CHÀO MỪNG THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ XXII ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Từ Đại hội, nhìn về tương lai…

.

Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, là một dấu mốc quan trọng để tiếp tục phát triển thành phố trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn, là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.

Báo Đà Nẵng cuối tuần ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết bày tỏ tin tưởng về một chặng đường 5 năm tới và xa hơn nữa.

Đến năm 2030, thành phố phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước,  hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU
Đến năm 2030, thành phố phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống. Ảnh: PHẠM DOÃN TRIỀU

 * TS.KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Phát triển đô thị Đà Nẵng hài hòa với môi trường tự nhiên

Chủ trương nhất quán mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” vẫn tiếp tục được khẳng định trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Điều này càng thể hiện tính kiên định, xuyên suốt trong lãnh đạo toàn diện, xây dựng tổng thể thành phố môi trường với những chỉ tiêu tiên tiến, những giải pháp mang tính đồng bộ, lâu dài và sẽ góp phần tạo nên những cơ hội mới, nền tảng quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, bền vững cùng với mục tiêu hướng đến tạo dựng một xã hội phồn vinh.

Đây cũng chính là mong ước của mọi người dân thành phố. Do đó, thành phố cần tiếp cận ngay với những giải pháp có tính hệ thống, xác lập những nguyên tắc định hướng cùng với những chỉ tiêu, tiêu chí cơ bản đề ra.

Theo đó, cần phát triển đô thị Đà Nẵng song song với giữ gìn sự đa dạng sinh học, phát triển trong sự hài hòa với môi trường tự nhiên. Đồng thời, cần có hệ thống không gian xanh trong đô thị; lựa chọn và xây dựng các kế hoạch, giải pháp cụ thể, xác lập tiêu chí về “phát triển bền vững về môi trường” ở mỗi ngành, lĩnh vực, khu vực, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế “xanh”.

Thành phố cần xây dựng chính sách để xã hội hóa mạnh mẽ và huy động nguồn lực mới nhằm lan tỏa trách nhiệm bảo vệ môi trường... Để Đà Nẵng sớm trở thành thành phố môi trường giai đoạn mới và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, chỉ có thể thực thi khi và chỉ khi có sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, địa phương cùng với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành của Trung ương, sự chung tay ủng hộ của các tổ chức quốc tế và nhất là sự đồng thuận của mọi người dân, du khách, cộng đồng doanh nghiệp.

* PGS, TS Hồ Tấn Sáng, chuyên gia giảng dạy - nghiên cứu chính trị: Biến tiềm năng thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII đã diễn ra thành công tốt đẹp, giải quyết được 2 vấn đề cơ bản: Đó là toàn bộ nội dung của Đại hội và Xây dựng nguồn nhân lực có tài, đức, kỹ năng.

Về nội dung Đại hội, thông qua sự đóng góp, xây dựng, Báo cáo chính trị đã hoạch định được chiến lược, tầm nhìn phát triển thành phố trong tương lai. Trong vấn đề nhân sự, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, chính quyền là vô cùng quan trọng, là cầu nối để tập hợp, tạo ra sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, nhất là trong thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Với sự chuẩn bị kỹ càng, tôi tin rằng, đội ngũ nhân sự nhiệm kỳ mới sẽ phát huy tốt vai trò của mình, tổ chức, vận hành tốt bộ máy chính trị, đưa ra những quyết sách hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của thành phố, xứng đáng là “giới tinh hoa” đại diện cho cộng đồng. Mặt khác, sau Đại hội cần thiết lập cơ chế kiểm soát, giám sát để thẩm định, đánh giá hoạt động của hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước, kịp thời lắng nghe tiếng nói, xử lý các vấn đề của người dân.

Đà Nẵng có kỳ vọng, tiềm năng phát triển rất lớn, đã và đang là trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với mô hình đô thị thông minh, với 3 trụ cột mà thành phố đang xây dựng là du lịch, khoa học công nghệ cao và kinh tế biển.

Đặc biệt, tôi hy vọng trong nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố sẽ có giải pháp quyết liệt để tạo ra sự bứt phá về công nghệ, biến tiềm năng thành động lực thật sự. Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức, lãnh đạo thành phố cần có quyết sách, phương án dự phòng để thích ứng với sự đổi thay nhanh chóng, khó lường của thế giới hiện nay.

* Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố: Tạo niềm tin và sức bật mới cho doanh nghiệp địa phương

Nhiệm kỳ 2020-2025 vô cùng khó khăn và thử thách về kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19, không chỉ ở Đà Nẵng, Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do đó, việc phục hồi, phát triển kinh tế không chỉ giúp Đà Nẵng ngày càng phát triển mà còn khẳng định vị trí quan trọng của thành phố động lực miền Trung.

Những năm qua, Đà Nẵng luôn quán triệt phương châm tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội và giải quyết hiệu quả các vấn đề về môi trường, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, cải thiện môi trường đầu tư như “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế…
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa là thử thách, vừa là động lực để Đà Nẵng tiếp tục phát triển.

Đồng thời, với Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, tôi tin và hy vọng Đà Nẵng sẽ có cơ sở để tổ chức một cơ chế quản lý năng động, an toàn và hiệu quả; tạo điều kiện phát triển môi trường kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước; tạo niềm tin và sức bật mới cho doanh nghiệp địa phương, qua đó tăng cơ hội có việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao đời sống người dân.

Trong nhiệm kỳ mới, tôi mong muốn đội ngũ lãnh đạo thành phố tiếp tục đề nghị Chính phủ tháo gỡ những “nút thắt” về cơ chế ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kiên trì bám sát nhiệm vụ được giao, không thụ động ngồi chờ, tạo sức bật và niềm tin cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.

* PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng: Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu

Riêng về lĩnh vực giáo dục đại học, hiện Đại học Đà Nẵng là đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với 13 đơn vị thành viên. Cùng với các trường đại học khác, hệ thống giáo dục đại học ở Đà Nẵng thu hút một lượng lớn sinh viên đến sinh sống và học tập tại đây. Do đó, Đà Nẵng cần có những chính sách tạo điều kiện thu hút người học từ các nơi nhằm đóng góp nguồn nhân lực vào sự phát triển chung của thành phố. Cụ thể, tạo điều kiện cho các trường phát triển như có đất đai đủ rộng để xây dựng cơ sở đào tạo, tạo sự kết nối giữa các trường đại học với hệ thống công quyền, doanh nghiệp trong việc đào tạo và sử dụng lao động.

Hiện thành phố ưu tiên phát triển du lịch, y tế, công nghiệp công nghệ cao nhưng cũng cần định hướng rõ nét hơn nữa. Các lĩnh vực đầu tư phát triển cần có sự đóng góp của các nhà khoa học. Do đó, thành phố cần đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và tăng cường phối hợp với các trường đại học trong việc đối ứng ngân sách giữa hai bên và định hướng đề tài nghiên cứu mà thành phố cần. Bên cạnh đó, sớm hình thành và phát triển Làng Đại học Đà Nẵng bởi đây là điều kiện tiên quyết để phát triển Đại học Đà Nẵng lên tầm khu vực. Phát triển Làng Đại học Đà Nẵng cũng là điều kiện tốt cho sự phát triển của thành phố.

* Thạc sĩ Ngô Tuấn Anh, giảng viên Khoa Xây dựng, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng: Đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài

Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị được hơn một năm với những kết quả tích cực. Thành phố chủ động phối hợp với Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Song song đó, thành phố cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố đã có sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc và có trách nhiệm không chỉ cho chặng đường trước mắt là nhiệm kỳ 2020-2025 mà còn đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài nhiều năm sau.

Là một công dân của thành phố, tôi kỳ vọng với sự thành công của Đại hội, Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước. Các vấn đề về hạ tầng đô thị sẽ được đầu tư phát triển mạnh hơn, các vấn đề về môi trường của thành phố được quan tâm hơn nữa.

Thành phố cần đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng kỹ thuật theo định hướng phát triển đô thị thông minh. Cùng với đó là những giải pháp đầu tư xây dựng bảo đảm khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật lâu dài, đây sẽ là nền tảng để thành phố phát triển trong tương lai.

NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.