Công nghệ

Ứng dụng công nghệ để quản lý giao thông

08:10, 20/06/2017 (GMT+7)

Từ đầu năm 2017, Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ công tác quản lý, giám sát giao thông. Điển hình là trang Facebook “Cảnh sát giao thông Công an thành phố (CATP) Đà Nẵng” và các hệ thống camera quan sát, xử lý vi phạm của UBND thành phố…

Hình ảnh vi phạm lỗi giao thông được camera của Trung tâm Vi mạch (CENTIC) ghi lại: Ngày 11-6, lúc 18 giờ 5 phút, ô-tô màu xanh đã phạm lỗi vượt đèn đỏ ở ngã ba Núi Thành - Trưng Nữ Vương.
Hình ảnh vi phạm lỗi giao thông được camera của Trung tâm Vi mạch (CENTIC) ghi lại: Ngày 11-6, lúc 18 giờ 5 phút, ô-tô màu xanh đã phạm lỗi vượt đèn đỏ ở ngã ba Núi Thành - Trưng Nữ Vương.

Xử phạt vi phạm giao thông nhờ mạng xã hội

Ngày 5-6, trang Facebook “Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng” của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) CATP tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về việc một ô-tô tải đi vào đường cấm (qua cầu Sông Hàn). Chỉ một tuần sau, trang Facebook này đăng tải phản hồi công khai có nội dung: “Sau khi kiểm tra, xác minh thông tin, ngày 12-6, Phòng CSGT đã mời người điều khiển phương tiện đến làm việc, công nhận hành vi vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với hành vi vi phạm “Đi vào đường cấm” (quy định tại Điều 5, Khoản 4, Điểm b Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ), phạt tiền 1 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng”. Đây là một trong số rất nhiều trường hợp vi phạm được CSGT Đà Nẵng xử lý thông qua thông tin từ mạng xã hội.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12-2016, trang Facebook “Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng” trở thành kênh giao tiếp hiệu quả giữa người dân và CSGT thành phố. “Năm 2016, tình hình giao thông tương đối phức tạp. Lực lượng CSGT không thể có mặt mọi lúc mọi nơi nên chúng tôi nghĩ rằng cần phải tương tác với người dân để hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, trang Facebook này ra đời”, Thiếu tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT (CATP) nói.

Ông Hải cho biết thêm: “Với hơn 16.000 lượt người tham gia, sau nửa năm hoạt động, trang Facebook này đã tiếp nhận gần 5.000 ý kiến phản ánh. Trung bình mỗi ngày đội ngũ quản trị viên nhận từ 25-30 ý kiến của người dân. Hiểu tâm lý của người phản ánh luôn muốn thông tin được tiếp nhận, xử lý và phản hồi nhanh nhất, Phòng CSGT đã đề ra các quy chế hoạt động cụ thể. Khi nhận được thông tin, chúng tôi sẽ phân loại theo mức độ khẩn cấp, phổ biến hay phức tạp. Tùy từng trường hợp, CSGT sẽ đến xử lý tại hiện trường hoặc đưa về các đơn vị có liên quan để tiếp tục xử lý”.

Bên cạnh việc tiếp nhận các phản ánh của người dân, trang Facebook nói trên còn là kênh tuyên truyền, phổ biến các văn bản, luật lệ giao thông. Các quản trị viên thường xuyên cập nhật việc xử lý các vi phạm điển hình như đi vào đường cấm, chở quá tải, chở hàng không rõ nguồn gốc…

Ngoài ra, trang Facebook này cũng là nơi các thành viên “cảnh báo” nhau về những tình huống tiềm ẩn tai nạn, kỹ năng tham gia giao thông… Thiếu tá Phạm Hồng Hải cho biết, trong thời gian đến, trang Facebook “Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng” sẽ đăng tải danh sách các phương tiện giao thông vi phạm được hệ thống camera giám sát của thành phố ghi nhận. Cứ mỗi tuần một lần, sẽ cập nhật danh sách này trên trang Facebook. Như vậy, song song với việc nhận thông báo qua giấy mời, các chủ phương tiện vi phạm còn có thể tự kiểm tra lại thông tin qua mạng xã hội một cách nhanh chóng, công khai.

“Mắt thần” đường phố

Trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 18 vị trí được lắp đặt 68 camera giám sát giao thông, trong đó có 2 camera quan sát, 4 camera giám sát tốc độ, 62 camera giám sát và xử lý vi phạm. Ngoài hệ thống camera thuộc UBND thành phố, còn có các hệ thống camera của một số tổ chức, cá nhân khác đang hoạt động.

Thiếu tá Phạm Hồng Hải nhận định: “Kể từ lúc triển khai hệ thống camera, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông cơ bản được nâng cao. Tất cả trường hợp vi phạm được mời đến làm việc. Sau khi xem hình ảnh từ camera, người vi phạm nhận lỗi và ký biên bản vi phạm. Do đó, việc xử lý hành vi vi phạm thuận lợi, chính xác hơn, được nhân dân đồng thuận”.

Không có vai trò xử lý vi phạm nhưng hệ thống camera của nhóm “Phát triển Đà Nẵng” lại giúp quan sát trực tuyến bối cảnh giao thông tại gần 20 điểm nút quan trọng như cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu vượt ngã ba Huế… Đầu tháng 6 vừa qua, Quỹ Ford tuyên bố tài trợ 36.000 USD cho dự án này nhằm lắp đặt thêm camera tại các điểm giao thông gần trường học và các khu dân cư đông đúc. Sau 2 năm triển khai, các camera này đã cung cấp nhiều dữ liệu cho cơ quan chức năng điều tra các vụ tai nạn giao thông, trộm cắp; đồng thời giúp chính quyền giám sát tình hình giao thông, trong khi người dân có thể chủ động tính toán lộ trình, nắm bắt thời tiết…

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2017, Đà Nẵng xuất hiện chiếc camera tích hợp trí tuệ nhân tạo có thể nhận biết các lỗi vi phạm giao thông cơ bản. Đây là camera được Trung tâm Vi mạch (CENTIC) - Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phát triển, đưa vào áp dụng hệ thống giám sát giao thông giúp theo dõi, nhận dạng các phương tiện vi phạm và công khai tại địa chỉ: http://camera.centic.vn. Hiện chiếc camera này được thí điểm tại ngã ba đường Trưng Nữ Vương - Núi Thành (quận Hải Châu).

Ông Nguyễn Hoài Đức, Phó Giám đốc phụ trách CENTIC cho biết, hệ thống do CENTIC nghiên cứu, triển khai với chi phí đầu tư xây dựng cũng như vận hành thấp hơn so với các giải pháp cùng loại của nước ngoài. Thêm vào đó, hệ thống có thể dễ dàng tích hợp và chia sẻ thông tin với các camera an ninh, camera gia đình khác để tạo thành một nền tảng quản lý, giám sát chung cho toàn thành phố.

Bài và ảnh: KHANG NINH

.