Emagazine
eMagazine - Quan tâm, chăm lo đời sống công nhân, người lao động
|
Để lao động ngoại tỉnh gắn bó lâu dài, Đà Nẵng có nhiều nỗ lực trong công tác chăm lo, bảo đảm nhà ở cho công nhân, người lao động. Đi vào hoạt động từ năm 2020, khu nhà ở công nhân (thuộc Khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) đã giúp nhiều công nhân, người lao động xa quê cảm thấy yên tâm khi chọn Đà Nẵng là nơi lập nghiệp.
Dọn đến khu nhà từ tháng 10-2022, chị Lê Thị Khánh Ly (SN 1994, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), công nhân Công ty TNHH Việt Nam Tokai, đỡ vất vả hơn trên hành trình mưu sinh của mình. Trước đây, mỗi ngày, chị Ly đều phải vượt hơn 60km bất kể nắng mưa để đi làm. Nhiều ngày có lịch tăng ca, mưa gió, đường về nguy hiểm khiến chị không khỏi lo lắng.
“Cuộc sống ở quê khó khăn nên tôi quyết tâm đến Đà Nẵng tìm việc. Lúc trước, sợ tốn kém nên dù vất vả, nhiều khi thấy nguy hiểm vì đường xá xa xôi, vắng vẻ nhưng tôi đều chạy đi chạy về để đỡ tiền thuê nhà. Biết được hoàn cảnh, Công đoàn hướng dẫn tôi làm hồ sơ. May mắn được dọn vào ở khu nhà, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Cạnh đó, chị Phan Thị Minh Loan (SN 1988, quê Quảng Nam) công nhân Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam, cũng vừa dọn đến hơn 10 ngày. Trước đây, chị Loan phải chi trả gần 1,5 triệu đồng/tháng cho chi phí thuê trọ. Phòng trọ xuống cấp, mùa mưa ẩm dột, mùa nắng, mái tôn thấp, nóng.
“Tôi đã chịu 2 mùa nắng nóng tại phòng trọ xuống cấp nên khi biết tin hồ sơ thuê nhà được xét duyệt, tôi mừng lắm, dọn trọ đi ngay. Căn phòng mới được xây thoáng mát, sạch sẽ, giá lại rẻ hơn, tinh thần cũng phấn chấn, có sức sống hơn hẳn. Nếu điều kiện cho phép, tôi sẽ dẫn các con ra đây học tập, ở gần mẹ cho đỡ nhớ và dễ trông nom”, chị Loan chia sẻ.
Hiện nay, khu nhà ở công nhân có 72 hộ với gần hơn 200 nhân khẩu sinh sống. Đây là món quà Thành ủy trao tặng cho công nhân lao động làm việc tại các KCN, nhằm giải quyết một phần nhu cầu cấp bách về nhà ở. Tại khu vực sinh hoạt chung, các hộ cùng nhau trồng trọt tạo môi trường sống xanh, làm đẹp cảnh quan nơi ở.
Bên cạnh việc chăm lo cho công nhân, thành phố cùng các tổ chức, doanh nghiệp luôn dành sự quan tâm đến con em công nhân lao động. Cách KCN Hòa Khánh không xa, Trung tâm Chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky - Đà Nẵng (Trung tâm OneSky) hoạt động từ năm 2017 là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho con em công nhân, người lao động. Trung tâm ra đời nhờ vào sự hợp tác của Tổ chức phi chính phủ OneSky và UBND thành phố Đà Nẵng để tạo cơ hội cho trẻ em là con công nhân nghèo được tiếp cận môi trường giáo dục quốc tế, có cơ hội phát triển tiềm năng của mình.
Trong 6 năm qua, nơi đây đã chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục cho 752 trẻ em. Trung tâm nhận chăm sóc trẻ với mức học phí 800.000 đồng/tháng, hỗ trợ 5 bữa ăn/ngày, mở cửa từ 6 giờ 30 sáng đến 6 giờ 30 tối, từ thứ Hai đến thứ Bảy để phù hợp nhu cầu của công nhân KCN.
Có hai con được theo học tại trung tâm, mỗi tháng, chị Nguyễn Thị Bích Vân (công nhân Công ty Matrix Việt Nam) tiết kiệm gần 2 triệu đồng, một số tiền lớn đối với vợ chồng có nguồn thu nhập thấp, bấp bênh. Chị Vân tâm sự: “Từ khi con được học tại đây, tôi đi làm rất yên tâm, tập trung hoàn toàn vào công việc mà không lo sợ con sẽ khóc hay bị bạo hành. Con đến trường được hưởng những điều kiện tốt nhất từ cơ sở vật chất đến chế độ dinh dưỡng”.
Tại Khu nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm, Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng còn bố trí thêm thư viện sách với máy tính kết nối mạng cho các em nhỏ và người dân có nơi sinh hoạt, giải trí sau giờ làm. Ngoài ra, nhân Tháng Công nhân 2023, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố trao 77 ngôi nhà mái ấm Công đoàn với số tiền hơn 1 tỷ đồng cho đoàn viên và người lao động.
Bên cạnh bảo đảm nhà ở, việc nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động cũng được chú trọng. Với chủ đề “Kết nối công nhân - Xây dựng tổ chức”, Tháng Công nhân năm 2023 là dịp để các cấp Công đoàn trên địa bàn thành phố gắn kết công nhân qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Ngay đầu tháng 5, Công đoàn KCNC&CKCN đã tổ chức liên hoan tiếng hát công nhân viên chức lao động và các gian hàng giao lưu văn hóa ẩm thực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp FDI trên địa bàn các KCN và quận Liên Chiểu.
Theo Chủ tịch Công đoàn KCNC&CKCN Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung, qua các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, người lao động và các doanh nghiệp cũng hiểu rõ hơn về văn hóa, ẩm thực, phong cách ứng xử của trong doanh nghiệp các nước.
Dịp này, Công đoàn KCNC&CKCN Đà Nẵng trao tặng 6.500 phiếu mua hàng với tổng số tiền 650 triệu đồng cho 2.125 đoàn viên, người lao động tại phiên chợ công nhân, hỗ trợ cho gần 400 trường hợp đoàn viên bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo và bị mất việc với tổng số tiền là 396 triệu đồng.
Cũng trong tháng 5, đoàn lãnh đạo thành phố đến thăm, tặng quà công nhân lao động tại các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ trên địa bàn quận Liên Chiểu. Dịp này, đoàn trao tặng 100 suất quà, mỗi suất 1,3 triệu đồng gồm 1 triệu đồng tiền mặt và 300.000 đồng tiền quà cho công nhân lao động tại các tổ tự quản khu nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Liên Chiểu.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng cho biết, thành phố luôn quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội với nhân dân, đặc biệt là gia đình chính sách, người có công, người dân có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, người lao động.
Dù công tác chăm lo, hỗ trợ công nhân luôn được thành phố quan tâm nhưng đời sống công nhân, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Với mong muốn xây dựng những hoạt động thiết thực hướng đến công nhân, lao động, các cơ quan, doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại để lắng nghe người lao động nhiều hơn. Tại Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, hằng năm, hội nghị người lao động luôn được tổ chức định kỳ, đầy đủ để công nhân được trao đổi, góp ý, bày tỏ mong muốn với cấp lãnh đạo.
Chủ tịch công đoàn Công ty Bùi Minh Vũ cho biết, lãnh đạo doanh nghiệp xem đối thoại với công nhân lao động là một yếu tố quan trọng để hiểu những nhu cầu thực tế, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp, hạn chế những mâu thuẫn phát sinh, xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa trong doanh nghiệp.
“Nhiều người lao động mạnh dạn đưa các đề xuất về công tác chăm lo và nhận được sự hưởng ứng từ ban lãnh đạo công ty như tăng cường chất lượng bữa ăn ca, thêm các hoạt động giao lưu,… Hay nắm bắt các trường hợp khó khăn để hỗ trợ kịp thời”, ông Vũ chia sẻ.
Theo báo cáo của Công đoàn ngành giáo dục thành phố, hằng năm, 100% các đơn vị công lập tổ chức hội nghị công chức, viên chức, người lao động, hơn 70% các đơn vị ngoài khu vực Nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc. Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục thành phố Trần Nguyễn Minh Thành chia sẻ, Công đoàn luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, mà đội ngũ nhà giáo và người lao động đang gặp phải. Qua đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đoàn viên và người lao động; đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Công đoàn để đoàn viên, người lao động yên tâm, thực hiện tốt trách nhiệm, bằng ngọn lửa đam mê với sự nghiệp “trồng người”.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Lê Văn Đại cho biết, vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố. Đây là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động. Tại buổi tiếp xúc, công nhân lao động nêu 19 ý kiến liên quan đến nhà ở, cơ sở giáo dục cho con em, tiền lương, thiết chế văn hóa, thể thao, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), kiến nghị sửa đổi luật, trong đó có kiến nghị về sửa đổi luật BHXH. Những kiến nghị, đề xuất này của cử tri đã được đại diện các sở, ngành trao đổi, làm rõ tại buổi tiếp xúc.
Đà Nẵng sẽ tăng cường thu hút đầu tư, phát triển nhà ở dành cho công nhân, tích hợp vào các chương trình khác. Trước mắt là nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm mở rộng diện tích phòng cho thuê để giải quyết chỗ ở hợp lý cho công nhân. Chị Lê Thị Phước Lài (Công đoàn Trường Mầm non Tiểu My, LĐLĐ quận Liên Chiểu) cho biết tại địa bàn KCN, lao động trẻ, nhập cư là khá cao. Kéo theo đó, nhu cầu về nhà trẻ, mẫu giáo là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng trường mầm non công lập trên địa bàn KCN là quá ít ỏi. Hầu hết công nhân lao động phải gửi con ở các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình. Chị Lài đề nghị thành phố quan tâm đầu tư các cơ sở mầm non công lập trong các KCN hoặc có cơ chế ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng các trường mầm non ngoài công lập trong quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục của địa phương nhằm giải quyết nhu cầu gửi con của lao động làm việc tại các KCN trên địa bàn.
Quận Liên Chiểu là địa phương có 2 khu công nghiệp với 4.032 doanh nghiệp/55.000 lao động. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường, với số lượng doanh nghiệp và lao động lớn nên công tác chăm lo đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quận ủy Liên Chiểu, sự phối hợp giúp đỡ của chính quyền và các ban ngành, đoàn thể, các cấp Công đoàn quận đã tập trung chăm lo bảo đảm các chế độ, chính sách cho đoàn viên, người lao động.
Công đoàn khảo sát lựa chọn thành lập 29 tổ công nhân tự quản với khoảng 4.952 công nhân, lao động tham gia sinh hoạt. Thông qua các tổ công nhân tự quản, Công đoàn và lãnh đạo địa phương nắm rõ để có những sự hỗ trợ kịp thời.
Công tác chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được quan tâm chú trọng. LĐLĐ quận Liên Chiểu đã tích cực tập hợp ý kiến của đoàn viên và người lao động liên quan đến quan hệ lao động và chế độ, chính sách đối với người lao động để kiến nghị, đề xuất chính quyền, Công đoàn cấp trên giải quyết, bảo đảm quyền lợi và những vấn đề cấp thiết của người lao động. Công đoàn tham gia giám sát việc thực hiện chế độ chính sách lương, thưởng Tết đối với người lao động; nhiều doanh nghiệp thực hiện thưởng lương tháng 13 và phối hợp với Công đoàn cơ sở tổ chức tặng quà, mỗi suất từ 300.000 đồng - 1.000.000 đồng nhằm hỗ trợ kịp thời để người lao động có điều kiện vui xuân đón Tết.
Theo ông Lê Văn Đại, để đồng hành với người lao động trong thời gian đến, Công đoàn sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện các kế hoạch đã đề ra trong chương trình công tác đầu năm. Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố đã đăng ký với Thành ủy thêm ba nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có tiếp tục truyền thông, tuyên truyền tập huấn cho người lao động về chuyển đổi số; đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho người lao động, trước mắt tổ chức thí điểm 10 lớp chuyển đổi ngành nghề với người lao động lớn tuổi, không còn đáp ứng nhu cầu tại vị trí việc làm hiện tại; tiếp tục triển khai gói hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động; tham gia vào các hội đồng để bố trí nhà ở cho công nhân tại KCN Hoà Cầm, tham gia góp ý để hoàn thiện pháp luật liên quan đến nhà ở, Luật BHXH sửa đổi sắp đến.
Với sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo thành phố, các cơ quan ban, ngành, các chủ doanh nghiệp, tổ chức xã hội, đời sống công nhân đã và đang đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn như hiện nay, công tác chăm lo, hỗ trợ cho công nhân cần được đẩy mạnh hơn, thiết thực hơn để công nhân lao động yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những người thực hiện: PHƯƠNG MINH - THU DUYÊN - XUÂN HẬU - QUỐC CƯỜNG - QUANG THẢO