Bình an là món quà vô giá

Ngày đầu tiên sau khi kết thúc lệnh cách ly xã hội để phòng, chống Covid-19, lòng người như hân hoan hơn, đường phố bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Trên đường đi làm, tôi nhận ra nhiều hàng quán đã mở cửa từ sớm, các biển hiệu “Chỉ bán mang về” đã được gỡ bỏ và nhiều vị khách đã tìm đến chỗ ngồi quen thuộc của mình mỗi sáng, “thưởng thức” cái cảm giác được ngồi nhâm nhi ly cà-phê và ngắm dòng người đông đúc qua lại - cái cảm giác thư thái, bình an và cũng là lúc cảm nhận được rõ nét về sự chuyển động không ngừng của cuộc sống. Đơn giản và quá đỗi bình dị như vậy, nhưng trong những ngày cách ly xã hội vừa qua, chắc hẳn không ít người trong chúng ta phải nhớ nhung và chờ đợi

Có lẽ cũng chưa bao giờ như những ngày vừa qua, tôi ngẫm nghĩ mà thấm thía sự bình an đáng trân trọng trong cuộc sống hằng ngày. Dịch bệnh đến đã kéo theo rất nhiều đau thương, mất mát cho hàng trăm quốc gia trên thế giới. Nhưng không thể phủ nhận, ở một khía cạnh nào đó, nó cũng khiến mỗi người chợt nhận ra nhiều giá trị hiển hiện mà đôi lúc trong vô vàn bộn bề, phức tạp của cuộc sống, con người đã vô tình “bỏ quên”.

Nó “đánh thức” những ký ức tưởng chừng đơn giản mà ý nghĩa trong mỗi người, để rồi con người nhận ra, nhịp sống thường ngày với những nụ cười, những ánh mắt, những người bạn, những chuyến đi, những công việc quen thuộc… thật đáng quý biết bao. Nó tạo ra cho mỗi người một khoảng lặng cần thiết để đắm chìm trong thế giới yên bình của chính bản thân mình và gia đình. Đây cũng là lúc mỗi người tăng cường sự gắn kết bên gia đình, tận hưởng thời gian được cùng học, cùng vui chơi với con cái và rèn luyện sức khỏe. Tạm dừng lại đôi chút những toan tính, kỳ vọng, danh lợi…, con người sẽ nhận ra, sự bình an là một món quà vô giá của cuộc sống.

Tôi vẫn còn nhớ, cách đây một thời gian, khi đang bị những cơn đau của căn bệnh ung thư quái ác hành hạ, chị hàng xóm của tôi đã đăng tải một dòng trạng thái trên trang cá nhân: “Trước nỗi đau ung thư - cả về thể xác và tinh thần, mọi tham - sân - si đều trở nên vô nghĩa”. Hay như trong những ngày cách ly xã hội, một người em trò chuyện cùng tôi qua ứng dụng điện thoại, đã bày tỏ mong muốn có thể nói là “lạ đời” nếu ở vào thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra, đó là mong muốn được trò chuyện bình thường cùng mọi người - không khẩu trang, không khoảng cách 2m! Vậy mới biết, sự bình an của mỗi người nói riêng và của cả cộng đồng xã hội nói chung quý giá, thiêng liêng biết nhường nào. Để rồi, dù khi cảm thấy tuyệt vọng nhất, thấy không còn ý nghĩa để tồn tại thì cũng đừng bỏ cuộc, hãy luôn nghĩ tới sự sống mà mình đang có, mỗi ngày còn được bình an thì phải biết gìn giữ, quý trọng và sống có ý nghĩa.

Và trong sự sống đó, con người không thể tách rời thiên nhiên, xã hội. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi, dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, mất mùa… biết đâu lại chính là “lời đáp trả” của thiên nhiên cho con người sau những hành động đốt phá, hủy hoại, xả thải, gây ô nhiễm nặng nề…? Chúng ta bảo vệ môi trường sống và nỗ lực đóng góp, xây dựng một xã hội hiện đại và nhân văn - cũng chính là chúng ta đang vun đắp sự sống và giữ gìn sự bình an mỗi ngày cho bản thân mình và những người yêu thương

Trở lại với những ngày sau cách ly xã hội, thấm thía giá trị của hai chữ bình an cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải tiếp tục thực hiện thật tốt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương, vững tin và suy nghĩ tích cực. Mặc dù hiện nay, với việc nới lỏng giãn cách xã hội, con người có điều kiện gặp gỡ, chia sẻ cùng nhau nhiều hơn, tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu, vẫn chưa có vaccine chữa trị và khả năng lây nhiễm vẫn còn cao. Chính vì vậy, cần tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh nếu như chúng ta không muốn mất đi món quà vô giá cuộc sống đã ban tặng - đó là sự bình an. 

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.