Người Đà Nẵng
Người giữ hồn dân tộc qua thư tịch Hán Nôm
ĐNO - Giữa phố thị ồn ào, sôi động với nhịp sống bồn bề, trong căn nhà ở kiệt 131 đường Lý Thái Tổ (Đà Nẵng), có một cụ ông đã hơn 30 năm qua không ngừng học tập, tìm hiểu, bảo tồn, lưu truyền hồn dân tộc bằng việc phiên âm, dịch nghĩa các thư tịch cổ viết bằng chữ Hán - Nôm, các sắc phong, chiếu chỉ do nhà vua ban tặng cho các đình làng; giúp các tộc họ khôi phục gia phả của gia tộc; giúp nhiều đình, chùa, địa phương dịch bia đá cổ....
Ông Nguyễn Ngọc Nghĩ đang đọc sách, sưu tầm tài liệu. |
Sau một hồi trò chuyện khá lâu, mãi thuyết phục, ông Nguyễn Ngọc Nghĩ mới đồng ý để chúng tôi viết trên mặt báo bởi theo như ông chia sẻ, còn có rất nhiều người xứng đáng được viết hơn, ông chỉ là một người học trò nhỏ trong bốn bề biển cả của một công việc mà tự ông lĩnh ngộ, rồi mày mò học tập chứ hoàn toàn không được học qua trường lớp.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về cụ ông đã 79 tuổi, là sự mẫn tiệp, minh triết. Ông say sưa trò chuyện về thời trai trẻ, ông đi từ Bắc chí Nam để tìm hiểu về những thư tịch cổ; rồi chuyện ông nhiều đêm liền mất ngủ bởi nhìn thấy những thư tịch ấy bị mai một, hư hỏng theo thời gian; rồi chuyện nhiều người trầm trồ trước những nét chữ bay bổng mà có quá ít hoặc thậm chí không ai hiểu được ý nghĩa mà các bậc tiền nhân lưu gửi, trao truyền cho thế hệ mai sau…
Ông Nguyễn Ngọc Nghĩ tâm sự, ông sợ văn hóa, hồn dân tộc bị phôi phai theo năm tháng, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay. Ông giật mình, xót xa trước khoảng trống giữa các bậc tiền nhân, cha ông đi trước là thế hệ mai sau. Chính những điều đó làm thổn thức và thúc giục ông nhiều hơn. Ông không chỉ dịch, phục chế cho các nhà thờ, đình làng, tộc họ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài.
Ông quyết tâm học vi tính từ khi thiết bị này còn được xem là món hàng xa xỉ, giá trị vật chất của nó có khi bằng tài sản của cả một gia đình mà ông phải dành dụm nhiều năm, mua từng phụ tùng về để lắp ráp. Để hiện nay ông thành thục cả việc photoshop; thiết kế các biểu mẫu gia phả cho các gia tộc.
Để dành được bao nhiêu tiền thì ông lại đi mua từ điển, sách vở về tự mày mò, nghiên cứu. Để đảm bảo sử liệu sau khi dịch, phục chế được gìn giữ lâu dài và trao truyền đến nhiều người, nhiều thế hệ, ông Nghĩ số hóa, lưu trữ tất cả các tư liệu bằng bản giấy, đĩa CD, VCD, ổ cứng di động và cả trên Google (công cu tìm kiếm) theo từng chủ để, thư mục để mỗi khi ai cần cũng có thể tiếp cận tìm hiểu. Tư liệu mà ông đã dịch, phục chế nhiều đến nỗi, một người có thể đọc cả năm mới hết; hình ảnh xem cả tháng mới xong. Và ông luôn xem đó là tài sản quý giá nhất của mình.
Ông được tìm thấy sự vô biên trong các sử liệu; là niềm vui vì giúp nhiều gia đình, tộc họ giữ vững sự liên kết với tổ tiên; làm cho văn hóa của người Việt ngày càng đứng vững trước thời cuộc. Không làm việc tức là tự mình đánh mất đi sự ưu ái mà cuộc sống ban tặng, đó tức là cái “trí”. 79 tuổi, ông biết thế nào là “đủ” duy chỉ có việc học là không bao giờ “đủ”.
Ông say mê trao truyền kiến thức, kinh nghiệm của mình đến những ai muốn tìm hiểu; ông khai mở tâm thức, tiếp thêm tinh thần, động lực cho những ai muốn dấn thân vào công việc kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa tiền nhân với hậu thế để làm giàu thêm vốn văn hóa, hồn cốt của dân tộc với một tinh thần không bao giờ toan tính thiệt hơn về vật chất.
Nhiều năm qua ông Nguyễn Ngọc Nghĩ là Trưởng ban Nghi lễ đình Thạc Gián (quận Thanh Khê). Để những lời răn dạy của tiền nhân được các thế hệ con cháu trong làng hiểu biết và thực hành, ông Nghĩ đã họp bàn với 6 tộc họ trong đình làng để mở hộp “hàm ân” và dịch thuật, lưu trữ. Bởi hộp “hàm ân” này chỉ được mở vào những dịp lễ trọng của làng.
Trong cúng bái ông Nghĩ càng nghiêm chỉnh thực hành nghi lễ bao nhiêu thì ngược lại bên ngoài ông càng tự do, hòa đồng, phóng khoáng, thân thiện bấy nhiêu để ông tìm hiểu, học tập và hướng dẫn từ cách “học ăn, học nói, học gói, học mở” cho các thế hệ con cháu trong làng, nhất là vào mỗi dịp lễ trọng.
Trong quá trình trao đổi, trò chuyện nhưng tôi cũng luôn xem đó là được học mỗi khi gặp ông, ông lại giúp tôi tường minh hơn hai câu đối mà ông trang trọng treo ở phòng khách mà ông luôn lấy đó làm đạo hạnh của mình cũng như răng dạy con cháu trong gia đình.
LINH QUỲNH