Multimedia

Chuyện đằng sau 'tổ ấm' 193

11:05, 25/03/2020 (GMT+7)

 

Một buổi sáng trong tuần, như mọi ngày làm việc khác, điều dưỡng Nguyễn Thị Thúy Trang dậy sớm, sửa soạn công việc gia đình rồi lên xe đến BVTT - nơi chị đã có 14 năm gắn bó, từ khi là cô gái trẻ vừa chập chững vào nghề cho đến khi trở một cán bộ y tế dạn dày kinh nghiệm.

Làm việc tại khoa Nữ, bệnh nhân của chị Trang là những nữ bệnh nhân ở nhiều độ tuổi, đó có thể là cô sinh viên trẻ bị trầm cảm, một người đàn bà trung niên tâm thần phân liệt hay một bà cụ đã không còn tỉnh táo... Công việc của chị và nhiều đồng nghiệp khác ở BVTT là chăm sóc, hỗ trợ điều trị và trở thành những “người bạn”, “con gái”, “con trai”, “em gái”, “anh trai”… của những bệnh nhân.

 

Chúng tôi theo chân điều dưỡng Trang vào khuôn viên khoa Nữ trong giờ ăn buổi chiều. Bên cạnh những bệnh nhân tự chủ được việc ăn uống, một số khác phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của các cán bộ y tế. Không khí giờ ăn bỗng chốc bị phá vỡ khi một nữ bệnh nhân có hành động nổi nóng, hất tung khay cơm trên tay một điều dưỡng nam. Trước sự kích động của bệnh nhân, những điều dưỡng phải vội vàng chốt cửa phòng của người này để ngăn chị lao ra ngoài.

Một bệnh nhân khác, một tay cầm tràng hạt, tay kia níu chúng tôi lại rồi đọc một tràng “từ bi hỉ xả, hoằng pháp độ sanh, phổ độ chúng sinh…” rồi gọi chúng tôi bằng những cái tên xa lạ khiến anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi hết sức lúng túng.

Thấy chúng tôi có phần lo sợ, chị Trang cười, bảo: “Những việc này hết sức bình thường ở đây, lúc đầu tôi còn sợ chứ về sau thì quen rồi”. Vừa nói, chị vừa đút từng thìa cơm cho một nữ bệnh nhân khác. Giữa khuôn mặt mồ hôi nhễ nhại, rạng rỡ một nụ cười tươi: “Đúng rồi, giỏi lắm, ăn giỏi nè”. Bệnh nhân ngoan ngoãn nhai từng thìa cơm, như đứa trẻ được mẹ chăm bẵm. 

Bác sĩ Lê Văn Nguyên, Trưởng khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc dẫn chúng tôi và khu vực điều trị cho những bệnh nhân nam. Ở đây hầu hết là những trường hợp liên quan đến nghiện hút, ma túy đá, nghiện rượu…

Có những người xăm trổ đầy mình, nhìn những “vị khách lạ” bằng ánh mắt không mấy thân thiện. 

Vốn đã được bác sĩ Nguyên đề cập trước về sự hung hãn, kích động có thể xuất hiện ở một số bệnh nhân tại đây, nhưng chúng tôi không giấu được cảm giác lo lắng, nhất là khi nhìn vóc dáng thấp gầy của bác sĩ Nguyên lọt thỏm trong “vòng vây” những bệnh nhân cao lớn và có phần hung dữ.

Thế nhưng, bác sĩ Nguyên vẫn bình tĩnh, nhẹ nhàng nhắc nhở từng người giữ gìn trật tự ở khu điều trị. Họ vâng lời, trở về phòng, chào hỏi ông bằng giọng lễ phép.

Vậy mới hiểu được, để có thể gắn bó ở đây lâu dài, những bác sĩ, điều dưỡng hay hộ lý ngoài chuyên môn còn phải có một “thần kinh thép”.

Bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc BVTT cho biết, hiện số nhân lực làm việc ở bệnh viện có 194 người, đảm nhận điều trị nội trú và ngoại trú cho gần 4.500 bệnh nhân cũng như phối hợp chuyên môn với các trạm y tế cấp phường, xã.

Họ ở đây với thời gian công tác khác nhau, có những người thâm niên công tác bằng với số năm hoạt động của bệnh viện, có người còn trẻ tuổi. Họ miệt mài làm việc, lặng thầm suốt năm suốt tháng, bên cạnh những hiểm nguy, những niềm vui, nước mắt và tiếng cười. 

Bác sĩ Ngọc tâm sự: “So với những người đồng nghiệp trong ngành, những cán bộ y tế trong lĩnh vực tâm thần nói chung phải “gánh” thêm nhiều áp lực về chuyên môn, tâm lý.

Những bệnh nhân tâm thần có tâm lý phức tạp, biểu hiện bệnh đa dạng, nên chuyện bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý bị tấn công đến thương tích không còn là chuyện lạ, như cơm bữa rồi”. 

 

 

Video: Đồng hành cùng bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng
 

Những năm đầu làm việc sau cánh cổng số 193, điều dưỡng Nguyễn Thị Thúy Trang vẫn nhớ như in giọt nước mắt đầu tiên khi vào nghề. Cô gái trẻ non nớt vốn dĩ dễ khóc, chập chững theo nghề đã một phen sốc khi bị một bệnh nhân nam tấn công trực diện với cú tát trời giáng vào mặt. Tủi thân, chị chạy ra một góc bệnh viện ngồi khóc.

“Khóc vì chưa có ai đánh mình đau như vậy. Khóc vì tủi. Lúc ấy, nhiều anh chị đồng nghiệp lại rất bình thản. Mình nhớ nhất câu nói của một đồng nghiệp là “Đánh như vậy còn nhẹ lắm, chưa là gì đâu”, một người khác lại trêu mình “Ui, có như vậy cũng khóc”. Từ dạo ấy, mình không khóc nữa, phải sống với nghề”, chị Trang kể lại.

Những bệnh nhân tâm thần khi kích động, hung hãn lên thì rất khỏe, có khi 2-3 người phải cùng hỗ trợ mới có thể giữ được bệnh nhân. Lại có những trường hợp dễ nghĩ quẩn, có thể tự sát bất kỳ lúc nào…

Thế nên chị Trang mới có “phương châm” làm việc là “Thân thể ở trong đây (phòng làm việc), tai mắt ở ngoài kia” để quan sát, theo dõi những bệnh nhân của mình. Cách đây ít lâu, chị đã cứu thành công một bệnh nhân nam treo cổ ngay trong phòng bệnh. “Đến chậm một chút là chuyện tệ nhất đã xảy đến”, chị tâm sự.

Hai đồng nghiệp của chị Trang (xin được giấu tên), một người đã bị phơi nhiễm HIV do một bệnh nhân bất ngờ dùng bơm kim tiêm giấu trong người đâm trúng, một người bị đánh đến gãy tay phải nghỉ một thời gian để chữa trị. Nhiều người khác, may mắn không bị thương tích thì cũng rách áo, đứt đồng hồ, vỡ điện thoại… Đó là những tai nạn từ những đòn tấn công bất ngờ. 

Cũng có những tình huống dở khóc dở cười, như câu chuyện của bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em “được” một bệnh nhân nam “thầm thương trộm nhớ”. Tình cảm ngây ngô của một người đàn ông không tỉnh táo về thần kinh khiến bác sĩ Vân vừa buồn cười vừa khó xử khi anh viết thơ tình tặng chị hay lao vào tấn công một người bạn của chị chỉ vì “ghen”.

Đã đi qua hành trình đằng đẵng 40 năm trong nghề, bác sĩ Trần Nguyên Ngọc kể lại chuyện nghề mà cứ ngỡ như hôm qua. Có những chuyện khiến ông cười, có những chuyện nhắc lại chỉ khiến người kể và người nghe rơm rớm nước mắt.

Dòng ký ức đưa bác sĩ Ngọc về mốc thời gian chừng 15-20 năm trước. Có một bệnh nhân nữ, ông đã không còn nhớ tên, thế nhưng câu chuyện của người ấy lại ám ảnh mãi. Đó là một thai phụ, có dấu hiệu rối loạn tâm thần và được đưa vào điều trị ở phòng cấp tính.

“Người phụ nữ ấy không may có thai ngoài ý muốn, không ai biết cha đứa bé là ai, không biết có thai trong hoàn cảnh nào. Rồi câu chuyện buồn xảy đến là khi chị ấy bị sẩy thai ngay tại bệnh viện. Khi tôi có mặt ở phòng bệnh, hình ảnh ám ảnh tôi và anh chị em cán bộ y tế lúc đó là hài nhi nhỏ xíu, đỏ hỏn nằm dưới đất”, bác sĩ Ngọc nhớ lại.

Lúc ấy, bệnh nhân nữ được chuyển xuống cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng. Còn hài nhi đáng thương ấy được bác sĩ Ngọc đặt vào trong một chiếc quách nhỏ. Ông và một người nữa ôm chiếc quách ấy, đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng đến một nghĩa trang gần nhất…

Chuyện những nữ bệnh nhân tâm thần, lang thang ngoài xã hội rồi bị lạm dụng đến mức có thai ngoài ý muốn đã trở nên quen thuộc với bác sĩ Ngọc. Gần đây nhất, tại BVTT tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ đã… 3 lần có thai với người lạ nhưng lại không chịu phá thai. Bé gần nhất được sinh ra bị mẹ bỏ rơi ở Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Tiếng khóc của đứa trẻ khát sữa khi ấy cứ xoáy vào lòng những người chứng kiến..

Đó là 2 trong số những câu chuyện đau lòng mà bác sĩ Ngọc vẫn nhớ. Với ông, đó là sự bất hạnh, thiệt thòi mà những bệnh nhân tâm thần bất đắc dĩ phải gánh chịu khi không có sự bảo bọc kịp thời từ gia đình và xã hội.

Như bác sĩ Ngọc, bác sĩ Trần Thị Hải Vân cũng nhiều lần rơi nước mắt. Chị bảo, mình có thói quen khóc khi cứu thành công một bệnh nhân. Đó là những trường hợp lên cơn co giật, khó thở rồi tím tái. Bản năng một bác sĩ, một người đã làm mẹ khiến chị dốc hết khả năng, rồi khóc, rồi cười khi lồng ngực nhỏ bé của đứa trẻ phập phồng trở lại…

Làm việc ở khoa Nữ, điều dưỡng Nguyễn Thị Thúy Trang từng tiếp xúc với những trường hợp rối loạn tâm thần, nghiện ma túy… 

Gần đây nhất, một bệnh nhân nhập viện khi có biểu hiện nổi giận, cắn lưỡi và mất kiểm soát. Chị phát hiện mình phơi nhiễm HIV sau khi sinh đứa con đầu lòng.

Tủi hờn, mặc cảm và những nghi kỵ khiến cô gái trẻ suy sụp đến mức muốn tự sát. Khi ấy, điều dưỡng Trang trở thành người chị, người bạn an ủi, động viên.

“Em phải sống tốt, sống vì đứa con, sống vì mình. Con em sinh ra không thể vắng mẹ. Em còn cả một tương lai kia mà…”, chị Trang nói. Thế rồi, cô gái ấy cũng dần trấn tĩnh, ổn định được phần nào tâm lý.

Nhiều bệnh nhân tâm thần không kiểm soát được chuyện vệ sinh, tiểu tiện. Với nhiều bệnh nhân nữ thì chuyện vệ sinh tế nhị, kinh nguyệt hằng tháng trở thành điều ái ngại với những cán bộ y tế trong thời gian đầu vào nghề. Bệnh nhân lớn tuổi lúc nhớ, lúc quên cũng khiến các cán bộ y tế bực mình. Bệnh nhân ngáo đá, nghiện hút chực chờ tấn công bất ngờ. Bệnh nhân nhi bướng bỉnh quấy khóc bất chợt…

Nhưng tất cả đều được bỏ qua. Bác sĩ Phan Minh Hải, Phó khoa Phục hồi chức năng tâm sự: “Bệnh nhân tâm thần nhạy cảm lắm. Họ có những mặc cảm, những khao khát được yêu, được thương. Nếu xã hội xa lánh họ, rồi cán bộ y tế cũng bỏ rơi họ thì không đành…”.

Do vậy, nhiều trường hợp bệnh nhân phản ứng dữ dội với gia đình nhưng lại một mực lễ phép, quấn quýt với các bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên hỏi thăm, chăm sóc họ.

Theo bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, bệnh nhân tâm thần được phát hiện kịp thời, điều trị đúng phác đồ thì vẫn có cơ hội hòa nhập với xã hội. Thành công là khi bệnh nhân thổ lộ được những tâm tư với cán bộ y tế, rũ bỏ được những mặc cảm cá nhân để trút hết lòng mình, sống với chính mình sau những rối loạn tâm lý.

Những tín hiệu tích cực đã và đang diễn ra ở BVTT, nhiều bệnh nhân đã ổn định tâm lý và trở thành “cầu nối” giữa cán bộ y tế với những bệnh nhân khác, có người trở thành “quản lý” khu phòng ngủ, người làm “tài xế đẩy xe cơm”, người làm nông dân tăng gia sản xuất nơi vườn rau bệnh viện...

Mỗi một biểu hiện như vậy, dù là nhỏ nhất, đều trở thành niềm vui để bác sĩ Ngọc, bác sĩ Vân, bác sĩ Hải, bác sĩ Nguyên, điều dưỡng Trang… có động lực công tác mỗi ngày.

Ở BVTT, những phòng ăn, những phòng ngủ của bệnh nhân đều lắp cửa sổ với chấn song rộng rãi. Thấy chúng tôi tần ngần bên song cửa, một nữ điều dưỡng (xin giấu tên) vội dặn dò: “Các anh có thể chụp ảnh bệnh nhân sinh hoạt và cán bộ y tế đang làm công tác điều trị, nhưng đừng chụp qua khung cửa, bởi nó tạo cảm giác bệnh nhân tâm thần đang bị cô lập, bỏ rơi…”. 

Câu nói của nữ điều dưỡng ấy nói lên phần nào mong mỏi của những con người mặc áo blouse trắng sau cánh cổng số 193 Nguyễn Lương Bằng. Ở nơi này, mọi thanh âm ồn ã từ nhịp sống thường nhật của phố phường như lắng lại.

Ở nơi này, thời gian trôi chầm chậm, thật đều trong những ánh mắt của những người hay bị xã hội gọi bằng từ "điên", những người đã lạc mất tâm thức bình thường ở nơi thăm thẳm trí nhớ. 

Và những người như thế không bao giờ bị bỏ mặc, dù cho xã hội ngoài kia vẫn còn nhiều lời kỳ thị với người tâm thần.

Như thay lời những đồng nghiệp, bác sĩ Phan Minh Hải nói thật chậm: "Ở đây luôn tồn tại sự cảm thông và những ước mơ tốt đẹp, cho bệnh nhân và cho chính bản thân chúng tôi - những người song hành cùng họ. Ước mơ giản đơn là bệnh nhân có được điều kiện chữa trị tốt hơn trong thời gian tới, được xã hội nhìn nhận một cách tôn trọng, được tự tin hòa nhập với cuộc sống như bao người". 

 

.