tích phong trào, ý nghĩa cao cả vẫn là làm sao xây dựng một xã hội có văn hóa, với những con người có văn hóa. Kinh tế tăng trưởng mà đời sống văn hóa nghèo nàn thì sự giàu có ấy cũng chỉ là sự nhạo báng giá trị nhân văn.
Anh nhiều lần đến thư viện và bảo tàng, không chỉ đến để chỉ đạo này nọ mà chính là đến để xem, để biết, để mượn sách. “Bảo tàng Chăm là giá trị nghệ thuật độc sáng tầm cỡ nhân loại”. Anh gặp các nghệ sĩ tuồng như là gặp tri âm, tri kỷ, anh viết tham luận về nghệ thuật tuồng như một chuyên gia với những nhận xét độc đáo. Anh không chỉ lãnh đạo ngành văn hóa, mà còn là người tham gia vào các giá trị văn hóa.
Chỉ ở Hội An ba năm nhưng hồn cốt Hội An thấm đẫm, anh là một trong những lãnh đạo có một tầm nhìn toàn diện về giá trị văn hóa đặc biệt của phố cổ, anh tổ chức hội thảo quốc gia, quốc tế, anh có công lớn trong việc UNESCO công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới, anh viết “Hội An, tình yêu của tôi” với một tấm lòng sâu sắc quê hương, nhưng quan trọng hơn là xác định một hướng đi, một lựa chọn phát triển cho phố cổ . Với Mỹ Sơn, anh là tri kỷ của Kazik, một kiến trúc sư người Ba Lan gắn bó gần như cả cuộc đời với việc phục hồi di sản.
Nhận ra tầm vóc và ý nghĩa quyết định của vai trò văn hóa cũng có nghĩa phải phê phán cái trì trệ, lạc hậu. Ít có người như anh, anh ghét sự phô trương, giáo điều. Những năm cuối đời, giống như nhiều người có trách nhiệm, anh buồn và lo cho sự tha hóa của một số lãnh đạo, nhưng điều trăn trở lớn hơn là làm sao đất nước có những người văn hóa lãnh đạo văn hóa.
Ai từng dự buổi mít-tinh tiễn người anh em Quảng Nam vào Tam Kỳ trong ngày chia tỉnh (1-1-1997) đều nhớ bài phát biểu tha thiết, ân tình và nhất là thấm đượm nghĩa tình: chia mà không tách, “Như không hề có cuộc chia ly” của anh, bấy giờ anh là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Hôm nay đọc lại những lời gan ruột ấy càng thấy tầm vóc của một nhân cách hòa hợp và đoàn kết.
Có hai việc nhỏ mà tôi rất thấm thía: Anh An là người rất hiền, tôi chưa thấy anh to tiếng hay khó chịu với ai. Việc cần giải thích anh nhỏ nhẹ trao đổi chân tình và nhất là không nói xấu một ai. Một chi tiết khác tôi nghe kể lại, mỗi khi anh phát biểu ở một hội nghị khoa học nào đó, khi có thù lao bao giờ anh cũng chia một nửa cho người chuẩn bị. “Ý của mình nhưng văn bản là của cậu”.
Với những người làm báo Quảng Nam-Đà Nẵng cũng như Đà Nẵng sau này, nhớ đến anh như một cây bút dày dạn kinh nghiệm, một lãnh đạo uyên bác, một thái độ làm việc nghiêm túc. Có lần họp cộng tác viên, khi được mời phát biểu, ngoài những lời động viên, ghi nhận… anh nói ý này “Trên măng-sét của Báo có dòng chữ: Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, ta đã làm tốt tiếng nói của hai cơ quan trên, bây giờ điều cần làm tốt hơn là Báo Đà Nẵng phải thật sự là tiếng nói của nhân dân Đà Nẵng”.
Kính tiễn và nhớ mãi đến anh, một nhà báo xông xáo, nhà văn hóa tâm huyết, nhà sư phạm tài năng, một con người luôn toát ra sự khao khát cái mới.
MAI ĐỨC LỘC