Tập trung phòng, chống dịch bệnh nCoV

.

* Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch bệnh nCoV

* Tạm dừng tổ chức các lễ hội

Tạm dừng khởi công 2 dự án

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố về công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV) gây ra, trong 2 ngày 1 và 2-2, các sở, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại, dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm này.

Mặc dù Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với nCoV, số ca bệnh nghi ngờ cũng giảm dần nhưng chưa bao giờ công tác phòng, chống dịch bệnh lại tập trung cao độ như bây giờ.

Ngành y tế thành phố kiểm tra công tác cách ly, theo dõi bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng. 						   Ảnh: PHAN CHUNG
Ngành y tế thành phố kiểm tra công tác cách ly, theo dõi bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Sáng 2-2, hơn 1.000 người dân trên địa bàn phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đồng loạt tổng dọn vệ sinh, làm sạch môi trường xung quanh khu vực mình sinh sống. Đây là một trong những hoạt động trong kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do nCoV mà địa phương triển khai.

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, địa bàn phường hiện có khoảng 31.000 nhân khẩu, tập trung nhiều khu chung cư, tập thể, nhiều trường học, khu vui chơi nên càng không thể lơ là, chủ quan trước công tác phòng, chống dịch.

“Hằng ngày, chúng tôi cập nhật các thông tin chính thức từ trang web của Bộ Y tế liên quan đến dịch bệnh lên trang web, fanpage của phường để người dân cùng tiếp cận.

Các khu vực như trường học, trạm y tế, trụ sở UBND phường hiện đã được phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. Địa phương cũng đã làm việc với các nhà thuốc cam kết bán vật tư y tế đúng giá nhằm chia sẻ với người dân trong tình hình dịch bệnh”, ông Hải cho biết. Tương tự, tại phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu), hơn 3.300 tờ rơi được phát trực tiếp đến các hộ dân.

Bà Nguyễn Hồng Hảo, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Đông cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, địa phương đã chủ động việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.

“Những thông tin như bệnh do virus Corona xuất phát từ đâu, cách lây nhiễm, các biểu hiện của bệnh và mức độ nguy hiểm được chúng tôi in ngắn gọn, súc tích trong các tờ rơi để phát cho người dân. Ngoài ra, địa phương thiết lập số điện thoại đường dây nóng gồm lãnh đạo phường, cán bộ trạm y tế để tiếp nhận thông tin phản ánh một cách kịp thời”, bà Hảo cho biết.

Các hoạt động tuyên truyền, phòng, chống bệnh do nCoV cũng được triển khai đồng loạt ở các ngành, đơn vị liên quan.

Trong 2 ngày 1 và 2-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã giao các quận, huyện tiến hành phun hóa chất Chloramin B khử khuẩn môi trường nhằm phòng, chống dịch bệnh do nCoV tại 171 cơ sở trường học trên địa bàn thành phố.

“Dự kiến sau khi hoàn thành công tác phun khử khuẩn tại tất cả các trường sẽ tiến hành phun tại các nơi công cộng tập trung đông người theo chỉ đạo của UBND thành phố. Ngoài ra, một số địa phương cũng chủ động phun hóa chất tại một số địa điểm thường tụ tập đông người như chợ, khu vui chơi”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thông tin.

Tăng cường các hoạt động truyền thông

Theo bà Hồ Tâm, Phó Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, thực hiện chỉ đạo của ngành y tế, đơn vị đã tăng cường các hoạt động truyền thông trong ngành. Hơn 9.000 pano, áp-phích được in gấp rút để phát cho các đơn vị bệnh viện, trạm y tế, trường học với chủ đề liên quan đến dịch bệnh do nCoV. Các phóng sự, phim tài liệu, tạp chí, chuyên đề được tăng cường sản xuất và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kênh truyền thông nội bộ của ngành.

“Đặc biệt, công tác tuyên truyền, tập huấn được đẩy mạnh. Những nội dung như cách đối phó khi phát hiện nghi nhiễm, cách mang khẩu trang đúng cách, những thông tin dịch tễ liên quan đến bệnh được chuyển tải đến trực tiếp các Trung tâm y tế quận, huyện và 56 trạm y tế phường, xã trên địa bàn thành phố”, bà Tâm cho biết.

Ngày 1-2, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND đã có Thông báo số 36/TB-VP truyền đạt ý kiến Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ liên quan đến vấn đề này. Theo đó, lãnh đạo thành phố đề nghị các đơn vị, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó triển khai phòng chống dịch.

Yêu cầu các sở, ban ngành, UBND quận, huyện và đề nghị các đoàn thể chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra theo Công văn số 79-CV/TW ngày 29-1 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3942-CV/TU ngày 31-1 Thành ủy về việc phòng, chống dịch do nCoV. Các đơn vị, đặc biệt là ngành y tế, cần triển khai, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch do nCoV với phương châm chống dịch tại chỗ theo chỉ đạo của Trung ương, bảo đảm yêu cầu đáp ứng theo diễn biến của dịch theo các phương án chưa có dịch, có dịch ở quy mô nhỏ và khi dịch lan rộng.

Đặc biệt, căn cứ tình hình dịch tại Đà Nẵng, ngành y tế phối hợp với Sở Nội vụ dự thảo quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp thành phố, Tổ kiểm tra do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh làm Tổ trưởng nhằm kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các sở: giao thông vận tải, giáo dục, du lịch, ngoại vụ, công thương… cũng huy động nhân lực, tập trung các giải pháp để tuyên truyền, giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch theo nhiệm vụ được phân công.

Các tỉnh đã công bố dịch dừng lễ hội, cho học sinh nghỉ học

Ngày 2-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký công điện về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo:

Bộ Ngoại giao chủ động có văn bản trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam để tạo sự đồng thuận, chia sẻ và phối hợp phòng, chống dịch. Thống nhất với phía Trung Quốc về việc đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước theo các cửa khẩu quốc tế: Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Tây Trang (tỉnh Điện Biên) và Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang) theo đề nghị của Bộ Quốc phòng. Chủ trì, phối hợp với các bộ: Quốc phòng, Công an tạo điều kiện thuận lợi để công dân Trung Quốc về nước.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, các tỉnh có cửa khẩu biên giới quản lý nghiêm ngặt việc xuất nhập cảnh, đi lại qua các cửa khẩu. Chủ trì, phối hợp với các bộ: Y tế, Công an, Ngoại giao, UBND các tỉnh có cửa khẩu đường bộ, hàng không tiếp nhận người Việt Nam về nước từ vùng có dịch bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nơi tiếp nhận, ăn nghỉ để đón công dân Việt Nam về nước và cách ly tập trung 14 ngày, quản lý chặt chẽ.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh liên quan tổ chức thực hiện biện pháp cách ly y tế 14 ngày đối với công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc; trường hợp nghi ngờ phải thực hiện ngay xét nghiệm sàng lọc và điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh nhân nhiễm bệnh trên tinh thần 4 tại chỗ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương liên quan rà soát số lao động Việt Nam làm việc ở Trung Quốc và thông báo cho các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Y tế, các địa phương liên quan để phối hợp chuẩn bị phương án phù hợp trong trường hợp cần tiếp nhận về nước; hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp liên quan có sử dụng lao động Trung Quốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường kiểm tra việc thực hiện dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc và giảm hẳn quy mô các lễ hội tại các địa phương; chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh đã công bố dịch triệt để thực hiện việc dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc.

Bộ Giáo dục-đào tạo hướng dẫn cụ thể việc cho học sinh nghỉ học, đặc biệt đối với học sinh dưới 12 tuổi tại các tỉnh đã công bố dịch; chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc không để người Việt Nam di chuyển đến vùng có dịch của Trung Quốc, tạo điều kiện đưa người Trung Quốc rời khỏi Việt Nam và đưa người Việt Nam từ các vùng có dịch của Trung Quốc về nước. Khi đưa người Việt Nam về nước, thông báo cho Bộ Y tế và cơ quan liên quan để thực hiện việc cách ly y tế theo đúng quy định. Chủ trì, phối hợp với các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an bố trí đón người Việt Nam từ Trung Quốc về nước qua sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và một số sân bay khác tại miền Trung, miền Nam (trừ các sân bay quốc tế).

Các bộ: Công an, Công thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, đưa tin thất thiệt về dịch bệnh, kể cả khởi tố điều tra xử lý theo quy định pháp luật hình sự.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đề xuất bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu nhân dân đeo khẩu trang phù hợp tại nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng. Tăng cường tiêu độc, khử trùng tại các địa điểm tập trung đông người, nhất là trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, khu chung cư cao tầng. Hạn chế việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người tham gia trừ các trường hợp thực sự cần thiết và để phục vụ phòng, chống dịch.

UBND các tỉnh đã công bố dịch tổ chức thực hiện ngay, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định 173/QĐ-TTg ngày 1-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ về công bố dịch. Hạn chế việc tập trung đông người; thực hiện nghiêm việc dừng tổ chức các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc. Quyết định cho học sinh nghỉ học.

Chinhphu.vn

PHAN CHUNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.