Xã hội

Để trở thành nhà báo có nghề

17:28, 22/06/2024 (GMT+7)

Các trường đại học trên cả nước hằng năm cho “ra lò” hàng nghìn sinh viên báo chí. Tuy nhiên, công tác đào tạo hiện nay còn nặng về lý thuyết, sự thiếu chịu khó nỗ lực học hỏi, nên nhiều em lúng túng, chưa đáp ứng tốt công việc ở các cơ quan báo chí sau khi ra trường. Và các cơ quan báo chí phải dày công đào tạo lại theo kiểu cầm tay chỉ việc, nhưng cũng rất ít người trở thành nhà báo thực thụ.

Để trở thành nhà báo giỏi, phóng viên phải chịu khó học hỏi, tự trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức nền ở các lĩnh vực trong đời sống. TRONG ẢNH: Nhóm phóng viên Báo Đà Nẵng tác nghiệp ngoài đường phố. Ảnh: N.Đ
Để trở thành nhà báo giỏi, phóng viên phải chịu khó học hỏi, tự trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức nền ở các lĩnh vực trong đời sống. TRONG ẢNH: Nhóm phóng viên Báo Đà Nẵng tác nghiệp ngoài đường phố. Ảnh: N.Đ

Thiếu thực tiễn, lúng túng trong tác nghiệp

Với những sinh viên thực tập, thử việc ở các cơ quan báo chí, điều dễ nhìn thấy nhất là các em thiếu kiến thức thực tiễn cuộc sống, trong khi kỹ năng quan sát, phát hiện đề tài, kỹ năng tác nghiệp còn lúng túng. Mặc dù không ít trường hợp sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí với tấm bằng loại xuất sắc, loại giỏi.

Nhiều lần có dịp hướng dẫn sinh viên thực tập, thử việc, mỗi khi giao các em thực hiện tin bài, nhiều trường hợp phải dò hỏi đường đi mới tìm được đến nơi cần thực hiện đề tài. Do không nắm, không thông thuộc địa bàn, nên khi đến nơi sự kiện thời sự đã trôi qua, các em gặp không ít khó khăn trong việc khai thác thông tin, tìm kiếm chi tiết đắt giá. Trái lại, những trường hợp nắm địa bàn, biết đường đi, nhưng khi được giao đề tài thì lúng túng không biết bắt đầu từ đâu hoặc phải “vật lộn” với đề tài trong nhiều ngày, không đáp ứng được nhiệm vụ chuyển tải thông tin thời sự đến bạn đọc.

Qua tìm hiểu, nhiều sinh viên thử việc, mới ra trường cho biết, thời gian học ở giảng đường chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết về việc xây dựng bố cục bài viết, cách viết tin, bài… nhưng điều cơ bản là làm sao tiếp cận thông tin nhanh nhạy, cách phát hiện đề tài, làm thế nào khai thác được thông tin đắt giá thì không được học. Vì thế, khả năng quan sát, phát hiện đề tài của sinh viên thực tập hoặc mới ra trường là điểm yếu nhất. Trong khi đó, các cơ quan báo chí luôn cần những phóng viên nhanh nhạy, khả năng tư duy, quan sát, phát hiện vấn đề tốt để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền.

Ngoài ra, một số trường đào tạo báo chí cũng chưa thật sự kết nối với các cơ quan báo chí trong việc chia sẻ kinh nghiệm làm các sản phẩm chuyển đổi số phục vụ nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc. Vì thế, mảng đào tạo sản phẩm đa phương tiện ở nhà trường dành cho sinh viên chưa sát thực tế, dẫn đến sinh viên sau khi ra trường bắt tay vào việc theo hướng “cầm chừng” hoặc tác phẩm lỗi. Nhiều nhà báo dày dạn kinh nghiệm trong nghề chia sẻ, nghề báo thiên về thực hành hơn nghiên cứu, vì vậy, đào tạo báo chí cần tăng tính thực hành.

Trang bị kiến thức nền cho bản thân

Với nhà báo, ngoài kỹ năng xây dựng bố cục để thực hiện tin, bài, cần tự mình trang bị kiến thức nền ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh…Bởi sau khi được nhận vào một cơ quan báo chí làm việc, phóng viên được giao một mảng hoặc một ngành phụ trách để tác nghiệp. Nếu phóng viên mới ra trường không nắm được kiến thức, các quy định của pháp luật về lĩnh vực mình được giao phụ trách thì rơi vào cảnh lúng túng trong việc khai thác tài liệu, rất dễ viết sai hoặc viết thiếu nội dung.

Điều quan trọng nữa là ở nhà trường sinh viên chỉ được đào tạo kiến thức chung, cơ bản về kỹ năng viết bài, kỹ năng làm sản phẩm đa phương tiện, chứ không được trang bị kiến thức về pháp luật đầy đủ, về cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động của các ngành, các lĩnh vực. Trong khi đó, trong thực tiễn tác nghiệp, muốn nhập cuộc vào nghề báo tốt, ngoài thông thuộc, nắm chắc địa bàn, xây dựng nguồn tin tốt, phóng viên cần tự học, tự trang bị kiến thức nền chung đối với các ngành nghề trong xã hội. Dĩ nhiên, ở đây phóng viên không thể nắm sâu kiến thức chuyên ngành nhưng ít nhất phải có trong thức nền nhất định, để khi gặp những mảng đề tài khó, phức tạp sẽ dễ hình dung cách tiếp cận vấn đề, đi đúng hướng chủ đề bài viết của mình.

Có lần thử hỏi một sinh viên thử việc tốt nghiệp báo chí loại giỏi một trường đại học ở miền Trung về những kiến thức, quy định sơ đẳng nằm ngoài chương trình học như: tổ chức bộ máy nhà nước các cấp; bậc học phổ thông có mấy cấp; học hàm, học vị là gì…? Trước những câu hỏi này, cô phóng viên thử việc chỉ mỉm cười, không trả lời được. Sau đó, cô thú thật, ở trường em chỉ học kỹ năng viết các thể loại bài: phóng sự, phóng sự điều tra, bài phản ánh, bài ghi chép, cách quay phim…mà thôi.

Phóng viên phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Mai Tấn Linh tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Ảnh: N.Đ
Phóng viên phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Mai Tấn Linh tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Ảnh: N.Đ

Lập dàn ý trong đầu trước khi viết tin, bài

Ngoài kiến thức được nhà trường cung cấp, kỹ năng tác nghiệp, thông thuộc địa bàn, xây dựng mối quan hệ với nguồn tin tốt là những điều hết sức cần thiết đối với người làm báo, giúp làm ra tác phẩm nhanh, trúng, đúng và hay. Và để làm được điều này, trước mỗi sự kiện diễn ra, người làm báo cần rèn luyện cách lập dàn ý về bài viết, bản tin dự định thực hiện trong đầu, để khi tiếp cận hiện trường chọn khai thác thông tin đúng hướng, chọn được những chi tiết hay, đắt giá cho bài viết của mình.

Trước đây, mỗi khi viết bài kế hoạch hoặc đi tác nghiệp các sự kiện thời sự bất ngờ xảy ra trong đời sống, tôi thường hình dung trong đầu nội dung bài viết mình cần thực hiện. Trong đó, tít bài sẽ là gì, các tít con sẽ như thế nào, nội dung tổng hợp của bài báo cần khai thác theo hướng nào…Nhờ vậy, khi tiếp cận hiện trường, nguồn tin tôi khai thác theo những gì mình đã tự đặt ra trong đầu trước đó và thực hiện bài viết theo logic hình thành sẵn, không bị rối rắm thông tin, nên thực hiện bài viết khá nhanh.

Báo chí cũng như một số nghề khác đòi hỏi phóng viên phải nỗ lực học hỏi cả đời để hoàn thiện bản thân mình. Mỗi nhà báo có kinh nghiệm, cách tác nghiệp riêng, mục đích cuối cùng là mang đến bạn đọc những tác phẩm hay, có giá trị, đáp ứng nhanh nhu cầu thông tin của độc giả. Vì thế, bài viết này cũng chỉ là những kinh nghiệm nhỏ trong quá trình làm nghề mà người viết đúc kết được, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm với những phóng viên mới vào nghề nhằm giúp họ tự tin và ngày càng yêu nghề hơn.

NGỌC ĐOAN

.