Multimedia

Chắp cánh cho nghệ thuật tuồng

10:25, 30/03/2021 (GMT+7)

 

 

 

 

 

 


“Mới đó mà đã hơn 4 năm kể từ ngày chúng tôi lặn lội về các vùng quê còn rất yêu tuồng như Hòa Vang (Đà Nẵng) và Đại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức… thuộc tỉnh Quảng Nam để tìm kiếm những em có năng khiếu nghệ thuật đáp ứng Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo, nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) ban hành ngày 16-12-2015”, ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh mở đầu câu chuyện.

Đầu năm 2016, ngay khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn ban hành văn bản số 28/BVHTTDL-NTBD ngày 6-1-2016 của Bộ VH-TT&DL hướng dẫn thực hiện đề án, Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Kế đến là một cuộc tuyển sinh “gắt gao” diễn ra ròng rã mấy tháng liền và tuyển chọn được 19 học sinh vừa tốt nghiệp THCS.

Các em tham gia đề án được nhận nhiều ưu đãi như: bao cấp việc ăn ở, miễn học phí, cấp học bổng theo quy định; song song với học chuyên ngành biểu diễn, nhạc công, các em còn học chương trình trung học phổ thông.

 

Với ông Tuấn, đề án như “phao cứu sinh” trong bối cảnh nhà hát đang thiếu hụt lớp diễn viên kế cận, khi một loạt nghệ sĩ thế hệ “vàng” của nhà hát nghỉ hưu như: NSND Trần Đình Sanh, NSND Nguyễn Thị Thu Nhân, NSƯT Phương Lan, NSƯT Thanh Tỵ, NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng, NSƯT Nguyễn Ninh…

 

Dẫu hiện tại, nhà hát đang “sở hữu” những gương mặt sáng giá của nghệ thuật truyền thống như: NSƯT Nguyễn Thị Minh Hải, NSƯT Phan Văn Quang, NSƯT Tô Văn Kỳ, NSƯT Nguyễn Thị Bích Phượng, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Tiền, nghệ sĩ Văn Bá Hùng, diễn viên trẻ Lê Thế Ngọc, Nguyễn Thị Kim Oanh…; song phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ kế cận về nghệ thuật truyền thống là không bao giờ thừa.

Hơn nữa, từ trước đến nay, các cơ sở đào tạo nghệ thuật truyền thống thường tuyển học sinh theo học diễn viên, nhạc công đã tốt nghiệp lớp 12 THPT. 

Ở lứa tuổi này sau khi học xong chương trình đào tạo nghệ thuật truyền thống, các em đã 22-23 tuổi. Vì vậy khi trở về đơn vị công tác đến lúc trở thành diễn viên thực sự hội tụ đủ tiêu chí thì tuổi đã cao.

Theo đề án, sau khi hoàn thành khóa đào tạo được tiếp nhận, tuyển dụng vào công tác tại đơn vị nghệ thuật của địa phương. Do đó, để chuẩn bị cho công tác nhân sự, Sở Nội vụ thành phố cũng tham mưu dành những suất biên chế của những trường hợp về hưu tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho các em thuộc đề án.

 

Năm 2020, căn cứ vào tình hình nhân sự và đề xuất của đơn vị, thành phố đồng ý cho bổ sung 12 biên chế.

Trên cơ sở này, tháng 2-2021, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức sát hạch, tuyển dụng lớp diễn viên, nhạc công được đào tạo theo đề án của bộ giai đoạn 2016-2020.

Có 16 em nộp hồ sơ dự tuyển nhưng chỉ có 15 em dự thi và 1 trường hợp xin không tham gia vì lý do sức khỏe.

Nhà hát cũng thành lập ban sát hạch gồm 7 thành viên là nghệ sĩ nghỉ hưu và đang công tác tại nhà hát, có nhiều kinh nghiệm chuyên môn để bảo đảm chất lượng tuyển chọn.

Kết quả có 12 em (4 nam, 8 nữ) trúng tuyển; 3 em còn lại không đạt nhưng nếu có nguyện vọng thì nhà hát vẫn tạo cơ hội đưa các em vào dưới dạng hợp đồng lao động và tiếp tục tuyển lựa khi có điều kiện thích hợp.

 

 

 

 


Ngay khi được tuyển dụng, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã mời những nghệ sĩ gạo cội của nghệ thuật tuồng xứ Quảng tiếp tục truyền nghề cho các em.

Từ đầu tháng 3-2021, tại khu nhà làm việc của đoàn biểu diễn Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (tuyến đường Tô Hiến Thành, quận Sơn Trà), cứ đều đặn ngày 2 buổi, tiếng trống, tiếng kèn hòa cùng tiếng hô nhịp nhàng của thầy cô -  những nghệ sĩ lâu năm trong nghề - cho bài tập cơ huấn (huấn luyện cơ bản của nghệ thuật tuồng).

NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng không rời mắt khỏi các em, thỉnh thoảng chị lại chỉnh vài động tác cho đúng. Là cháu nội của bậc thầy tuồng xứ Quảng Ngô Thị Liễu, khi ở độ tuổi các em, NSƯT Thúy Hằng tham gia lớp học đầu tiên của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sau giải phóng (năm 1979) do chính bà nội mình và các bậc thầy danh tiếng như: Chánh Phẩm, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai… truyền dạy. Có lẽ vì thế, ở chị có sự cảm thông và thấu hiểu dành cho các em - những diễn viên còn khá non trẻ.

 

“Với nghệ thuật, năng khiếu là điều trước tiên, ở các em tôi đã nhận thấy điều đó. Các em cũng được đào tạo bài bản trong vòng 4 năm với các nghệ sĩ nổi tiếng về tuồng trên cả nước như: NSND Xuân Hợi, NSND Hương Thơm, NSND Minh Gái, NSND Hồng Khiêm, NSND Trần Đình Sanh, nghệ sĩ Lưu Ngọc Nam… Nền tảng cơ bản đã có nhưng để đứng được trên sân khấu tuồng, buộc các em phải khổ luyện nhiều hơn.

Ngay cả những diễn viên hoạt động lâu năm trong nghề vẫn phải ngày ngày rèn luyện”, NSƯT Thúy Hằng tâm sự.

Hơn 30 năm “chuyên trị” những vai “kép xéo”, loại vai chiếm số đông trong tuồng cổ, đa phần là nhân vật chính diện và sử dụng điệu bộ nhiều, nghệ sĩ Văn Bá Hùng đảm nhận dạy những bài tập cơ huấn cho diễn viên nam.

Nghệ sĩ Văn Bá Hùng đặc biệt ấn tượng với 4 diễn viên nam được tuyển trong đợt này, bởi trong bối cảnh các loại hình nghệ thuật hiện đại đang phát triển mạnh, thế hệ trẻ học nghệ thuật truyền thống, nhất là tuồng là điều đáng quý.

 

Nghệ sĩ Văn Bá Hùng bộc bạch, ông bà xưa có câu rất hay: “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài/ Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi". Điều này càng đúng với nghệ thuật tuồng đòi hỏi phải mài dũa, tích lũy, học hỏi, chắt chiu mỗi ngày. Làm được điều đó thì chỉ có tình yêu nghề.

“Cho đến bây giờ, mấy chục năm đứng trên sân khấu nếu nghệ sĩ chúng tôi so đo về lương bổng, thu nhập… thì không thể trụ lại với nghề. Mà nghệ thuật tuồng lạ lắm, đầy ma lực, càng vào nghề, càng thấm và đam mê. Tôi hy vọng lớp diễn viên trẻ đã bước một chân vào tuồng thì mạnh dạn bước những bước tiếp theo, có như vậy các em mới đủ sức tiếp nối cuộc hành trình đưa tuồng về với khán giả”, nghệ sĩ Văn Bá Hùng chia sẻ.

 
Video: Thế hệ kế cận đầy hứa hẹn cho nghệ thuật tuồng
 
 

Với mong muốn mài dũa những “viên ngọc” mà theo đánh giá của các nghệ sĩ là nhà hát có được sau lớp đầu tiên vào năm 1979, lãnh đạo nhà hát lên kế hoạch đào tạo từ 2 – 3 năm.

Ngoài tập cơ huấn, các diễn viên trẻ được dạy hát làn điệu, dạy vũ đạo, kẻ mặt... từ các cây cổ thụ khác của tuồng miền Trung như NSND Trần Đình Sanh, NSND Thu Nhân, NSND Nguyễn Thị Hòa Bình, NSƯT Phương Lan…

 

Nhà hát kỳ vọng bằng trải nghiệm thực tế và học tập từ các nghệ sĩ tài hoa của tuồng xứ Quảng, lớp diễn viên trẻ sẽ trở thành diễn viên thực thụ đáp ứng cho việc thành lập đội biểu diễn thứ 2 của nhà hát, góp phần thực hiện nhiệm vụ vừa bảo tồn vừa phát huy nghệ thuật tuồng mà nhà hát đặt ra trong đề án Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giai đoạn 2020 - 2025.

 

 
 

 

 

.