Kinh tế

Đơn hàng tăng, doanh nghiệp mở rộng sản xuất

06:50, 23/07/2024 (GMT+7)

Qua ghi nhận, nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố có đơn hàng ổn định và tăng cao. Vì vậy, các doanh nghiệp tăng sản xuất, mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu thị trường thời gian tới.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung. Ảnh: VĂN HOÀNG
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung. Ảnh: VĂN HOÀNG

Doanh nghiệp tăng tốc

Theo báo cáo tài chính quý 2 của Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC), doanh thu thuần quý 2 của DRC là 1.364 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức doanh thu quý cao nhất kể từ khi hoạt động. Khấu trừ các chi phí, DRC lãi 77,4 tỷ đồng trong quý 2-2024, tăng 52% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng năm 2024, doanh thu công ty đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 3% và lợi nhuận là 127 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. So với kế hoạch năm, công ty lần lượt thực hiện được 46% chỉ tiêu doanh thu và 56% chỉ tiêu lợi nhuận.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc DRC cho biết, có được kết quả trên là do công ty đã nghiên cứu thành công nhiều dòng sản phẩm mới như lốp LTR, PCR… tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng. Đặc biệt, công ty thay thế hoàn toàn cao su nhập khẩu bằng nguồn cao su trong nước để sản xuất lốp ô-tô Radial, vừa góp phần chủ động kế hoạch sản xuất vừa tiết giảm đáng kể giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, DRC đang hoàn thành nhà máy sản xuất lốp Radial giai đoạn 3, các máy móc thiết bị của dự án được lắp đặt đến đâu thì đưa vào sử dụng đến đó. Năm 2024, kế hoạch sản lượng sản xuất và tiêu thụ lốp Radial là 900.000 lốp nhưng khi dự án đi vào hoàn thành thì công suất có thể lên đến 1.200.000 lốp/năm, đây sẽ là tiền đề để công ty tiếp tục tăng trưởng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ thông tin, 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của Hòa Thọ ước đạt 2.286 tỷ đồng (khoảng 90 triệu USD), thực hiện 51% kế hoạch năm; lợi nhuận ước đạt 142,7 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 113 triệu USD, đạt 46% kế hoạch năm. So với kế hoạch ban đầu doanh thu năm 2024 là 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, Hòa Thọ điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận thêm 262 tỷ đồng vào giữa tháng 7 vừa qua.

Để đạt mục tiêu trên, Hòa Thọ tiếp tục tập trung khai thác, mở rộng thị trường để bảo đảm đơn hàng sản xuất ổn định và chất lượng cao cho các nhà máy; chuẩn bị tốt các điều kiện để mở rộng các thị trường mới ở Hoa Kỳ và châu Âu; tiếp tục đầu tư theo hướng hiện đại, tự động hóa cao và sử dụng năng lượng xanh để thực hiện mục tiêu xanh hóa theo lộ trình đề ra.

Ghi nhận tín hiệu tích cực với lượng đơn hàng ký kết hết quý 3 và đang tiếp tục ký kết cho quý 4-2024, Công ty CP Vinatex Đà Nẵng đang triển khai các giải pháp để đạt và vượt mục tiêu tổng doanh thu bán hàng năm 2024 là 710 tỷ đồng. Ông Hồ Hai, Tổng Giám đốc công ty cho biết, công ty tiếp tục triển khai dự án mở rộng nhà máy may Phù Mỹ (Bình Định), hoàn thiện thủ tục dự án nhà máy may Mỹ Chánh (Bình Định). Bên cạnh đó, công ty tiếp tục theo dõi nhu cầu thị trường để kịp thời cơ cấu chủng loại hàng hóa, khai thác đủ nguồn hàng cho các nhà máy trong toàn hệ thống; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ việc đánh giá các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội đối với các nhà máy, đáp ứng yêu cầu xanh hóa sản xuất.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: M.Q
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Ảnh: M.Q

Tiếp tục hỗ trợ sản xuất

Theo Sở Công Thương, hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố đã và đang lấy lại đà tăng trưởng. Một số doanh nghiệp đã tìm kiếm được đơn hàng và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố 6 tháng năm 2024 ước tăng 3,75% so với cùng kỳ 2023, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,56%, ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,32%,  riêng ngành khai khoáng giảm 31,5%.

Thành phố đã thông qua tiêu chí lựa chọn tổ chức đầu tư sản xuất, kinh doanh, triển khai công tác lựa chọn tổ chức đầu tư sản xuất, kinh doanh trong Cụm công nghiệp Cẩm Lệ; trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 24-5-2024 về quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu phụ trợ phục vụ dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để chuyển đổi, hình thành Cụm công nghiệp Hòa Liên. Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai thực hiện các thủ tục liên quan để thành lập Cụm công nghiệp Hòa Liên; ban hành bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Hòa Nhơn; hoàn thành thủ tục chọn nhà đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Cầm - giai đoạn 2.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp cho biết, 6 tháng năm 2024, Ban Quản lý đã cấp giấy phép xây dựng đối với 11 dự án; kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình 9 dự án; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng 3 dự án. Để hỗ trợ doanh nghiệp, ban quản lý triển khai xây dựng quy chế quản lý ươm tạo và hỗ trợ dự án ươm tạo tại Khu Công nghệ cao; hướng dẫn tổ chức lựa chọn dự án ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao. Ban Quản lý sẽ sớm triển khai hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp để lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương cho hay sở tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gắn với chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố với trọng tâm hỗ trợ các sản phẩm chế biến, chế tạo; tiếp tục hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu ra sản phẩm và thị trường cung cấp nguyên, vật liệu cho các ngành chế biến, chế tạo, qua đó từng bước thúc đẩy tăng trưởng cả về sản xuất và xuất khẩu đối với các ngành hàng này. Sở cũng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu trong nước, tham gia, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất nội địa nhằm đa dạng hóa nguồn cung, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, từ đó tạo được sự ổn định sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

MAI QUẾ

.