Người Đà Nẵng

Khi nào hết dịch con sẽ về…

10:41, 21/08/2021 (GMT+7)

ĐNO - Anh cùng đồng đội đang ngày đêm xông pha trên tuyến đầu chống Covid-19, kiên trì bám trụ các chốt chống dịch, gửi lại nơi quê nhà một lời hẹn: “Khi nào hết dịch con sẽ về…”. Anh là Trung úy Nguyễn Văn Dưỡng, Trợ lý Trinh sát thuộc Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng (Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng).

Trung úy Nguyễn Văn Dưỡng cùng đồng đội lắp tấm năng lượng mặt trời tại đơn vị để sử dụng thắp sáng vì nơi anh đóng quân không có điện. Ảnh: HỒNG QUANG
Trung úy Nguyễn Văn Dưỡng (thứ hai, phải sang) cùng đồng đội lắp tấm năng lượng mặt trời để sử dụng thắp sáng tại nơi đóng quân. Ảnh: HỒNG QUANG

Tốt nghiệp Học viện Biên phòng với tấm bằng loại Giỏi, được phong quân hàm Trung úy, tháng 8-2019, đồng chí Nguyễn Văn Dưỡng (SN 1997) được phân công về công tác tại Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng (Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng). Với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng với sự năng động, sáng tạo, Trung úy Dưỡng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cùng với đó tích cực tham gia các hoạt động phong trào Đoàn của đơn vị.

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ xung phong tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại tuyến biên giới Tây Nam. Ngay lập tức, Trung úy Nguyễn Văn Dưỡng đã xung phong viết đơn tình nguyện tham gia.

Từ tháng 1-2021 đến nay, anh được điều động tăng cường thực hiện nhiệm vụ chống dịch tại Đồn Biên phòng Vĩnh Điều (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) trên cương vị chốt trưởng chốt số 5 (ấp Cống Cả, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành). Các chốt của Đồn Biên phòng Vĩnh Điều chủ yếu là chốt tiền chế khung sắt hoặc gỗ. Chỉ có 2 chốt số 2 (ấp Mẹt Lung, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành) và chốt số 10 (ấp Đồng Cừ, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành) là ở tạm nhà dân làm bằng tre lá. Các chốt được thành lập với nhiệm vụ ngăn chặn Covid-19, phòng, chống buôn lậu và xuất nhập cảnh trái phép.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, cán bộ, chiến sĩ tại các chốt chống Covid-19 và xuất nhập cảnh trái phép bảo đảm trực 24/24 giờ, siết chặt biên giới, không để sót, bỏ lọt bất kỳ đối tượng nào xuất, nhập cảnh trái phép, cũng như các loại tội phạm hoạt động, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, lây lan qua biên giới.

Trung úy Nguyễn Văn Dưỡng cùng đồng đội treo ảnh Bác trong đơn vị. Ảnh: HỒNG QUANG
Trung úy Nguyễn Văn Dưỡng (trái) cùng đồng đội treo ảnh Bác trong đơn vị. Ảnh: HỒNG QUANG

Trung úy Nguyễn Văn Dưỡng chia sẻ, các chốt đóng quân chủ yếu ngoài đồng lúa, xa khu dân cư, đường đi lại khó, quanh co và không có cư dân sinh sống nên mỗi chốt đều phải tự bảo đảm thực phẩm và nấu ăn tại chỗ. Để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt dưới điều kiện thời tiết nắng nóng, Đồn Biên phòng Vĩnh Điều đã trang bị nước bình 20 lít phục vụ cho việc nấu ăn. Đơn vị còn tổ chức khoan đào ngay tại chốt để cán bộ lấy nước sử dụng trong sinh hoạt cá nhân.

Đặc biệt, chốt số 5 nằm ngay giữa cánh đồng. Ban ngày, nắng đổ xuống mái tôn rất nóng nên lực lượng trực chốt phải ra lùm tre sát đường biên tránh cái nóng như thiêu đốt. Ban đêm, nơi biên giới có nhiều muỗi, côn trùng nguy hiểm nên mỗi khi trực chốt hoặc tham gia tuần tra, cán bộ, chiến sĩ được trang bị dung dịch trừ côn trùng để bảo đảm sức khỏe. Khi tới mùa mưa, đường tuần tra biên giới sẽ khó khăn hơn vì đường trơn, trời mưa gió ảnh hưởng sức khỏe của cán bộ tham gia trực chốt.

“Khó khăn nào cũng là khó khăn chung của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên các tuyến biên giới. Dù khó khăn đến đâu, tôi cùng đồng đội sẽ luôn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Trung úy Nguyễn Văn Dưỡng tâm sự.

Thực hiện nhiệm vụ tăng cường chống Covid-19 và chống xuất nhập cảnh trái phép cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã được gần 1 năm nay, tranh thủ những giờ phút giải lao, Trung úy Nguyễn Văn Dưỡng hay điện thoại về hỏi thăm sức khỏe bố mẹ và tâm sự với bạn gái ở quê nhà. Chị Nguyễn Thị Quỳnh (1996) - bạn gái anh, hiện đang là giáo viên tại tỉnh Thái Bình. 

Trung úy Nguyễn Văn Dưỡng cũng như những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng luôn trong tâm thế sẵn sàng cơ động, hỗ trợ cho các tuyến biên giới trong phòng, chống Covid-19. Với những người lính quân hàm xanh, hạnh phúc nhất lúc này là không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan qua biên giới, vào địa bàn; bởi vì biên giới biển, đảo bình yên và sự an toàn, hạnh phúc của nhân dân cũng chính là hạnh phúc của chính các anh.

                               HỒNG QUANG

.