Bệnh viện tự làm mũ bảo hộ phòng Covid-19

.

ĐNO - Những chiếc mũ bảo hộ có tấm chắn trong suốt, với chi phí bỏ ra chỉ vài nghìn đồng/chiếc là sản phẩm tự làm của một số bệnh viện trên địa bàn thành phố trong mùa dịch này.

a
Cán bộ y tế Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng tổ chức làm mũ bảo hộ phòng Covid-19. Ảnh: P.D

Bác sĩ Nguyễn Phước Dũng, Bí thư Chi đoàn Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng cho biết, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, các đoàn viên thanh niên của bệnh viện đã tự tay làm xong khoảng 200 chiếc mũ bảo hộ để phát cho các cán bộ y tế tại đây.

Tại Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng, loại mũ này cũng được nhân viên phòng Kỹ thuật – Công nghệ chế tạo hơn 100 chiếc để sử dụng thí điểm.

Mỗi chiếc mũ phòng dịch có cấu tạo chính là một miếng mi-ca phẳng và trong suốt được gắn vào đầu. Miếng mi-ca này có tác dụng ngăn ngừa các giọt bắn từ nước bọt, dịch tiết hô hấp khi ho/hắt hơi… và có thể dễ dàng sát khuẩn, lau rửa sau khi sử dụng.

Cán bộ y tế được khuyến cáo đeo khẩu trang y tế bên trong và sử dụng thêm mũ bảo hộ này bên ngoài để bảo đảm an toàn trong điều kiện tiếp xúc với nhiều người bệnh mỗi ngày.

Ảnh: XUÂN SƠN
Nguyên liệu để làm mũ đơn giản, chi phí rẻ. Ảnh chụp tại Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng. Ảnh: X.S
Ảnh: XUÂN SƠN
Mũ sau khi hoàn thành có thể kết hợp với khẩu trang để phòng dịch. Ảnh: X.S

Những miếng mi-ca vốn thường dùng để đóng bìa bọc tài liệu, nay được cắt tạo hình với kích cỡ che vừa đủ một khuôn mặt, sau đó được gắn thêm miếng xốp và đệm mút để làm vòng đeo lên đầu. Thiết kế này giúp việc đội mũ thoải mái, tấm kính trong từ mi-ca không quá áp sát vào mặt cũng như hạn chế làm mờ kính từ hơi ẩm do việc thở của người đeo. Miếng mi-ca cũng dễ dàng được thay thế sau này khi mờ đi.

Bác sĩ Dũng cho hay, những vật liệu nói trên có thể dễ dàng tìm mua ở các nhà sách, cửa hiệu văn phòng phẩm. Việc làm mũ cũng không quá khó. Chi phí bỏ ra để làm mỗi chiếc mũ rất rẻ, chỉ trong khoảng 5.000 đồng/chiếc.

Ảnh: XUÂN SƠN
Nhân viên bảo vệ tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng được trang bị mũ tự làm. Ảnh: P.D

Hiện tại, có nhiều cơ sở y tế đang tìm hiểu cách làm mũ và triển khai tại đơn vị. Theo các cán bộ y tế, so với khẩu trang, loại mũ này có ưu điểm là diện tích che chắn trên mặt rộng hơn, có thể bao quát được mắt và cổ. Mũ sau khi sử dụng có thể được vệ sinh bằng cồn, khử khuẩn bằng hấp nhiệt độ và tia cực tím.

Không chỉ cán bộ y tế, người dân cũng có thể tự làm mũ để tự bảo vệ cho mình và gia đình trong thời điểm Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Để làm mũ bảo hộ phòng dịch, mọi người có thể mua một miếng mi-ca trong suốt khổ A4, một miếng xốp nhựa có bề ngang khoảng 3-4cm và một miếng xốp PE để làm vòng đeo. Kèm theo là miếng dán hoặc nút bấm để cố định mũ vào đầu.

Ảnh: XUÂN SƠN
Cố định miếng xốp nhựa với miếng mi-ca trong suốt bằng đinh bấm, keo dán. Điều chỉnh chiều dài của miếng xốp nhựa cho vừa với vòng đầu của người dùng.
Dán miếng xốp nhựa PE vào miếng xốp nhựa.
Dán miếng xốp PE (màu trắng) vào miếng xốp nhựa để tạo độ êm, thoải mái khi sử dụng.
Ảnh: XUÂN SƠN
Điều chỉnh hai đầu của vòng đeo cho phù hợp với vòng đầu của người sử dụng. Cố định hai đầu bằng miếng dán hoặc nút bấm.
Ảnh: XUÂN SƠN
Mũ sau khi hoàn thiện. 

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.