Multimedia

Huyền thoại những người Mẹ anh hùng

10:33, 26/07/2021 (GMT+7)

 

 

 

 

Chiều nào cũng vậy, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Nghệ (SN 1927, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) luôn ngồi ở cửa, nhìn xa xăm như ngóng đợi người chồng và con trai trở về. Hễ có ai đi ngang, Mẹ lại hỏi: “Ông Hùng đã về chưa? Tường ơi, sao đi lâu quá vậy con, về nhà còn lấy vợ chứ....”.

Gọi tên người chồng, người con trai đã mất, Mẹ Nghệ quay mặt đi để cố nén cảm xúc vào tâm can mỗi khi tháng 7 - tháng tri ân những người đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc lại ùa về trong hàng triệu gia đình Việt Nam, làm lay động nỗi nhớ khôn nguôi về người chồng, người cha và những người con đã dâng hiến thanh xuân cho đất nước trong ký ức của những người Mẹ anh hùng…

Tuổi già thường hay lẫn nhưng những câu chuyện thời chiến tranh về chồng, về con, về cách mạng thì Mẹ Nghệ vẫn nhớ như in. Những câu chuyện qua lời kể của Mẹ như những thước phim quay chậm tái hiện một phần lịch sử dân tộc.

 

Trong chiến tranh, Mẹ tham gia hoạt động trong lòng địch. Ban ngày, một tay Mẹ lo liệu các công việc của gia đình, cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Đêm về, trong tiếng bắt bớ, lùng sục của giặc, Mẹ lại lo tiếp tế, nuôi giấu cán bộ dưới hầm bí mật. Nhà Mẹ Nghệ có 3 hầm bí mật, nơi nuôi giấu hàng trăm lượt cán bộ, bộ đội, du kích.

Cứ chiều chiều, Mẹ lại nấu thật nhiều cơm rồi giấu dưới thùng đựng lúa, dưới cối xay. Khi bộ đội về, cơm canh đã sẵn, Mẹ chuyển xuống hầm cho các anh. Nhiều đêm dài, Mẹ thao thức canh chừng các cuộc họp của cán bộ ngay dưới những căn hầm bí mật tại nhà mình, hễ có địch vây tới là báo hiệu.

Nhắc đến người con trai cả, anh Lâm Đình Tường, hy sinh khi mới ngoài đôi mươi, Mẹ Nghệ lại rơm rớm nước mắt. Mẹ còn nhớ lần cuối gặp con, anh cũng chỉ ăn vội miếng cơm nguội, ôm Mẹ vào lòng và hứa sau khi chiến đấu trận này, anh sẽ sớm trở về để cưới vợ cho Mẹ vui. “Nó hiền lắm, lúc nào cũng ngại ngùng khi nghe đến chuyện lấy vợ. Ở nhà, Mẹ cũng đã dạm hỏi cho nó một đám mà nó cứ bảo để con chiến đấu xong trận này sẽ về cưới. Ấy vậy mà....”, giọng Mẹ nghẹn ngào đầy xúc cảm…

 

Một ngày tháng 3-1968, anh Tường hy sinh trong một trận chiến cân não với địch ở đồn Cây Lanh, xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Trước đó, anh bị thương ở chân nên tổ chức định đưa anh ra Bắc điều trị nhưng anh xin ở lại để được chiến đấu cùng đồng đội và sau đó mãi mãi không trở về được nữa. Nghe tin anh mất, Mẹ Nghệ ôm chiếc radio - kỷ vật cuối cùng của người con trai yêu quý, thức trắng mấy đêm liền. Rồi Mẹ gạt nước mắt, nén nỗi đau, tiếp tục công việc nuôi giấu cán bộ. Mẹ bảo, Mẹ như nhìn thấy hình ảnh của anh trong từng chiến sĩ. Ai cũng là con của Mẹ!

Đau thương biến thành hành động. Giữa những trận điên cuồng vây ráp, bắt bớ của địch, Mẹ vẫn che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong một lần địch truy bắt, chúng tra khảo cả nhà Mẹ để tìm bộ đội. Tuy bị tra tấn dã man nhưng ông Lâm Hùng, chồng Mẹ không khai báo nửa lời. Sau đó, ông đã trút hơi thở cuối cùng ngay trên miệng hầm, nơi đồng đội của ông đang ẩn nấp. Chứng kiến sự ra đi của chồng, Mẹ Nghệ như quỵ ngã, nước mắt Mẹ không còn. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, trên đầu Mẹ Nghệ lại thêm vành khăn tang trắng.

 

Sau giải phóng, Mẹ Nghệ sống giản dị với khoản tiền chế độ phụng dưỡng của Nhà nước. 4 người con của Mẹ đều đã thành đạt. Ông Lâm Quang Long (thương binh hạng 4/4), con trai Mẹ cho biết, các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà cho Mẹ.

Vừa rồi, trong chương trình hỗ trợ sửa chữa nhà ở, thành phố đã hỗ trợ Mẹ Nghệ 60 triệu đồng để xây mới căn nhà Mẹ đang ở. Mẹ bảo, cả đời Mẹ đã sống vì lý tưởng cách mạng, lúc già yếu, bệnh tật được Đảng và Nhà nước chăm lo. “Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng Mẹ vẫn động viên chúng tôi nhiệt tình làm từ thiện, ủng hộ vào công tác phòng, chống Covid-19 để đẩy lùi dịch bệnh”, ông Lâm Quang Long cho biết.

 

Liệt sĩ Nguyễn Sanh - người Trung đội trưởng du kích địa phương ở xã Hòa Phong đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ông ngã xuống năm 1951, khi người con trai Nguyễn Nhung còn nhỏ. Rồi 17 năm sau đó, giữa năm Mậu Thân 1968, anh Nguyễn Nhung cũng hy sinh dưới làn đạn của địch, trong khi làm nhiệm vụ. Năm 1977, hai cha con liệt sĩ Nguyễn Sanh và Nguyễn Nhung được Thủ tướng cấp bằng Tổ quốc ghi công.

Ký ức về người chồng Nguyễn Sanh và người con trai Nguyễn Nhung tưởng chừng đã cũ, nhưng trong tâm trí Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Tham (SN 1927), mọi thứ vẫn như mới hôm qua. Dưới mái hiên nhà ở thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, Mẹ minh mẫn kể cho thế hệ sau nghe về ngày gia đình tham gia cách mạng, về người chồng là Trung đội trưởng du kích địa phương, về người con trai tuổi 17 đã là đội viên du kích hoạt động trong lòng địch.

 

Cả cuộc đời Mẹ Tham gắn với sự nghiệp cách mạng, gia đình Mẹ ngoài chồng, ngoài con còn có người anh trai ruột là liệt sĩ Phan Văn Tùng - chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh năm 1947 trong kháng chiến chống Pháp. Sau nhà Mẹ có dấu vết của căn hầm bí mật - nơi mà Mẹ vẫn thường “tối lửa, tắt đèn” để đón, che chở cho cán bộ hoạt động mật tại địa phương.

Ở đó, có chén cơm lúa mới, củ khoai ủ ấm lòng chiến sĩ và tấm lòng của bà mẹ hậu phương. Rất nhiều phen, địch nghi ngờ tìm đến, giám sát, lục soát khắp nhà, Mẹ vẫn bản lĩnh để che mắt địch. Mẹ kể: “Thấy địch đến thì sợ lắm chứ, nhưng vẫn kiên cường, giữ vững căn cứ cho cách mạng. Rất may là chưa có bất trắc”.

 

Ở tuổi 94, sức khỏe Mẹ Tham đã yếu, đi lại khó khăn hơn và những cơn đau mỏi tuổi già ngày một nhiều hơn, nhưng tinh thần của người phụ nữ kiên cường nuốt nước mắt tiễn chồng con năm nào vẫn còn đó, vẹn nguyên và sắt son. Tinh thần ấy, nay được Mẹ truyền cho thế hệ sau gìn giữ và phát huy.

 

Với nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Mẹ Phan Thị Tham được Chủ tịch nước công nhận là Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào tháng 2-2014. Ông Ngô Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong chia sẻ, trong những năm qua, chính quyền, các hội đoàn thể xã tích cực quan tâm, chăm sóc các gia đình chính sách, người có công, Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn. Trong đó có hoạt động chăm sóc sức khỏe Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tổ chức mâm cơm đám giỗ cho các liệt sĩ.

 

Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng như mẹ Nghệ, mẹ Tham nằm trong số 127 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng - theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố. Theo bà Trương Thị Như Hoa, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, công tác chăm sóc người có công, trong đó có các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được thành phố thực hiện tích cực.

Nguồn lực đầu tư cho công tác người có công rất lớn, nên hầu hết hộ người có công có hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở cơ bản đều được quan tâm hỗ trợ kịp thời. Người có công đau ốm hay mắc bệnh hiểm nghèo đều được trợ cấp khó khăn đột xuất hoặc trợ cấp thường xuyên.

 

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Tính (SN 1922) chia sẻ: “Việc thăm hỏi, động viên kịp thời vào các dịp lễ, Tết, hay ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7 của các cấp chính quyền trong những năm qua chính là niềm động viên lớn lao, là niềm vui đối với những người lớn tuổi như tôi. Đó cũng chính là minh chứng cho truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” từ bao đời nay của dân tộc ta. Tôi mong rằng các cấp chính quyền, các ngành chức năng làm tốt các chính sách cho người có công hơn nữa, từ đó giúp đỡ các hộ chính sách, gia đình có công đang gặp khó khăn có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”.

Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải Hoàng Chí Trung cho biết, Hòa Hải là cái nôi của phong trào cách mạng trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Đây là một trong những địa phương có hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhiều nhất trên địa bàn thành phố. Trên địa bàn phường có 230 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 7 Mẹ còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng. Với truyền thống đấu tranh anh dũng, phường Hòa Hải đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Vì vậy, công tác chăm lo gia đình chính sách là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận phường rất quan tâm.

 

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, UBND phường Hòa Hải triển khai kế hoạch vận động, đóng góp tặng quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, thương bệnh binh nặng… Đồng thời, UBND phường trao 50 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng đến những hộ gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. 6 tháng đầu năm, phường đã hoàn thành sớm việc sửa chữa 15 nhà ở cho hộ gia đình chính sách, người có công. Trong đợt 2, phường xây mới, sửa chữa 35 nhà, hoàn thành trong tháng 7 này.

 
 

Ngoài Nghị quyết số 245/2019/NQ-HĐND thành phố nêu rõ hỗ trợ mỗi tháng từ 1-1,5 triệu đồng cho một số nhóm người có công, theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi, người có công còn được hưởng chế độ điều dưỡng tại nhà, điều dưỡng luân phiên hàng năm và được cấp dụng cụ chỉnh hình, trang thiết bị phục hồi chức năng.

Bên cạnh đó, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” và ủng hộ “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”… đã luôn là các phong trào được sự hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng của các hội, đoàn thể.

 

 

Bà Trương Thị Như Hoa, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ,TB&XH cho biết, những hoạt động tri ân của thành phố hướng về người có công nói chung, Bà mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng thể hiện ý nghĩa cao cả của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. “Đó là cách để giáo dục truyền thống cách mạng của cha ông cho thế hệ trẻ hôm nay”, bà Hoa chia sẻ.

Đại diện Sở LĐ,TB&XH chia sẻ về công tác tri ân người có công

 

Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 408/KH-UBND ngày 17-1-2018 của UBND thành phố về thực hiện Kế hoạch số 42-KH/TU của Thành ủy Đà Nẵng và Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, công tác người có công với cách mạng của thành phố đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền tập trung triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây là chính sách nhân văn, thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn của dân tộc để tri ân những thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Trong đó, có sự mất mát, hy sinh như trời biển của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 
 


 

.