Tấm lòng nhân ái của ông Đoàn

.

“Mỗi lần thấy bé Lê Quỳnh Châu (trú tổ 37, phường Chính Gián) đến trụ sở phường Chính Gián, y như rằng mọi người đều reo lên: “con gái nuôi” đến thăm ông Đoàn kìa”, ông Võ Văn Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián (quận Thanh Khê) - người được mọi người gọi là “cha nuôi” kể và mở đầu cuộc nói chuyện bằng nụ cười hồn hậu.
 

Ông Võ Văn Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián (bìa trái) trao hỗ trợ gạo cho người nghèo bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ông Võ Văn Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián (bìa trái) trao hỗ trợ gạo cho người nghèo bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Những năm qua, ông Đoàn luôn đồng hành, sát cánh cùng người nghèo khó. Thông qua việc làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, ông Đoàn đã giúp đỡ hàng trăm hộ nghèo, học sinh, sinh viên khó khăn vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.

“Con nuôi” của ông Đoàn

“Con nuôi” của ông Đoàn - Lê Quỳnh Châu hiện đang là học sinh lớp 12, Trường THPT Thanh Khê (quận Thanh Khê) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mẹ mất sớm vì ung thư, bố mắc bệnh tâm thần, không lao động được.

Nhiều năm nay, Châu sống nhờ nhà người cậu ruột, hoàn cảnh cũng khó khăn không kém. Biết được tình cảnh khốn khó của Châu, ông Đoàn nhiều lần đến nhà tìm cách giúp đỡ. Từ năm 2016 đến nay, đều đặn mỗi tháng, Châu được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián hỗ trợ cố định 500.000 đồng để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Đó là số tiền hỗ trợ cố định bằng nguồn quỹ Vì người nghèo của phường.

Còn những lần hỗ trợ đột xuất bằng tiền túi, thì ông Đoàn không tài nào nhớ hết. Những dịp đầu năm học mới, Quỳnh Châu cần may áo dài, ông Đoàn là người lo chi phí. Thi thoảng Châu hết vở, bút, ông Đoàn lại mở ví ra cho. Thậm chí, đôi dép đi học bị đứt, em Châu cũng tìm ông Đoàn nhờ giúp đỡ. Với ông Đoàn, Châu giống như con, cháu trong nhà. Châu thiếu thứ gì, gặp khó chuyện gì cũng một tay ông Đoàn lo liệu.

Nhờ có sự cưu mang, giúp đỡ của ông Đoàn nói riêng và Mặt trận phường Chính Gián nói chung mà nhiều năm nay, em Châu yên tâm học hành, không dở dang việc học. “Tôi xem bé Châu như con gái. Giờ bé Châu không còn ai để bấu víu, nên tôi đã giúp thì giúp tới cùng. Nếu giờ tôi mà không giúp, chuyện bé Châu nghỉ học giữa chừng chỉ là sớm muộn”, ông Đoàn nói.

Để giúp Châu có nguồn thu nhập ổn định để có thể trang trải chi phí cho những năm tới khi em vào đại học, cuối năm 2019, ông Đoàn bàn bạc với gia đình, người thân của Châu và trích quỹ Vì người nghèo của phường hỗ trợ 40 triệu đồng để sửa chữa nhà.

Căn nhà cũ hiện tại được sửa chữa lại kiên cố, ngăn làm 2 phòng. Một phòng làm nơi ở, sinh hoạt của em Châu. Phòng còn lại cho thuê với giá 2 triệu đồng/tháng. Số tiền thu được từ việc cho thuê nhà sẽ là nguồn kinh phí để em Châu trang trải một phần chi phí sinh hoạt, học tập cho những năm tới.

“Ở hoàn cảnh của em hiện tại, để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày đã rất khó, nói gì đến chuyện duy trì việc học. Thật may mắn là em được gặp chú Đoàn, được sự cưu mang của Mặt trận phường nên thời gian qua em vẫn được đến trường”, Châu bộc bạch.

Còn với Nguyễn Thị Ngọc Vy (trú tổ 15, sinh viên năm 1, Trường Đại học Duy Tân), ông Đoàn nói riêng và Mặt trận phường Chính Gián nói chung không khác gì người nhà, người thân. Vy không may mất bố từ nhỏ. Hai năm gần đây, bà Trần Thị Kim Phương (mẹ Vy) phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, không lao động được. Mọi chi phí thuốc thang, sinh hoạt đều do người anh trai cả đảm đương.

Đầu năm 2020, anh trai của Vy viết đơn xung phong đi bộ đội để làm tròn nghĩa vụ với đất nước. Gia cảnh đã khó nay lại càng khó khi mới đây, trong lúc làm việc nhà, bà Phương không may ngã gãy tay. Mọi việc từ nhỏ đến lớn trong nhà đổ dồn lên đôi vai cô sinh viên năm nhất. Những tưởng con đường học tập của Vy rơi vào ngõ cụt khi cả gia đình hết cách. May mắn thay, hoàn cảnh của Vy được khu dân cư báo lên Mặt trận phường. “Khi nhận được điện thoại từ đại diện khu dân cư là có một em sinh viên thuộc diện hộ nghèo đang có nguy cơ phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, lúc ấy tôi không nghĩ được gì khác ngoài việc hỏi địa chỉ nhà rồi tức tốc tìm đến”, ông Đoàn nhớ lại.

Nhờ sự quan tâm kịp thời, đúng lúc của ông Đoàn, Vy có kinh phí tiếp tục đến trường, từng bước hoàn thành giấc mơ hướng dẫn viên du lịch đang dang dở. Mỗi học kỳ, Vy được Mặt trận phường hỗ trợ 50% tiền học phí cho đến khi tốt nghiệp.

“Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nhiều năm nay. Từ năm lớp 10, con tôi đã được Mặt trận phường hỗ trợ kinh phí học tập hằng năm. Sau khi đậu đại học, Vy tiếp tục được Mặt trận phường giúp đỡ. Mới đây, đích thân ông Đoàn đã hướng dẫn Vy làm hồ sơ, viết đơn để xin nhận học bổng Tiếp sức đến trường”, bà Trần Thị Kim Phương (mẹ Vy) tâm sự.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Không chỉ cưu mang những em học sinh, sinh viên khó khăn, ông Đoàn còn dành sự quan tâm đặc biệt cho những hoàn cảnh bất hạnh, nghèo khó. Gia đình bà Hồ Thị Lang (trú tổ 15, phường Chính Gián) là một trong những hộ nghèo đặc biệt khó khăn được ông Đoàn thường xuyên lui tới động viên, giúp đỡ. Bốn mẹ con bà Lang sống chen chúc trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong kiệt trên đường Lê Độ.

Ba người con của bà Lang đều không may mắc bệnh tâm thần. Bản thân bà Lang bị bệnh trầm cảm. Cả gia đình 4 người nhưng không có lấy một người lao động. Mọi chi phí thuốc men, ăn uống đều dựa cả vào số tiền trợ cấp ít ỏi hằng tháng. Bốn con người tuy cao lớn, vạm vỡ nhưng đều sống nhờ vào thuốc. Cứ hai tuần 1 lần, các con bà Lang phải đến Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng lấy thuốc uống cầm chừng, không cho bệnh trở nặng.

Ông Võ Văn Đoàn(bìa phải) thăm hỏi, động viên hộ nghèo Hồ Thị Lang.  Ảnh: LAM PHƯƠNG
Ông Võ Văn Đoàn(bìa phải) thăm hỏi, động viên hộ nghèo Hồ Thị Lang. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Năm 2018, thấy căn nhà của mẹ con bà Lang xuống cấp trầm trọng, ông Đoàn vận động mạnh thường quân được 10 triệu đồng để hỗ trợ bà Lang sửa nhà. Hôm ông Đoàn đến nghiệm thu nhà, con trai của bà Lang là Lê Trung Vinh dúi vào tay ông chiếc phong bì, bên trong có 1 triệu đồng để “cảm ơn”. Ông Đoàn nhất quyết từ chối nhưng không được, đành cầm hờ cho gia đình vui. Nhận xong, ông đi kiểm tra quanh nhà, thấy cầu thang chưa có lan can vịn, ông móc ví, lấy 1 triệu đồng bỏ thêm vào chiếc phong bì, đưa anh Vinh bảo đi tìm thợ làm ngay tay vịn cầu thang cho an toàn.

Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa rồi, cuối ngày 28 tháng Chạp Kỷ Hợi, sau khi phân phát hết quà Tết cho hộ nghèo còn dư lại 1 suất, ông Đoàn liền lấy điện thoại, gọi con trai bà Lang đến chở quà về ăn Tết. Xong xuôi đâu đấy ông mới ra về, kết thúc ngày làm việc cuối năm.

“Chú Đoàn như là ân nhân của bốn mẹ con tôi. Chú giúp đỡ chúng tôi từng ly từng tí. Từ những điều nhỏ như ưu tiên nhận thêm một phần quà Tết đến những chuyện lớn như: sửa chữa nhà, hỗ trợ vật dụng, hỗ trợ học nghề cho chị gái. Nếu không có chú Đoàn, không biết mấy mẹ con tôi giờ sống thế nào nữa…”, anh Vinh xúc động nói.

Những ngày này, căn phòng làm việc chừng 15m2 của ông Đoàn được trưng dụng làm nơi chứa gạo, mì gói để hỗ trợ hộ nghèo. Nhiều tháng nay, Covid-19 hoành hành làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người nghèo trên địa bàn phường. Chứng kiến công việc mưu sinh của những người xích lô, ve chai, bán hàng rong gặp khó khăn do dịch bệnh, ông Đoàn sớm tối ngược xuôi đi vận động, xin hỗ trợ từ mạnh thường quân, doanh nghiệp.

Sau khi xin được quà, ông Đoàn cùng cán bộ phường len lỏi trong các kiệt, hẻm đến từng nhà trao tận tay những người nghèo khó. Không chỉ quan tâm đến hộ nghèo khó, ông Đoàn còn giúp đỡ những lao động ngoại tỉnh đang tạm trú trên địa bàn phường.

Đó là những người bán vé số đến từ các tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định không về quê được do thực hiện cách ly xã hội. Những phần quà hỗ trợ đơn giản chỉ là thùng mì gói, vỉ trứng gà được ông Đoàn đem đến tận nơi trao tặng.

Đón nhận thùng mì gói từ tay ông Đoàn, bà Nguyễn Thị Cúc (quê Quảng Ngãi) xúc động, nói: “Người ta nói của cho không bằng cách cho, huống hồ tôi chỉ là người bán vé số ngoại tỉnh nhưng vẫn được lãnh đạo địa phương quan tâm, mang quà đến tận nơi tặng và động viên. Tôi thật sự rất biết ơn và cảm động…”.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.