Kinh tế

Hạ tầng giao thông thúc đẩy ngành kinh tế logistics

07:24, 24/07/2024 (GMT+7)

Thời gian qua, Đà Nẵng chú trọng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng tính kết nối các vùng kinh tế giữa thành phố và các địa phương trong khu vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó có lĩnh vực logistics.

Hạ tầng cảng Tiên Sa đáp ứng tiếp nhận tàu du lịch trọng tải lớn. Ảnh: THÀNH LÂN
Hạ tầng cảng Tiên Sa đáp ứng tiếp nhận tàu du lịch trọng tải lớn. Ảnh: THÀNH LÂN

Hạ tầng giao thông thuận lợi

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông, Đà Nẵng là một trong những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng và đầy đủ, gồm 4 loại hình: đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy. Cùng với lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên, cơ sở hạ tầng hiện đại… đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm giao thương, du lịch, logistics… của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Từ Đà Nẵng, việc di chuyển đi các địa phương và cả ra ngoài khu vực Đông Nam Á đều thuận lợi.

Điểm nhấn đầu tiên của hạ tầng giao thông Đà Nẵng là thành phố có hệ thống cảng biển nước sâu thuận lợi, đó là cảng Tiên Sa, cảng Thọ Quang và gần đây nhất là Bến cảng Liên Chiểu đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Điều này đã và đang đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn của Việt Nam; là đầu mối logistics quan trọng, mắt xích chiến lược trên hành lang kinh tế Đông - Tây giữa Việt Nam - Lào - Thái Lan với tuyến đường bộ dài 1.450km đi qua 4 quốc gia. Thành phố cũng đạt được những kết quả đáng kể từ kinh tế biển, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khu vực. Cùng với đó, hệ thống cảng biển liên tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2000-2023, thành phố đã đầu tư mới, cải tạo nâng cấp nhiều công trình quan trọng như các cây cầu, các tuyến đường vành đai, đường ven sông, quốc lộ 14B, đường liên tỉnh… Vì vậy, từ Đà Nẵng dễ dàng kết nối nhanh chóng, thuận tiện tới các điểm du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên bằng đường bộ. Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển các tuyến đường thủy nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và du lịch.

Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng Tô Văn Hiệp, hệ thống đường bộ của Đà Nẵng khá phát triển, bao gồm các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ và đường đô thị. Đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Đà Nẵng - La Sơn là tuyến đường huyết mạch, nối Đà Nẵng với các tỉnh miền Trung. Các tuyến đường quốc lộ: 1A, 14B, 14G đi qua Đà Nẵng, kết nối thành phố với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Nhiều năm qua, hệ thống đường đô thị được mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cùng với đó, các tuyến đường liên vùng khác như Đà Nẵng - Huế, Đà Nẵng - Quảng Nam, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Kon Tum… giúp thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong khi đó, về hàng không, sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện là sân bay lớn thứ 3 cả nước. Nằm ở vị trí trung điểm đất nước nên từ Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi bay đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi trên thế giới.

Về đường sắt, tháng 3-2024, đoàn tàu du lịch mang tên “Kết nối di sản miền Trung” nối Huế - Đà Nẵng đã chính thức lăn bánh; mới đây đoàn tàu chất lượng cao Đà Nẵng - Sài Gòn cũng đi vào hoạt động, góp phần gia tăng trải nghiệm du lịch cao cấp, kết nối các điểm đến được du khách quốc tế ưa thích tại miền Trung.

Hạ tầng giao thông thành phố ngày càng được đầu tư hiện đại. Ảnh: THÀNH LÂN
Hạ tầng giao thông thành phố ngày càng được đầu tư hiện đại. Ảnh: THÀNH LÂN

Tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông hiện đại

Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 Đà Nẵng sẽ có hệ thống giao thông đối ngoại, nội thị đồng bộ và tiếp tục nâng cấp mở rộng trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, thành phố sẽ triển khai hàng loạt dự án giao thông mang tính chiến lược. Trước hết, các tuyến đường huyết mạch được đẩy mạnh đầu tư như tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nâng cấp đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; triển khai thi công đoạn cao tốc Túy Loan - Hòa Liên; quốc lộ 14B thuộc địa phận Đà Nẵng quy mô đường trục chính đô thị 6 làn xe…

Trong khi đó, mạng lưới đường đô thị sẽ nghiên cứu quy hoạch và xây dựng hầm chui xuyên sân bay kết nối phía đông và phía tây; bổ sung các tuyến đường mới kết nối từ cảng Liên Chiểu đến đường tránh nam hầm Hải Vân - Túy Loan. Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 16 (ngày 16-7), UBND thành phố có báo cáo về tình hình thực hiện các dự án lớn trên địa bàn. Trong đó có nội dung đáng chú ý là công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng hầm sông Hàn, hầm qua sân bay Đà Nẵng. Đây là 2 dự án quan trọng, nằm trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với phân kỳ đầu tư giai đoạn 2031-2045.

Trước đó, trong số 36 dự án thuộc danh mục dự án thu hút đầu tư vào Đà Nẵng giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030 có đến 9 dự án ở lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung, hạ tầng giao thông của Đà Nẵng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là điều cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng trong khu vực và quốc tế. Hiện, thành phố có 2.694 tuyến đường với tổng chiều dài 1.554,401km; 75 cầu với tổng chiều dài 15.075,4m… Thời gian đến, thành phố tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại...

THÀNH LÂN

.