Thương về 'khúc ruột' miền Trung

.

Gặp họ - những người con Đà thành tình nguyện đến với đồng bào các tỉnh miền Trung những ngày này - thật khó vì họ quá bận rộn với những chuyến đi gấp gáp để đến kịp với đồng bào đang “oằn mình” trong bão lũ. Có khi cả ngày dầm mưa đến rét run người vì đói và lạnh để cứu hộ người dân đang mắc kẹt trong những căn nhà ngập nước, có khi bì bõm lội qua những con nước cao để đến tận nhà dân phát quà, có lúc lại giúp người dân dọn dẹp nhà cửa và hỗ trợ sinh kế sau bão lũ... Họ đã viết nên bao câu chuyện xúc động, ấm áp tình người, giúp lan tỏa những điều tích cực hướng về đồng bào miền Trung trong thời khắc khó khăn.

Biệt đội cano 0 đồng hỗ trợ nhu yếu phẩm, cứu nạn người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. 						(Ảnh nhân vật cung cấp)
Biệt đội cano 0 đồng hỗ trợ nhu yếu phẩm, cứu nạn người dân vùng lũ huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tiếng kêu cứu xé màn đêm

Phải đợi cả ngày dài, đến khi một ngày mới nữa sắp sang, tôi mới nhận được lời hồi âm từ Biệt đội cano 0 đồng. Anh Trần Đăng Vinh (sinh năm 1990, Giám đốc Công ty Truyền thông DaNang Media) - người sáng lập ra Biệt đội cano 0 đồng nhắn cho tôi lời xin lỗi vì cả ngày lu bu với công việc cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ người dân đang chạy lũ ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Theo như những hình ảnh, đoạn video mà anh Vinh chia sẻ trên trang facebook cá nhân thì nhiều nơi ở huyện Lệ Thủy chìm trong biển nước, có nơi nước dâng cao tận nóc nhà, đường biến thành sông với nhiều đoạn chảy xiết khiến cuộc sống của người dân vùng lũ bị tê liệt hoàn toàn.

Thế nhưng, bất chấp những cơn mưa lớn liên tục xối xả, giữa bốn bề nước ngập mênh mông, những thành viên trong Biệt đội cano 0 đồng vẫn dũng cảm lao vào hiểm nguy để giải cứu những người còn mắc kẹt trong lũ dữ. Theo như anh Vinh chia sẻ, đã gần nửa tháng nay, Biệt đội cano 0 đồng luôn có mặt ở những nơi lũ ngập sâu nhất của các tỉnh miền Trung để thực hiện mệnh lệnh từ trái tim.

Mệnh lệnh đó đã được anh Vinh cùng nhóm bạn ươm mầm từ những ngày đầu tháng 10 khi những cơn bão liên tục đổ bộ vào các tỉnh miền Trung kèm theo mưa lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho “khúc ruột” đau thương của dải đất hình chữ S này. Trước tình cảnh cấp bách đó, Hội những người yêu môn thể thao ván đứng (Standup paddle board - SUP) ở Đà Nẵng đã lên kế hoạch chi tiết để hỗ trợ bà con bị cô lập vì lũ dữ, trước mắt là các huyện bị ngập sâu của tỉnh Quảng Trị.

Kế hoạch đó được các thành viên trong đội SUP tính toán kỹ lưỡng, cập nhật tình hình thời tiết thường xuyên, tìm ra phương án hỗ trợ tối ưu nhất để bảo đảm an toàn mà không làm phiền đến chính quyền địa phương và không để trở thành nạn nhân cần được cứu trợ. “Qua trao đổi bằng điện thoại, một cán bộ địa phương lo lắng nói với tôi rằng, nếu các đoàn từ thiện gửi nhu yếu phẩm để trao cho các hộ gia đình thì thật sự rất khó, vì địa phương đang thiếu ghe thuyền trầm trọng, không đủ để cứu hộ, di chuyển phân phát quà cho người dân.

Chính vì thế chúng tôi quyết định chuyển cano từ Đà Nẵng ra, những người chèo SUP sẽ mang nhu yếu phẩm đi phát từng nhà”. Ngày 10-10, Biệt đội cano 0 đồng tập hợp những tay chèo lão luyện nhất với 2 chiếc cano nhanh chóng lên đường đến với bà con tỉnh Quảng Trị.

Hải Lăng là huyện bị ngập lụt nặng nề nhất của tỉnh Quảng Trị, lũ chồng lũ 2 lần liên tiếp, trong suốt hơn 1 tuần qua, nhà cửa của nhiều hộ dân bị ngập nặng, cô lập hoàn toàn, không điện, không nước uống và thiếu thốn lương thực. Toàn huyện rộng lớn với 16 xã nhưng chỉ có 3 cano nên công tác cứu hộ của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn.

Trong những ngày mưa gió ở huyện Hải Lăng, Biệt đội cano 0 đồng đã đến với các thôn xóm ngập sâu nhất, sau đó giao nhu yếu phẩm cho các thành viên trong đội SUP nhận hàng và len lỏi chèo đến từng ngóc ngách để phát tận nhà cho người dân. Nhiều trường hợp khó khăn, hộ nghèo cần đi bệnh viện, sản phụ đi sinh, người dân ở vùng thấp cần lên vùng cao... nhưng không có cách nào để di chuyển, Biệt đội cano 0 đồng có mặt kịp thời sẵn sàng giúp đỡ.

Có trường hợp một cụ già 61 tuổi ở huyện Hải Lăng bị té ngã rồi qua đời, người nhà không biết xoay xở thế nào để di quan giữa bốn bề biển nước mênh mông, thì ngay lập tức Biệt đội cano 0 đồng đến hỗ trợ tận tình. “Một ngày anh em dầm trong mưa to gió lớn, một số đoạn nước chảy xiết, ướt sũng đẫm lạnh, không ít lần lật SUP té nhào nước, cano bị sự cố phải kéo rất vất vả. Nhưng nhìn những phần quà thiết thực trao đến tận tay người dân đã đem lại niềm vui cho cả đội lẫn người nhận”, anh Vinh tâm sự.

Chia tay tỉnh Quảng Trị, Biệt đội cano 0 đồng lại lên đường đến với bà con tỉnh Quảng Bình. Có đêm thức trắng làm công tác cứu nạn, cứu hộ, điện thoại đường dây nóng của Biệt đội cano 0 đồng đổ chuông liên hồi với những tiếng kêu cứu xé màn đêm.

Tiếng cano phành phạch lại lao đi trong đêm lạnh. Qua những đoạn video mà anh Vinh chia sẻ, có nhiều pha cứu người nghẹt thở trong đêm mưa gió bão bùng với những khoảnh khắc đong đầy cảm xúc, giàu tình yêu thương. 

Tôi thấy ánh mắt rưng rưng của một gia đình, nụ cười hạnh phúc của một cụ già, câu hỏi “có nặng không con?” của một người mẹ bị mắc kẹt trong căn nhà ngập nước khi một thành viên trong Biệt đội cano 0 đồng bế ra thuyền... đã đọng lại trong lòng người những cảm xúc thật khó tả...

Dù cả ngày dài hì hụp ngâm mình trong nước lũ, các thành viên trong Biệt đội ai cũng ướt sũng, run cầm cập, nhưng trên môi vẫn nở nụ cười. Bởi với họ dù mệt nhưng ai cũng thấy hạnh phúc vì giúp bà con không đơn độc giữa những ngày khó khăn này qua những cái ôm thật chặt, qua những nụ cười dù méo xệch vì lạnh và đói nhưng lấp lánh niềm vui.

Theo như lời anh Vinh chia sẻ, từ những ngày đầu tham gia cứu trợ đồng bào miền Trung đến nay, Biệt đội cano 0 đồng đã gửi hơn 4.000 suất quà với giá trị hơn 2 tỷ đồng đến với bà con 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị; đồng thời huy động hàng chục cano trên toàn quốc hỗ trợ với hơn 30 thành viên. Cả đội hiện đang lên phương án hỗ trợ người dân sau bão lũ dọn dẹp nhà cửa, trường học và phương tiện sinh kế để bắt đầu lại cuộc sống bình thường.

“Sợ sống cuộc đời hờ hững”

Những người mà tôi may mắn được gặp, tôi nhận ra rằng, họ chưa từng sợ bất cứ điều gì trong cuộc sống, kể cả khi đi thiện nguyện rơi vào tình cảnh đứng giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết; họ chỉ sợ sống mà không làm điều gì có ích cho cuộc đời. “Đã nhiều người hỏi Hiểu Nghiêm đi làm gì, nhỏ bé mà không sợ chết ư? Dạ có ạ, em có sợ chết nhưng sợ hơn là sống cuộc đời hờ hững!”.

Đoàn thiện nguyện của chị Trần Mỹ Quyên trong một chuyến cứu trợ bà con vùng lũ ở Huế. 							(Ảnh nhân vật cung cấp)
Đoàn thiện nguyện của chị Trần Mỹ Quyên trong một chuyến cứu trợ bà con vùng lũ ở Huế. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lời chia sẻ trên tài khoản facebook “Hiểu Nghiêm” của chị Trần Mỹ Quyên (sinh năm 1982, Phó Giám đốc Công ty du lịch Hành Hương Việt) trong một chuyến thiện nguyện đến với đồng bào miền Trung đã thu hút nhiều lượt yêu thích, chia sẻ, đồng cảm của cộng đồng mạng. Gặp chị sau những ngày đi cứu trợ ở Huế, chị hào hứng kể về những chuyến đi thiện nguyện tiếp theo. “Hai mùa dịch rồi mưa bão, những người làm du lịch ở Đà Nẵng đang vật lộn với bao khó khăn, có nguy cơ phá sản. Như công ty mình cũng phải cố cầm cự từ đây đến cuối năm để duy trì hoạt động.

Nhưng cuộc sống ở ngoài kia rộng lớn, vẫn có nhiều người còn đang khó khăn cần mình giúp đỡ nên phải đi thôi”, chị Mỹ Quyên trải lòng. Những ngày mưa lũ ở tỉnh Thừa Thiên Huế, chị Mỹ Quyên tự lên kế hoạch, tính toán các phương án bảo đảm an toàn cho bản thân mình và liên hệ với các bạn đoàn viên của địa phương để kết nối. Vóc người nhỏ nhắn, ngồi trên ghe lọt thỏm giữa những phần quà, thế nhưng lúc nào chị cũng cố sức ôm những phần việc lớn, trên môi luôn giữ nụ cười ấm áp khi trao quà cho người dân địa phương.

Những mái nhà nhấp nhô trong biển nước, những phận người đói khổ... lại khiến bao con tim ở Đà Nẵng thổn thức hướng về miền Trung với tấm lòng “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Đội SOS Đà Nẵng với hơn 10 thành viên thuộc lứa tuổi 9X cũng lên kế hoạch cho những chuyến thiện nguyện của riêng mình. Gác lại nhiệm vụ hỗ trợ sửa chữa xe miễn phí cho những người dân Đà Nẵng gặp sự cố đêm khuya, chuyến đi này cả đội cùng đồng hành xuyên màn đêm đến với tỉnh Thừa Thiên Huế. Cả đội phải lội nước đi khảo sát từng nhà, hỏi trưởng thôn để trao phần quà thiết thực nhất đến với những hoàn cảnh thật sự khó khăn.

Đặng Ngọc Tiến, Đội trưởng Đội SOS Đà Nẵng chia sẻ: “Điều khiến em xúc động nhất trong chuyến đi này là khi đến trao quà cho người khuyết tật ở xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế thì Hội trưởng và Hội phó của Hội Người khuyết tật xã Vinh Hiền cũng là người khuyết tật, hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng họ không đưa mình vào danh sách nhận quà. Họ đã quên đi phần khó của chính gia đình mình để nhường lại cho những người khó khăn khác, khiến em cảm thấy những việc làm của mình vẫn còn nhỏ bé”.

Trong những ngày ở xã Vinh Hiền, Đội SOS Đà Nẵng đã hỗ trợ 200 suất quà cho người khuyết tật với tổng giá trị hơn 20 triệu đồng. Món quà như là niềm vui, động lực giúp người dân nơi đây giảm thiểu thiệt hại, khắc phục khó khăn.

Những ngày qua và những ngày sắp tới, không ít tấm lòng của người dân thành phố Đà Nẵng vẫn hướng về khúc ruột miền Trung bằng những chuyến thiện nguyện đong đầy tình yêu thương. Họ cố gắng thu vén chuyện gia đình, gác lại cuộc sống mưu sinh... để đến với những người dân gặp khó khăn, hoạn nạn trong trận lũ lịch sử này. Bởi với họ, câu hỏi “Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư” luôn thổn thức trong tim, thôi thúc những bước chân thiện nguyện lại tiếp tục lên đường.

HOÀNG HÂN

 

;
;
.
.
.
.
.