Đà Nẵng cuối tuần
Mồ hôi thấm trên luống rau La Hường
Khi tiết trời nắng nóng vào mùa đỉnh điểm cũng là lúc những khoảng xanh non mướt mắt tại làng rau La Hường (làng chuyên canh rau sạch lớn nhất thành phố) dần ít đi, thay vào đó là những khoảng đất bỏ trống trơ khốc, những vạt rau cháy nắng đến vàng khè… Đó là hệ quả của việc thiếu nguồn nước để tưới tiêu kéo dài suốt nhiều năm qua tại làng rau này.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước tưới, một số nông dân như ông Lê Hồng Việt tìm nguồn nước từ trong cống Quỳnh nhưng cũng chỉ đủ tưới cho một vài luống rau làng. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Đến hẹn lại khát... nước
Có mặt ở làng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) vào thời điểm nắng như “đổ lửa”, nắng táp vào mặt bỏng rát mới thấy hết được nỗi vất vả của nghề nông. Mặc cho sức nóng dưới mặt đất bốc lên oi nồng, những người nông dân vẫn chăm chỉ làm việc.
Tháng 9 là thời điểm làng rau La Hường vào vụ thu hoạch hè thu, nhưng khác với hình ảnh cánh đồng rau xanh tươi mơn mởn, trải dài bên dòng sông Cẩm Lệ hiền hòa, yên bình như thường thấy, thì đây lại là mùa làm ăn “thất bát” của người trồng rau do không có đủ nước tưới tiêu khi nguồn nước từ sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn và gần 70 giếng khoan để cung cấp nước cho gần 8ha rau La Hường cũng nhiễm phèn nặng.
Men theo con đường bê-tông nhỏ dẫn vào vùng rau, chúng tôi quan sát thấy nhiều khu đất bỏ trống, nhiều giàn bầu, bí, ruộng rau chết khô. Vừa nhanh tay cắt, bó từng bó to rau muống cho bạn hàng đặt trước, bà Nguyễn Thị Phòng (64 tuổi, tổ 16, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) chép miệng xót xa: “Mấy hôm trước có trận mưa to nên gần 1 sào rau muống của tôi mới được xanh tốt ri đây.
Từ tháng 3 đến chừ, nước sông Cẩm Lệ thường xuyên bị nhiễm mặn, nước giếng khoan thì nhiễm phèn nên tôi chỉ làm 1 sào rau muống, 2 sào còn lại bỏ không...”. Rau muống hiện là loài rau “đặc sản” và chủ lực của vùng rau La Hường bởi độ giòn ngon và xanh mướt khi luộc hoặc xào mỡ hành. Một năm, với 8 vụ rau muống được gieo trồng và thu hoạch mang lại thu nhập ổn địnhcho người nông dân. Số tiền thu được từ những ruộng rau muống cũng bù đắp phần nào chi phí mua giống và trả tiền nhân công cho những hộ làm rau ở vùng rau La Hường trước một vụ mùa thất bát do thiếu nước tưới tiêu trầm trọng.
Ở một khoảng đất gần đó, bà Lê Thị Sải (72 tuổi) cặm cụi cắt từng vạt nhỏ rau má mới vươn lên trổ lá xanh non nhờ trận mưa từ tuần trước. “Hôm nay chỉ cắt đủ 4kg cho bạn hàng đặt trước thôi. Mỗi kg rau má khô bán được 50.000 đồng, rau má ướt 45.000 đồng/kg. Ngày kia tôi mới thu hoạch hết số rau má còn lại để đem ra bán ở chợ.
Nắng nóng lại thiếu nước tưới nên mấy vạt rau dền, rau muống tôi gieo trồng không lớn nổi, cháy khô hết. Rau má chịu được nắng, chịu được nước phèn nên mới lên được chút ni đây”. Ở tuổi xưa nay hiếm, bà Sải vẫn gắn bó với nghề nông. Quanh năm thức khuya, dậy sớm, gắn bó với khoảng đất hơn 500m2 ở làng rau La Hường, bà Sải nói, làm đến khi nào không làm được nữa thì thôi, bởi nếu không làm nông bà chẳng biết làm nghề gì để sống.
Cánh đồng rau La Hường từ xưa vốn là vùng đất được bồi đắp từ sông Cẩm Lệ. Những luống rau xanh mướt hay từng giàn bầu, bí, cà… lúc lỉu quả là một phần kết tinh của sự bồi đắp phù sa từ sông Cẩm Lệ qua mỗi mùa mưa lũ và bao nhiêu giọt mồ hôi của người nông dân. Từ những hộ trồng rau riêng lẻ, cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, khi HTX Rau La Hường ra đời, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động nông nhàn với mức thu nhập ổn định 6-8 triệu đồng/tháng.
Vùng rau có diện tích 5ha được quy hoạch và áp dụng hình thức chuyên canh chuyên nghiệp, xuống vụ luân phiên trong năm và hạn chế phần nào sự phụ thuộc vào thời tiết. Cách đây chừng vài năm, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, làng rau La Hường trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du lịch cũng như thường xuyên đón tiếp các đoàn học sinh đến tham quan, trải nghiệm hoạt động làm nông nghiệp.
Những tưởng với sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng, khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất rau sạch sẽ mang lại nhiều trái ngọt, nhưng mươi năm trở lại đây, người trồng rau ở vùng rau La Hường nhiều phen điêu đứng, một phần do thời tiết ngày càng diễn biến thất thường nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu nguồn nước tưới tiêu khi tình trạng nhiễm mặn ở sông Cẩm Lệ, nhiễm phèn ở các giếng khoan xảy ra ngày càng trầm trọng.
Vừa nhanh tay nhổ bỏ những cây rau dền già, quá lứa vừa đưa tay quệt những giọt mồ hôi lăn trên trán, bằng chất giọng buồn buồn, ông Huỳnh Trưởng (62 tuổi, tổ 32, phường Hòa Thọ Đông) cho biết, do ảnh hưởng của nắng nóng, gần 1ha rau lang và rau dền của gia đình ông đều bị cháy khô. “Tuần trước, vì tiếc công gieo trồng nên tui ráng nhổ đám rau dền ni đem ra chợ bán nhưng người ta chỉ trả có 25.000 đồng một bó to. Thấy mất công, mất sức quá nên thôi, lần ni tui nhổ đem về cho hàng xóm chớ không đem bán nữa”, chỉ vào một vạt rau dền vừa được nhổ bỏ, ông Trưởng cất giọng buồn bã.
Lo đất bỏ không lâu ngày sẽ mất dần dinh dưỡng và phù sa nên ngày nào ông cũng ra thăm cánh đồng rau. Khi thì ông nhổ bỏ đám rau dền đã trổ bông, xong lại quay sang cuốc xới từng khoảng đất nhỏ để làm tơi đất. Tấm lưng gầy gò, ướt đẫm mồ hôi của ông Trưởng như oằn xuống dưới cái nắng gắt của những ngày tháng 9. Chỉ tay vào đám rau cháy nắng đã chuyển sang màu vàng khè ở trước mặt, ông Trưởng bảo, không bỏ đi mà tận dụng đốt lấy phần than mùn bón lại cho đất, chuẩn bị cho mùa vụ đông xuân sắp đến khi nguồn nước ở sông Cẩm Lệ và các giếng khoan hết nhiễm mặn, nhiễm phèn.
Để khắc phục phần nào việc thiếu nước vào mùa nắng nóng, một số người dân chủ động tìm kiếm nguồn nước từ những khu vực xung quanh nhưng vẫn không đủ để bảo đảm cho việc canh tác. “Tui phải đi “mót” nước từ trong cống Quỳnh nhưng chỉ đủ để tưới cho mấy luống rau lang ni. Nắng nóng ri lại không có nước tưới tiêu thì đất chỉ bỏ trống rứa thôi, không mần chi được”, nông dân Lê Hồng Việt (69 tuổi, ở tổ 33, phường Hòa Thọ Đông) bày tỏ.
Nghề làm nông dù vất vả, lắm lo toan và còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhưng bà Lê Thị Sải luôn lạc quan và xác định gắn bó với công việc này. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Quan tâm, hỗ trợ để nông dân gắn bó với nghề
Theo ông Trần Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX Rau La Hường, thời gian canh tác chính của bà con ở vùng rau La Hường tập trung từ tháng 10 năm trước đến khoảng tháng 3 năm sau, những tháng còn lại, do nguồn nước tưới tiêu bị cạn kiệt do nước sông Cẩm Lệ nhiễm mặn, các giếng khoan bị nhiễm phèn nên hoạt động canh tác bị đình trệ.
Bước vào mùa nắng nóng cao điểm (từ tháng 4 đến tháng 9), bà con nông dân ở đây chỉ tập trung canh tác những loài rau chịu nắng nóng tốt như rau muống, rau dền, rau lang… Từ lúc hình thành đến nay, các sản phẩm rau, củ, quả từ làng rau La Hường đã tạo được chỗ đứng trên thị trường với những ưu điểm vượt trội về quy mô sản lượng, bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung bình mỗi năm, làng rau La Hường cung ứng cho thị trường thành phố hơn 340 tấn rau, củ quả sạch các loại.
Kể từ khi làng rau La Hường hình thành và đi vào hoạt động, cuộc sống của nhiều nông dân xung quanh vùng đất Cẩm Lệ dần thay đổi theo hướng tích cực với nguồn thu nhập ổn định. Xác định gắn bó trọn đời với vùng rau nên những nông dân như bà Nguyễn Thị Phòng, bà Lê Thị Sải, ông Huỳnh Trưởng… chỉ mong Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ để bà con giữ nghề.
“Trước mắt, tôi chỉ mong ngành chức năng khơi thông vài đoạn ống cống, nối thẳng từ vùng rau ra sông Cẩm Lệ để mỗi mùa mưa lũ nước thoát nhanh vì từ khi xây dựng đoạn bờ kè để ngăn mặn, ngăn sạt lở đất thì lại nảy sinh thêm cái khổ cho tụi tui là mỗi mùa mưa lũ, nước không thoát được, rau màu bị ngập úng, hư hết ”, bà Nguyễn Thị Phòng lo lắng nói.
Những vất vả, lo toan và mong mỏi của bà con làm nông ở vùng rau La Hường cũng giống như câu chuyện thiếu nước tưới tiêu kéo dài nhiều năm nay ở làng rau này mỗi khi vào mùa nắng nóng tuy không còn mới nhưng vẫn luôn là nỗi lo canh cánh vì chưa có giải pháp xử lý căn cơ và giải quyết triệt để. “Tình trạng này kéo dài gần 10 năm nay rồi. Năm nào đến mùa nắng nóng (tầm tháng 6 đến tháng 9) bà con nông dân chỉ biết “phơi” đất để chờ đến mùa mưa mới tiếp tục gieo trồng. Chúng tôi đã phản ánh lên nhiều cuộc họp của địa phương nhưng tình hình vẫn vậy”, ông Trần Văn Hoàng cho biết.
Nghề làm nông từ bao đời nay vốn vất vả với những bộn bề lo toan. Người làm nông từ sáng sớm đến chiều tối phải “cắm mặt cho đất, cắm lưng cho trời” lại bấp bênh do vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên số người gắn bó với nghề ngày càng giảm. Hiện nay, lao động ở làng rau La Hường chỉ còn người già, trung tuổi là còn gắn bó với nghề.
Vất vả là vậy, nhưng hầu hết những người tham gia canh tác tại làng rau La Hường đều có hàng chục năm gắn bó, với họ nếu không làm nông thì cũng không biết làm nghề gì để kiếm sống. Nghề nông vì vậy trở thành công việc chính để họ nuôi sống gia đình, nuôi các con ăn học, trưởng thành. Đây cũng là nghề ông cha để lại nên họ càng gắn bó, và chỉ mong “mưa thuận gió hòa”, rau màu được mùa, được giá để bù lại sự vất vả, nhọc nhằn.
KHÁNH HÒA