Được mùa lúa, úa mùa cau… Không phải vì lúa năm nay được mùa mà cau trở nên héo úa, như lời ông bà mình thường nói. Hai năm nay, cả Quảng Nam và Đà Nẵng đều được mùa cau nhưng lại ế rụng ế rơi làm nông dân rầu lòng không kể xiết. “Kịch bản” nông sản liên tục rớt giá vì không xuất khẩu được viết lại ở mùa cau năm 2019 đến nay. Năm nay lại thêm hai đợt Covid-19 khiến nhiều nơi cau không người hái rụng đỏ cả vườn.
Nông dân bán cau ở chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang). Ảnh: NHƯ HẠNH |
1. Đến khối phố Bằng An Đông, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, hỏi ông Minh buôn cau thì ai cũng biết. Gọi thế, bởi ông chuyên nghề buôn cau gần 30 năm nay. Năm nào Trung Quốc “ăn” cau (nhập khẩu cau), ông làm đại lý thu mua cau của đội quân đi cau từ cánh bắc Quảng Nam ra đến Đà Nẵng rồi nhập cho các lò sấy cau, gọi là sơ chế cau khô ở Tam Kỳ... Năm nào cau xuất sang Trung Quốc “đứng sựng” thì ông chuyển sang buôn cau chợ, chủ yếu là xuất ra Bắc, phục vụ cho nhu cầu cưới hỏi, cúng kiến… Nếu cau ở địa phương không đủ cung cho thị trường, nhất là ở những lúc trái vụ, ông quay sang nhập cau từ Quảng Ngãi, có khi từ Kiên Giang ra, theo kiểu “mua của người chán, bán cho người thích”.
Nếu “hàng xóm” Quảng Ngãi trồng cau thành rừng, chuyên canh như cây điều, cây cà phê, cau ở Quảng Nam, Đà Nẵng được người dân trồng theo kiểu “nghiệp dư”. Cau trồng trước nhà cho đẹp theo quan điểm thẩm mỹ của người xưa “Trước cau, sau chuối”. Cau trồng làm hàng rào quanh vườn như một mốc ranh giới giữa nhà này với nhà kia. Đôi khi đơn giản trồng vài ba cây cau, giắt thêm dây trầu leo quanh thân cây để hái trái đơm trên bàn thờ vào ngày giỗ, ngày chạp…
Dường như bao đời nay, cây cau gắn liền với đời sống của người nông dân như hơi thở, bởi cau không chỉ là một mặt hàng nông sản mà còn là nét văn hóa “Trầu cau” độc đáo của dân tộc. Cau có thể sống trên đất đồi núi bạc màu đến đất hoang hóa đầy cỏ dại. Cau chẳng đòi hỏi phân tro, tưới tắm mà vẫn ra hoa kết trái từ tháng Giêng cho chí tháng 9. Chỉ đến khi những cơn sốt cau xuất khẩu như cơn gió lớn đi qua những miền quê yên bình, lúc đó, người nông dân mới ngấm nỗi đau mang tên “thị trường”.
Theo ông Minh, cơn sốt xuất khẩu cau sang Trung Quốc bắt đầu đã hơn 10 năm nay. Cứ thế, năm nào Trung Quốc “ăn” cau thì bán được giá, còn lại nếu không xuất được thì bán như cho cũng chẳng ai thèm mua. Mùa cau năm 2018, giá cau tăng từng ngày. Đội quân đi cau “bay” lùng sục khắp hang cùng, ngõ hẻm. Có ngày, giá đội khung từ 30.000 đến 35.000 đồng một ký vẫn giành nhau mà mua. Nhưng bước qua 2019, giá cau “rơi tự do” xuống còn 5.000 đồng một ký mua tại vườn.
Thậm chí, với cái giá gần như cho ấy vẫn chẳng có người đến hỏi mua. Năm ngoái, nhiều xã cánh tây bắc, huyện Hòa Vang như Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Phú… cau già không ai mua chín đỏ trên cây thấy mà não ruột. Không chỉ không bán được đồng nào mà chủ vườn còn phải tốn thêm tiền thuê người hái cau già vứt bỏ và làm vệ sinh cây, đọt cây. Nếu không, cây cau sẽ mau suy và những mùa sau sẽ không sum suê trái.
2. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan năm nay chừng 45 tuổi, ở thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, ngoài công việc chính là làm ruộng ra thì “đi cau” (tiếng trong nghề nói việc dạo quanh các vườn mua cau) là nghề tay trái đã đem lại cho chị nguồn thu nhập đáng kể. Hai vợ chồng đã có thâm niên hơn 13 mùa đi cau. Đầu tháng 9 vừa rồi, sau khi thôn Yến Nê 2 vừa dỡ lệnh phong tỏa vì Covid-19, vợ chồng lao ra đường đi hái cau về nhập cho đại lý. Chị than thở: “Gần hết một mùa cau rồi mà vợ chồng em mới đi được mấy chuyến. Quảng Nam dỡ cách ly sớm nên dân đi cau trong nớ ra quét sạch vườn. Mọi khi mỗi ngày trung bình vợ chồng em hái được 3 tạ. Chừ đi rã giò mới được mấy chục ký chớ mấy!…”.
Việc trồng cau không mất nhiều công sức đầu tư, nhưng cho thu nhập khá nếu có thị trường tiêu thụ. Ảnh: NHƯ HẠNH |
Những ngày dịch bệnh Covid-19, dân đi cau ở Đà Nẵng án binh bất động. Mà có đi thì chủ vườn cũng không cho hái. Thỉnh thoảng cũng có mấy người đi cau từ thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (lúc đó chưa có lệnh cách ly) ra hỏi mua nhưng không ai dám bán. Nhiều nhà vườn cau sai trái đến độ dầy (vừa ăn) cũng đành để chín rụng đầy gốc. Suy nghĩ chung của nhiều người là: “Tiếc thì cũng có tiếc thiệt nhưng sức khỏe là trên hết”.
Theo ông Nguyễn Thu, nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, một số hộ ở thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên, như các ông Trương Công Lãnh, Nguyễn Xí... có đất rộng, không trồng lúa được thì trồng cau kín vườn. Cau dày đến nỗi người hái cau chỉ cần trèo lên cây này là có thể chuyền qua cây kia chứ khỏi cần tụt xuống đất… Mọi năm vào tầm này, dân đi cau ra vào tấp nập mua bán. Cau hái xong được cột thành đống trên xe máy chạy rần rần khắp làng. Mỗi xe chất một lần mấy tạ cau tươi nườm nượp tập trung về đại lý để ô-tô chở thẳng vào tận lò sấy giao hàng.
Dịch bệnh đợt này kéo dài hơn tháng, nhiều vườn đã được dân buôn cau mua bao trọn gói từ đầu mùa nhưng cũng đành phải bỏ cau chín. Mà cái thứ cau cũng thật kỳ. Nó chỉ có giá trị khi quả còn non hoặc đúng độ dầy. Người ta chuộng cau non để sấy khô xuất khẩu. Còn dùng để ăn trầu hoặc cưới hỏi thì dùng loại cau dầy. Tức ruột cau lúc ấy dẻo vừa ăn, nhai miếng cau trong miệng vị ngọt tươi xen lẫn vị chát hòa lẫn với vị cay của trầu, vị nồng của vôi tạo thành một chất men say sóng sánh… Cau mà qua ngưỡng dầy, tức bắt đầu già, hạt sẽ cứng và đắng. Lúc đó chỉ có đem vứt bỏ, chẳng làm được việc gì. Nếu lỡ có buồng cau nào chưa kịp hái đã già, người ta thường để chín đỏ trên cây. Sau đó hái xuống ươm cau con để trồng…
3. Mấy năm trước, khi cau trở thành mặt hàng thương phẩm bán sang Trung Quốc, nhiều nhà đã có cái nhìn nhanh nhạy là trồng thêm cau trên đất canh tác. Bởi, mỗi cây cau trong một vụ có thể cho 5 buồng trái. Mỗi buồng sây trái cũng được 3 đến 5 ký. Mỗi ký bán tại vườn lúc được giá trung bình cũng xấp xỉ 20.000 đến 25.000 đồng. Tính sơ sơ mỗi cây thu về ít nhất cũng tròm trèm ba bốn trăm ngàn đồng. Mà ở quê nhà nào cũng có dăm cây đến vài chục gốc cau quanh vườn là chuyện thường tình. Nếu tính về hiệu quả kinh tế so với bầu bí, thì cau chẳng cần đầu tư tốn kém về công sức và tiền của nhưng lại thu lợi đáng kể.
Tuy là loại cây trồng “dễ tính” lại đem đến cho nông dân một nguồn thu nhập đáng kể mang nét riêng của kinh tế nông thôn nhưng cho đến nay, cây cau vẫn không nằm trong danh mục cây, con cần phát triển của Hòa Vang. Khi đi tìm số liệu về diện tích trồng cau, các lò sấy cau trên địa bàn Hòa Vang cho bài viết, chúng tôi “gõ cửa” Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện và được trả lời rằng đơn vị chưa khảo sát, theo dõi sự phát triển và lợi ích kinh tế do cây cau mang lại.
Thực tế, vào thời kỳ hoàng kim của cau, trên địa bàn Hòa Vang có từ 4 đến 5 lò sấy cau. Chủ yếu là sấy bằng than đá (còn gọi là sấy đen). Nhưng theo bà Phan Thị Phúc, chủ một lò sấy cau cũ ở thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, bây giờ người ta chuyển sang sấy bằng điện để giảm độc tố cho cau. Nhiều lò sấy bằng than ở Hòa Vang đóng cửa mấy năm rồi. Bây giờ, bà chuyển sang làm đại lý thu mua cau và nhập cho các lò sấy ở Tam Kỳ, Núi Thành (tỉnh Quảng Nam). Mấy năm nay, nghề cau bắt đầu lận đận, ông Phong, chủ lò sấy cau ở thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, than rằng, năm 2019 do không xuất được nên giá cau rớt xuống còn chỉ 5.000đồng/kg. Năm nay, giá rục rịch tăng nhưng cấn cái dịch nên không thu mua được nhiều. Chủ vườn lẫn dân đi cau đều lao đao.
Sau khi Đà Nẵng dỡ bỏ cách ly vì Covid-19, miền quê Hòa Vang đã bắt đầu trở lại nhịp điệu bình thường. Dân đi cau bắt đầu công việc leo trèo kiếm sống ở các vườn cau. Trong khi chờ chồng hái cau, chị Nguyễn Thị Lan vừa gom những buồng cau thành từng đống vừa tâm sự: “Chỉ mong cau được giá, có đường ra, để người nông dân như vợ chồng em có thêm đồng ra đồng vô. Chớ làm ruộng bây chừ như mua gạo rẻ, làm răng mà đủ sống. Năm ngoái cau mất giá, năm ni cấn dịch bệnh không mua bán chi được. Mùa cau năm ni cũng coi như úa rồi…”.
NHƯ HẠNH