Người Đà Nẵng
Trăn trở với công tác bảo tồn đa dạng sinh học
ĐNO - Sau nhiều năm trăn trở, thai nghén, năm 2012, ông Nguyễn Xuân Vĩ đã thành lập Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng mà ông ấp ủ khi còn là sinh viên. Hơn 10 năm qua, ông Vĩ vẫn đau đáu, trăn trở đi tìm giải pháp để bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học không chỉ ở thành phố Đà Nẵng mà còn ở các tỉnh thành khác trên cả nước.
Ông Nguyễn Xuân Vĩ (thứ ba, từ trái sang) thực hiện dự án “Trồng cây bổ làm giàu rừng, phục hồi sinh cảnh sống cho voọc chà vá chân nâu tại Bán đảo Sơn Trà”. |
Tốt nghiệp Khoa Sinh - Môi trường thuộc Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) năm 2006, Nguyễn Xuân Vĩ vào làm việc tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai). Với tình yêu thiên nhiên từ nhỏ, đặc biệt là những năm sinh viên được trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp tại Bán đảo Sơn Trà đã thôi thúc Nguyễn Xuân Vĩ phải làm một điều gì đó để bảo tồn, thúc đẩy phát triển đa dạng sinh học, nhất là bảo vệ Nữ hoàng linh trưởng - Voọc chà vá chân nâu.
Đầu năm 2012, Nguyễn Xuân Vĩ thành lập Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng có trụ sở tại đường Thành Vinh 1, phường Thọ Quang (Sơn Trà).
Với mục đích nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thông tin có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường đến người dân, nhất là trong học sinh, sinh viên, giới trẻ, hơn 10 năm qua, Nguyễn Xuân Vĩ cùng cộng sự của mình ở GreenViet đã tổ chức hàng trăm buổi truyền thông tại các cơ sở giáo dục, xã, phường, cơ quan trên địa bàn thành phố; hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho một số câu lạc bộ, đội, nhóm ở các trường đại học thực hiện chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Đồng thời phối hợp thực hiện dự án thư viện di động trong không gia sinh thái tại Trường Hermann Gmeiner (Đà Nẵng) với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng; phối hợp cùng Câu lạc bộ Green Hero thực hiện các hoạt động trải nghiệm, giáo dục cho học sinh ở môn giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với kinh phí 100 triệu đồng; thực hiện dự án truyền thông bảo vệ Voọc chà vá chân nâu thông qua hình ảnh trên pano đặt tại các trạm chờ xe buýt trên địa bàn thành phố…
Để có nguồn kinh phí hoạt động, ông Vĩ đã tích cực xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để làm việc, vận động nguồn hỗ trợ từ các dự án bảo vệ môi trường trong và ngoài nước, trung bình mỗi năm khoảng gần 10 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí này được GreenViet sử dụng một phần rất nhỏ để trả lương cho 20 nhân viên, còn lại là thực hiện truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ hệ sinh thái rừng và biển, hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học, trồng cây xanh...
Ông Nguyễn Xuân Vĩ cho biết, môi trường sinh thái có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển không chỉ của động thực vật mà còn với cả con người. Thời gian qua, một số địa phương vì phát triển kinh tế mà tác động, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, hệ động thực vật; làm thu hẹp môi trường sống, ảnh hưởng đến sự an toàn của một số động thực vật quý hiếm, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Vì vậy, với sứ mệnh cao nhất của GreenViet là giúp cộng đồng hình thành lối sống thân thiện với thiên nhiên, trong đó, phổ biến kiến thức về đa dạng sinh học thông qua giáo dục trải nghiệm cho thế hệ trẻ là một công cụ, phương tiện và hướng đi phù hợp để thực hiện sứ mệnh ấy.
Tiếp nối sự thành công ấy, năm 2016, ông Nguyễn Xuân Vĩ tiếp tục thành lập Trung tâm Giáo dục Trải nghiệm thiên nhiên trực thuộc GreenViet để phục vụ miễn phí cho học sinh, sinh viên và du khách đến học tập, tham quan về đa dạng sinh học của Bán đảo Sơn Trà. Theo thống kê của Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 học sinh, sinh viên và du khách đến tìm hiểu, tham quan.
Em Trương Thị Ngọc Ánh, học sinh Trường PTTH Thái Phiên, chia sẻ: “Trong các chuyến du lịch cùng gia đình em đã được xem các loài động vật hoang dã, thăm nơi chúng sinh sống nhưng em không ngờ, ở ngay trong không gian phố thị lại có một quần thể các loài động vật hoang dã sinh sống hàng trăm năm. Những chuyến đi thực tế như thế này em hiểu và yêu hơn các loài động vật. Bởi qua các hình ảnh thực tế, em dễ hình dung hơn cho bài học của mình”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, một phụ huynh có con học ở Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, hồ hởi nói: “Mấy hôm nay thấy con háo hức về chuyến tham quan, tôi cũng tranh thủ nghỉ một ngày để cùng đi xem thế nào. Quả thật rất thú vị và bổ ích. Các cháu không chỉ được bồi bổ kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng xã hội, kỹ năng nhận diện ở môi trường thực tế”.
Việc ra đời Trung tâm Giáo dục Trải nghiệm thiên nhiên không chỉ giúp khẳng định vai trò hệ sinh thái tự nhiên của bán đảo Sơn Trà đối với lĩnh vực giáo dục học sinh mà còn góp phần thúc đẩy cộng đồng có những hành vi thân thiện hơn với thiên nhiên cũng như có những đóng góp cụ thể đổi với công tác bảo tồn tại bán đảo thông qua các hoạt động ưu tiên bảo tồn như: trồng cây phục hồi sinh cảnh sống cho loài Chà vá chân nâu, thu gom rác thải tránh lây lan bệnh tật cho động vật hoang dã, thay đổi những hành vi không đúng khi tham quan bán đảo, đặc biệt, tiếp tục giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên trước những áp lực lớn của hoạt động phát triển.
Có thể nói, đây không chỉ là hiệu ứng mà còn là nhân tố quan trọng để thực hiện công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung, bán đảo Sơn Trà nói riêng.
Không chỉ bảo tồn, để thúc đẩy phát triển, ông Vĩ cùng cộng sự phối hợp với Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà định kỳ hằng quý tổ chức hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ở rừng và biển Sơn Trà thông qua việc tổ chức nhặt rác, tái tạo môi trường sống của động thực vật.
Cùng với những hoạt động nêu trên, từ năm 2020, thông qua việc vận động, kết nối nguồn lực, ông Vĩ cùng GreenViet đã thực hiện hỗ trợ hơn 30 ngàn cây xanh các loại để trồng tại các địa phương thuộc thành phố.
Mới đây nhất, GreenViet phối hợp với Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) thực hiện dự án tăng cường nâng cao nhận thức bảo vệ loài voọc chà vá chân nâu ở Đà Nẵng thông qua chiến dịch truyền thông “Vũ điệu chà vá chân nâu”. Dự án đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, nhất là trong giới học sinh, sinh viên.
Không chỉ hoạt động ở thành phố Đà Nẵng, dấu chân của ông Nguyễn Xuân Vĩ cùng cộng sự của mình ở GreenViet cũng đã đặt đến nhiều địa phương như Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh… để thực hiện việc nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học.
Những việc làm của GreenViet cũng như ông Nguyễn Xuân Vĩ đã mở rộng và kết nối sinh cảnh sống cho 3 loài voọc chà vá ở khu vực miền Trung - Tây nguyên trên 3 phương diện là tập hợp khu bảo tồn; trồng và phục hồi rừng; kết nối các diện tích rừng bị chia cắt.
NHẤT LINH