Y tế - Sức khỏe

Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa nắng

10:13, 31/07/2024 (GMT+7)

Thời tiết nắng nóng, việc bảo quản, chế biến thực phẩm không đúng cách dễ dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe. Bên cạnh đó, việc mua thực phẩm hiện nay đang dịch chuyển dần sang xu hướng online, nên việc kiểm tra, bảo đảm an toàn, chất lượng trong thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chủ động trong việc chọn lựa thực phẩm, kịp thời phản ánh những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố liên tục tiếp nhận các thông tin liên quan đến việc du khách có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm khi đến Đà Nẵng du lịch, nghỉ dưỡng.

Cụ thể, vào đầu tháng 5-2024, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cung cấp thông tin về việc có 5 trường hợp nhập viện nghi ngờ ngộ độc thực phẩm là thành viên đoàn du lịch đến từ Hà Nội. Ban Quản lý An toàn thực phẩm tiến hành xác minh, điều tra các món ăn, địa điểm ăn uống của đoàn du khách.

Qua điều tra, hồi cứu trong vòng 24 giờ kể từ khi phát bệnh, các bệnh nhân ăn uống các bữa sáng, trưa và tối tại các nhà hàng thuộc thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Đơn vị này đã chuyển nội dung phản ánh đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam tiến hành xác minh, kiểm tra vụ việc và xử lý theo quy định pháp luật.

Tương tự, ban quản lý sau đó tiếp tục nhận thông tin phản ánh từ Trung tâm Y tế quận Sơn Trà về 21 trường hợp nhập viện nghi ngờ ngộ độc thực phẩm là thành viên đoàn du lịch đến từ Hà Nội (39 người). Vào cuộc xác minh, điều tra các món ăn, địa điểm ăn uống của đoàn du khách lực lượng chức năng không phát hiện các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm tại các địa điểm ăn uống, các cơ sở cơ bản đáp ứng các quy định theo pháp luật.

Trước đó, một nhóm gồm 12 học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi dự tiệc sinh nhật bạn cùng lớp tại cửa hàng gà rán trên đường Đống Đa (quận Hải Châu). Ban Quản lý An toàn thực phẩm tiến hành xác minh, thành lập đoàn kiểm tra đột xuất và lấy 2 mẫu thức ăn lưu gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật. Kết quả tất cả các mẫu đều đạt yêu cầu theo quy định. Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, việc điều tra, thu thập thông tin, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm được tiến hành theo quy định.

Theo đó, sau khi tiếp nhận thông tin, lực lượng chức năng sẽ truy vết lịch trình di chuyển, ăn uống, nghỉ ngơi của du khách, đồng thời lấy mẫu lưu thực phẩm để xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh cũng như kiểm tra các quy định pháp luật về lĩnh vực này. “Các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải lưu mẫu thực phẩm theo quy định 24 giờ, cung cấp đầy đủ các điều kiện cần và đủ trong lĩnh vực này. Trên thực tế, nhiều trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm, khi cơ quan chức năng điều tra truy vết thì thời gian lưu mẫu thực phẩm theo quy định cũng đã hết”, ông Hải cho biết.

Vào mùa cao điểm du lịch và các sự kiện, lễ hội, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đẩy mạnh các hoạt động giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Theo đó, các cấp, các ngành của thành phố đã lấy 53 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh vật kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (rau, củ, quả), kiểm tra kim loại nặng (cá biển), kiểm tra tồn dư kháng sinh (thủy sản nuôi) và hàn the (chả cá, chả thịt)...

Ngoài ra, tại các sự kiện lễ hội lớn như: Gặp gỡ Đà Nẵng - Meet Da Nang 2024; lễ hội Bóng đá Brazil - Việt Nam; cuộc thi Vinfast Ironman 70.3 Việt Nam; Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2024; lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng năm 2024 đều có kế hoạch kiểm tra, giám sát riêng. Kết quả, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, lễ hội.

Ông Nguyễn Tấn Hải cho rằng, với xu thế hội nhập như hiện nay nên lượng hàng hóa, thực phẩm nhập về thành phố bằng nhiều con đường khác nhau, đồng thời phương thức kinh doanh thực phẩm đang chuyển từ kinh doanh trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến việc kiểm tra, giám sát còn nhiều khó khăn, bất cập.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất đa phần có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn những hạn chế nhất định. Việc thực hiện quản lý an toàn thực phẩm ở cấp quận, huyện, phường, xã còn hạn chế, nên công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn là lĩnh vực còn nhiều khó khăn, thách thức. “Đang mùa cao điểm nắng nóng, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần chủ động bảo vệ sức khỏe bằng việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như trở thành người tiêu dùng thông minh, từ lựa chọn thực phẩm đến bảo quản, chế biến. Tích cực phản ánh các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, chế biến thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân”, ông Hải khuyến cáo.

PHAN CHUNG

.