Phóng sự - ký sự

Những người "bắt bệnh" thời tiết

13:49, 22/10/2022 (GMT+7)

Mỗi ngày, chỉ cần mở điện thoại, truyền hình, đọc tờ báo…, chúng ta vẫn thường xuyên được cập nhật các thông tin dự báo thời tiết. Nhưng hẳn mấy ai biết được rằng, đằng sau những bản thông tin ấy là cả một sự nỗ lực làm việc cần mẫn không kể ngày đêm của đội ngũ những người làm công tác khí tượng thủy văn. Ngày nắng gắt cũng như đêm mưa dầm, họ túc trực theo dõi, đo đạc từng lượng mưa, tốc độ gió, độ ẩm, lưu lượng nước chảy của dòng sông... để có những thông tin chính xác nhất, dự báo thời tiết từng ngày đến cho mọi người.

 Trưởng phòng Dự báo Phùng Hồng Long (giữa) cùng các dự báo viên theo dõi đường đi bão số 6 (Nesat) tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ. Ảnh: T.L- N.H
Trưởng phòng Dự báo Phùng Hồng Long (giữa) cùng các dự báo viên theo dõi đường đi bão số 6 (Nesat) tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ. Ảnh: T.L- N.H

1. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ trực thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) nằm ở cuối đường Trưng Nữ Vương, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, dường như tách biệt hẳn với sự sôi động, sầm uất của thành phố bên sông Hàn. Trong căn phòng lắp đầy màn hình máy tính treo dọc hai bên tường của Phòng Dự báo, những hình ảnh đường đi của cơn bão Nesat (bão số 6) từ vệ tinh, ra-đa gửi về rõ mồn một, các dự báo viên mỗi người “ôm” một máy tính miệt mài phân tích, tổng hợp dữ liệu.

“Mấy ngày nay, anh chị em dự báo viên thay phiên nhau trực 24/24 giờ. Cơn bão này đang có dấu hiệu suy yếu thành áp thấp nhiệt đới do tương tác với không khí lạnh từ phương bắc tràn xuống. Hiện bão đang hướng đến Nghệ An - Quảng Bình. Dự báo mưa do áp thấp nhiệt đới không lớn như bão Sơn Ca vừa qua”, anh Phùng Hồng Long, Trưởng phòng Dự báo, vừa nhìn lên màn hình vừa giải thích cho chúng tôi hôm chiều thứ Ba, 18-10 vừa rồi.

Từ ô cửa sổ tầng 5 nhìn xuống, những má nhà lao xao của khu dân cư chập chùng cao thấp như những hộp diêm xếp cạnh nhau. Tại đây, các quan trắc viên có nhiệm vụ, mỗi ngày 2 lượt thả bóng thám không vào lúc 6 giờ sáng và 18 giờ chiều để đo gió, nhiệt độ, độ ẩm trong không trung. Công việc tỉ mỉ này diễn ra thầm lặng hằng ngày dù cho ngày tháng có nắng hay mưa. Anh Hoàng Văn Vĩnh, Phó trưởng phòng Quản lý mạng lưới trạm, người dẫn đường cho chúng tôi vào thế giới làm việc của những người “đo gió, đếm mưa” đã có một “bật mí” nho nhỏ rằng: “Mỗi quả bóng (loại chuyên dụng dành cho công tác dự báo khí tượng) đều có gắn một máy đo. Bóng bay đến đâu đo đến đó, đồng thời truyền dữ liệu về trạm. Bay đến độ cao từ 35km đến 37km, bóng sẽ nổ, máy sẽ rơi xuống và chấm dứt hoạt động của mình đâu đó trên mặt đất hoặc biển cả”.

Trong khi đó, một ngày các quan trắc viên khí tượng phải thực hiện 8 lần quan trắc, phát báo - gọi là 8 OBS, trong đó có 4 OBS chính và 4 OBS phụ. Những ngày bình thường thì cứ 3 tiếng đồng hồ, quan trắc viên mới phải thực hiện 1 OBS. Nhưng khi có bão thì công việc này tăng lên gấp 6 lần, cứ 30 phút lại thực hiện 1 OBS. Không chỉ cứ 30 phút (1 OBS) phải cập nhật dữ liệu từ 15 trạm khí tượng địa phương kéo dài từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, sau khi phân tích tổng hợp sẽ phát báo về Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia mà còn phải từng giờ, từng phút cập nhật số liệu ở các nước trong khu vực. Chỉ cần sơ sót trong khâu kiểm tra, phân tích dữ liệu sẽ đẫn đến những dự báo sai thì hậu quả khó mà kể xiết.

2. Căn phòng nhỏ ở tầng trệt của tòa nhà là “trụ sở” của Trạm Khí tượng Đà Nẵng, một trong 15 trạm trực thuộc Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ. Một người phụ nữ nhỏ nhắn đang chăm chú theo dõi, đọc dữ liệu từ các máy đo gió, đo mưa, khí áp… truyền về qua hệ thống cảm ứng đặt ngoài trời mà không hề biết khách đến. Pha vội bình trà, chị nói như phân bua: “Dân khí tượng chẳng có lúc nào tay rảnh chân rời, nhất là mùa mưa bão. Lúc cao điểm thì mọi người đều tăng ca. Bây giờ có máy móc hiện đại nên công việc đỡ vất vả hơn nhiều. Chứ ngày trước, khổ lắm!”, giọng chị Trưởng trạm Hoàng Thị Tùng sâu hun hút như ngọn gió thổi qua ghềnh ngày biển động.

Chị kể, hồi bão Xangsane (năm 2006), trạm chưa được trang bị máy đo tự động như bây giờ. Các máy đo mưa, đo gió… đều đặt ngoài trời. Theo quy định cứ 30 phút phải cập nhật số liệu một lần, cho dù mưa to, bão giật cấp mấy đi nữa thì các quan trắc viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình. Lúc đó trạm có 5 người nhưng đa số là nữ. Lãnh đạo cơ quan phải cho các cán bộ nam giới ở các phòng ban khác hỗ trợ đi cùng… “kẻo gió thổi người bay mất”. Nỗi vất vả ấy nếu so với các anh chị em chốt giữ các trạm khí tượng thủy văn ở miền núi, hải đảo như Trà My, Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam), Ba Tơ, Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị)… thì không thể nào mà sánh được.

Hầu như tuổi thanh xuân của những người làm nghề “đo gió, đếm mưa” đều trải qua những tháng ngày đầu nguồn, cuối bãi. Những chuyến ca-nô chòng chềnh đầu ngọn sóng trong những ngày mưa trắng trời để đo lũ hiềm chứa bao nhiêu là hiểm nguy. Trong cơn đại hồng thủy năm 1999, ở Trạm thủy văn Kim Long (thành phố Huế), anh Vĩnh từng chứng kiến cảnh một nữ quan trắc viên tên Hương cùng đồng nghiệp ra sông Hương giữa biển nước mênh mông đầy nguy hiểm. Lúc đó, chị Hương phải bám vào cây bên bờ sông để đo và truyền tín hiệu về cho đài... Trời nổi cơn giông gió, nhiều cây gỗ trôi xoay tròn theo xoáy nước đâm vào, thuyền có nguy cơ vỡ đôi. Những lúc như thế, nếu không nhanh tay chặt đứt cáp, hoặc hy sinh cá sắt (thuật ngữ chuyên ngành chỉ vật bằng sắt nặng ít nhất 50kg để gắn máy đo thả xuống lòng sông) thì nguy hiểm đến tính mạng. Nguy hiểm là vậy nhưng họ vẫn luôn tác nghiệp kể cả khi trạm ngập chìm trong nước lũ. Mường tượng ra cảnh mưa gió hiểm nguy bên bờ sông ngày đó, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc cảm.

Phó phòng Quản lý mạng lưới trạm Hoàng Văn Vĩnh cho biết hoạt động thủy văn hiện nay đã được tự động hóa. Ảnh: T.L-N.H
Phó phòng Quản lý mạng lưới trạm Hoàng Văn Vĩnh cho biết hoạt động thủy văn hiện nay đã được tự động hóa. Ảnh: T.L-N.H

3. Chiều, nhiệt độ xuống dần nghe se se lạnh. Bên chén nước chè xanh ấm nóng được rót từ chiếc bình giữ nhiệt, Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ Phạm Văn Chiến nhấp từng ngụm nhỏ tâm sự: “Việc của người làm trong ngành khí tượng thủy văn là cung cấp cho xã hội biết trước được diễn biến của thời tiết, thủy văn, thiên tai như: mưa, gió, giông, bão, lũ lụt... để có thể phòng chống, giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra. Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì thấy công việc hằng ngày của những cán bộ, viên chức ở các trạm, phòng quả là lặng lẽ, đến mức nhàm chán. Nhưng thực ra lại nóng lên từng giờ bởi nhiệm vụ quan trắc và dự báo về những yếu tố khí hậu, thời tiết phải thực hiện liên tục từng phút, từng giờ trong suốt 24 tiếng không ngừng nghỉ…”.

Thường ngày công việc đã “căng” như thế, đến ngày mưa bão thì lại càng vất vả hơn gấp bội, nhất là đối với chị em phụ nữ. Chị Tùng cho biết, nhiều chị em phải gửi con cho ông bà nội ngoại, người thân hai bên, thậm chí phải nhờ cả hàng xóm trông giúp để trực đêm canh bão. Nhiều lúc không gửi được ai, đánh liều mang con vào cơ quan cùng trực với bố mẹ… Nói đâu xa, chỉ gần một tháng nay thôi, miền Trung chịu ảnh hưởng liền một lúc 3 cơn bão Noru, Sơn Ca, Nesat, đó là lúc cán bộ, nhân viên của đài trực chiến 24/24 giờ. Nhà cửa, con cái phải gói ghém thu vén thật nhanh gọn để toàn tâm cho công việc. Sau mưa bão, họ trở về thì nền nhà nhão nhoét bùn đất và rác rến giăng đầy. Đó là chưa kể đến những người công tác ở các trạm thủy văn vùng núi hay đảo xa, nỗi vất vả không đơn thuần chỉ là công việc mà còn là sự thiếu thốn chuyện áo cơm và món ăn tinh thần.

Trong câu chuyện cùng “ôn nghèo, kể khổ” một thời cùng các anh chị ở đài hôm ấy, chúng tôi mới vỡ ra nhiều điều rất thú vị về những hy sinh thầm lặng, đầy chất tráng ca của nghề. “Ừ, ngẫm cho cùng thì nghề nào chả khó khăn. Nhiều anh em ngày trẻ bám chênh vênh ở các trạm thủy văn đầu nguồn, mỗi lần xuống huyện lỵ gửi lá thư về nhà phải lội bộ cả chục cây số. Ăn sắn lát mà đi “bắt bệnh” cho trời! (Nắng mưa là chuyện của trời - Nguyễn Bính). Dân quan trắc khí tượng thủy văn đo gió, đếm mưa dự báo thời tiết mà không phải bắt bệnh cho trời là gì? Mình cung cấp thông tin dự báo để mọi người tránh được những tai họa khôn lường từ tai trời ách nước, nghĩ vậy thôi cũng đủ để theo nghề tới trọn đời”, anh Vĩnh vừa cười vừa nói hài hước như ngày mưa vừa hửng nắng...

THÀNH LÊ - NHƯ HẠNH

.