Người Đà Nẵng
Bí thư Chi bộ "nhiều chuyện"
ĐNO - Hôm rồi gọi điện thoại hẹn gặp Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàn Bí Đinh Văn Như, anh chàng bảo tuần ni kín lịch hết rồi. Hẹn khi khác. Thì ra, công việc ở thôn vậy mà cũng bận rộn ra phết!
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàn Bí Đinh Văn Như (trái) nhận lẵng hoa HĐND thành phố Đà Nẵng chúc mừng Khai trương Điểm du lịch cộng đồng thôn Tà Lang - Giàn Bí vào tháng 10-2019. Ảnh: L.G.L |
Tôi biết Như từ khi thực hiện một bài viết về học sinh THPT dân tộc thiểu số ở Đà Nẵng. Khi đó Như là một trong 5 học sinh người Cơ tu theo học Trường THPT Phạm Phú Thứ đóng trên địa bàn xã Hòa Sơn. Tầm 5 năm sau, bất ngờ gặp lại chàng trai nhanh nhẹn, hoạt bát, có tài ăn nói này ở quê anh - thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.
Như kể, tốt nghiệp cấp 3, anh đi bộ đội hơn 2 năm, xuất ngũ về học nghề trung cấp điện thêm 2 năm nữa. Có nghề trong tay nhưng thu nhập không ổn định, anh xoay qua tham gia công tác đoàn thể ở thôn và làm công tác bảo vệ rừng để trang trải cuộc sống. Về sau, anh được cấp trên tín nhiệm giao phụ trách Phó Bí thư, rồi Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Giàn Bí.
Làm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa
Tháng 10-2019, lên thăm Giàn Bí, gặp lúc anh đang hối hả xúc tiến các công việc để chuẩn bị khai trương Điểm du lịch cộng đồng thôn Tà Lang - Giàn Bí, công trình anh tâm huyết bấy lâu nay. Anh kể, trong năm 2018, có hiện tượng nhiều khách du lịch tự phát lên tham quan các địa điểm đẹp trong địa bàn thôn, nhất là vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ. Sẽ không có gì phàn nàn nếu khách lên chơi bình thường, đằng này họ đã không mang lại thu nhập gì cho người dân địa phường mà còn để một đống rác khi ra về!
Để chấm dứt tình trạng “bực mình” như thế, anh mạnh dạn thành lập một tổ du lịch cộng đồng tại thôn với 10 hộ tham gia ban đầu, tận dụng căn nhà ba gian của gia đình để đón khách, mục đích là vừa bảo vệ được môi trường vừa có thêm thu nhập cho người dân.
Tiếng lành đồn xa. Khách lên tham quan Giàn Bí ngày một đông, anh làm một phương án trình bày lên cấp trên xin được nhân rộng mô hình và xin vay vốn để làm du dịch cộng đồng. Được sự chấp thuận của cấp trên, anh thành lập một tổ trên 45 người tham gia, chia thành các nhóm như: dệt thổ cẩm, văn nghệ, ẩm thực, đan đát, điêu khắc gỗ...
Về sau, anh xây dựng được một điểm nhà lưu trú (homestay) và đưa vào hoạt động khi UBND huyện Hòa Vang tổ chức khai trương Điểm du lịch cộng đồng thôn Tà Lang - Giàn Bí giai đoạn 1 với những hạng mục cơ bản, sẵn sàng phục vụ du khách. Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Giàn Bí Đinh Văn Như cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và homstay tại điểm đến này.
Giờ đây, khi khách có nhu cầu gì, tổ du lịch cộng đồng trong thôn đều đáp ứng được, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân. “Đây thật sự là một mô hình mới lạ tại thôn vừa tạo công ăn việc làm cho một số bà con nhân dân vừa gắn liền với bảo tồn bản sắn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong thời gian đến, chúng tôi cùng chính quyền địa phương kiến nghị nhân rộng mô hình này, được hỗ trợ vay vốn với lãi xuất ưu đãi để xây dựng các cơ sở hạ tầng, hướng dẫn bà con dễ dàng tiếp cận với mô hình này”, anh Như kỳ vọng.
Đi đầu trong các hoạt động cộng đồng
Một trong những đổi thay giúp cho khu vực Tà Lang, Giàn Bí lọt vào “mắt xanh” của du khách khắp nơi là các công trình cơ sở hạ tầng lần lượt được triển khai thực hiện không xa địa bàn hai thôn người Cơ tu của xã Hòa Bắc này như: đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, khu tái định cư Tà Lang - Giàn Bí, nhà máy nước Hòa Liên, đường bê-tông nông thôn, đường ĐT601…
Để các dự án này được tiến hành đúng tiến độ, với vai trò Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn, Như xác định việc vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu để thực hiện là hết sức khó khăn. Anh tổ chức họp Chi bộ và cán bộ đoàn thể trong thôn, phân tích ý nghĩa nội dung tầm quan trọng của dự án cũng như lợi ích sau này mà nhân dân được hưởng lợi.
Cùng với đó, trách nhiệm mỗi đảng viên phải gương mẫu đi đầu, không xây dựng trái phép trên các dự án đã được thông báo quy hoạch, đồng thời phải bàn giao mặt bằng sớm cho các đơn vị thi công khi đã được đền bù, giải quyết các thủ tục. Mỗi đảng viên là hạt nhân để làm công tác vận động tuyên truyền đến các hộ dân mà chi bộ giao phân công quản lý, trên cơ sở đó cuối năm đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ.
Mặt khác, anh tổ chức họp dân và cán bộ chủ chốt làm trước với phương châm đến từng ngõ, gõ từng nhà. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn mặt bằng đã được bàn giao sớm theo đúng tiến độ; trong đó có việc di dời hơn 60 ngôi mộ của đồng bào Cơ tu, vượt qua rào cản phong tục mà xưa nay ông bà không dám làm.
Đối với những phong tục tập quán lạc hậu trong việc cưới xin, tang lễ của đồng bào mình, anh từng bước vận động bà con xóa bỏ để bớt tốn kém kinh phí cho nhân dân. Biết là khó, nhưng anh vẫn kiên trì vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” mà việc di dời hơn 60 ngôi mộ nói trên là một thành công ngoài mong đợi.
Trong thôn, mỗi khi xảy ra việc tranh chấp hay gia đình bất hòa, anh luôn có mặt để hòa giải, biến việc lớn thành nhỏ, biến việc nhỏ hóa không. Nhà nào có việc hỷ, giỗ chạp, ma chay, anh kêu gọi thanh niên, phụ nữ trong thôn quây quần giúp đỡ, tạo mối quan hệ thân thiết, gần gũi để cùng nhau phát triển.
5 năm qua, anh đã lãnh đạo Mặt trận, chính quyền và đoàn thể trong thôn tập trung xây dựng các mô hình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với nhiệm vụ của mình. Chi hội Phụ nữ thôn có các mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất” để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nghèo, hội viên khó khăn; các mô hình “Mỗi hố rác một cây xanh”, “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Phân loại rác tại nguồn” góp phần bảo vệ môi trường. Chi hội Người cao tuổi với mô hình “3 không + 1 trong tang lễ” giảm bớt các thủ tục trong tang lễ truyền thống.
Chi đoàn thanh niên không chỉ thực hiện các mô hình “Thanh niên làm theo lời Bác”, “Hiến máu nhân đạo”, Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” mà còn thường xuyên kêu gọi vận động giúp đỡ, thực hiện tốt công tác chăm lo cho đoàn viên thanh niên khó khăn trên địa bàn; kèm cặp, giúp đỡ quần chúng ưu tú kết nạp Đảng.
Chi hội Nông dân với các hoạt động giúp nhau sản xuất, phát triển kinh tế; đặc biệt là xây dựng các vườn mẫu trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, thôn kiểu mẫu nông thôn mới...
Hôm rồi gọi điện thoại hẹn gặp Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàn Bí Đinh Văn Như, anh chàng bảo tuần ni kín lịch hết rồi. Hẹn khi khác. Thì ra, công việc ở thôn vậy mà cũng bận rộn ra phết! Anh kể, ngoài một lô một lốc các công việc ở thôn, vừa rồi anh còn phải hết họp HĐND, UBND xã lại họp tiếp về phòng chống thiên tai, dịch bệnh... lại còn tổ chức tiếp đoàn sinh viên đại học ngành môi trường từ Hà Nội vào đi thực tế du lịch cộng đồng để trải nghiệm cách làm của Homestay Tà Lang - Giàn Bí.
Sáng nay lại gọi, anh bảo đang tranh thủ về thăm quê vợ ở Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Anh này đúng là “nhiều chuyện”, chuyện xã hội nhiều hơn chuyện gia đình...
LÊ GIA LỘC