Emagazine

Multimedia - Sống lại ký ức anh hùng…

21:25, 29/03/2024 (GMT+7)

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thôn Hồng Phước được xây dựng thành căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước. Cả thôn có 64 nhà dân đều là cơ sở cách mạng, hoạt động ngay trong lòng địch với hệ thống 46 căn hầm nuôi giấu cán bộ lãnh đạo, bộ đội, du kích, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

 

Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) được Ban cán sự Đà Nẵng xây dựng từ năm 1960, dựa trên các gia đình cơ sở mật của ta tại Hồng Phước.

Địa hình, vị trí của B1 Hồng Phước rất thuận lợi để xây dựng căn cứ lõm cách mạng. Nhưng những yếu tố đó chưa đủ để xây dựng một căn cứ lõm cách mạng có thể hoạt động suốt 15 năm giữa “tứ bề là địch” mà chưa từng bị lộ, điều quan trọng nhất vẫn là lòng dân.

Từng tham gia xây dựng Hồng Phước trở thành căn cứ lõm cách mạng, đồng thời là một cán bộ, chỉ huy đánh địch nhiều trận và cũng từng được nhân dân Hồng Phước nuôi giấu, ông Phan Văn Tải, nguyên Quận ủy viên, Quận đội phó Quận Nhì cho biết, tính ra cứ một người dân Hòa Khánh thì có đến bảy lính Mỹ (chưa kể lính ngụy). Tuy nhiên, dù quân số đông, vũ khí hiện đại, hoạt động quân sự, tình báo, gián điệp, chỉ điểm dồn dập nhưng địch vẫn không hay biết có một căn cứ lõm của ta nằm giữa hệ thống đồn bốt của chúng.

Trong suốt 15 năm (1960-1975), giữa “tứ bề là địch”, nhân dân thôn Hồng Phước đã nuôi giấu, che chở cho nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương Quảng Đà, Hòa Vang, Đà Nẵng mà tên tuổi của họ đã ghi vào lịch sử Đảng bộ địa phương như: Đồng chí Tăng Ngọc Phương, đồng chí Lê Thị Tính, đồng chí Đặng Đình Vân, đồng chí Hồ Phúc Ngôn,…

Vượt qua sự mua chuộc, sự đàn áp dã man, sự kìm kẹp gay gắt của địch, với tinh thần yêu nước sâu sắc, những người nông dân chân chất ấy vẫn một lòng một dạ hướng về cách mạng, âm thầm hoạt động trong lòng địch.

Nhiều gia đình ở Hồng Phước dù thiếu thốn nhưng vẫn lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho cán bộ, bộ đội, du kích về hoạt động. Đêm đến, các cán bộ phải lên hầm bí mật đi hoạt động, các mẹ, các chị phải thức trắng đêm cảnh giới, chờ các đồng chí về xuống hầm để đậy nắp hầm, xoá dấu vết rồi mới ngủ.

Cùng với những căn hầm bí mật là những ngọn đèn tín hiệu ở nhà bà Phạm Thị Dĩ, Nguyễn Thị Liên,…Tiêu biểu là nhà bà Phạm Thị Dĩ với hình ảnh “ngọn đèn đứng gác”, hằng đêm vẫn đều đặn phát tín hiệu cho cán bộ, chiến sĩ từ căn cứ về hoạt động. Tín hiệu được quy định như sau: Đèn treo trong nhà hoặc treo trong nhà và đóng cửa lại thì không an toàn. Đèn treo ở khám thờ ngoài ngõ là tín hiệu không có địch, quân ta có thể xuống.
 

Trong tất cả các trận đánh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân căn cứ B1 Hồng Phước là lực lượng tham gia dẫn đường, trinh sát, nắm tình hình địch, bảo đảm cơm nước phục vụ bộ đội, du kích, tham gia chiến đấu, vận chuyển lương thực, vũ khí, thương binh, chôn cất liệt sĩ. Những chiến công tuy thầm lặng nhưng nếu không có họ, sẽ không có những chiến thắng về sau.

Sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông Dương Thành Thị, nguyên Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, con của mẹ Phạm Thị Dĩ (một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên và cốt cán tại Hồng Phước) đã tham gia cách mạng, cùng mẹ nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ từ lúc chỉ mới 12 tuổi.

Tháng 8-1973, trong trận đánh và tiêu hủy kho gạo Hòa Khánh của địch nhằm cắt nguồn lương thực của địch chi viện cho các chiến trường ở các tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên, ông Thị nhận nhiệm vụ dắt trâu đi ăn, tiếp cận kho gạo, vẽ sơ đồ để quân ta nắm được tình hình của địch. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, qua đó góp phần vào sự thành công của trận đánh này.
 


 

 

 

Sau ngày giải phóng Huế, địch tập trung lực lượng về cố thủ Đà Nẵng. Đòn đánh vào Đà Nẵng thắng lợi sẽ báo hiệu sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ Sài Gòn. Trong bối cảnh đó, căn cứ lõm B1 Hồng Phước càng trở nên quan trọng.

Các đồng chí lãnh đạo Quận ủy, Quận đội Quận Nhì - Đà Nẵng và Khu I - Hòa Vang về đứng chân tại Hồng Phước để chỉ đạo các lực lượng cách mạng kịp thời giải phóng quê hương và phối hợp tiến công, nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Đúng 8 giờ 30 phút ngày 29-3-1975, khi bộ đội chủ lực của ta đã tiến vào Nam Ô, Xuân Thiều, lực lượng vũ trang và nhân dân B1 Hồng Phước đã nổi dậy làm chủ, chiếm Hội đồng xã Hòa Khánh và kho gạo Xuân Thiều.

49 năm trôi qua, ông Thị vẫn chưa quên giây phút đầy thiêng liêng và tự hào khi cùng đồng chí Phạm Đình Khôi hạ cờ của địch và treo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam lên tại Hội đồng ngụy quyền xã Hòa Khánh. Đây là lá cờ đầu tiên của ta được kéo lên cột cờ tại một cơ quan ngụy quyền trong ngày giải phóng thành phố. Và cũng bắt đầu từ giây phút này, nhân dân Hồng Phước đã khép lại một thời kỳ kháng Mỹ, cứu nước đầy vẻ vang.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Hồng Phước đóng vai trò rất quan trọng trong tạo dựng các cơ sở cách mạng để phục vụ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc.

Ông cho biết, Hồng Phước là một cứ điểm, một cơ sở hai của Quận Nhì. Nơi đây không chỉ phục vụ cho sự đi lại, lui tới, trú ẩn của cán bộ cách mạng hoạt động khu vực Hòa Vang mà còn chủ yếu là để phục vụ cho cán bộ hoạt động nội thành Đà Nẵng, trong đó khu vực Quận Nhì thuận lợi nhất. B1 Hồng Phước đã nỗ lực để bảo đảm độ an toàn cao nhất cho các chiến sĩ cách mạng qua các sáng kiến như ngọn đèn đứng gác, cách đào hầm công phu và sáng tạo,..

“Với lòng kiên trung, với những đóng góp thầm lặng mà to lớn, B1 Hồng Phước xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng”, ông Tiếng khẳng định.

 

 

Sau khi thống nhất đất nước, nhân dân Hồng Phước tập trung phát triển kinh tế, chung tay xây dựng quê hương đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn. Nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ được Đảng và Nhà nước cho đi dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và bố trí vào việc làm, trở thành cán bộ, công chức, công tác tại các cơ quan, đơn vị.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ của quê hương Hồng Phước hoặc từng sống và chiến đấu trên quê hương Hồng Phước được Đảng và Nhà nước khen thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý.
 

Khi thành phố có chủ trương phát triển đô thị, dù nặng ân tình với quê xưa làng cũ nhưng đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, nhân dân Hồng Phước đã đồng thuận di dời đến nơi ở mới, nhường đất để thành phố phát triển đô thị.

Hồng Phước hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới với những con đường bê tông chạy dài tít tắp, những ngôi nhà nhiều tầng, những nhà máy rộng lớn cùng hệ thống đèn đường chiếu sáng khắp nơi.

Từng tham gia nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cùng với mẹ mình là bà Nguyễn Thị Liên, Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Hòa Khánh (Hòa Vang), bà Lê Thị Xá là một trong số ít những người vẫn chọn ở lại khu tái định cư Hồng Phước.

Sau ngày đất nước hòa bình, hoàn thành vai trò giao liên, bà Xá xin làm công nhân may. Khi không còn đủ sức khỏe, với những đóng góp của mình cho cách mạng, bà được hướng dẫn làm hồ sơ nghỉ hưu. Hiện nay, mỗi tháng, bà Xá được nhận chế độ khoảng 3 triệu/tháng.

Bà Xá có 3 người con trai, hai trong số đó hiện đang làm việc trong quân đội, tiếp nối những giá trị tốt đẹp của gia đình.

“Tôi tự hào về mẹ mình. Tự hào khi là một người con của Hồng Phước. Tôi hy vọng, những thế hệ trẻ sau này sẽ gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ trước bằng cách trở thành những người tốt, có ích cho xã hội”, bà Lê Thị Xá.
 

 

Trong quá trình quy hoạch đô thị, để lưu giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương Hồng Phước, ngày 11-3-2016, UBND thành phố đã xây dựng Đài bia và Khu di tích lịch sử cách mạng B1 Hồng Phước trên diện tích đất 2.700 m2, ngay trên phần đất của gia đình bà Phạm Thị Dĩ ngày trước.

Sau đúng một năm xây dựng, công trình Khu tưởng niệm Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước đã hoàn thành, đi vào hoạt động từ tháng 3-2017. Năm 2019, công trình được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố.

Từ khi thành lập đến nay, Khu tưởng niệm B1 Hồng Phước đã đón hàng chục nghìn lượt khách đến dâng hương, tham quan, tìm hiểu về lịch sử. Trong đó, có các đoàn khách du lịch, nhà nghiên cứu lịch sử và phần lớn là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.

Với những giá trị lịch sử của mình, B1 Hồng Phước dần trở thành một địa chỉ đỏ quan trọng trong việc giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ mai sau.

 

Vừa qua, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức chuỗi hoạt động “Hành trình tìm về địa chỉ đỏ 2024” với sự tham gia của sinh viên và các em học sinh đến từ CLB Kỹ năng 3N (Trường THPT Ngũ Hành Sơn).

Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Bách Khoa Nguyễn Hoàng Trung Hiếu chia sẻ, qua hoạt động lần này, Đoàn trường mong muốn giới thiệu cho các bạn sinh viên đến từ mọi miền đất nước biết về lịch sử vẻ vang tại nơi mình đang theo học. Từ đó, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, khơi dậy trong đoàn viên truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tạo động lực mạnh mẽ cho thanh niên ra sức học tập, cống hiến, mang sức trẻ, trí tuệ và lòng nhiệt huyết góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp.

Để góp phần phát huy giá trị của Khu di tích căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, năm 2022, Đoàn phường Hòa Khánh Bắc đã số hóa địa chỉ đỏ, khách tham quan có thể dùng điện thoại quét mã QR để tìm hiểu toàn bộ thông tin bằng chữ và video về di tích này.

Nhìn về những chiến công và sự hy sinh của thế hệ trước, anh Nguyễn Hoàng Thắng, Bí thư Đoàn phường Hòa Khánh Bắc cho biết, Khu tưởng niệm căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước là một địa chỉ đỏ đầy tự hào đối với tuổi trẻ của phường.

Cuộc chiến đã lùi xa nhưng những trang sử về một thời kháng Mỹ, cứu nước đầy hào hùng của nhân dân Hồng Phước sẽ còn vang mãi trong lòng những thế hệ mai sau.

 

.