Say xỉn, không chỉ cánh mày râu

.

Bệnh viện Đà Nẵng vừa có báo cáo nhanh cho Sở Y tế  thành phố về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan đến việc người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia trong 6 tháng đầu năm 2019. Vẫn là những con số rất đáng lo ngại. Đáng nói, những con số về TNGT liên quan nồng độ cồn giờ đây không chỉ riêng đấng mày râu, mà có sự “góp mặt” của khá nhiều chị em.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019 có đến 5.087 nạn nhân cấp cứu ở Bệnh viện Đà Nẵng vì TNGT, trong số này có đến 3.529 nguời bị chấn thương sọ não. Nhiều trường hợp tử vong ngay tại bệnh viện hoặc chấn thương quá nặng, người nhà cũng xin đưa về lo hậu sự... Điều đáng nói, qua xét nghiệm, có đến 1.228/5.087 nạn nhân bị TNGT có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Và trong hơn 1.200 người có nồng độ cồn vượt quá mức ấy, chị em góp gần 300 trường hợp.
Chính xác là việc có đến 284 nạn nhân nữ bị TNGT vi phạm về nồng độ cồn chỉ trong 6 tháng đầu năm đã khiến những người làm công tác tuyên truyền về an toàn giao thông một phen giật mình.

Đơn giản vì lâu nay từ các cơ quan chức năng, thậm chí là các cơ quan truyền thông, mỗi khi tuyên truyền về tình trạng lạm dụng rượu, bia dẫn đến TNGT chỉ xoáy vào một đối tượng chính là nam giới và gần như bỏ quên cánh chị em. Mặc dù thực tế đâu đó ở các bàn tiệc, những buổi liên hoan, gặp mặt, chia tay... hình ảnh chị em nâng ly hô vang “1, 2, 3... zô” cũng không còn là chuyện lạ. Bởi nhiều người vẫn quen nghĩ, phụ nữ uống ít hơn  nam giới và  phụ nữ thì “ăn đứt” đàn ông ở chỗ điểm dừng, trước khi say xỉn quá mức.

Tuy nhiên thực tế đã cho thấy một câu chuyện khác. Nói thế để biết rằng, bất luận nam hay nữ, khi lượng cồn trong máu quá cao đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều khiển phương tiện. Xét kỹ hơn, phụ nữ dù gì cũng là cánh “chân yếu tay mềm”, khi gặp sự cố, không đủ “mạnh” để giải quyết. Chưa kể, chị em thường lình xình váy vóc, giày cao gót…, trong một số trường hợp, chính là tác nhân gây ra tai nạn.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tin đại chúng cần quan tâm đúng mức hơn đối với đối tượng phụ nữ uống rượu bia giống như cách quan tâm đến cánh mày râu vậy. Trong công tác kiểm tra kiểm soát, đo nồng độ cồn cũng rất cần quan tâm đến cánh chị em, nhất là chị em điều khiển phương tiện ô-tô, để tránh xảy ra những câu chuyện đáng tiếc.

Về phần mình, các chị em cũng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng rượu, bia trong cuộc sống nói chung và nhất là khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trước hết là tránh gây TNGT cho chính mình, cũng có nghĩa là tránh gây ra những cái chết oan uổng cho những người cùng tham gia giao thông như mình trên đường.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.