Trong những ngày qua, cả nước đang đứng trước nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 khi đã xuất hiện hàng chục ca nhiễm bệnh trong cộng đồng. Qua những số liệu được công bố cho thấy những ca nhiễm bệnh đã xuất phát từ những “lỗ hổng” đáng lo ngại.
Lơ là trong các khu cách ly
Từ ngày 9-4 đến 23-4, đoàn 5 chuyên gia Trung Quốc được cách ly tập trung tại khách sạn Như Nguyệt 2 (tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ngày 23-4, nhóm chuyên gia được kết thúc cách ly theo quy định sau khi có xét nghiệm 3 lần âm tính và đã di chuyển đi nhiều nơi trong nước.
Nhưng vào tối 1-5, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị nhận được thông tin chuyên gia Trung Quốc nói trên có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi trở về nước. Đến ngày 2-5, Ủy ban Y tế khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã chính thức công bố thêm 3 ca bệnh mới trong đoàn chuyên gia Trung Quốc từ Việt Nam nhập cảnh vào Quảng Tây. Như vậy, tính đến ngày 2-5, đã có 4/5 người trong đoàn chuyên gia Trung Quốc từng được cách ly tại tỉnh Yên Bái mắc Covid-19.
Rà soát lịch trình, trong thời gian từ ngày 9-4 đến 23-4, khách sạn Như Nguyệt 2 cũng tiếp nhận cách ly cho đoàn chuyên gia quốc tịch Ấn Độ từ ngày 18-4. Từ ngày 18-4 đến 23-4, tại khách sạn này cũng ghi nhận 4 chuyên gia Ấn Độ mắc Covid-19. Đến ngày 27-4 tiếp tục ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc Covid-19 là nhân viên phục vụ tại khách sạn. Kết quả giải trình tự gen của 5 trường hợp này (gồm 4 chuyên gia Ấn Độ và 1 nhân viên lễ tân) cho thấy, họ đều mắc biến chủng B.1.617.2 được ghi nhận tại Ấn Độ. Điều đó cho thấy đã có sự lơ là, buông lỏng trong khu cách ly tại khách sạn.
Buông lỏng quy trình sau cách ly
Theo quy trình quản lý người từ nước ngoài nhập cảnh hay các chuyên gia sau khi hết cách ly tập trung rất chặt chẽ. Cụ thể, sau khi chuyên gia hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được chuyển đến cơ quan, xí nghiệp - nơi chuyên gia làm việc bằng xe riêng. Sau đó, ngành y tế có bàn giao với chính quyền địa phương để tiếp tục giám sát sức khỏe trong 14 ngày.
Khi về nơi làm việc, các chuyên gia này mặc dù không phải cách ly nhưng chuyển sang giai đoạn theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo, hạn chế việc tiếp xúc. Kết thúc 14 ngày này, chuyên gia sẽ được lấy mẫu xét nghiệm lần nữa và sẽ kết thúc quá trình cách ly.
Quy trình chặt chẽ là vậy nhưng Công ty CP khoáng sản Trung Bắc Á đã không thực hiện trách nhiệm đưa đón, quản lý số chuyên gia nói trên theo quy định. Từ ngày 23-4 đến 25-4, những chuyên gia này đã tự ý di chuyển đi đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người như tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai); huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc); thành phố Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc); huyện Phong Thổ, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu); huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái)...
Hay như trường hợp ca bệnh 2.899 (nam, 28 tuổi; có địa chỉ tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 7-4, đã hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung vào ngày 21-4 tại Đà Nẵng với ba lần xét nghiệm âm tính. Thế nhưng, người đàn ông này khi rời khỏi khu cách ly đã đi xe khách từ Đà Nẵng về Hà Nội, sau đó còn đi uống bia, đi cắt tóc, đi ăn liên hoan... và gặp gỡ nhiều người. Trong khi chỉ ba ngày sau rời khu cách ly, bệnh nhân này có triệu chứng ho, sốt... Kết quả xét nghiệm sau đó, người đàn ông này đã nhiễm vi-rút SARS-CoV-2.
Lỗ hổng quản lý người sau cách ly đã dẫn đến hậu quả, tính đến nay đã có hơn 20 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng và cơ quan chức năng đã truy vết được hàng nghìn trường hợp F1, F2. Và một điều chắc chắn rằng, số các trường hợp mắc bệnh và trường hợp F1, F2 chưa dừng lại ở đây.
Trốn khỏi khu cách ly, nhập cảnh trái phép
Tình trạng trốn khỏi khu cách ly cũng đã từng xảy ra trong các đợt phòng, chống dịch của nước ta trước đây. Do thiếu ý thức và trách nhiệm với cộng đồng, nhiều người từ nước ngoài vào hay ở trong nước đưa vào các khu cách ly đã tìm mọi cách trốn chạy gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Các cơ quan chức năng đã gia tăng công tác quản lý, giám sát, thế nhưng vẫn còn có nơi buông lỏng. Mới đây, ngày 2-5, hai người (20 và 22 tuổi) trốn khỏi khu cách ly nằm trong số 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị Công an Quận 10 (Thành phố Hồ Chí Minh) chuyển về khu cách ly tập trung Củ Chi cách đây 5 ngày và cho đến nay chưa tìm thấy.
Người nhập cảnh trái phép là một trong những nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất lớn trong bối cảnh diễn biến dịch ở các nước láng giềng đang rất phức tạp. Một tháng qua, nhiều địa phương trong cả nước đã phát hiện hàng trăm người nhập cảnh và cư trú bất hợp pháp. Những người này vào Việt Nam từ nhiều hướng, bằng đường bộ, đường thủy và các đường mòn lối mở thông qua sự tiếp tay của những đường dây trong nước.
Các lực lượng chức năng đã bắt và truy tố, xét xử hàng chục vụ lớn nhỏ khi đưa hàng trăm người nhập cảnh vào nước ta và cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, tình trạng đó vẫn không chấm dứt. Mới đây, ngày 3-5, Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố Hà Nội khởi tố để điều tra tội Tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép do hai nữ sinh cầm đầu. Cảnh sát xác định hai nữ sinh đã thuê một căn nhà trên phố Nguyễn Trãi và hai căn hộ chung cư khác ở địa bàn quận Thanh Xuân cho người Trung Quốc lưu trú.
Tại nhà ở phố Nguyễn Trãi, đối tượng Trần Thị Phương Thảo và Đinh Thị Huệ đã sắp xếp cho 6 người Trung Quốc ở. Trong hai căn chung cư còn lại, nữ sinh bố trí cho 11 người Trung Quốc ở. Khi kiểm tra bất ngờ vào ngày 20-4, những người Trung Quốc này không xuất trình được hộ chiếu, thị thực nhập cảnh. Trong phi vụ này, Thảo hưởng lợi khoảng 140 triệu đồng, Huệ 4 triệu đồng.
“Lỗ hổng” cộng đồng
Một trong những nhân tố để cuộc chiến phòng, chống Covid-19 thành công, đó là sự đồng tâm, hiệp sức của cả cộng đồng. Diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều tình huống xấu và khó lường. Thực tế, nhiều nơi cán bộ và người dân đã có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện chưa nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là giám sát thực hiện quy định 5K. Nhất là trong dịp nghỉ lễ vừa qua, tại một số khu du lịch, nghỉ dưỡng, bãi biển, hàng ngàn người tụ tập nhưng không chấp hành các quy định phòng, chống dịch đang là nguy cơ lớn cho sự lây lan dịch bệnh Covid-19.
Hiện nay, nhiều địa phương đã thực hiện các biện pháp phòng, chống nghiêm ngặt, nhưng vẫn có nhiều người không chấp hành các quy định 5K, điều đó sẽ tạo ra “lỗ hổng” cho mầm bệnh lây nhiễm. Ngoài ra, người dân hết sức nêu cao cảnh giác, phát hiện kịp thời những người nhập cư bất hợp pháp để cùng các cơ quan chức năng phòng, chống dịch hiệu quả. Không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt và ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các “lỗ hổng” nói trên đang là nhiệm vụ cấp bách của toàn hệ thống chính trị nước ta từ Trung ương đến địa phương nhằm bảo vệ tính mạng con người, sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và củng cố niềm tin, uy tín với nhân dân.
TUYẾT MINH