Xã hội
Bác sĩ với niềm đam mê nghiên cứu khoa học
Với tình yêu nghề, tận tâm với bệnh nhân, nhiều năm qua, bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng luôn nỗ lực, say mê nghiên cứu sáng kiến y học để tìm ra những phương pháp điều trị tối ưu hơn cho bệnh nhân. Qua đó, tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí và giúp nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn thêm hy vọng.
Bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh. Ảnh: X.HẬU |
Hết lòng vì người bệnh
“Bác sĩ Xuân Anh đã cho tôi một cuộc sống mới. Cả cuộc đời tôi sẽ không quên ân tình này”. Đó là lời tâm sự xúc động của bà Ngô Thị Tài (SN 1954, trú huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) khi noi về bác sĩ điều trị Phạm Trần Xuân Anh.
Hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, trong lần thăm khám gần nhất, bà Ngô Thị Tài được bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh thông báo kết quả tốt, có thể xuất viện trong vài ngày tới. Niềm vui ánh lên trong đôi mắt ướt lệ, bà Tài níu tay, gửi lời cảm ơn không ngớt đến bác sĩ Xuân Anh khiến nhiều người chứng kiến và chúng tôi không khỏi cảm động.
Là người dân sinh sống tại huyện đảo Lý Sơn, gia đình thuộc diện khó khăn nên bà Tài ít có điều kiện thăm khám tại các bệnh viện. Hơn 3 năm trước, bà được chẩn đoán mắc căn bệnh hiếm gặp tại chân phải vào đất liền nhập viện và phẫu thuật gấp loại bỏ chân để tránh bị lây lan. Dù chịu nhiều đau đớn, giày vò, bà vẫn phó mặc vì chi phí điều trị vượt quá khả năng chi trả của gia đình.
May mắn trong một chuyến thiện nguyện của đoàn bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng tại đảo Lý Sơn, bà Tài gặp được bác sĩ Xuân Anh. Nhờ nhân duyên đó, khi biết được hoàn cảnh, bác sĩ Xuân Anh đã vận động các tổ chức từ thiện hỗ trợ, đưa bà Tài sớm vào đất liền đến Bệnh viện Đà Nẵng để chữa trị. “Khi biết hoàn cảnh gia đình, bác sĩ Xuân Anh đã động viên tôi không được đầu hàng bệnh tật, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ. Tôi vừa đến đất liền, các bác sĩ đã đón tận nơi, đưa về Bệnh viện Đà Nẵng điều trị. Đã có lúc tôi nghĩ mặc kệ bệnh tật, được ngày nào hay ngày đó vì gia đình quá khó khăn. Chi phí điều trị sẽ là gánh nặng với các con. Lần gặp các bác sĩ đã cho tôi cuộc đời mới. Tôi thật sự không biết làm sao để báo đáp ân tình của các bác sĩ ở đây, đặc biệt là bác sĩ Xuân Anh”, bà Tài chia sẻ.
Sau thời gian điều trị tích cực, với sự chung tay của các mạnh thường quân, sự tận tâm của ê-kip bác sĩ, bà Tài không những chữa khỏi bệnh mà còn không phải thực hiện phẫu thuật loại bỏ chân. “Khi tôi thấy bà Tài tại trạm y tế trên đảo, tôi cảm thấy rất đau xót cho người bệnh. Điều đó đã thôi thúc tôi phải cố gắng vì người bệnh của mình để tương lai của họ tốt hơn. Với sự chung tay của các mạnh thường quân, điều kỳ diệu đã xuất hiện khi bà Tài phục hồi rất tốt mà không phải cắt bỏ chân như chẩn đoán ban đầu. Đó là niềm vui, động lực của tôi với nghề”, bác sĩ Xuân Anh tâm sự
Bà Tài là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân may mắn có cơ duyên được bác sĩ Xuân Anh cứu chữa. Hơn 30 năm cống hiến với “blouse trắng”, bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh cùng các đồng nghiệp đã luôn chia sẻ, thấu hiểu với bệnh nhân, giúp đỡ kịp thời cho rất nhiều trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nằm điều trị tại bệnh viện. Hằng năm, bác sĩ Xuân Anh có nhiều chuyến thiện nguyện thăm khám cho các bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với mong muốn mọi người dân đều được tiếp cận, chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh (bên phải) đang thăm khám cho bà Ngô Thị Tài. Ảnh: X.H |
“Cây sáng kiến” của bệnh viện
Nhiều năm qua, bác sĩ Phạm Trần Xuân Anh luôn chủ động, tích cực cùng với đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến khoa học thiết thực cho bệnh viện và cho ngành y của thành phố. Từ năm 2003, với niềm đam mê trong nghiên cứu khoa học, bác sĩ Xuân Anh cùng các cộng sự đã có 18 đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu cấp cơ sở được báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Các đề tài nghiên cứu góp phần tăng tỷ lệ điều trị thành công và giảm các chi phí, giúp nhiều bệnh nhân có thêm hy vọng.
Mới đây, bác sĩ Xuân Anh và nhóm cộng sự vừa nhận được Bằng lao động sáng tạo do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cho công trình nghiên cứu cải tiến kỹ thuật Nuss điều trị lõm ngực bẩm sinh.
Theo bác sĩ Anh, lõm ngực bẩm sinh không phải là căn bệnh hiếm gặp, mỗi năm tại khoa Ngoại lồng ngực thực hiện trung bình khoảng 45 trường hợp phẫu thuật nâng ngực lõm bẩm sinh. Lõm ngực bẩm sinh là tình trạng lõm vào của xương ức, xương và sụn sườn từ số 3 đến số 7 gây ra. Bệnh gây chèn ép đến các cấu trúc bên dưới như tim, phổi, gây biến dạng lồng ngực, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật Nuss, phẫu thuật can thiệp tối thiểu, được áp dụng thường xuyên khi điều trị bệnh lõm ngực bẩm sinh.
Tuy nhiên, từ khi ra đời, phương pháp này có nhiều hạn chế. Với việc cố định thanh bằng các mũi chỉ thép sau một thời gian, sợi chỉ thép mảnh có thể bị đứt. Đối với mảnh chỉ đứt nằm trong lồng ngực, chỉ có thể rơi ra, trôi tự do và có thể đâm vào nhu mô phổi. Những mảnh chỉ đứt nằm ngoài lồng ngực, sẽ gây ra tình trạng di lệch thanh, làm giảm hiệu quả của ca mổ. Đây là yếu tố sống còn quyết định sự thành công của phẫu thuật nâng ngực lõm bẩm sinh.
Từ thực tế đó, nhóm của bác sĩ Xuân Anh nghiên cứu đưa ra nhiều cải tiến cho phương pháp Nuss. Theo đó, các bác sĩ thay kỹ thuật phẫu thuật cũ bằng kỹ thuật mới nâng phần ngực lõm bằng hai thanh song song, kết nối hai thanh bằng hai đoạn đinh Kirschner, không cố định hai đầu thanh vào xương sườn bên dưới, giữ lại múi chỉ thép cố định tại vị trí thanh chui vào khoang màng phổi phải.
Phương pháp này nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, khắc phục biến chứng di lệch thanh, loại bỏ tình trạng đứt chỉ thép ở đầu thanh, qua đó loại trừ tình trạng sót chỉ thép sau mổ, giảm đau sau mổ. Bệnh nhân có thể ngồi dậy đi lại sớm hơn, thời gian nằm viện rút ngắn hơn so với phương pháp cũ và mức chi phí mà bệnh nhân phải chi trả cho cuộc phẫu thuật cũng được giảm xuống. Cụ thể, chi phí bệnh nhân phải trả việc sử dụng 1 cây đinh Kirschner là 95.000 đồng, trong khi đó theo phương pháp cũ thì có thể 450.000-900.000 đồng. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính của bệnh nhân và người nhà, tiết kiệm chi phí đi lại trong trường hợp phải nhập viện mổ do những biến chứng của việc sót chỉ thép gây ra.
“Khó khăn lớn nhất là quá trình bảo vệ đề tài trước hội đồng chuyên môn, vì vậy các bác sĩ tham gia đều mày mò, đào sâu nghiên cứu vấn đề. Sau khi bảo vệ thành công phương pháp mới trước hội đồng của bệnh viện, ê-kip thực hiện phẫu thuật đã phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để mang đến thành công cho quá trình điều trị. Hiện nay, khi đã áp dụng thành công, chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi phương pháp này cho các bệnh viện bạn để điều trị cho bệnh nhân”, bác sĩ Xuân Anh cho biết.
Chia sẻ về bí quyết đạt được thành công cho các nghiên cứu khoa học, bác sĩ Xuân Anh cho biết: “Khi mình nuôi dưỡng tình yêu và niềm đam mê với nghề, luôn đặt câu hỏi “Vì sao?” trước những vấn đề nan giải trong công tác chuyên môn. Điều đó sẽ thôi thúc bản thân tìm tòi câu trả lời và bắt tay vào nghiên cứu khoa học. Tôi tâm niệm bản thân sẽ luôn nỗ lực hết mình để tìm được phương pháp tốt hơn điều trị cho bệnh nhân, xứng đáng với những niềm tin, mong mỏi mà người thân bệnh nhân gửi gắm”.
XUÂN HẬU