QUYẾT LIỆT PHÒNG, CHỐNG nCoV

Dốc lực đi tìm... nCoV

.

Chỉ trong một thời gian ngắn, ngành y tế thành phố đã khoanh vùng, điều tra dịch tễ và lấy hàng chục mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Công việc của những nhân viên y tế đảm nhận nhiệm vụ này đòi hỏi phải hết sức chính xác, kịp thời và đối mặt với nhiều nguy cơ.

Việc điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm cần kịp thời, chính xác để chẩn đoán bệnh truyền nhiễm. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố lẫu mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi nhiễm nCoV.            Ảnh: PHAN CHUNG
Việc điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm cần kịp thời, chính xác để chẩn đoán bệnh truyền nhiễm. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố lẫu mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi nhiễm nCoV. Ảnh: PHAN CHUNG

Sáng 3-2, khi nhận thông tin từ Bệnh viện Phổi Đà Nẵng vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân bị sốt nghi do nCoV, các nhân viên khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố lập tức có mặt để lấy mẫu xét nghiệm. Mẫu bệnh phẩm được lấy để xét nghiệm gồm dịch ngoáy họng và mẫu máu. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng cho biết, đây là công việc thường xuyên của các nhân viên y tế khi các dịch bệnh được phát hiện và có thể bùng phát. Tuy nhiên, lần này đặc biệt hơn bởi đây là căn bệnh do chủng virus hoàn toàn mới gây ra khiến cả thế giới đang phải gồng mình đối phó.

Việc lấy mẫu bệnh phẩm được thực hiện theo đúng Quyết định 181/QĐ-BYT ngày 21-1-2020 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh nCoV. Để lấy được mẫu dịch ngoáy họng, các nhân viên y tế phải đưa dụng cụ vào sâu khu vực hầu họng. Đôi khi chỉ một vài động tác của bệnh nhân như: ho, hắt xì hơi, thở dốc trong khi lấy mẫu cũng khiến virus phát tán ra ngoài.

Nhân viên y tế lấy mẫu phải được trang bị kỹ áo quần bảo hộ, mắt kính, khẩu trang N95. Những dụng cụ bảo hộ này chỉ được sử dụng một lần. “Mẫu bệnh phẩm sau khi lấy được bảo quản theo đúng quy trình, kỹ thuật và được các nhân viên chuyển vào Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Tùy theo tình hình thực tế, có thể vận chuyển bằng đường hàng không, đường bộ. Trong trường hợp nguy cấp thì xe trung tâm sẽ chạy xuyên trong đêm để được xét nghiệm sớm nhất có thể”, bác sĩ Nhàn cho biết thêm.

Trước diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, dường như các nhân viên y tế tại khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng đã có nguyên một cái Tết Nguyên đán Canh tý chạy theo... nCoV. “Số lượng mẫu bệnh phẩm được lấy tùy thuộc vào tình hình thực tế và có thể sẽ tăng. Việc lấy mẫu phải được thực hiện kịp thời, chính xác bởi kết quả càng sớm thì ngành y tế càng có thể khoanh vùng và có biện pháp xử lý hiệu quả, hạn chế dịch bệnh lây lan”, bác sĩ Nhàn cho biết thêm.

Đơn vị tiên phong trong việc chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm cho bệnh nhân bị nghi nhiễm do nCoV là khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC thành phố. “Bệnh nhân được chỉ định lấy mẫu xét nghiệm là những người xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như: sốt, ho, tức ngực, khó thở, ghi nhận có tổn thương ở phổi. Ngoài ra, chúng tôi cũng điều tra yếu tố dịch tễ, nghĩa là bệnh nhân có đến, đi qua vùng dịch bệnh, từng tiếp xúc với những bệnh nhân có nguy cơ”, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, CDC cho biết thêm.

Những ngày đầu khi Đà Nẵng căng mình chống dịch, các nhân viên thuộc CDC gặp không ít khó khăn trong việc điều tra dịch tễ, chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm. Tâm lý lo sợ bị kỳ thị, cách ly, lo bị nhiễm bệnh nên nhiều bệnh nhân nước ngoài đã cố tình khai không đúng thông tin bản thân. Chưa kể, sự bất đồng ngôn ngữ khiến việc tiếp cận, khai thác thông tin bị gián đoạn. Để phục vụ công việc này, các mẫu tờ khai thông tin bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Trung Quốc được in sẵn để cung cấp cho bệnh nhân. “Kết hợp với công nghệ thông tin, đặc biệt là hệ thống dịch tự động trên điện thoại thông minh, chúng tôi có thể xác minh được thông tin của bệnh nhân. Những vật dụng như bút, trang phục đều được tiêu hủy ngay sau khi tiếp xúc với bệnh nhân”, bác sĩ Lãm nói.

Hoạt động của y tế dự phòng luôn đóng vai trò tiên phong trong việc nhận dạng và phòng bệnh, đặc biệt là đối với những bệnh có nguy cơ lây nhiễm, bùng phát cao như nCoV. Ở đó, các nhân viên y tế dự phòng luôn thầm lặng để hoàn thành nhiệm vụ và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao để đưa ra những chẩn đoán kịp thời phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh.

Đà Nẵng: Không còn người nước ngoài nghi nhiễm nCoV

* Tất cả 48 mẫu xét nghiệm đều âm tính với nCoV

Sáng 4-2, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, thêm 11 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đã có kết quả. Tất cả đều âm tính. Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 48 mẫu xét nghiệm đã có kết quả và đều âm tính với bệnh do nCoV.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, từ ngày 1-2 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện tiến hành phun hóa chất Chloramin B khử khuẩn môi trường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại 533 cơ sở trường học, 33 chợ, 51 cơ sở khác trên địa bàn thành phố. Dự kiến ngành y tế tiếp tục phun tại các nơi công cộng tập trung đông người theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Theo Sở Y tế thành phố, trong ngày 4-2, các cơ sở y tế đã cho xuất viện 16 trường hợp và tiếp nhận 11 trường hợp nghi ngờ bệnh do nCoV. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, ngành y tế thành phố đã tiếp nhận 101 người nghi nhiễm bệnh do nCoV (76 người Việt Nam, 25 người nước ngoài), trong đó 75 trường hợp đã xuất viện (25 người nước ngoài, 50 người Việt Nam). Hiện 26 người nghi ngờ nhiễm bệnh do nCoV đang được theo dõi tại Bệnh viện Đà Nẵng (5 trường hợp) và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (21 trường hợp). Ngoài ra, có 37 trường hợp đang được giám sát tại cộng đồng với biểu hiện sức khỏe bình thường.

Được biết, đến 21 giờ ngày 4-2, tại Việt Nam đã có 10 người mắc nCoV.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.