Dấu ấn các công trình an sinh xã hội

.

Điểm nhấn nổi bật trong công tác an sinh xã hội của thành phố Đà Nẵng chính là bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở xã hội... Các công trình đã và đang đi vào hoạt động, góp phần phát triển đời sống, bảo đảm sức khỏe về thể chất và tinh thần cho người dân.

Hai trung tâm y tế chuyên sâu của Bệnh viện Đà Nẵng mới đi vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng y tế, phục vụ sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố và khu vực. Ảnh: MAI QUẾ
Hai trung tâm y tế chuyên sâu của Bệnh viện Đà Nẵng mới đi vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng y tế, phục vụ sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố và khu vực. Ảnh: MAI QUẾ

Bài 1: Niềm vui từ các công trình mới

Nhiều công trình y tế, giáo dục, nhà ở xã hội thời gian qua hoàn thành và đưa vào sử dụng được đánh giá cao, khẳng định sự quan tâm của thành phố đối với người dân khi từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hướng tới chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân

Hài lòng, sạch sẽ, hiện đại... là cảm nhận chung của bệnh nhân và người nhà về cơ sở vật chất tại Bệnh viện Đà Nẵng thời gian gần đây, đặc biệt tại Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình, hai cơ sở y tế chuyên sâu mới được đưa vào hoạt động.

Anh Văn N.Ph. (SN 1985, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) đang điều trị tại Khoa ngoại lồng ngực, Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc. “Sau khi siêu âm và xét nghiệm sinh thiết tại Bệnh viện Đà Nẵng ngày 13-5, tôi được nhập viện để phẫu thuật. Từ khi khám cho đến khi nhập viện, tôi hài lòng vì cơ sở vật chất của bệnh viện được nâng cấp rất nhiều so với trước đây, đáp ứng nhu cầu của bản thân và người thân chăm sóc”, anh Ph. cho biết.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Năm (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) đang điều trị chấn thương cột sống tại Khoa ngoại thần kinh, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình, bày tỏ vui mừng vì được điều trị tại trung tâm mới với cơ sở vật chất khang trang. Ngay cạnh bà Năm, bà Nguyễn Cẩm Liên (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đang chăm sóc người thân điều trị thoát vị đĩa đệm. Bà Liên cho biết, việc nuôi bệnh thuận tiện vì cơ sở vật chất của bệnh viện rộng rãi, thoáng mát, khác biệt rất nhiều so với thời điểm năm ngoái.

Hai trung tâm y tế nói trên đi vào hoạt động từ ngày 27-2-2024. Cụ thể, Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc được khởi công từ tháng 2-2020 với tổng mức đầu tư 495,7 tỷ đồng; quy mô 2 tầng hầm, 11 tầng nổi, 1 tầng kỹ thuật, diện tích sàn sử dụng là 19.995m2 với khoảng 422 giường bệnh. Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình khởi công từ tháng 10-2019 với tổng mức đầu tư 471,8 tỷ đồng; gồm 2 tầng hầm, 11 tầng nổi, 1 tầng kỹ thuật, diện tích sàn sử dụng là 23.402m2, quy mô khoảng 407 giường bệnh.

Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ (giai đoạn 1) khởi công tháng 11-2020 và đưa vào sử dụng ngày 14-6-2023 với tổng mức đầu tư gần 239 tỷ đồng. Ảnh: M.Q
Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ (giai đoạn 1) khởi công tháng 11-2020 và đưa vào sử dụng ngày 14-6-2023 với tổng mức đầu tư gần 239 tỷ đồng. Ảnh: M.Q

Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc có hệ thống phòng mổ hiện đại cùng khu ghép tạng, cấy ghép tế bào gốc, với trang thiết bị được đầu tư đạt chuẩn quốc tế; Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình đáp ứng mở rộng và điều trị chuyên sâu các bệnh lý về thần kinh sọ não, thần kinh cột sống, các chấn thương chi trên, chấn thương chi dưới, bỏng tạo hình kết hợp tập phục hồi chức năng cùng hệ thống khu điều trị dịch vụ yêu cầu hiện đại. Hơn 2 tháng từ khi các trung tâm đi vào vận hành đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe và điều trị cho người dân, góp phần khẳng định vị thế của Bệnh viện Đà Nẵng là một trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo Sở Xây dựng, bên cạnh hai trung tâm trên, giai đoạn 2022-2024, đã có 3 công trình trọng điểm y tế đi vào hoạt động. Đó là Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng (giai đoạn 2) khởi công tháng 12-2019 và đưa vào sử dụng ngày 1-7-2022 với tổng mức đầu tư 292,7 tỷ đồng; trung tâm được xây mới khối nhà chính gồm 1 tầng hầm, 9 tầng nổi, 1 tầng kỹ thuật. Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ (giai đoạn 1) khởi công tháng 11-2020 và đưa vào sử dụng ngày 14-6-2023 với tổng mức đầu tư gần 239 tỷ đồng; trung tâm được xây mới với 1 tầng hầm, 7 tầng nổi, 1 tầng kỹ thuật.

Trung tâm y tế quận Sơn Trà (giai đoạn 1) khởi công tháng 10-2020 và đưa vào sử dụng tháng 1-2024 với tổng mức đầu tư 241,5 tỷ đồng; trung tâm được xây mới với 1 tầng hầm, 9 tầng nổi, 1 tầng kỹ thuật. Các trung tâm đều được đầu tư các trang thiết bị mới, cải tạo các hạ tầng cũ để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh.

Đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục

Từ cuối tháng 3 vừa qua, cô và trò Trường mầm non Bình Minh (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) rất phấn khởi khi được về dạy và học trong ngôi trường mới khang trang, sạch, đẹp. Cô Lương Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết, trường được đầu tư mới với kinh phí gần 30 tỷ đồng, quy mô 12 nhóm lớp, 5 phòng chức năng gồm phòng đa năng, phòng thể chất, âm nhạc, phòng kỹ năng (đầu bếp, lego...), phòng giáo dục liên môn STEM... qua đó tạo điều kiện phát triển tư duy, trí tuệ, thể chất cho trẻ. Nhà trường còn quan tâm phủ xanh trường học để trẻ được hít thở không khí trong lành và được chơi trong khuôn viên rộng, thoáng, mát...

Cũng vào đầu năm nay, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) với mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng cũng được đưa vào sử dụng. Các phòng học, phòng chức năng và phòng bộ môn được xây dựng theo khối khớp nối đa năng, được đầu tư thiết bị hiện đại đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia với 25 phòng học (35 học sinh/lớp).

Trường Mầm non Bình Minh, quận Hải Châu được xây mới, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Ảnh: THU HÀ
Trường Mầm non Bình Minh, quận Hải Châu được xây mới, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Ảnh: THU HÀ

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hải Châu Trương Thanh Dũng, việc đầu tư, xây mới, cải tạo và đưa vào sử dụng các trường học đáp ứng rất lớn nhu cầu của người dân trong quận, góp phần đưa giáo dục Hải Châu phát triển hơn và phục vụ tốt cho việc thực hiện chương trình phổ thông mới; giúp phát triển giáo dục Đà Nẵng xứng tầm với tiềm năng của thành phố trọng điểm miền Trung, khẳng định giáo dục luôn được ưu tiên và là quốc sách hàng đầu.

Được biết, để đáp ứng nhu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương, ngày 10-7-2020, UBND thành phố phê duyệt kế hoạch đề án Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố. Cụ thể, thành phố xây dựng mạng lưới trường, lớp đến năm học 2025-2026 có 452 đơn vị, trường học với khoảng 339.315 học sinh; gồm: 238 trường mầm non, mẫu giáo, 109 trường tiểu học, 64 trường trung học cơ sở (THCS), 38 trường trung học phổ thông (THPT) và phổ thông liên cấp, 3 Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) thành phố. Trong đó, có 270 trường công lập (tăng so với năm học 2019-2020 là 18 trường), 78 trường mầm non, mẫu giáo (tăng 5 trường), 103 trường tiểu học (tăng 5 trường), 62 trường THCS (tăng 5 trường), 24 trường THPT và phổ thông liên cấp (tăng 3 trường), 3 Trung tâm GDTX thành phố. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 là 4.399 tỷ đồng.

Đến nay, quận Hải Châu có 13/26 công trình đã hoàn thành; quận Thanh Khê có 5/19 công trình hoàn thành; quận Cẩm Lệ có 4/13 công trình hoàn thành; quận Liên Chiểu có 4/16 công trình hoàn thành; quận Sơn Trà có 7/28 công trình hoàn thành; quận Ngũ Hành Sơn có 15/48 công trình hoàn thành và huyện Hòa Vang có 12/27 công trình hoàn thành.

MAI QUẾ - THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.