Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở Hòa Khương

.

Nhiều năm qua, Hội Nông dân xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất, tạo cơ hội cho nông dân mở hướng làm ăn mới hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội địa phương.

Theo ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Khương, nổi bật nhất trong các mô hình sản xuất ở xã, trong những năm qua là mô hình sản xuất nấm rơm, thu hút nhiều hộ nông dân trên địa bàn áp dụng hiệu quả.

Ông Trương Đức, Tổ trưởng Tổ sản xuất nấm rơm thôn La Châu-một trong những người đầu tiên thực hiện mô hình cho biết, ban đầu ông trồng nấm rơm tận dụng nguyên liệu vốn có từ gia đình. Song, phải đến khi được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Hội Nông dân xã cũng như các đơn vị nghiệp vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, mô hình sản xuất này mới thực sự mang lại hiệu quả kinh tế.

Hiện trang trại nấm của ông Đức có quy mô khoảng 7.000 bịch nấm/tháng, hằng tháng cho thu nhập khá, cuộc sống gia đình ổn định. “Mô hình sản xuất nấm rơm ngoài tạo việc làm thường xuyên cho gia đình tôi, còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều nông dân lớn tuổi tại địa phương”, ông Trương Đức chia sẻ.

Trước hiệu quả của việc trồng nấm rơm tại nhiều hộ gia đình trên địa bàn, năm 2012, UBND xã Hòa Khương triển khai tổng kết đánh giá hiệu quả và thành lập Tổ hợp tác sản xuất nấm rơm thôn La Châu. Theo ông Trần Văn Mười, thuận lợi từ mô hình sản xuất nấm rơm là nguyên liệu tại địa phương và các xã lân cận, giao thông thuận tiện cho việc thu gom và tích trữ nguồn nguyên liệu sản xuất.

Bên cạnh đó, mô hình tận dụng lao động tại chỗ khá dồi dào. Ban đầu, mô hình Tổ sản xuất nấm rơm chỉ có 10 thành viên, nay đã thu hút 20 hộ dân ở khắp các thôn như Hương Lam, Phú Sơn 2, Phú Sơn 3, Phú Sơn Tây. Nhiều hộ, trang trại sản xuất quy mô lớn. Nhiều gia đình nhờ trồng nấm có thu nhập ổn định, đời sống dần được nâng cao.

Bên cạnh mô hình sản xuất nấm rơm, Hòa Khương với lợi thế là vùng trung du bán sơn địa, có nhiều ao hồ, đập tự nhiên, nguồn nước dồi dào từ hồ Đồng Nghệ nên khá thuận lợi cho việc phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố) hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, cùng các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Chính vì hiệu quả của mô hình mà diện tích và số lượng hộ dân tham gia nuôi cá nước ngọt của địa phương những năm qua đã tăng đột biến.

Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Hòa Khương có hơn 300 hộ dân tham gia nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích mặt nước hơn 60,5ha. Các hộ tham gia được Trung tâm hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, hỗ trợ men vi sinh, kiểm nghiệm phân tích môi trường nước, mẫu cá, mẫu thức ăn.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá nước ngọt làm rút ngắn thời gian nuôi, tăng kích cỡ thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Điển hình trong mô hình nuôi cá nước ngọt tại địa phương là hộ ông Trần Hữu Chung (thôn Phú Sơn 2). Với trên 2.500m2 ao, năm nào gia đình ông cũng thu trung bình gần 20 tấn cá, cho thu nhập khá cao. Hay hộ ông Trần Liễu (thôn Phú Sơn 1) trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng, xoay xở đủ cách, cuộc sống vẫn cứ bấp bênh. Từ năm 2008 đến nay, ông Liễu chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình nuôi cá nước ngọt, đời sống gia đình từng bước được cải thiện...

HOÀNG SA

 

;
;
.
.
.
.
.