Phóng sự - ký sự
Khi phụ nữ học cầm vô-lăng
Dù có không ít câu chuyện cười ra nước mắt về các “nữ xế” bị các anh đem ra làm “mồi” trong các cuộc trà dư tửu hậu, cũng không thể ngăn một thực tế là ngày càng nhiều phụ nữ đi học lái ô-tô.
Học lái xe là học kỹ năng. Chỉ cần luyện tập thường xuyên, kỹ năng sẽ nhuần nhuyễn. |
Theo khảo sát của chúng tôi tại một số trung tâm dạy lái xe trên địa bàn thành phố, số lượng phụ nữ (chủ yếu 25-40 tuổi) nộp hồ sơ học lái ô-tô hiện nay chiếm 30-35% trên tổng số học viên.
Gần đây, một vài vụ tai nạn xe do đạp nhầm chân ga, chân phanh do phụ nữ cầm lái khiến dân mạng bàn tán xôn xao việc phụ nữ cầm lái. Nhiều bình luận cho rằng, kỹ năng lái xe của phụ nữ kém hơn nam giới. Cánh mày râu còn không ngại “đặt điều” như “bán xăng cho phụ nữ là tội ác”, “không phải container, phụ nữ mới là hung thần xa lộ”…
Đi học lái xe để hết… say xe!
Có mặt ở Trung tâm Dạy nghề lái xe ô-tô, mô-tô miền Trung (224 Lê Trọng Tấn, quận Cẩm Lệ) một ngày nắng nóng, chúng tôi nhận thấy số lượng chị em đi học tại đây khá đông. Ngồi trong ô-tô nhưng các chị vẫn che chắn kín mít chẳng khác đi xe máy là bao.
Chị M.T (30 tuổi, nhân viên kế toán, trú quận Cẩm Lệ) đi học buổi đầu tiên. Sau 1 tiếng làm quen xe với các bộ phận của xe như: côn, phanh, đèn xi-nhan, hộp số và tập đánh lái tại chỗ, thầy giáo cho chị ngồi lên xe đi chậm trong sân. Vừa nghe thầy hô: “Lên xe, vô số, đi!”, chị hoảng hồn, lắp bắp: “Ai… ai đi thầy? Em hả thầy?”. Thầy phì cười: “Thì cô chớ ai! Chạy đi, có tôi ngồi bảo hiểm tay lái bên cạnh đây”. Chị líu ríu làm theo. Xe tập lái thường là dòng Lanos đời đầu, cũ kỹ, không máy lạnh.
Cần số khá cứng, chị đẩy tay lên-xuống đầy khó khăn, một phần do căng thẳng, chị đánh lái loạn xạ. Thầy ngồi bên cạnh nhễ nhại mồ hôi, miệng nói, tay huơ hướng dẫn: “Rồi, đánh đi, rẽ… chậc! Cua đi chứ… đánh nửa vòng tay lái thôi… Từ từ đã… chậm lại…! Chị phải nhìn đường mà đi chứ ra đường mà đi kiểu đó là tán lên lề rồi…” .
Chị M.T tập trung hết sức, nhưng chiếc xe cứ đánh võng qua lại chứ không theo sự điều khiển của chị. Giọng thầy càng lúc càng lớn. Đến khi nghe tiếng “hự, hự”, rồi ống bô nhả khói đen mù mịt thì dường như sức chịu đựng của thầy lên đến đỉnh điểm. Thầy mở cửa bước ra khỏi xe, lớn giọng: “Thôi, chị tạm nghỉ một lát đi. Tập lái xe chớ có chi mà chị sợ dữ vậy?”.
Chị bước xuống xe, chìa bàn tay mồ hôi đầm đìa cho cô bạn đi học cùng, “khoe”: “Nhìn nè, run quá toát hết mồ hôi rồi”. Thấy bạn như vậy, chị D.L (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cũng đâm lo. Chị D.L vốn bị say xe, say đến nỗi chỉ cần nghe chuẩn bị đi ô-tô là đã nôn nao trong ruột, ngồi lên xe đến phút thứ 5 là ói nhào đầu.
Cũng vì cái tật say xe mà chị bỏ qua biết bao cuộc vui của bạn bè hay những chuyến đi chơi xa với gia đình. Vì vậy, khi nghe cô bạn thân thuyết phục đi học lái ô-tô dễ lắm, không lo giữ thăng bằng như xe máy, ngồi sau tay lái cũng “diệt” được chứng say xe nên chị tức tốc đăng ký học.
Vậy mà, giờ chị cũng thấy… căng quá. “Sợ quá mi ơi, sợ lát ngồi lên xe phần say xe, phần ông thầy “chửi” nữa”, nghe cô chia sẻ, chị M.T trấn an: “Không đâu mi. Lo tập trung lái căng thẳng lắm làm chi còn nhớ đến chuyện say siếc nữa”.
Đến phiên chị D.L ngồi lên xe. Cũng như bạn, chị tập trung cao độ, phần nắng nóng, phần áo khoác, khẩu trang bắt đầu “phát huy tác dụng” khiến mồ hôi túa ra đầm đìa. Thầy lắc đầu: “Khi đi học lái xe, mấy chị phải ăn mặc hết sức đơn giản. Cứ quần dài, áo thun ngắn tay mà mặc. Càng thoải mái càng dễ tập trung, dễ tiếp thu.
Lần sau, chị mang đôi giày thể thao hoặc giày nào đế bằng thôi. Mang giày cao gót làm sao đạp phanh, côn. Sau này lái quen rồi ưng mặc chi thì mặc”. Có lẽ do chị tập trung quá nên lời thầy như rớt vào khoảng không. Chân không rời chỗ đạp côn, đi được hơn 30 phút, chịu hết nổi, chị quay sang thầy thỏ thẻ: “Thầy ơi, cho giải lao đi thầy, chân em tê cứng luôn rồi!”.
Phụ nữ hay đàn ông lái xe tốt hơn?
Anh T.V (kỹ sư, quận Sơn Trà), có vợ vừa thi đậu bằng lái xe chia sẻ: “Từ hồi lấy được bằng, đi đâu vợ tôi cũng đòi cầm lái. Đi đường rộng rãi, ít xe thì không sao chứ hễ đường có nhiều xe lớn nhiều là nàng dễ rối lắm.
Xe container còn xa tít phía sau, mới bóp còi thôi nàng đã giật thót, giảm tốc độ, có lúc còn phanh gấp. Tới bùng binh hay ngã tư mà nhiều xe máy là nàng sợ va quẹt nên cứ chạy rề rề, làm cho xe bị tắt máy, bao nhiêu xe phía sau bấm còi inh ỏi. Không ít lần đi với nàng tôi bị các tài xế xe bên cạnh lườm nguýt”.
Chuyện anh T.V làm tôi nhớ lại có lần nhóm bạn gái chúng tôi bắt taxi đi ăn cưới. Ngồi trên xe, cả bọn bàn luận rôm rả chuyện học lái xe. Bất ngờ, anh tài xế quay xuống nói gọn lỏn: “Nếu mấy chị có điều kiện sắm xe thì cứ sắm ra rồi yên vị ngồi phía sau để mấy anh lái. Thiệt chớ, em khuyên thật lòng mấy chị đừng cầm lái. Mấy chị chạy xe ngoài đường làm khổ tụi em quá!”.
Cả đám quê độ, lấm lét nhìn nhau rồi tẽn tò hỏi: “Ủa, sao kỳ lạ vậy anh?”. “Mấy chị để ý đi. Đang lưu thông ngoài đường tới ngã ba, ngã tư mà thấy xe nào lừng khừng chẳng biết định rẽ trái, rẽ phải hay đi thẳng thì thể nào cũng là phụ nữ cầm lái”, anh tài xế nói…
Ngày càng nhiều chị em đi học lái xe, chủ yếu ở độ tuổi trên 25. Ảnh: Q.T |
Theo anh T.H – giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm Dạy nghề lái xe ô-tô, mô-tô miền Trung, hiện nay, rất nhiều chị em đi học lái xe, lớp của thầy lúc nào học viên nữ cũng đông hơn nam. Qua thời gian dạy lái, thầy rút ra kinh nghiệm, trong học lái xe, phụ nữ tiếp thu chậm hơn nam giới.
Có rất nhiều nguyên nhân cho việc đó như hiểu biết của phụ nữ về xe còn khá hạn chế (thậm chí không phân biệt được tác dụng của côn, phanh tay, phanh chân…) dẫn đến thực hành thao tác chậm. Phụ nữ lại hay bị chi phối nhiều chuyện công việc, nhà cửa, con cái nên không toàn tâm toàn ý cho việc học. Thêm nữa, sức khỏe của phụ nữ yếu hơn nam giới.
Học lái xe thường ngoài giờ (tức sau giờ làm việc), khi đó học viên đã mệt mỏi nên tiếp thu cũng không tốt. Tuy vậy, theo thầy H., khi thi sát hạch thì tỷ lệ phụ nữ thi đậu lại cao hơn. Nguyên do là nam giới hay chủ quan, còn phụ nữ biết hạn chế của họ nên học hành chăm chỉ, cẩn thận hơn.
“Đối tượng học lái xe chậm nhất là phụ nữ trên 40 tuổi, không chỉ chậm lý thuyết mà chậm cả thực hành. Tuy vậy, không phải ai cũng như ai. Học lái xe chỉ cần chăm chú, thực hành nhiều sẽ đi được. Tôi từng dạy cho một chị 57 tuổi. Chị học hành rất nghiêm chỉnh. Thi đậu phát một”, thầy T.H nói.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố cho rằng, nên có cái nhìn công bằng hơn đối với phụ nữ kể cả trong việc điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Lái xe vốn là một nghề nhưng khi xã hội phát triển, việc lái xe trở thành một kỹ năng.
Vì vậy, bất cứ giới tính nào, chỉ cần học hành kỹ lưỡng, luyện tập nhiều thì kỹ năng sẽ thuần thục. Thậm chí, nếu xét về mặt giới tính thì nam giới có phong cách lái xe rủi ro cao hơn nữ giới. Vì nam giới thường mê tốc độ hơn, tỷ lệ sử dụng rượu bia cao hơn - nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông hiện nay.
Theo báo cáo của Ban ATGT thành phố, trong 9 tháng đầu năm 2018, tại Đà Nẵng chỉ ghi nhận 1 trường hợp phụ nữ lái ô-tô gây tai nạn giao thông, xảy ra ngày 11-9-2018 tại giao lộ Phan Đình Phùng - Lê Lợi, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu. Nguyên nhân xác định ban đầu là do chị H. điều khiển ô-tô không chú ý quan sát.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 97% số vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia mà người điều khiển xe là nam giới. Hiện tượng nam giới sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện cũng cao hơn nữ giới. |
QUỲNH TRANG