Multimedia
Những thanh niên góp sức cho quê hương Hòa Bắc chuyển mình
Trên quê hương xã miền núi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) hôm nay, đã có nhiều đổi thay. Cùng với cán bộ, nhân dân toàn xã, thế hệ thanh niên đã có những bứt phá, sáng tạo trong việc thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương thúc đẩy kinh tế xã hội tại địa phương.
Băng qua con đường mới dọc theo tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, anh Nguyễn Đăng Học - Bí thư Đoàn xã Hòa Bắc đưa chúng tôi về thôn Tà Lang gặp Bùi Văn Hiếu - Bí thư Chi đoàn thôn. Sinh năm 1985, Hiếu cũng như nhiều người trẻ khác đã “thấm” cái nghèo, cái cực từ quê, từ những năm tháng làm thuê “nay đây mai đó” với thu nhập bấp bênh. Đầu năm ngoái, Hiếu quyết định “thử vận may” với đàn heo rừng lai và “bén duyên” từ đó.
Với bản tính siêng năng, chịu khó, người thanh niên Cơ Tu này vừa làm kinh tế, vừa tham gia công tác Đoàn. Năm 2018, với sự giúp đỡ của Đoàn xã Hòa Bắc, Hiếu tiếp cận kênh hỗ trợ từ quận Đoàn Thanh Khê, Hải Châu và được trợ vốn 15 triệu đồng.
Có vốn, Hiếu sửa sang lại chuồng trại, rào lại khoảng đất sau nhà. Cùng với vốn liếng tích cóp bao năm, anh lặn lội lên huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) mua 4 con heo rừng mẹ về gầy đàn. Heo rừng bố anh mua từ một người dân địa phương.
Từ 5 con bố, mẹ ban đầu, giờ đây, đàn heo của anh cả thảy lên đến 20 con lớn, nhỏ. Anh cho biết, vốn liếng bao năm đổ dồn hết vào đây nên không thể lơ là được. Heo rừng vốn là loài sống hoang dã, sức đề kháng tốt, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, khí hậu địa phương, lại có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trên thị trường, giá heo hơi mua tại chuồng khoảng 150.000 đồng/ ký. Nếu nuôi tốt, thuận lợi thì sau khoảng 6 tháng, heo có thể xuất chuồng.
Chia sẻ về tương lai, anh cho biết đang tìm nguồn hỗ trợ để nâng cấp, mở rộng diện tích chuồng trại; tăng đàn để có nguồn cung dồi dào, ổn định trong tương lai. “Hòa Bắc đã và đang hướng đến phát triển du lịch. Nếu chăn nuôi thuận lợi thì trại heo nhà tôi sẽ là nguồn cung cấp thực phẩm sạch cho các dịch vụ ăn uống, góp phần phát triển du lịch xã nhà và giới thiệu sản vật địa phương cho du khách” Hiếu cho hay.
Từ Tà Lang, xuôi về Nam Yên, chúng tôi gặp Ngô Quốc Vĩnh. Vĩnh sinh năm 1992, là “ông chủ” của một xưởng gỗ và xưởng cơ khí đóng trên địa bàn xã Hòa Bắc. Ở tuổi 27, Vĩnh đã có gần 10 năm theo nghề gỗ nhờ kế thừa nghề cha mình. Khi cha mất, anh quyết tâm nối nghiệp cha, làm giàu trên chính quê nhà.
Là một thanh niên trẻ khởi nghiệp, Vĩnh được Đoàn xã Hòa Bắc hỗ trợ vay vốn mua máy công nghiệp.Với đôi tay mới ngày nào còn lóng ngóng, cậu thanh niên Ngô Văn Vĩnh dần trưởng thành hơn trong nghề nghiệp và cuộc sống. Từ một cơ sở sơ khai, đến nay, xưởng của Vĩnh đã “đắt” khách hơn. Đơn hàng không chỉ bó hẹp ở địa phương mà còn mở rộng ra ở các quận trung tâm thành phố như Hải Châu, Thanh Khê.
Không chỉ làm giàu cho chính mình, xưởng mộc của Vĩnh còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 4 thanh niên ở địa phương và một số người ở địa phương khác. Tại xưởng, có thể kể đến trường hợp anh Nguyễn Đức Thu (trú ở thôn Nam Yên) và anh Nguyễn Khánh (trú huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) thuộc diện gia đình khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của Vĩnh, hai anh trở thành những thợ gỗ lành nghề, có thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế gia đình.
Từ làng ra phố, xưởng gỗ của Vĩnh dần tạo được “thương hiệu” và xây dựng được lòng tin và sự tín nhiệm đối với nhiều khách hàng gần xa. Khi chúng tôi gặp Vĩnh, anh cho biết vừa trải qua 15 ngày gấp rút hoàn thành công trình cho một dự án ở quận Hải Châu.
“Đi làm xa, từ Hòa Bắc về quận Hải Châu cũng cực cho anh em trong xưởng, nên tương lai mình dự tính sẽ mở một cửa hàng về gỗ ở trung tâm thành phố để tiện đi lại, làm việc”, Vĩnh nói.
Vĩnh, Hiếu là những thanh niên trẻ đã và đang “thoát ly” khỏi tư tưởng làm thuê. Cả hai, cũng như nhiều người trẻ làm kinh tế ở Hòa Bắc đang đổi mới tư duy, tự chủ, tự lập nghiệp, vươn lên bằng chính đôi tay mình.
Theo anh Nguyễn Đăng Học, anh Bùi Văn Hiếu, anh Ngô Quốc Vĩnh là những tấm gương điển hình thanh niên trẻ khởi nghiệp tại xã Hòa Bắc.
Bên cạnh khởi nghiệp giúp ổn định kinh tế gia đình, những việc làm của các anh là những tấm gương sáng cho thanh niên xã nhà học tập, noi theo; góp phần cùng với địa phương bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Sau khi tốt nghiệp ngành Cử nhân báo chí, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), tháng 6-2017, Trần Trọng Phước (SN 1995) về công tác tại UBND xã Hòa Bắc và được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Vốn là người địa phương, thông thạo địa hình, hiểu rõ đặc điểm kinh tế xã nhà, Phước bám địa bàn, thường xuyên đi cơ sở, giúp người dân phát triển các mô hình kinh tế. Nhờ sự tích cực của Phước, nhiều hộ dân tại xã Hòa Bắc đã phát triển chăn nuôi, trồng trọt, ổn định kinh tế.
Có thể kể đến hộ anh Huỳnh Văn Ngưng (trú thôn An Định, xã Hòa Bắc) được hỗ trợ 200 con gà giống từ chương trình của Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố. Sau nửa năm chăm sóc, anh Ngưng xuất bán hơn 150 con gà thịt và thực hiện tái đàn đến nay. Nhờ đó, kinh tế gia đình ổn định, khấm khá dần lên
Không chỉ tích cực tham gia hoạt động Hội Nông dân xã, Phước còn là Phó Chủ nhiệm CLB Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái xã Hòa Bắc. Tháng 11-2018, Phước là đại diện duy nhất của Đà Nẵng tham gia chương trình “Lên tiếng vì bình đẳng giới” (Speak Up for Gender Equality).
Sự kiện này do Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam (Plan International Viet Nam), Đại sứ quán các nước Canada, Nauy, New Zealand, và Thụy Sĩ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Đô thị Hà Nội phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Trong những dịp như thế, Phước dành thời gian chia sẻ những trải nghiệm, suy nghĩ của bản thân về bình đẳng giới; góp tiếng nói giúp bảo đảm sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái; gỡ bỏ các rào cản trong sự phát triển công bằng của phụ nữ và trẻ em gái; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần phòng ngừa bạo lực cho những thành phần yếu thế trong xã hội.
Đầu tháng 7-2019, Phước chuyển công tác sang lĩnh vực Tuyên giáo – Dân vận. “Bản thân là một cán bộ trẻ, tôi luôn tự nhủ, dù ở vị trí công tác nào cũng phải cố gắng, phấn đấu làm tốt nhiệm vụ, đóng góp vào sự phát triển của xã Hòa Bắc nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung”, Phước tâm sự.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ công tác, Phước còn là một đoàn viên thanh niên năng nổ, nhiệt huyết trong các hoạt động thiện nguyện, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương. Cuối năm 2018, Phước được Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhận xét về cán bộ trẻ Trần Trọng Phước, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà cho biết, đây là một tấm gương về vượt khó, học giỏi. “Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi cha từ nhỏ nhưng Phước luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên. Sau khi tốt nghiệp đại học, Phước tình nguyện xin về làm việc tại UBND xã với mong muốn cống hiến cho sự phát triển của địa phương”.
Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam nhìn nhận: “Để có được một Hòa Bắc phát triển như hôm nay không thể không nhắc đến sự đóng góp của thế hệ trẻ. Bên cạnh những thanh niên theo con đường làm kinh tế, tại UBND xã có không ít cán bộ trẻ đang ngày ngày nỗ lực cống hiến trí tuệ, sức trẻ để xây dựng địa phương. Đây là lực lượng chính góp phần xây dựng và phát triển Hòa Bắc trong tương lai”.