Ở Đà Nẵng, có một khu chung cư đặc biệt ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) mà nhiều người thường gọi với cái tên “chung cư không chồng”. Nơi đây, hàng trăm phụ nữ đơn thân đang sống cùng những đứa con. Dù vậy, may mắn hơn mẹ, những đứa trẻ ở khu chung cư này được sống dưới mái nhà vững chãi, được học hành, và nhen nhóm nơi khu phố buồn niềm hy vọng vào tương lai.
Quán bánh bèo của bà Thảo là nơi chị em chuyện trò mỗi buổi chiều. |
1. 5 giờ chiều, “chung cư không chồng” nhộn nhịp hẳn lên. Vài ba đứa trẻ đang tụ tập chơi đùa, đá bóng, đánh cầu lông; lác đác vài nhóm bà mẹ đơn thân tụ tập chuyện trò. Mùi khói bếp nhà ai nấu cơm sớm đưa hương cũng trở thành đề tài câu chuyện: “Nay nhà A. về sớm dữ hè”. Tiếng lục tục bát đũa, tiếng xe cộ bì bạch, hỏi han nhau í ới khiến khu phố buồn bã, tĩnh lặng ban ngày biến mất, nhường chỗ cho rộn ràng kéo dài đến đêm.
Chẳng biết có phải vì nếm trải nhiều cay đắng của cuộc đời không mà dù cười nói nhưng đôi mắt của những người phụ nữ đơn thân nơi này vẫn đượm nét buồn xa xăm. Từ lâu, khi đùa cợt nhau, người ta hay nói khu chung cư không chồng này là “xóm cụt đọt”, một ám ngữ dân gian thường gọi những người đàn bà không chồng.
Nghe mà tê tái. 4 block chung cư với 144 hộ, cuộc sống thường ngày của họ gắn với công việc lao động chân tay, thu nhập bấp bênh, như nhặt ve chai, bán vé số, phụ quán ăn… Bà Bình, bảo vệ tòa nhà A chép miệng: “Tui về đây 5 năm rồi. Chị em ở đây cực lắm, làm ăn “bữa đực bữa cái”. Tòa nhà ni có 36 hộ mà đã có đến 14 chị làm nghề nhặt ve chai rồi. Chỉ nhà mô có con cái học giỏi thì may ra còn có cái để hy vọng”.
Thực vậy, những người phụ nữ ở đây xem con cái như là ánh sáng của cuộc đời mình, với mong ước chúng lớn lên khỏe mạnh và thành đạt. Tôi nghĩ, đó đã là một bước tiến dài trong nhận thức. Bà Cầm, Tổ trưởng Tổ vay vốn tòa nhà C, D nói rằng, hồi còn ở khu nhà liền kề, trẻ con ở đây chỉ học đến THCS là bỏ học. Chúng theo mẹ đi làm đủ nghề để kiếm sống, có đứa lêu lổng rồi sa vào tệ nạn như trộm cắp, cờ bạc.
Gánh nặng áo cơm khiến người mẹ trở nên cáu bẳn, chẳng còn thời gian, tâm trí để ý đến con cái. Từ hồi ở chung cư, các chị được động viên cho tụi trẻ ăn học đến nơi đến chốn, những hộ quá khó khăn thì sẽ được miễn giảm học phí, hỗ trợ sách vở, quần áo để trẻ đến trường.
Chẳng thể tô hồng cuộc sống ở khu chung cư không chồng nhưng cứ nhìn lại chính họ của 10 năm về trước thì đã thấy sự khác biệt rõ ràng. Nhà ai cũng có tủ lạnh, ti-vi. Tỷ lệ trẻ con học đến THPT đạt 100%. Bà Ngọc (tòa nhà B) trải lòng: “Hồi ba mẹ con tui dắt díu nhau về đây, trong tay tui không có lấy một thứ tài sản gì, kể cả bộ bàn ghế, thùng gạo trong nhà chẳng khi nào được đầy, chưa nói đến khoản nợ bên ngoài. Rồi qua năm tháng, tui cũng trả được một khoản nợ nần, sắm sửa được ti-vi, tủ lạnh, rồi nuôi con ăn học đàng hoàng. Mẹ đã không biết chữ rồi thì cố gắng để con không phải bỏ học giữa chừng”.
2. Nhà của mẹ con bà Nhàn nằm ở tầng trên cùng của tòa nhà D. Trong ngôi nhà hơn 10 năm chỉ có 3 người phụ nữ ra vào lẻ bóng, nay nghe lao xao tiếng đàn ông. Người phụ nữ đã ở tuổi 60, chẳng còn thiết tha chuyện chồng vợ, trai gái, cũng không còn ngây thơ khờ dại như tuổi thiếu nữ lao vào tình yêu “nhưng khi ông ta (chồng cũ-PV) quay về, tôi lại dang tay đón nhận như những tủi hổ hai chục năm qua chẳng bõ bèn gì”. Bà Nhàn chia sẻ khi thấy tôi ngập ngừng nhìn đôi dép đàn ông để trước cửa.
Ông là mối tình năm 20 tuổi của bà. Bà đến với ông khi không biết ông đã có gia đình. Sau đó, bà tự nguyện “rút lui”. Đứa con gái mang họ mẹ với cái tên thật đẹp, như mở ra một tương lai tươi sáng. Chẳng ai ở khu chung cư này không biết đến con gái bà Nhàn. Cô gái học giỏi và hiếu thảo. Chẳng ai lôi được bà Nhàn ra khỏi căn bếp lúc nào cũng nghi ngút khói (bà Nhàn làm nghề gói bánh nậm-PV) nếu không phải vì câu chuyện liên quan đến Thanh - cô con gái duy nhất của bà.
Cô gái ấy từ năm lớp 3 đã viết bài văn tả về mẹ ngọt ngào đến nỗi người mẹ lam lũ, ít chữ ấy đã thuộc làu, nhớ như in, cho đến nay : “Mình là con gái duy nhất của mẹ. Hai mẹ con mình sống trong căn nhà trọ nhỏ nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Từ sáng sớm, mẹ đã trở dậy khuấy bột, hấp bánh nậm. Mùi chua của bột vương trên tóc, ám vào cả quần áo, da thịt mẹ. Nhưng với mình, cái mùi oi nồng đó thơm tho không thể tả…”. Thanh học chuyên Toán nhưng viết văn rất hay. Đôi mắt xa xăm, bà Nhàn nói, Thanh đang sống thay cho phần mẹ. “Từ nhỏ, tôi ước mơ trở thành cô giáo dạy văn, nếu như không có những lỡ lầm tuổi trẻ, có lẽ…”, lời tâm sự buông lơi giữa chừng.
Đa số chị em ở khu chung cư đều làm các công việc lao động chân tay. |
Có người từng nói: “Không có đứa con vĩ đại, chỉ có người mẹ vĩ đại”. Nhàn lớn lên thiếu vắng tình thương của cha nhưng được bù đắp bởi tình yêu trời bể của mẹ. Từ nhỏ, trong nồi hấp củ khoai để em ăn sáng luôn được mẹ bỏ thêm vài hạt sen, hạt bắp cho đủ chất. Thuộc gia đình hộ nghèo nhiều năm liền nhưng em được đón đưa đi học bằng xe ôm. Chưa một sinh nhật nào của em không được mẹ tổ chức. Sự tảo tần, bảo bọc của mẹ đã che chở Thanh lớn lên trong bầu không khí trong trẻo, hồn nhiên.
Năm nay 23 tuổi nhưng Thanh cứ đi ngoài đường về là sà vào lòng mẹ, hít hà mùi bột chua rồi cả hai mẹ con phá lên cười. Nhiều đêm nằm bên con ngủ, bà Nhàn cũng đưa đẩy nhắc nhở con chuyện tình yêu trai gái: “Đừng bao giờ yêu đương dễ dàng con nhé. Chỉ đến với người đàn ông nào trân trọng, nâng niu con. Vì con là cô gái đáng yêu, con xứng đáng được hạnh phúc”. Trong đôi mắt trũng sâu của người đàn bà khắc khổ ấy, hình ảnh đứa con bé nhỏ luôn ngời sáng.
3. Ở chốn này, mỗi gia đình là mỗi cảnh đời khác nhau. Người thì chồng chết, người thì chồng bỏ, người tự túc nuôi con. Sống ở nơi chỉ toàn phụ nữ không thể tránh khỏi những lúc va chạm, to tiếng, thậm chí ẩu đả nhưng được cái, chị em ở đây sống rất có tình có nghĩa, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Bà Cầm nói rằng, ở đây ai cũng vậy cả, ban đầu còn xa lạ, ngại ngùng, dè chừng nhau nhưng giờ thì đùm bọc, chia sẻ nhau mọi thứ. Đến giờ nấu cơm mà hết gạo thì chạy qua hàng xóm. Thiếu chanh xin chanh, thiếu ớt xin ớt. Con cái đau ốm giữa đêm giữa hôm là chạy qua hàng xóm gõ cửa. Khi con cái đến tuổi lấy vợ lấy chồng, cũng chính những cô, dì trong khu dân cứ đứng ra lo liệu, người làm chủ hôn, người đi đặt bàn, trang trí, mỗi người góp một tay làm nên những đám cưới vui “nổ trời”. Ngày Tết đến, mấy chị em lại tụ tập bàn bạc làm tất niên, cúng xóm. Chẳng cần đàn ông sức dài vai rộng, các chị tự trèo cầu thang treo băng-rôn để đón Xuân, bắt đèn nhấp nháy, hoa cúc, hoa ly trang trí thơm lừng mỗi góc cầu thang.
Chị Hồ Thị Thúy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Hòa Phú 5A chia sẻ, khu này toàn phụ nữ lẻ bóng, mấy chị em đùm bọc nhau mà sống, nhà ai có chuyện gì thì mọi người đều xắn tay đến giúp. Cuộc sống có khó khăn gì thì san sẻ với nhau. Chi hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động giúp chị em tìm kế sinh nhai, ổn định cuộc sống. Dẫu đa phần chị em còn nhiều khó khăn nhưng trong đó vẫn có một số chị em vươn lên thoát nghèo, tạo điểm sáng trong khu dân cư. Đặc biệt, nhà chị em nào có con cái học giỏi, thành đạt đều trở thành tấm gương, câu chuyện cho những gia đình khác học tập.
Chưa thể nói có sự đổi thay rõ rệt ở xóm bà mẹ đơn thân, nhưng nhìn đứa trẻ hồn nhiên với đôi mắt sáng ngời chơi đùa ở khuôn viên khu chung cư không chồng, những ước mơ lại mở ra…
Ông Hồ Phước Dũng, Chánh Văn phòng Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố chia sẻ: Chủ trương xây dựng nhà liền kề (sau này là nhà chung cư) cho phụ nữ đơn thân nuôi con là một chủ trương nhân văn của thành phố. Đây là dự án tâm huyết của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh mà chính ông được trực tiếp tham gia. Thời điểm năm 2008, ông Nguyễn Bá Thanh vận động được nguồn kinh phí từ các tổ chức của Hàn Quốc và xây dựng được 126 căn nhà liền kề (trong khi đó, số hồ sơ nộp là hơn 500 bộ). Số phụ nữ được bố trí nhà đa số là phụ nữ đơn thân ở quận Hải Châu và quận Thanh Khê. Cơn bão lớn năm 2009 khiến dãy nhà liền kề bị xóa sổ. Thành phố tiếp tục có chủ trương xây dựng nhà chung cư và tháng 5-2012 đưa vào sử dụng. Các hộ phụ nữ đơn thân được bố trí trong 4 block nhà. Sau đó, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố xin thêm 28 căn nhà để bố trí cho các chị em thuộc diện khó khăn thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, nâng tổng số hộ lên 144. |
Bài và ảnh: Quỳnh Trang