Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho rằng, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, việc bảo đảm an toàn trong điều trị bệnh nhân Covid-19 là nguyên tắc được đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đặt lên hàng đầu.
Bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc tận tình, chu đáo. Ảnh: PHAN CHUNG |
Bác sĩ Lê Đức Nhân cho biết, trong hơn 1 tháng qua, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận, điều trị 6 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Đến ngày 10-4 vừa qua, bệnh nhân cuối cùng đã được điều trị khỏi và xuất viện. Đây là nỗ lực của cả ngành y tế thành phố, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng trực tiếp tham gia công tác điều trị.
* Quá trình điều trị các bệnh nhân diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?
- Hiện nay, thế giới vẫn chưa thống nhất việc điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 theo một phác đồ cụ thể, nhất định. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, chúng tôi tuân thủ, áp dụng phác đồ điều trị do Bộ Y tế hướng dẫn trên cơ sở nền bệnh lý của từng người.
Theo đó, các bác sĩ, nhân viên y tế sẽ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn, kịp thời phát hiện những dấu hiệu tiến triển nặng của bệnh nhân như suy hô hấp, suy tuần hoàn để có các biện pháp can thiệp kịp thời, đồng thời có thể đánh giá, điều trị, tiên lượng các tình trạng bệnh lý mạn tính kèm theo nếu có. Bệnh viện thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng và thăm dò thường quy, tùy từng tình trạng người bệnh để chẩn đoán, tiên lượng và theo dõi người bệnh.
Tại khu vực điều trị, bệnh viện trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại, thuốc men, trang bị phòng hộ… để bảo đảm bệnh nhân được theo dõi liên tục và xử trí cũng như cấp cứu nhanh chóng theo từng diễn biến của bệnh.
Bệnh viện đã tập huấn các ekip oxy liệu pháp, thông khí hỗ trợ thậm chí thực hiện trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) khi chức năng hô hấp không bảo đảm với các phương thức thông khí nhân tạo xâm nhập. Ngoài ra, phác đồ điều trị cần phải bảo đảm dinh dưỡng và nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh lý kèm theo.
* Tại Đà Nẵng, việc điều trị các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có gì khác biệt?
- Đa phần các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ghi nhận ở Đà Nẵng đều đang ở mức độ nhẹ, đó cũng là một trong những thuận lợi trong công tác điều trị. Tuy nhiên, vấn đề của Covid-19 không phải là những tổn thương phổi thông thường. Điều này lý giải vì sao ở các nước có nền y học phát triển nhưng vẫn ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao.
Đối với các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, nhờ can thiệp, điều trị kịp thời, chỉ sau 3 ngày nhập viện điều trị, các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, khó thở đều ghi nhận đã hết. Thêm điều đáng mừng nữa là việc âm tính hóa virus đối với các bệnh nhân này diễn ra khá nhanh, có bệnh nhân chỉ sau 4 ngày nhập viện điều trị.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chúng ta tuyệt đối không chủ quan. Ở Bệnh viện Đà Nẵng, ngoài tuân thủ các phác đồ, quy định của Bộ Y tế, chúng tôi luôn chú trọng cá thể hóa trên từng người bệnh để có liệu trình phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân.
Ví dụ, bệnh nhân được phép ra viện sau khi cải thiện các dấu hiệu lâm sàng và cần có 2 mẫu bệnh phẩm, gồm cả dịch tỵ hầu và dịch họng liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2. Với các bệnh nhân ghi nhận ở Đà Nẵng, chúng tôi sàng lọc kỹ lưỡng, lấy luôn 3 mẫu bệnh phẩm liên tiếp, thay vì 2 mẫu theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Có bệnh nhân sau 9 ngày điều trị đã âm tính liên tiếp 3 lần với chủng virus này nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cho ở lại theo dõi thêm, đặc biệt là nhận biết các dấu hiệu lâm sàng nếu có.
* Là bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy hiểm, nhân viên y tế được chuẩn bị như thế nào trong quá trình điều trị?
- Từ tháng 1-2020, khi Covid-19 được Bộ Y tế cảnh báo, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm A. Ngoài cơ sở vật chất được thiết lập chuyên biệt, hướng 1 chiều theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh viện đặc biệt chú trọng đến chuyên môn và sự an toàn của nhân viên y tế.
Hiện nay, chúng tôi ban hành và áp dụng 22 quy trình chuyên môn trong điều trị bệnh do SARS-CoV-2, từ sơ đồ đường đi một chiều tại khu cách ly, mặc và tháo phương tiện bảo hộ, quy trình xử lý dụng cụ, xử lý rác thải, điều trị…
Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng (thứ 5, từ trái sang) tặng hoa tập thể khoa Y học nhiệt đới sau khi ca bệnh cuối cùng nhiễm SARS-CoV-2 được điều trị thành công. Ảnh: PHAN CHUNG |
Thậm chí, để đề phòng trường hợp xấu nhất, Bệnh viện Đà Nẵng cũng xây dựng quy trình xử lý thi hài tại phòng cách ly, sơ đồ xử lý thi hài, sơ đồ đường vận chuyển thi hài. Từng vị trí công việc từ bác sĩ, y tá, kể cả nhân viên phục vụ, bảo vệ, giặt là, vệ sinh… đều hết sức thuần thục, chuyên nghiệp và triển khai triệt để. Riêng thiết bị bảo hộ, chúng tôi được nhà cung ứng cung cấp những thiết bị bảo hộ theo tiêu chuẩn châu Âu để hạn chế, thậm chí không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong nhân viên y tế.
Hiện nay, ngoài đội ngũ nhân viên y tế khoa Y học nhiệt đới trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, bệnh viện thành lập thêm 6 đội phòng, chống Covid-19 lưu động, hội tụ đầy đủ các bác sĩ hồi sức, cấp cứu, y tá, điều dưỡng, sẵn sàng hỗ trợ và hoạt động như một ekip độc lập.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế: Bệnh viện Đà Nẵng sẽ là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị Covid-19 Hiện nay Bệnh viện Đà Nẵng là đơn vị duy nhất thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong kịch bản phòng, chống Covid-19, ngành y tế thành phố xác định sẽ mở rộng quy mô điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 theo hướng nâng cao năng lực cho các bệnh viện. Điều này nhằm đáp ứng kịp thời việc điều trị, trong trường hợp bệnh nhân nhiễm loại virus này tăng cao. Hiện nay, một số bệnh viện như Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 199-Bộ Công an đang hoàn thiện thêm các thủ tục, điều kiện, trong tương lai sẽ đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh nhân Covid-19. Khi đó, chúng tôi phân loại Bệnh viện Đà Nẵng sẽ là đơn vị tuyến cuối trong điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, thực hiện nhiệm vụ điều trị cho những bệnh nhân nặng, có nhiều nền bệnh mạn tính, phải sử dụng các thiết bị hỗ trợ hô hấp. Hiện nay Bệnh viện Đà Nẵng đang hoàn tất các thủ tục để chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố mà còn đưa ra những kết quả nhanh chóng, kịp thời để phục vụ công tác điều trị. Bệnh nhân T.N.T.M: Yên tâm vì được chăm sóc chu đáo Lần đầu nhận được thông tin có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 tôi cũng rất lo lắng, có chút hoảng loạn bởi không nghĩ mình lại trở thành bệnh nhân. Tuy nhiên, cảm giác lo lắng đó cũng nhanh chóng trôi qua kể từ khi tiếp xúc với các cô chú, anh chị là nhân viên y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng. Trong thời gian 15 ngày cách ly điều trị tại đây, tôi nhận được sự chăm sóc, điều trị rất nhiệt tình, chu đáo, thật sự là trên cả tuyệt vời. Ở đây mọi người không chỉ thực hiện việc điều trị mà còn rất thân thiện, luôn tâm sự, thường xuyên nhắn tin hỏi thăm, động viên. Những cử chỉ đó giúp tôi cảm thấy mình thật may mắn. Ông Nguyễn Văn Khải (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê): Vui mừng nhưng không chủ quan Thật sự vui mừng khi gần 3 tuần qua Đà Nẵng không ghi nhận thêm ca bệnh nào mới và đặc biệt là 6 bệnh nhân ghi nhận tại thành phố này đã được điều trị khỏi hoàn toàn. Chúng tôi cảm ơn, ghi nhận sự cố gắng, tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ đã không ngại khó khăn, nguy hiểm để dốc sức, dốc lòng điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, đối chiếu với tình hình trong nước và thế giới có thể thấy, dịch bệnh này vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Chính vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác. Kính đề nghị chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. |
PHAN CHUNG thực hiện