Y tế xã, phường chống dịch

.

Công tác phòng, chống Covid-19 ở tuyến xã, phường có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, khoanh vùng, truy vết và ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Có thể nói, những người làm công tác chống dịch ở cơ sở có mặt tại tất cả các điểm nóng.

Nhân viên y tế phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) tham gia lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng. (Ảnh chụp sáng 3-9) Ảnh: TRỌNG HUY
Nhân viên y tế phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) tham gia lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cộng đồng. (Ảnh chụp sáng 3-9) Ảnh: TRỌNG HUY

Công việc tất bật hơn

Tính đến ngày 28-8, xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) có 20 ca dương tính với SARS-CoV-2. Nơi đây trở thành địa phương (cấp xã) có số ca Covid-19 nhiều nhất thành phố, cả xã còn có 260 trường hợp F1 và 623 trường hợp F2.

23 giờ ngày 24-8, 2 y tá xã Hòa Tiến vẫn còn trực cùng các lực lượng chức năng nhằm phối hợp đưa 2 ca nhiễm mới tại thôn Yến Nê 1 đi cách ly điều trị. Ngay trong đêm, những trường hợp F1 của 2 ca mới liên quan được nhắc nhở không ra khỏi nhà, chờ sáng hôm sau có xe chuyên dụng đến đón đi cách ly tập trung. Các trường hợp F2 liền sau đó cũng được UBND xã ra quyết định cách ly tại nhà. Ngày 25-8, thôn Yến Nê 1 có quyết định phong tỏa ở một số tổ liên quan đến các ca nhiễm mới.

Chốt trực cách ly chống dịch được thành lập; Tổ công tác Covid-19 tăng cường hoạt động. Cùng ngày, Khoa Kiểm soát bệnh tật thuộc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang phun thuốc xử lý môi trường. Tất cả các quy trình trên, nhân viên y tế Trạm Y tế xã Hòa Tiến đều tiên phong tham gia.

Theo dược sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Tiến, khi các trường hợp F1 được chuyển đi cách ly tập trung, nhân viên y tế cùng lực lượng chức năng của xã tiến hành khoanh vùng bán kính 100m từ tâm nhà các bệnh nhân, khu vực xác định có nguy cơ cao để kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm.

Nhân viên y tế cũng tham gia chốt trực cách ly và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe hằng ngày, điều trị, chữa bệnh tại chỗ đối với số người dân trong vùng cách ly bị bệnh thông thường. Khi có chủ trương về mở rộng xét nghiệm trong cộng đồng, lực lượng y tế xã phải tổng hợp tình hình dân cư, số lượng người trong khu vực dự kiến xét nghiệm; phối hợp lấy mẫu, điều phối quy trình lấy mẫu.

Trạm Y tế xã Hòa Tiến có 9 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có một người lớn tuổi, một phụ nữ đang mang thai và một người đang nghỉ thai sản không thể tham gia chống dịch trực tiếp. Đa phần họ tuổi đời còn trẻ, nuôi con nhỏ.

Theo dược sĩ Phương Thảo, từ hôm dịch bùng phát đến nay, mọi người trong trạm gần như “chốt” luôn ở trạm để giải quyết khối lượng công việc tăng lên gấp nhiều lần, vừa tham gia chống dịch song song duy trì khám chữa bệnh cho người dân bình thường; vừa tránh nguy cơ lây nhiễm chéo cho người thân. “Nhiều hôm khi xong hết mọi việc, chị em ngồi ăn cơm với nhau, nhìn nhau tự dưng cùng rớm nước mắt. Nhưng rồi có tin báo về ca nhiễm mới, lại phải vùng lên và chạy...”, dược sĩ Phương Thảo kể.

Bây giờ cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Hòa Tiến đã quen với công việc. Khi có tin về ca F0 mới, họ biết sẽ phải làm những gì, phân công ai như thế nào, mỗi người phụ trách công việc gì, công tác chuẩn bị ra sao…

Những “chướng ngại vật”  bất ngờ

Dược sĩ Trần Thị Minh Thảo, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), nơi có 13 ca F0, 104 trường hợp F1, 93 trường hợp F2 cho rằng, khó khăn nhất của lực lượng y tế xã, phường trong phòng, chống dịch là ngoài nguy cơ lây nhiễm cao do thường xuyên tiếp xúc với các nguồn lây thì việc điều tra dịch tễ cũng rất phức tạp. Khi nhận tin mắc Covid-19, hầu hết người bệnh đều hoang mang, lo lắng tột độ, thậm chí không kiểm soát được hành vi. “Chúng tôi phải động viên, an ủi và hướng dẫn từng chút một trong công tác chuẩn bị để họ đi tập trung điều trị. Quá trình đó, chúng tôi nhắc người bệnh nếu nhớ ra điều gì thì nói để ghi vào sổ.

Khi người bệnh ổn định tâm lý, chúng tôi gọi điện thoại để hỏi cặn kẽ hơn về lịch trình tiếp xúc để có hướng điều tra dịch tễ chính xác”, dược sĩ Minh Thảo kể. Cũng theo dược sĩ Minh Thảo, một “chướng ngại vật” không mấy dễ chịu, là mỗi ngày tiếp xúc với nhiều nguồn lây, buộc chị em về trạm phải tắm rửa sạch sẽ. “Ngày tắm 3-4 lần, cả gội đầu, với phụ nữ chừng ấy thôi đã rất dễ “hạ gục” sức khỏe, nếu không biết cách giữ gìn. Chưa kể, có khi vừa tắm xong ra, có ca mới báo về, giữa trưa nắng lại phải bận đồ bảo hộ vào ngay”, chị Thảo nói.

Dược sĩ Trần Thị Thủy, Trạm phó phụ trách Trạm Y tế xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) chia sẻ, xã Hòa Khương có 4 ca F0, nếu quá trình khai thác thông tin từ các trường hợp F0, F1 không bảo đảm đầy đủ sẽ dễ mất dấu và nguy cơ lây lan cộng đồng rất lớn. Do đó, quá trình điều tra dịch tễ phải liên tục, kiên trì và biết cách động viên mới hiệu quả, vì tức thời người bệnh không thể nhớ hết trong điều kiện tâm lý bị chấn động.

Bác sĩ Trần Sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang nhìn nhận, vai trò của lực lượng y tế xã, phường rất quan trọng. “Có thể nói, họ là lực lượng mũi nhọn trong công tác chống dịch ở tuyến cơ sở. Họ có mặt trong mọi quy trình chống dịch từ khi có ca F0 cho đến khi các trường hợp F2 liên quan hết cách ly theo quy định.

Nếu không có lực lượng này, lực lượng y tế tuyến trên sẽ vô cùng vất vả. Trong khi đó, nhân lực của y tế xã, phường mỏng, khối lượng công việc tăng bất thường, công tác chuyên môn cũng gần như mới mẻ, ít kinh nghiệm”, ông Sĩ nói.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.