Nỗ lực bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm

.

Quận Sơn Trà đã và đang triển khai nhiều biện pháp quản lý và kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ, bếp ăn, trường học, bệnh viện, nhà hàng… cũng như nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm tại mỗi hộ gia đình.

Nhân viên cấp dưỡng Trường Tiểu học Hai Bà Trưng (phường Nại Hiên Đông)  đang chế biến thức ăn cho học sinh bán trú, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: M.QUẾ
Nhân viên cấp dưỡng Trường Tiểu học Hai Bà Trưng (phường Nại Hiên Đông) đang chế biến thức ăn cho học sinh bán trú, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: M.QUẾ

Theo thống kê từ Ban Quản lý (BQL) các chợ trên địa bàn quận Sơn Trà, dịch vụ ăn uống và thực phẩm chiếm 50% gian hàng kinh doanh tại mỗi chợ trên địa bàn.

Phó BQL các chợ trên địa bàn quận Sơn Trà Phan Mạnh Hân thông tin, trên địa bàn quận có 7 chợ do BQL trực tiếp quản lý gồm các chợ: An Hải Bắc, An Hải Đông, Hà Thân, Phước Mỹ, Nại Hiên Đông, Mân Thái và chợ Mai, ngoài ra còn một số chợ do phường và các cơ quan chức năng khác quản lý.

Trong hai năm 2019 và 2020, chợ Phước Mỹ và An Hải Bắc được cải tạo, nâng cấp thành chợ bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Quyết định số 5556/QĐ-UBND ngày 21-11-2018 của UBND thành phố. Trong năm 2021, dự kiến sẽ nâng cấp chợ Nại Hiên Đông thành chợ bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Để đạt được mục tiêu này, BQL đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền cho tiểu thương nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh thực phẩm, vệ sinh quầy hàng, khu vực kinh doanh.

Cụ thể như: đặt thực phẩm ở nơi cao ráo, sạch sẽ; không dùng các thùng, xô cũ để đựng thực phẩm; bố trí thùng rác ngay tại quầy hàng để không xả rác ra xung quanh chợ, cống thoát nước; mang trang bị bảo hộ đúng cách khi chế biến thực phẩm; có ý thức vệ sinh quầy kệ, dụng cụ trong giờ họp chợ; thực phẩm chế biến sẵn phải được bảo quản, che đậy hợp vệ sinh…

BQL còn bố trí lực lượng nhân viên bảo vệ chủ động phối hợp với UBND phường trong các đợt ra quân xử lý các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường xung quanh chợ; tăng cường phối hợp trong kiểm tra, xử lý hoạt động mua bán thực phẩm tươi sống trên vỉa hè, lòng đường; kiên quyết xử lý các trường hợp tiểu thương tự ý bỏ lô, quầy ra ngoài vỉa hè chợ kinh doanh gây mất trật tự.

Trong khi đó, tại các bếp ăn của các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn quận, các trường đều áp dụng “bếp một chiều”. Nguyên liệu đầu vào đến khâu sơ chế, lưu trữ, nấu nướng, phục vụ, thu dọn, rửa… phải tuân theo một chiều, các thực phẩm sống và thực phẩm chín không được lẫn lộn, trùng lặp.

Theo đó, có 4 khu gồm: tiếp nhận nguyên liệu đầu vào, sơ chế thực phẩm, chế biến tẩm ướp và nấu nướng nguyên liệu. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hai Bà Trưng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) Lê Thị Em cho biết, bếp ăn của trường mỗi ngày phục vụ gần 1.000 học sinh nên việc bảo đảm ATVSTP là vấn đề quan trọng.

Do đó, nhà trường yêu cầu đơn vị cung cấp thực phẩm phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Các mặt hàng có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Nhân viên cấp dưỡng đều được tập huấn kiến thức ATVSTP, mặc trang phục quy định của cấp dưỡng cùng với khẩu trang, găng tay, mũ đầy đủ. Mỗi ngày, bếp ăn sẽ lưu lại mẫu thức ăn trong vòng 24 giờ theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) Nguyễn Thị Khánh Nguyên cho hay, ngoài các điều kiện bắt buộc theo quy định, Ban Giám hiệu nhà trường cùng hội phụ huynh thường xuyên kiểm tra bếp ăn đột xuất để bảo đảm nguồn thức ăn cung cấp cho trẻ luôn tươi, mới.

Riêng bếp ăn được lắp đặt camera để Ban Giám hiệu có thể quan sát từ xa. Hiện nhà trường đã vận động phụ huynh cho trẻ ăn 100% bữa sáng, trưa và xế chiều tại trường để kiểm soát nếu có vấn đề liên quan tới thực phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Minh, Phó phòng Y tế quận Sơn Trà, thời gian tới, Phòng Y tế tiếp tục tăng cường phối hợp với Phòng Kinh tế bảo đảm các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATVSTP như tổ chức kiểm tra, hậu kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trong việc chấp hành các quy định; hỗ trợ các hộ sản xuất đầu tư trang thiết bị hướng tới sản xuất sạch hơn, hỗ trợ các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại các chợ xây dựng chợ an toàn thực phẩm…

Quận Sơn Trà có hơn 3.680 cơ sở thuộc diện quản lý các điều kiện về an toàn thực phẩm, trong đó ngành y tế quản lý 369 cơ sở với 90 bếp ăn tập thể, căng-tin và 279 nhà hàng, quán ăn; ngành nông nghiệp quản lý 394 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hàng bao gói sẵn, sơ chế nhỏ lẻ, trồng rau; ngành công thương quản lý 1.902 cơ sở kinh doanh thực phẩm ngoài chợ và trong chợ, cơ sở sản xuất thực phẩm; các phường quản lý 1.017 cơ sở.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích