Chính trị
Cuộc 'cách mạng' giúp Đà Nẵng vươn mình
50 năm sau ngày giải phóng, từ một đô thị nhỏ bé, chật hẹp, mang dấu ấn của một căn cứ quân sự, Đà Nẵng trở thành một thành phố hiện đại, đáng sống. Những con đường nhỏ hẹp, khu nhà chồ ven sông Hàn hay những khu ổ chuột ven biển Thanh Bình đã lùi vào ký ức, nhường chỗ cho những đại lộ rợp bóng cây xanh, những tòa nhà khang trang và một không gian sống văn minh. Để có được sự thay đổi đó, thành phố đã trải qua cuộc “cách mạng” về quy hoạch, phát triển hạ tầng, xây dựng văn hóa đô thị và củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền.
Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, để cùng nhìn lại những quyết sách mang tính đột phá và tầm nhìn phát triển bền vững của Đà Nẵng.
* Ông có thể chia sẻ những ký ức về thành phố cách đây 50 năm?
- Khi Đà Nẵng được tách ra trở thành đơn vị hành chính, thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. Đơn cử, 126 con đường rộng 8m đã xuống cấp nghiêm trọng qua thời gian, chưa được đầu tư nâng cấp sau nhiều năm chiến tranh. Những dãy nhà chồ chen chúc dọc bờ đông sông Hàn, trong khi các khu “nhà ổ chuột” mọc lên san sát ở bờ biển Thanh Bình. Nhà máy điện Liên Trì, nguồn cung cấp điện duy nhất của thành phố, chỉ phát điện luân phiên ba đêm mỗi tuần vì công nghệ cũ kỹ từ thời Pháp và thiếu nhiên liệu để vận hành máy phát...
* Vậy điều gì đã làm nên sự thay đổi lớn như vậy, thưa ông?
- Những điều vừa kể đã đặt thành phố trước thách thức, làm sao để có thể tạo lập không gian dành cho sự phát triển. Một quyết sách vô cùng lớn và táo bạo, được quyết định bởi Đảng bộ và chính quyền thành phố: cuộc cách mạng giải tỏa, di dời, bố trí tái định cư, sắp xếp lại không gian đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của thành phố trong tương lai.
Nghị quyết được ban hành, chương trình hành động cụ thể, các bước thực hiện được triển khai khẩn trương đến ý kiến của người dân ở từng vùng dự án… Đảng nói, dân tin; mặt trận đoàn thể vận động, dân theo; chính quyền làm, dân ủng hộ. Đã có hơn 110.000 hộ dân rời khỏi nhà cửa, nơi gắn chặt bao đời với cuộc sống của bản thân và gia đình, nhường lại không gian cho sự phát triển của thành phố.
Giờ đây, thành phố phát triển năng động, diện mạo, không gian đô thị ngày càng rộng mở với hơn 2.300 con đường, gắn với nhiều công trình, dự án, dãy phố cao tầng, khang trang, hiện đại. Nếu nói giai đoạn trước, thành phố tập trung vào việc giải tỏa, di dời, bố trí tái định cư, sắp xếp lại không gian đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng… thì giai đoạn hiện tại, Đà Nẵng đang thực hiện sứ mệnh tiếp theo, đó là “phát triển bền vững, lâu dài”.
Mới đây, Chính phủ cho phép Đà Nẵng xây dựng các dự án trọng điểm như Trung tâm tài chính khu vực, cảng Liên Chiểu, Trung tâm đổi mới sáng tạo, các cơ sở đào tạo, sản xuất chip bán dẫn và công nghệ mới… Những dự án này hứa hẹn mang lại một tương lai phát triển mạnh mẽ cho thành phố.
* Ngoài việc thay đổi không gian đô thị, ông có thể cho biết những thành quả lớn nào khác mà Đà Nẵng đã đạt được?
- Thành quả đáng chú ý thứ hai trong sự phát triển của thành phố là cuộc cách mạng trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Để có một đô thị hiện đại, không chỉ cần cơ sở hạ tầng, mà quan trọng hơn là con người của đô thị đó. Con người có nhận thức, hiểu biết, hành xử, giao tiếp văn minh, phù hợp với đòi hỏi của sự phát triển cả một thành phố.
Và, để hình thành nếp sống văn minh đô thị, thành phố phát động cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đến nay, nội dung này vẫn được tiếp tục nâng lên tầm cao hơn trong chương trình “5 không” và “3 có” của thành phố. Nếp sống văn hóa văn minh đô thị đã hình thành và trở thành “văn hóa Đà Nẵng”. Những thói quen, tập quán cũ kỹ, dần được thay đổi bằng những nếp sống, sinh hoạt phù hợp dần hình thành, bám rễ vào đời sống cư dân thành phố, tác động tích cực vào các quá trình phát triển kinh tế, xã hội.
Ở Đà Nẵng, có một biểu tượng cho những ngày đầu xây dựng thành phố, đó là cầu Sông Hàn. Những ngày gian khó ấy, mỗi cán bộ công chức, các vị lãnh đạo thành phố đến người dân tại cộng đồng dân cư, từ chị bán rau, anh xe thồ đều đóng góp vào từng công trình trong những ngày đầu xây dựng thành phố. Và có một niềm tự hào rất tự nhiên hình thành: danh hiệu công dân thành phố Đà Nẵng.
Thành quả thứ ba mà tôi muốn nói đến, đó là niềm tin vững chắc của người dân đối với Đảng bộ và chính quyền thành phố. Sau nhiều năm phát triển, niềm tin của người dân Đà Nẵng đối với Đảng và chính quyền chưa bao giờ bị lung lay, mà có thể nói, niềm tin ấy đã bám rễ sâu trong lòng dân. Đó là nền tảng chính trị vững chắc dành cho sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong tương lai.
* Trong những năm tới, Đà Nẵng cần làm gì để giữ vững đà phát triển, vững bước vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc?
- Muốn tiếp tục giữ vững và kế thừa những thành quả phát triển trong chặng đường đã qua, bài học sâu sắc về “ý Đảng hợp lòng dân” cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì và thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng như xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, đi đôi với việc củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân vào các hoạt động xã hội, chính trị.
Thứ hai, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng cách tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, tập trung vào các ngành công nghiệp trọng điểm như công nghệ cao, du lịch, dịch vụ và logistics. Phát triển bền vững và chuyển đổi số phải được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường minh bạch và đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành công nghiệp và dịch vụ. Song song với đó là việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, đô thị, cũng như các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn, phát triển kinh tế cần đi đôi với bảo vệ môi trường, bao gồm quản lý tài nguyên thiên nhiên, xử lý rác thải và giảm thiểu ô nhiễm.
Cuối cùng, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần cho người dân; cải thiện các dịch vụ y tế, giáo dục và chính sách; bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản chất lượng.
* Cảm ơn chia sẻ của ông!
NGUYỄN CƯỜNG thực hiện