Chính trị
Nâng cao chất lượng hoạt động tổ dân phố, thôn - Bài 3: Những khó khăn cần tháo gỡ
Kết quả triển khai Chỉ thị số 21-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần giải pháp tháo gỡ.
Biệt đội nhí bảo vệ môi trường trong mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở khu dân cư Bình Phước 1, phường Thuận Phước (quận Hải Châu) hoạt động hiệu quả với hơn 50 thành viên do Chi bộ khu dân cư điều hành. Ảnh: PV |
Những bất cập, hạn chế
Trên thực tế, việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra của hệ thống chính trị ở cơ sở trong triển khai thực hiện các hoạt động tự quản và các mô hình tự quản có lúc, có nơi còn hạn chế.
Bí thư Chi bộ khu dân cư Bình Phước 1, phường Thuận Phước (quận Hải Châu) Phạm Công Lương cho rằng, nếu tổ trưởng tổ dân phố không nắm chắc địa bàn, hiểu sâu tính đặc thù, điều kiện, đặc điểm dân cư tổ mình quản lý trong công tác điều hành tổ dân phố tất yếu sẽ không mang lại hiệu quả.
“Trong khu dân cư có vùng người theo đạo chiếm phần lớn, thì lời nói để tuyên truyền chủ trương, chính sách cũng phải phù hợp theo tính chất cư dân, không thể áp dụng “cào bằng” được. Trong tổ, hoàn cảnh, điều kiện từng gia đình thế nào, “đặc điểm riêng” ra sao, cũng phải nắm, hiểu, thì công tác vận động, phát động phong trào mới có hiệu quả”, ông Lương nói.
Theo tổ trưởng tổ 51, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) Phạm Thị Xuân, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TU, tổ dân phố đã thực hiện đúng tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” về thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin của dân trong tham gia vào quá trình đóng góp, xây dựng địa phương.
Các khoản thu, chi, các loại quỹ, các khoản huy động dân đóng góp trong công tác giúp nhau giảm nghèo… được công khai để dân biết, bàn và quyết định theo sự đồng thuận hoặc theo nguyên tắc dân chủ. Bà Xuân cho rằng, phải tôn trọng tính tự chủ, tính đa dạng văn hóa và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư, bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư, thì hoạt động của tổ dân phố sẽ đem lại hiệu quả.
Qua đánh giá chung, chất lượng hoạt động của các tổ dân phố, thôn hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chi bộ đối với tổ dân phố, thôn chưa sâu sát. Công tác phối hợp hoạt động của một số tổ dân phố, thôn với các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ. Chất lượng của một số cán bộ tổ dân phố, thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nội dung, hình thức sinh hoạt tổ dân phố, thôn chưa thật sự phong phú để thu hút nhân dân tham gia.
Theo báo cáo của UBND thành phố, hiện nay toàn thành phố có 42% tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn từ 60 tuổi trở lên và 61% chưa có trình độ đào tạo về chuyên môn. Có tình trạng tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn thiếu kinh nghiệm, lớn tuổi, sức khỏe chưa bảo đảm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành, khả năng truyền đạt thông tin, vận động nhân dân tham gia các hoạt động phong trào xã hội tại địa phương và tổ chức các hoạt động khác. Việc ứng dụng chuyển đổi số còn khó khăn do một số ít tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn sử dụng cộng nghệ thông tin còn hạn chế (phần lớn là do lớn tuổi chưa thể theo kịp hoặc chưa được trang bị, cập nhật kiến thức kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số).
“Do tính chất, khối lượng công việc ngày càng nhiều nên một số địa phương gặp khó khăn trong vận động người tham gia làm cán bộ tổ dân phố, thôn. Việc huy động cán bộ tổ dân phố, thôn là người trẻ tuổi gặp khó khăn do lực lượng này phải mưu sinh, chưa có tiếng nói trong nhân dân và chưa được nhân dân tín nhiệm để điều hành quản lý. Một số địa phương khó khăn về nhân sự nên cán bộ tổ dân phố, thôn kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách khác, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tại cơ sở”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn nhìn nhận.
Chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm
Qua khảo sát thực tế, nhiều khó khăn, vướng mắc theo đặc điểm, đặc thù từng địa phương trên toàn thành phố được chỉ ra cụ thể. Trưởng phòng Nội vụ quận Hải Châu Trần Thị Kim Yến cho rằng, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố nói riêng và những người tham gia công việc ở tổ dân phố nói chung là những người làm việc trực tiếp ở cơ sở, là đầu mối để kết nối cơ sở với chính quyền. Tuy nhiên, do tính chất, khối lượng công việc nhiều cùng với chế độ, chính sách hỗ trợ chưa cao dẫn đến tại một số địa phương công tác tìm nhân sự, vận động người tham gia làm tổ trưởng, tổ phó gặp nhiều trở ngại. Một số nơi quản lý cư trú còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của tổ trưởng.
Theo Trưởng phòng Nội vụ quận Liên Chiểu Mai Thanh Quang, trình độ, năng lực của các tổ trưởng, tổ phó dân phố có nơi chưa đồng đều. Một số trường hợp đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, không có nhiều thời gian dành cho công tác tổ dân phố nên phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ. Với đặc thù quận Liên Chiểu có nhiều sinh viên, học sinh, công nhân lưu trú, ở trọ dẫn đến gây khó khăn cho công tác quản lý cư trú, vệ sinh môi trường, phục vụ công tác phòng, chống dịch, di dời dân do thiên tai.
Trưởng phòng Nội vụ quận Ngũ Hành Sơn Phạm Thị Lệ Thủy cho biết, với mô hình tổ dân phố hiện nay, việc chọn lựa cơ cấu nhân sự chức danh tổ trưởng tổ dân phố gặp nhiều khó khăn. Việc lãnh đạo của chi bộ, công tác phối hợp với ban công tác Mặt trận và các đoàn thể có lúc còn hạn chế. Có một số tổ trưởng năng lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.
Một số tổ trưởng lần đầu đảm nhận công việc, kỹ năng hoạt động điều hành còn yếu, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm được giao, thiếu nhiệt tình trong công việc, chưa thật sự sâu sát nhân dân dẫn đến kết quả hoạt động và chất lượng sinh hoạt của tổ chưa có nhiều chuyển biến. Một số khu dân cư hiện nay chưa được đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, nên việc tổ chức sinh hoạt định kỳ của các tổ dân phố gặp không ít khó khăn. Một bộ phận nhân dân ý thức việc tham gia các hoạt động cộng đồng và sinh hoạt định kỳ của tổ dân phố tại khu dân cư còn kém.
Tại quận Cẩm Lệ, vẫn còn một số tổ dân phố triển khai các nhiệm vụ được giao chưa nhạy bén, chưa duy trì thường xuyên tổ chức sinh hoạt nhân dân theo định kỳ, chưa kịp thời phản ánh các ý kiến thắc mắc của nhân dân đến phường. Công tác quản lý cư trú còn gặp khó khăn do nhiều hộ gia đình chuyển về sinh sống nhưng không chuyển khẩu về địa phương, các hộ có nhà cho công nhân, sinh viên thuê không tự giác đến khai báo với tổ trưởng để cập nhật vào sổ lưu trú quản lý.
Tại quận Sơn Trà, do đặc thù ở khu chung cư và khu đô thị biệt lập có sự khác biệt về đặc điểm cộng đồng dân cư, các hộ gia đình sinh hoạt khép kín, tách biệt, khó nắm bắt thông tin, các trường hợp người nước ngoài, người thuê nhà thường xuyên thay đổi, chủ nhà không cư trú tại địa phương nên công tác quản lý tổ dân phố, vận động nhân dân tham gia sinh hoạt ít nhiều gặp khó khăn. Công tác phối hợp giữa tổ dân phố, cảnh sát khu vực và ban quản trị nhà chung cư tại một số chung cư đôi lúc chưa chặt chẽ trong việc giải quyết các kiến nghị của người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) Phan Thị Thu Hồng cho biết, đa số các trưởng thôn đã nhận thức cao hơn về vai trò, trách nhiệm của mình nên tích cực sâu sát các hộ gia đình. Việc quản lý địa bàn, quản lý cư trú sâu sát, chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số trưởng thôn chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm được giao, thiếu nhiệt tình trong công việc, chưa sâu sát nhân dân dẫn đến chất lượng, hiệu quả công việc đạt được chưa cao.
TRỌNG HUY - HOÀNG NHUNG