Công nghệ

Công bố xếp hạng chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin 2016

08:11, 16/06/2017 (GMT+7)

Chiều 15-6, Ban Chỉ đạo ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT - UBND thành phố Đà Nẵng) tổ chức hội nghị “Công bố kết quả đánh giá, xếp hạng, ứng dụng CNTT năm 2016”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng tham dự hội nghị.

Theo kết quả đánh giá, đứng đầu các nhóm UBND quận, huyện; sở, ban, ngành; cơ quan Trung ương; UBND các phường, xã về ứng dụng CNTT trong năm 2016 lần lượt là UBND huyện Hòa Vang (65,37/100 điểm), Sở Thông tin và Truyền thông (96,08 điểm), Cục Hải quan thành phố (88,6 điểm) và UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, 40,95 điểm). Các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố đạt từ 69-76%, tức ở mức khá.

Bộ Chỉ số đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT của các cơ quan, địa phương năm nay dựa trên 4 tiêu chí gồm: hạ tầng kỹ thuật CNTT, ứng dụng CNTT, nhân lực CNTT, chính sách và đầu tư CNTT. So với những năm trước, các tiêu chí này thay đổi nhiều về nội dung và đặt ra yêu cầu cao hơn. Đặc biệt, chỉ số tương quan giữa vị trí xếp hạng CNTT và xếp hạng cải cách hành chính (CCHC) rất cao (0,81) cho thấy cơ quan nào có chỉ số ứng dụng CNTT cao thì công tác CCHC tốt.

Năm 2016, công tác ứng dụng CNTT trên địa bàn thành phố đạt bước tiến lớn. Điển hình, hầu hết các sở, ngành, quận, huyện sử dụng tốt phần mềm “một cửa điện tử”, “quản lý văn bản và điều hành”, thư điện tử, trang thông tin điện tử. Có 98% văn bản đến và 83% văn bản đi được lưu trên phần mềm, 100% các đơn vị sử dụng phần mềm “quản lý văn bản và điều hành”.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng tặng bằng khen cho 14 tập thể có thành tích xuất sắc trong ứng dụng CNTT. Ông Đặng Việt Dũng biểu dương sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị, đặc biệt là các tập thể có điểm số gần mức tuyệt đối. Song, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhận định hạ tầng kỹ thuật CNTT và ứng dụng CNTT dù phát triển nhưng chưa đồng đều, biểu hiện qua việc các đơn vị có điểm số chênh lệch khá lớn. Bên cạnh đó, các phần mềm cũng chưa được liên thông tốt, không phát huy tối đa hiệu quả. Đối với số lượng các dịch vụ công trực tuyến hiện có trên địa bàn Đà Nẵng (520 dịch vụ ở mức 3 và 4), ông Đặng Việt Dũng cho rằng, con số này vẫn còn thấp, cần tiếp tục mở rộng về cả số lượng lẫn hiệu quả các dịch vụ công, phấn đấu đến năm 2020, trực tuyến hóa 100% dịch vụ công trên toàn thành phố.

KHANG NINH

.